Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những trang sử vẻ vang và có ý nghĩa to lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Thắng lợi này không chỉ là một dấu son lịch sử, mà cho đến nay vẫn là nguồn cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ quyền của các dân tộc, đồng thời tạo xung lực mạnh mẽ cho phong trào cách mạng trên toàn thế giới.

Ông Pallab Sengupta, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách đối ngoại của Đảng Cộng sản Ấn Độ, Chủ tịch Tổ chức Đoàn kết toàn Ấn Độ (AIPSO), Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới.
Chiến thắng của quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia
Ông Pallab Sengupta, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách đối ngoại của Đảng Cộng sản Ấn Độ, Chủ tịch Tổ chức Đoàn kết toàn Ấn Độ (AIPSO), Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, là người có tình cảm đặc biệt với đất nước Việt Nam.
Suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị nào, ông Pallab Sengupta đều ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian hoạt động với tư cách là lãnh đạo của các tổ chức sinh viên và thanh niên quốc tế, ông Pallab Sengupta đã có nhiều nỗ lực và cố gắng để giúp đỡ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về ý nghĩa của chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông cho rằng, năm 2025 - năm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam Việt Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), là dấu mốc quan trọng và cũng là dịp nhìn nhận về sự kiên cường, đoàn kết và tiến bộ của Việt Nam trong năm thập kỷ qua, thực hiện ước mơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam thống nhất.
Theo ông Pallab Sengupta, Chiến thắng 30/4 của quân và dân Việt Nam báo hiệu sự kết thúc của một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ để giành độc lập và thống nhất đất nước. Thắng lợi này là đỉnh cao của nhiều thập kỷ kháng chiến chống lại các lực lượng thực dân và đế quốc, được dẫn dắt bởi sự quyết tâm và hy sinh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này không chỉ định hình lại Việt Nam mà còn để lại tác động lâu dài đến lịch sử toàn cầu, tượng trưng cho chiến thắng của quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia.

Ông Pallab Sengupta (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới diễn ra vào tháng 11/2022 tại Hà Nội.
Đánh giá về sự phát triển của Việt Nam sau 50 năm kể từ ngày độc lập, thống nhất đất nước, ông Pallab Sengupta cho rằng, kể từ khi thống nhất, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong việc tái thiết và phát triển đất nước. Đất nước đã chuyển đổi từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Với những cải cách kinh tế đáng kể, đặc biệt là chính sách Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra vào năm 1986, đất nước đã chấp nhận cải cách theo định hướng thị trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu nhanh chóng. Ngày nay, Việt Nam được công nhận về các ngành công nghiệp phát triển mạnh, cơ sở hạ tầng vững chắc và những thành tựu ấn tượng về công nghệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy hòa bình và quan hệ ngoại giao. Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác bền chặt với các quốc gia trên toàn thế giới và đã trở thành một thành viên tích cực và được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế. Tổ chức các sự kiện toàn cầu, tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình và đóng góp vào sự ổn định khu vực làm nổi bật vai trò của Việt Nam với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm và có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
“Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước không chỉ là thời điểm thể hiện niềm tự hào dân tộc mà còn là dịp để tôn vinh những người đã có đóng góp cho nền độc lập của Việt Nam. Những hy sinh của vô số người lính, nhà lãnh đạo, công dân đã chiến đấu không mệt mỏi vì đoàn kết dân tộc sẽ luôn được ghi nhớ. Lễ kỷ niệm này cũng là cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa của chiến thắng này và tầm quan trọng của việc giữ gìn chủ quyền và thống nhất quốc gia”, ông Pallab Sengupta nhấn mạnh.
Chia sẻ về các phong trào ủng hộ, đoàn kết của sinh viên và nhân dân Ấn Độ trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, ông Pallab Sengupta cho biết: Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đặc biệt thân thiện kể từ khi Thủ tướng Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền tảng. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam có nguồn gốc lịch sử trong cuộc đấu tranh chung để giải phóng khỏi ách thống trị nước ngoài và đấu tranh giành độc lập dân tộc. Để truyền bá di sản đó, trong các trường đại học và giới trí thức Ấn Độ, sinh viên đã tổ chức các cuộc biểu tình và chiến dịch nâng cao nhận thức để chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và ủng hộ quyền tự quyết của Việt Nam.
Các khẩu hiệu "Tên tôi, Tên của bạn-Việt Nam, Việt Nam" và "Hồ Chí Minh-Chúng ta sẽ chiến đấu, chúng ta sẽ chiến thắng" là những khẩu hiệu rất phổ biến thời bấy giờ, và mọi cơ sở giáo dục đều trở thành trung tâm đoàn kết cho Việt Nam. Tình đoàn kết này không chỉ phản ánh cam kết lịch sử của Ấn Độ đối với các cuộc đấu tranh chống thực dân mà còn là biểu hiện của tình hữu nghị sâu sắc giữa hai nước Ấn Độ và Việt Nam. Ngay cả ngày nay, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lịch sử đấu tranh chung chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, khi Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước với nhiều hoạt động diễu binh, diễu hành, triển lãm, giáo dục... trên phạm vi cả nước. Những hoạt động này không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn truyền cảm hứng cho tầm nhìn về một tương lai thịnh vượng. Tinh thần đoàn kết và kiên cường đã khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng tiếp tục dẫn dắt Việt Nam hướng tới những thành tựu lớn hơn trong thế kỷ 21.
Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam Việt Nam và thống nhất đất nước là dịp trọng đại củng cố hành trình kiên trì, phát triển và hòa bình của Việt Nam. Đó là minh chứng cho ý chí bất khuất của nhân dân Việt Nam, đã biến khó khăn thành tiến bộ. Khi Việt Nam nhìn về phía trước, Việt Nam vẫn cam kết tăng trưởng, hài hòa và các giá trị lâu dài của độc lập và thống nhất xác định lịch sử và tương lai của mình.
Ông Pallab Sengupta, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách đối ngoại của Đảng Cộng sản Ấn Độ
|
Tạo xung lực mạnh mẽ cho phong trào cách mạng trên toàn thế giới
Đó là khẳng định của ông Fredesmán Turró González - nguyên là Đại sứ Cuba tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam.

Ông Fredesmán Turró González - nguyên là Đại sứ Cuba tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam.
Ông Fredesmán Turró González là một trong 10 sinh viên xuất sắc đầu tiên của Cuba được cử sang học tập tại Việt Nam vào năm 1968. Ông học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong thời gian học tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông Fredesmán Turró González được các thầy cô giáo đặt cho tên Việt Nam là “đồng chí Hùng” và cái tên này đã theo ông suốt 25 năm sống và làm việc tại Việt Nam với cương vị là cán bộ phiên dịch Đại sứ quán Cuba và sau này là Đại sứ Cuba tại Việt Nam.
Ông Fredesmán Turró González chia sẻ, trong thời gian học tập tại Việt Nam, vào tháng 5/1969, ông đã được tham gia lễ mít-tinh kỷ niệm 15 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và được gặp Bác Hồ. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông. Tháng 8/1971, sau khi bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp (hệ Cao đẳng), ông chính thức trở thành cán bộ Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, với nhiệm vụ phiên dịch chính và tùy viên ngoại giao phụ trách báo chí. Và sau này, với việc sử dụng thành thạo tiếng Việt Nam, ông Fredesmán Turró González đã trở thành Đại sứ Cuba tại Việt Nam liên tục nhiều nhiệm kỳ.
Là người được chứng kiến những thời khắc cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam, ông Fredesmán Turró González rất thấu hiểu ý nghĩa của Chiến thắng 30/4. Ông cho rằng, Chiến thắng 30/4 là một trong những trang sử vẻ vang và có ý nghĩa to lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Chiến thắng này là biểu hiện sinh động của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và ý chí kiên cường của cả một dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ quyền quốc gia, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, được đúc kết trong câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Sau những năm dài đấu tranh đầy anh dũng và hy sinh, chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 đã đánh dấu sự giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam và mở ra con đường đi đến thống nhất đất nước như bao thế hệ đã hằng mong mỏi.

Ông Fredesmán Turró González đến thăm và làm việc với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội nhân dịp quay trở lại Việt Nam năm 2024.
Theo ông Fredesmán Turró González, Chiến thắng 30/4 của quân và dân Việt Nam không chỉ là một dấu son lịch sử, mà cho đến nay vẫn là nguồn cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ quyền của các dân tộc; đồng thời tạo xung lực mạnh mẽ cho phong trào cách mạng trên toàn thế giới.
Chiến thắng này còn cho thấy rằng, một dân tộc dù nhỏ bé và nghèo khó, nhưng khi đã quyết tâm đấu tranh giành độc lập và chủ quyền, thì có thể đánh bại bất kỳ kẻ thù nào. Chiến thắng ấy cũng minh chứng cho tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, sự cần thiết của việc kết hợp hài hòa giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị-ngoại giao, cũng như việc thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đoàn kết quốc tế ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa.
Nguồn: https://nhandan.vn/