KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 25/04/2019 - Lượt xem: 158
Chuyến tầu cuối cùng

      Bóng chiều khuất dần sau lùm cây, những tia nắng vàng nhạt cuối thu vắt qua ô cửa sổ. Sân ga tàu vắng lặng, chỉ còn tiếng lách tách của mấy chú chim đang gọi nhau tìm về tổ buổi chiều tà. Bà Thanh ngồi đó đôi mắt nhìn xa xăm, lặng lẽ như luyến tiếc hay chờ mong một điều gì đó.

         - Bà Thanh ơi, chuyến cuối rồi, chúng cháu đi nhé!
       Giọng anh nhân viên sân ga văng vẳng bên tai bà, bóng đoàn tàu hút dần sau nhà ga. Bà vẫn ngồi đó, mơ hồ nhìn luống hoa cải rồi chợt thở dài một hồi. Có lẽ cũng ngót năm mươi năm rồi. Chính nơi này đây hoa cải trải dài một màu vàng tươi mới, lòng bà bâng khuâng, quá khứ lại ùa về, bà giật mình đưa tay “vẫy vẫy”.
        Bà quên sao những ngày thơ ấu, cậu bé da đen có biệt hiệu là “con lai” luôn là đề tài trêu chọc của đám trẻ con trong làng. Người đàn bà quá cố tên Lành một thời đã làm không ít những chàng trai trong thôn phải điêu đứng vì sắc đẹp tựa đóa sen của bà. Vào năm 1960 một lần chạy loạn về vùng núi tá túc cùng gia đình, buổi chiều bà phải đi cắt cỏ phụ giúp gia đình, nơi cắt cỏ cách nhà khá xa,  gần trại lính Mỹ đóng quân, không may đã bị một tên lính để mắt đến rồi giở trò hãm hiếp. Đột ngột bị khống chế từ phía sau người phụ nữ yếu đuối, không thể chống cự lại tấm thân đồ sộ của Hắn và rồi bà đã mang thai. Kể từ ngày đó, chuỗi ngày tháng tối tăm ập xuống gia đình bà, cả những lời đàm tiếu, những câu nói mỉa mai luôn đeo đẳng. Đúng thật, phận “Hồng nhan bạc mệnh” câu nói quả không sai cho số kém may mắn của cô thôn nữ. Cha mẹ cay đắng đành phải để bà sinh con, rồi cố tìm cho bà một tấm chồng để đứa nhỏ sinh ra còn có cha, có mái ấm gia đình trọn vẹn. Quyết rồi, ông bà cũng nhờ mai mối con gái cho người đàn ông tên Dũng biệt danh là Dũng thọt, nhà ở làng kế bên. Ông Dũng khá hiền lành và chất phác, nhưng không may, một bên chân của ông bị trúng đạn trong trận càn của địch. Ông trở về với cơ thể không được lành lặn. Trong làng đám con gái mới lớn rỉ tai nhau, bĩu môi chê ông là “chấm phẩy”… Cứ thế ông gác lại chuyện lấy vợ sang một bên để lo làm ăn, chăm sóc bố mẹ già. Thế rồi cảm thương người con gái hiền lành, nết na, xinh đẹp, ông Dũng đã bước qua mọi định kiến, ông hỏi và lấy bà Lành làm vợ. Sau kết hôn, dân làng hùa nhau chỉ chỏ, đàm tiếu dị nghị rằng “Thằng ăn ốc thằng đổ vỏ”. Phớt lờ lời ong tiếng ve, bố mẹ ông chỉ tặc lưỡi “Cá vào ao ai người ấy được”.
      Cậu Kiên ra đời cùng với nước da đen, cộng thêm mái tóc xoăn thì những miệng lưỡi càng được thể thêu dệt hơn bao giờ hết. Bà Lành chỉ biết khóc thương con, thương cho chính số phận mình, thật nghiệt ngã. Rồi Kiên cũng lớn  lên trong sự yêu thương của gia đình. Ngày cậu vào lớp 1, cũng như bao đứa trẻ khác, Kiên đến lớp với tâm trạng vui tươi háo hức và mong chờ. Tuy nhiên, mọi tồi tệ xảy ra với cậu. Các bạn trong lớp không những không chơi cùng mà còn ném đồ đạc, sách vở của Kiên ra khỏi lớp cùng những câu nói mỉa mai, trêu chọc cay nghiệt “Thằng con lai”. Kiên nhặt đồ rồi lầm lũi bỏ về trong sự cô đơn, buồn tủi. Về đến nhà, Kiên nức nở với mẹ.“Các bạn trong lớp gọi con là thằng Mỹ lai, không ai chịu chơi với con, các bạn còn ném sách vở của con. Con không đi học nữa đâu”. Những ngày sau đó Kiên nhất quyết không tới lớp nữa, bà Lành thương con cũng đành nuốt nước mắt vào trong.
      May sao, con bác Năm trưởng thôn, cô bé kháu khỉnh lại ngoan ngoãn tên Thanh học cùng lớp, thấy Kiên hay bị các bạn châm chọc nên thương cảm và rất bất bình với các bạn, đôi khi cũng bị đánh oan vì bênh Kiên. Rồi chẳng biết từ bao giờ hai đứa lại trở thành đôi bạn thân và Thanh cũng đã rủ được Kiên đi học trở lại. Cùng học bài, rồi rủ nhau đi chăn trâu cắt cỏ, những tiếng gọi nhau ý ới, tiếng chơi khăng canh cách ngoài ngõ, tiếng nô đùa, tranh cãi đáp số của những bài toán đã hằn lên một tuổi thơ trong sáng của hai đứa trẻ.
       Thời gian lặng lẽ trôi qua, thấm thoắt đôi bạn thân đã vào phổ thông trung học. Tuổi trăng rằm, đầy hoài bão, Thanh và Kiên gắn bó đến mức mẹ Thanh diễu hai đứa, “Chúng bay! ông trời sinh ra chỉ để cho nhau vậy”. Những mộng mơ, những hoài niệm, suy nghĩ non nớt cùng với thứ tình cảm thẩm thấu theo thời gian, đan sen tình bạn, tình yêu, lòng biết ơn, đã làm cho cậu bé Lai hồi nào biết rung động trước cô bạn gái thôn quê thuần khiết... Đón nhận tình cảm ngọt ngào một cách tự nhiên. Cả hai đã cùng nắm tay đi trên những con đường làng, cùng tô vẽ lên ước mơ, hoài bão của tuổi thanh xuân. Hai con người, hai trái tim dần hòa làm một nhịp. Phải chăng, ông trời như đã ban cho họ thứ tình yêu tuyệt đẹp của tuổi trẻ và thơ mộng đến nhường nào.
     Vậy mà thấm thoắt đã mấy chục năm rồi. Hôm nay, một buổi chiều dìu dịu cuối thu, bà Thanh ngồi đó, trước mặt là dòng sông hắt lên hơi nước se se lạnh. Bà đăm chiêu nhìn bên vạt hoa cải trổ vàng cạnh nhà, những chú gà con đang chiếp chiếp gọi mẹ, chú chó Lu nhà bà đã ngót chục tuổi, nó gầy quá, chẳng buồn đứng dậy.“Tối nay lại 8h nhé!”.Tiếng bà Tư hàng xóm kế bên gọi hẹn bà Thanh cùng mấy già trong xóm rủ ra chùa tụng kinh. Chính việc thanh tịnh đó mà bà Thanh không bao giờ sát sinh, bà đã ăn chay nhiều năm nay. Con gà, con chó bà có nuôi chỉ để vui cửa vui nhà, hoặc bà cho hàng xóm, hay chúng bệnh mà chết chứ nhất định bà không thịt.
       Các con của Bà giờ đã yên bề gia thất, đóng đô hết trên thành phố, cách nhà vài chục ki lô mét. Chúng đã nhiều lần mời bà lên ở cùng để tiện việc chăm sóc, nhưng bà không đi, bà không muốn cuộc sống ồn ào nơi đô thị, phần vì cũng tiện bà còn hương hỏa cho người chồng quá cố, bà thường nói vậy với con cháu. Nhưng chính bà muốn sống tĩnh tại nơi những kỷ niệm mà chỉ có bà mới cắt nghĩa nổi, những ký ức trong quá khứ. Bà còn nhớ mới ngày nào cũng chính nơi bà ngồi đây, cạnh sân ga, người đàn ông tên Kiên của bà đã lên chuyến tàu cuối ngày quyết đi tìm cha nơi xứ người, đất Mỹ.
Chờ anh nhé, anh sẽ quay lại khi tìm được cha. Chờ anh, anh nhất định sẽ quay về với em!
       Câu nói của Kiên vẫn vọng lại trong đầu bà. Phải chăng chính câu nói đó đã tạo cho bà một động lực, một niềm tin mãnh liệt cho ngày anh trở về. Đến tận lúc này đây bà vẫn không quên được cảm giác xa người mình yêu, nó day dứt và khủng khiếp đến mụ vượng. Bà vật lộn với những nhớ nhung, những dằng xé, những lời hứa ngày trở về. Bà Thanh vẫn luôn đợi ngày đó, vẫn luôn nuôi hy vọng ông Kiên sẽ quay lại tìm bà. Với những suy nghĩ và niềm tin vào tình yêu bà đã tự làm lỡ nhiều chuyến đò cho cuộc đời mình. Bà càng đợi càng trở lên vô vọng hơn bao giờ hết. Thế rồi bà cũng đành quên đi những quá khứ đẹp và bằng lòng với hạnh phúc bên người chồng hiền với những đứa con đủ nếp, tẻ.
       Mùa hoa cải năm nay nở rộ trải dài cả cánh đồng chỉ toàn một màu vàng,  màu hoa chói chang như ánh mặt trời vậy. Nhà bà Thanh hôm nay đông vui nhộn nhịp hẳn lên. Có lẽ con cháu bà cũng có linh cảm chăng? đoàn khách từ nước Mỹ trở về quê hương ghé thăm gia đình bà. Thật bất ngờ, bà Thanh vui vẻ hơn mọi hôm. Lan một cô gái có khuôn mặt khá xinh pha chút lai tây với giọng nói còn chưa sõi. Ôm bà thật chặt giọng run run “Ông con viết cuốn nhật ký này đã hơn 50 năm, chúng đã ngả màu vàng, nét mực cũng bị nhoen đi dần theo năm tháng. Ngoại dặn con, khi nào có dịp về Việt Nam hãy ghé thăm địa chỉ này và trao tận tay cho bà cuốn nhật ký đó. Ông con chỉ xin được bà thứ lỗi cho ông chuyện năm xưa, cho đến bây giờ bà vẫn là người mà ngoại con yêu quý nhất”.
       Cơn gió mùa thu thoảng qua làm bay mấy sợi tóc bạc để lộ rõ đôi mắt to sâu thẳm của thời con gái vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt khả ái ngày nào. Bà thấy bất ngờ quá. Có lẽ lúc này đây, sâu thẳm trong chính đáy lòng bà, bà thật sự hạnh phúc.
        - Ông con thành thật xin lỗi bà!
        Giọng nói của cô cháu gái tên Lan một lần nữa lại vang lên, bà Thanh sực tỉnh. “Khi bay về đất Mỹ tìm cha, ngoại con đã bị tai nạn nằm viện và sống thực vật mất 2 năm trời. May được sự giúp đỡ của cô y tá năm đó cũng là bà của con nên ngoại đã cảm động trước tấm lòng tốt và 2 người lên duyên vợ chồng”.
      - Chính vụ tai nạn ngày đó đã làm ngoại thành người tàn tật bấy nhiêu năm.
 Nghe những lời nói của cô cháu, bà Thanh như xé lòng mà thảng thốt:
- Vậy bây giờ ông ấy sao rồi? Ông ấy đâu?
Cô bé trả lời mà giọng như nghẹn lại:
- Dạ, ông con đã…“Giọng cô khựng lại và dọt nước mắt năn dài trên bờ mi của cô đã làm không khí trở nên u buồn và xúc động”… đã mất được gần một năm rồi bà ạ. Hai người đàn bà xa lạ bỗng ôm chầm lấy nhau khóc tức tưởi.
 Bà Thanh như lặng người đi. Bà vẫn chưa thể tin nổi rằng ông Kiên cậu da đen ngày nào đã về với tổ tiên đất Mỹ....
Dòng sông hôm nay bình yên hơn mọi hôm, cái nắng cũng dìu dịu, lòng bà như mối tơ vò bỗng trở lên thanh tịnh, đám con cháu cũng đã hiểu những lý do khiến bà vui tuổi già nơi đây, nơi có dòng sông hiền hòa thơ mộng và những chuyến tàu đi trong đêm. Rồi đây chuyến tàu ngày hôm nay đã là chuyến cuối chưa nhỉ? Và chỉ có trái tim của bà mới thấu hiểu được.
Phạm Lưu
Theo Báo Hưng Yên hằng tháng
 
 
 
 
 

 

Tin liên quan