KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 24/10/2017 - Lượt xem: 240
Chuyện về những người "nhập thánh"

  Trước khi vào nhà thầy, chị Vân vẫn nghi ngại đưa ánh mắt về phía tôi, thì thầm nhưng kiên quyết: Chú làm gì thì làm, phải thật khéo léo đấy nhé, thày phật ý không lễ cho chị hôm nay thì hỏng hết việc”. Chị Vân là chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở Gia Lâm (Hà Nội) “theo” thầy Quyết từ năm 1991, hôm nay, chị dẫn hai đứa cháu từ Thanh Hóa ra, đến nhờ thầy “cắt tiền duyên”. Thực ra, nhà tôi chỉ cách nhà thầy Quyết độ mươi cây, nhưng muốn “điền dã” một cách tự nhiên nhất, tôi phải vận động chị Vân để đến như một “con nhang đệ tử” thực sự. Từ đó, có thể nhìn nhận một di sản văn hóa của dân tộc đang được tồn tại trên mảnh đất Hưng Yên một cách khách quan…

1. Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại ở nước ta từ khá lâu đời. Có giả thuyết rằng, nguyên lý Mẹ của nền văn hóa văn minh lúa nước, trọng nông, âm tính như Việt Nam là khởi nguyên của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thờ Mẫu nghĩa là thờ Mẹ, mang ý nghĩa hướng về nguồn cội, là đạo lý biết ơn các đấng sinh thành. Từ việc thờ người mẹ trong gia đình, tín ngưỡng hình thành đã mở rộng ra việc thờ người mẹ dân tộc, thờ mẹ thiên nhiên, đó là mẹ Trời, mẹ Đất, mẹ Nước và mẹ Rừng núi…

Với sự dung dị, gần gũi với dân gian, tín ngưỡng thờ Mẫu đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Không tính đến các miếu, điện, phủ được mở tại tư gia nhiều người, hầu như bất kỳ ngôi chùa nào ở Bắc bộ, ta cũng bắt gặp mô-típ “tiền Phật, hậu Thánh” hay “tiền Phật hậu Mẫu” mà ở đó, cùng với Tam bảo (Phật bảo, pháp bảo, tăng bảo), thì hệ thống thần điện và nghi thức hành lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được đưa vào hoạt động.

Sau một thời gian dài bị quên lãng, thậm chí bị nhìn nhận một cách thiếu thiện cảm, thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu dần được nhìn nhận lại như một di sản cần được bảo vệ. “Nó đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành tín ngưỡng này. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Bên cạnh đó, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Khi di sản này này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng”. Với những đánh giá như thế, sau nhiều phiên thảo luận, ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng cao hơn cả, ý nghĩa của việc tôn vinh này lại như đại diện Việt Nam tại Liên hiệp quốc, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói, đó là: “Lần đầu tiên UNESCO đã tôn vinh người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh Thánh Mẫu”…

 

Bà Dương Thị Xuân trên trang đầu báo Pháp ngày 20/7/2014
 

2- “Báu vật nhân văn sống”

Nhân vật chính làm nên di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là các “ông đồng, bà bóng”, gọi chung là các thanh đồng. Ấy thế nhưng, dù tín ngưỡng đã được tôn vinh, dù đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vinh danh là Nghệ nhân dân gian, có nghĩa là, nói theo cách của UNESCO, họ đã chính thức là “Báu vật nhân văn sống” (Living Human Treasures), các thanh đồng tôi gặp vẫn còn một chút gì đó e ngại, mặc cảm.

Với tất cả các thanh đồng, việc đi theo nghiệp hầu đồng, đều do “căn quả”, ấy là họ nói vậy, chứ qua tìm hiểu, tôi thấy rằng, đa số người trong họ, đều ảnh hưởng phần lớn từ yếu tố gia đình. Thanh đồng Dương Thị Đông (còn gọi là Dương Thị Phương Đông, hiện ở thị trấn Bần, Mỹ Hào) có mẹ là cụ cựu đồng thầy Trần Thị Mười, thủ nhang đền Thiên Hậu (thành phố Hưng Yên), thanh đồng Vũ Đức Quyết (thôn Mễ Thượng, xã Yên Phú, Yên Mỹ) có bà bác dâu là cựu đồng thày Vũ Thị Chu… Và, xu hướng cho một người tham gia thế giới huyền ảo ấy, đã hình thành từ thời thơ ấu: “Chấm đồng từ thuở mười ba/ đến năm mười bảy phải ra nhận đồng”. Có lẽ, chính hình thức diễn xướng đầy chất mê đắm các đồng thầy đã tạo ra ký ức tuổi thơ, để từ niềm say mê nghệ thuật dân gian ấy, niềm tin vào tín ngưỡng mới có cơ hội nảy nở trong tâm tưởng của các đồng sinh.Thanh đồng Thảnh ở Thôn Phán Thuỷ, xã Song Mai, huyện Kim Động, có bố là hiệu phó trường cấp II, vì vậy ở nhà nhiều sách nên từ nhỏ chỉ thích đọc sách nhất là sách lịch sử, văn học nhất là, ca dao, dân ca, tục ngữ, câu đố, hát ru, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện thần thoại nên thần tích các thánh được hầu, các vị được thờ tại các đình đền chùa trong vùng, là cứ đọc vanh vách. Đồng Thảnh còn được đồng thày Đào Văn Nghiệm là em ruột của ông nội cảm vì có căn số với phật, thánh và yêu thích thơ ca, hát hay, múa dẻo, phù hợp với diễn xướng Chầu văn nên đã cho cho đi theo dự các khóa lễ nhiều năm ở khắp nơi và tôn nhang đội lệnh, trình tứ phủ tại chùa quê từ rất sớm.

Có căn cốt, có niềm say mê nhưng quá trình trưởng thành từ lúc còn là một “đồng sinh” đến lúc trở thành một đồng thầy lại khá gian nan, vất vả.Trong giới thanh đồng, có câu “ba năm thử lính, chín năm thử đồng”, để “đông con nhang, sang hương tử”, ngoài việc có tiềm năng về kinh tế để mở phủ hay “phát lộc” khi nhập đồng, mỗi một thanh đồng lại có một sở trường, sở đoản riêng. Đó là trình độ diễn xướng, khả năng tiên tri hay tài ăn nói thuyết phục người khác. Nhưng không phải chỉ có thế, “đồng sang bóng lịch” lại phải phải hội đủ những kỹ năng hành lễ. Theo cách nói của nhân học văn hóa, đó là những tri thức dân gian, tri thức bản địa. Từ cách trang trí, bao sái điện thờ, cách biện lễ, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, đến thông thuộc về những làn điệu và bản văn hầu thánh. Do là “sứ giả" của các mẫu, các thánh, nên các thanh đồng cũng rất am tường “lí lịch”, hành trạng, công tích và cả tính cách các vị thánh, mẫu. Khi nghe “cậu” Quyết, “cậu” Thảnh, “cô” Đông kể rằng, đã tham dự nhiều hội thảo về các nghi lễ thờ Mẫu tam phủ ở nhiều nơi như ở Phủ Dầy (Nam Định), Tân La (thành phố Hưng Yên)…, tôi ngờ rằng, có chăng, họ chỉ trình diễn minh họa. Đem điều băn khoăn ấy hỏi lại ở đơn vị đồng tổ chức các hội thảo trên, Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Lan Oanh, Trưởng khoa Đào tạo, Viện Văn hóa- Nghệ thuật Việt Nam cười, bảo “Lúc đầu chị cũng nghĩ như em, nhưng nghệ nhân ấy có bài tham luận chất lượng tốt lắm đấy”.

Quả thật, hiếm loại hình diễn xướng nào khi biểu diễn, lại có thể đạt được đến độ “lư hỏa thuần thanh” thăng hoa cực độ như hầu bóng. Tạm bỏ qua cái mà các thanh đồng vẫn gọi là “thánh nhập”, khithực hiện nghi lễ lên đồng, các “nghệ sỹ dân gian” với sự nhập tâm cực độ và sự cộng hưởng của tiếng nhạc, lời văn, tiếng cổ súy xuýt xoa của người đi lễ, đã “hóa thân” thực sự vào “nhân vật” mà mình đang “diễn”. Quá trình ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần trở thành phản xạ có điều kiện, để đến khi đạt trình độ “đăng phong tháo cực”thì khả năng diễn xướng của các thanh đồng là “diễn mà như không diễn”, mọi động tác, ánh nhìn đều phiêu linh thoát tục.Bên cạnh đó, sự bền bỉ, dẻo dai của của thanh đồng cũng thật đáng phải nể phục. Hôm tôi dự lễ ra hè tại Phúc Thủy từ của nghệ nhân Vũ Đức Quyết, ông đã hầu liền một mạch 18 giá đồng. Cũng trong buổi ấy, tâm sự với tôi, những thanh đồng như nghệ nhân Dương Thị Đông, nghệ nhân Đào Ngọc Thảnh nói rằng, họ đều có thể hầu từ 25 đến 36 giá đồng liền. Có nghĩa là, tùy mỗi canh đồng, có thể kéo dài từ 8 đến 12 tiếng đồng hồkhông ngơi nghỉ.

Một giá đồng do nghệ nhân dân gian Vũ Đức Quyết thực hiện

Ít ai biết rằng, để được UNESCOghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, ngoài những thăng trầm qua thời gian, còn có một thời gian dài tự quảng bá mình ra thế giới. Góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá ấy, là các thanh đồng của Hưng Yên. Nghệ nhân dân gian Dương Thị Đông đã từng sang Hàn Quốc giao lưu và tham gia giúp các bạn Hàn thực hiện bộ phim về tín ngưỡng thờ Mẹ của cộng đồng châu Á. Đặc biệt hơn, năm 2014, bà cùng nghệ nhân Vũ Đức Quyết và một số nghệ nhân khác của Nam Định, Hà Nội sang Pháp trình diễn nghi lễ hầu đồng tại Festival văn hóa thế giới lần thứ 41 tại thành phố Gannat. Có môt điều thú vị là, lúc còn ở nhà, những đồng thầy như bà Đông, ông Quyết, ông Thảnh đều có một đội ngũ “trợ lý” hùng hậu, bao gồm cung văn, dàn nhạc và đặc biệt là hai người Cận (hai đồng sinh luôn ở hai bên để trợ giúp thanh đồng). Nhưng do kinh phí hạn hẹp, khi sang Pháp, đoàn đã phải “tinh giản biên chế”, chỉ có một kép đàn đáy kiêm cung văn và hoàn toàn không có Cận. Trong 10 ngày, từ 18/7 đến 28/7/2014, khi biểu diễn, các thanh đồng phải thay phiên nhau làm Cận. Thế nhưng, các tiết mục của đoàn Việt Nam tại Festival vẫn được đón chào nồng nhiệt. Nghệ nhân Vũ Đức Quyết kể, trong những ngày ấy, không chỉ nhân dân thành phố Gannat, mà nghệ nhân các đoàn khác và phóng viên các nước cũng đặc biệt quan tâm đến hầu đồng. Bức ảnh ở đầu trang nhất số đặc biệt báo La Montagne ngày 20/7/2014 chính là ảnh nghệ nhân Dương Thị Đông đang biểu diễn chầu Cô bé.

Các cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Di sản văn hóa nghiên cứu tại phủ của nghệ nhân dân gian Vũ Đức Quyết

Canh hầu đồng ở nhà “cậu” Quyết kết thúc lúc 6 giờ tối. Tôi thực hiện đúng theo lời hứa với chị Vân, không để “cậu” phật ý, đã thế, lại “khai thác” được khá nhiều tư liệu hay. Mang một túi “chiến lợi phẩm” khá to gồm hoa quả, bánh kẹo ra về, tôi vẫn như đang bồng bềnh trong một thế giới khác. Phải chăng, chính sự bồng bềnh này, đã khiến hầu đồng- trong tổng hòa các nghi lễ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, qua bao thăng trầm, từ cấm cản đến di sản, trở thành tâm thức cho rất nhiều người Việt. Nếu như chúng ta biết gạn đi các tiêu cực của nó như đốt vàng mã quá nhiều, tiết kiệm tiền lễ hơn chẳng hạn, thì loại hình nghệ thuật đa ngôn ngữ, vừa mang yếu tố diễn xướng, vừa mang yếu tố tâm linh này sẽ tiếp tục được phát huy tốt theo đúng ý nghĩa mà UNESCO đã công nhận nó, đó là tạo nên mối quan hệ giữa con người và tự nhiên một cách hài hòa, bền vững.

 

Phạm Minh Hoàng

(Theo Báo Hưng Yên)

 

 
Tin liên quan