KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 04/12/2017 - Lượt xem: 202
Còn thơm hương vối bên vườn

Ở quê, đến nhà nhau là cùng nhau thưởng thức hương vị dân dã mà rất mực đậm đà - hương vối. Trong tiếng nói cười râm ran quện cùng hơi nóng bốc lên nghi ngút là thứ vị thật đặc trưng của vối: ngai ngái mà thơm ngọt.

Người ta ai cũng có một miền  quê để nhớ để thương và để tự hào. Riêng tôi, đứa trẻ lớn lên từ gốc rạ bờ tre rồi tung cánh bay xa, lòng yêu nhớ quê lúc nào cũng đau đáu khôn nguôi, lúc nào cũng chung một giấc mơ - về quê cũ! Về quê để được vùi đầu vào lòng bà để hít hà mùi cay nồng của miếng trầu bà ăn dở; được trốn thật sâu trong đống rơm nếp để cho lũ bạn tìm kiếm vô vọng; được xắn quần lên tận vế đùi để cùng chú bì bõm dưới đầm mong đào được cái ngó sen trắng nuột, mỡ màng. Và về quê để được cùng bọn bạn thời chăn trâu cắt cỏ dầm mưa chơi trò nhào đất như người lớn bằng đám bùn đất nhão nhoẹt bên gò Ba Sào…

Thời thơ ấu gắn bó sâu nặng với miền quê nghèo nhưng nồng ấm tình nghĩa đã cho tôi biết bao kỷ niệm. Lớn lên, theo cha mẹ ra nơi thị thành, được tiếp xúc với môi trường sinh hoạt mới nhưng tôi chưa bao giờ thôi cảm giác thiếu vắng quê. Song có nhiều khi tôi bối rối vì không thể tự trả lời câu hỏi mình nhớ quê nhất ở điều gì. Cho tới một ngày, đứa bạn gái thân đã phát hiện giúp tôi:"Y. thì lúc nào cũng chỉ nước vối quê tớ, lá vối quê tớ… nghe phát bực cả tai lên!" Đúng rồi, thói quen uống nước vối, ngửi hương vối đã trở thành máu thịt trong tôi. Đi chơi xa, gặp gỡ bạn bè, cùng nhau nhâm nhi hạt dẻ, hướng dương hay ăn những que kem mát lạnh đầy màu sắc cũng chỉ được đôi chút rồi chán ngay. ấy nhưng tôi chưa bao giờ biết chán bát nước vối của bà.Chẳng biết cây vối có từ khi nào, nhưng lúc tôi bắt đầu nhận thức được thì đã thấy khắp quê tôi đâu đâu cũng có vối cả. Dường như mọi nhà đều trồng vối theo một cách chung là ở ven bờ ao. Nếu nhìn chưa quen, có thể lẫn cây vối với cây roi bởi cả hai đều là cây thân gỗ, lá to bản và có vị thơm. Song nếu ai tinh ý một chút sẽ thấy lá roi bóng và mỏng hơn lá vối. Đặc trưng dễ nhận nhất là vò chiếc lá ra, nhờ hương thơm mà phát hiện ra lá vối hay lá roi. Cũng có hương thơm  nhưng lá roi thơm  hắc, nếu cố tình đun nước uống sẽ bị biến mùi khê nồng, nước đắng chát. Trong khi đó, vị thơm dịu nhẹ cùng tính năng thanh nhiệt của chiếc lá vối khiến người ta say sưa, yêu thích. Cây vối không xanh lá quanh năm mà rụng vào mùa đông. Vì thế, bà con muốn giữ được lá vối lâu phải rất kỳ công. Thông thường, lũ trẻ lau tau chúng tôi được các bà các cô sai trèo lên cây bứt lá xuống dưới đất. Lá được chọn phải to nhất, xanh nhất, đảm bảo  không già cũng không non. Ngay khi hái xuống, lá còn rất tươi, bà liền cho vào trong một cái chum có  lót ở dưới ít rơm khô. Chum đầy lá vối thì bà lại phủ tiếp một lớp rơm thật dày lên trên vì bà bảo quan trọng trong việc ủ lá vối là giữ  nhiệt và giữ ẩm cho chúng. Rồi bà để nơi kín gió, sau vài ngày, lá vối chuyển từ màu xanh sang vàng, bà sẽ phơi lá vối trong bóng râm tiếp cho lá vối hoàn toàn khô, từng chiếc lá cuộn tròn vào nhau rồi mới gói trong những tờ lịch cũ, cho vào chum sành đậy kín để dành dùng dần. Bà tôi bảo, không phải ai cũng có thể làm cho lá vối cuộn tròn được, phải có ''tay'' làm  cơ! Chẳng biết có phải thế không chứ chén nước lá vối bà tôi hãm thì thật là tuyệt, nước vàng sóng như mật ong mà lại thơm ngọt ngào. Chả riêng gì tôi mà cả khách khứa đến thăm đều hít hà, xuýt xoa khen bà khéo hãm nước vối.

Không chỉ có lá, cây vối còn cho một sản phẩm kỳ diệu nữa là nụ hoa. Hàng năm, cứ sau mùa hoa xoan nở thì cây vối cũng trổ nụ đơm hoa. Những nụ vối cứ từng chùm từng chùm bé xiu xíu và tròn xoe xoe. Khi nở thành vô vàn bông hoa trắng muốt, che khuất hết cả màu lá, nếu  cứ để thì chả bao lâu sau sẽ ra quả. Thú nhất đối với bọn trẻ con chúng tôi là đứa trên cây hái quả chín, đứa ngồi thuyền hứng quả rồi tranh nhau từng chùm quả chín đỏ ngon lành. Nhưng thường thì các bà đã hái vối từ lúc còn nụ non để phơi khô làm thức uống. Công đoạn sao khô nụ vối nhanh hơn lá nhiều mà lại giữ được rất lâu. Chỉ cần đem nụ vối phơi cho giòn cong là có thể buộc kín cất đi. Nước pha từ nụ vối có mầu vàng thẫm  hơn từ lá vối, khi rót nước, một vài nụ vối rơi vào bát nước càng tạo vẻ nên thơ. Chính vì thế, ở quê, đến nhà nhau là cùng nhau thưởng thức hương vị dân dã mà rất mực đậm đà - hương vối. Trong tiếng nói cười râm ran quện cùng hơi nóng bốc lên nghi ngút là thứ vị thật đặc trưng của vối: ngai ngái mà thơm ngọt.

Bố tôi bảo:"dạo này quê mình đã khấm khá hơn rồi nhưng những gốc mít, cây khế, cây chay, cây ổi và đặc biệt là cây vối đang bị mất dần đi để thay thế bằng những loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Bây giờ lớp trẻ ít người biết cây vối ra sao, càng ít biết vị nước vối thế nào''. Tôi thì chả biết nói gì, chỉ im lặng, xót xa. Tôi không sợ bị mọi người đánh giá là kẻ hoài cựu, xa lạ với thực tế, bởi tôi tin một ngày kia, giống như người ăn quá nhiều sơn hào hải vị chợt thấy chán chường và tìm về với những thức quê tao nhã khi xưa, có một con người trong mỗi chúng ta sẽ thức dậy và đòi trả về với đúng những giá trị văn hoá của quê hương. Và khi ấy, tôi sẽ gặp lại hương thơm cây vối bên vườn trong không khí quây quần ấm áp bên những người thân yêu…

Hạ Yên

(Theo Báo Hưng Yên)

 

Tin liên quan