KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 16/12/2018 - Lượt xem: 184
Cốt truyện tự thuật trong truyện thơ Nôm của Phạm Thái và Nguyễn Đình Chiểu (Qua hai tác phẩm Sơ kính tân trang và Lục Vân Tiên)

 “Sơ kính tân trang” của Phạm Thái và “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu là thước phim bằng thơ, bắt nguồn từ sự kiện thuộc về tiểu sử bản thân của chủ nhân sáng tạo ra nó. Bài viết tập trung đối chiếu các chi tiết, sự kiện chính trong tác phẩm với tiểu sử bản thân của nhà thơ để làm rõ các chi tiết tự thuật và nghệ thuật xây dựng cốt truyện tự thuật. Từ đó, khẳng định việc hai tác giả sử dụng tiểu sử bản thân để xây dựng tuyến nhân vật trong truyện thơ Nôm chính là sự tiếp nối, mở rộng đường biên thể loại, phát triển khả năng khai thác hiện thực và vị thế con người cá nhân tác giả.

 1. Mở đầu

 Hàng thế kỉ trước, khi Sơ kính tân trang và Lục Vân Tiên ra đời, nền văn học trung đại đã xuất hiện cả một hệ thống truyện thơ Nôm. Nếu thi sĩ bình dân và thi sĩ bác học thời bấy giờ diễn đạt theo cách mới những cốt truyện đã có sẵn từ văn học dân gian (Trương Chi, Tấm Cám, Thạch Sanh), hay từ những sáng tác chữ Hán, sự tích có thật ở nước ta (Tống Trân – Cúc Hoa, Bích Câu kỳ nghộ, Tướng quân Phạm Ngũ Lão) hay lấy cốt truyện từ văn học nước ngoài (Truyện Kiều, Hoa tiên, Nhị độ mai) thì Phạm Thái và Nguyễn Đình Chiểu lại không theo cái phổ biến ấy mà tự mở cho mình một lối đi riêng. Kết quả là Sơ kính tân trang và Lục Vân Tiên đã hình thành nên một tiểu loại mới trong “gia đình” truyện Nôm - Truyện thơ Nôm tự thuật.

Trong dòng văn học hiện đại ngày nay, những tác phẩm nghệ thuật mang tính tự thuật không còn hiếm hoi như thời kỳ trước. Nhiều nhà văn, nhà thơ không phải đi tìm đề tài ở đâu xa xôi mà họ hướng ngòi bút để khám phá chính bản thân, với tất cả những sự thật đã diễn ra mà không hề né tránh, lo sợ. Nhưng, trong dòng văn học trung đại ngày ấy, sự chi phối nặng nề của ý thức hệ phong kiến và quan niệm mang tính truyền thống của Nho gia, tác phẩm nghệ thuật theo hướng này chưa có tiền lệ. Sự thể hiện các yếu tố liên quan đến cá nhân thông qua việc hướng tới cuộc sống đương thời, những chiều kích sâu thẳm bên trong con người hoặc tường thuật câu chuyện riêng tư trong truyện thơ Nôm tự thuật không chỉ nói lên sự phát triển của một trào lưu nhân văn mới đang hình thành và đánh dấu sự phát triển vượt lên cung cách lý tưởng hóa về không – thời gian mà còn khẳng định tài năng, cá tính của tác giả.

2. Cốt truyện Sơ kính tân trang là dòng tự bạch về thân thế, sự nghiệp, nhân duyên của Phạm Thái

Phạm Thái sáng tác nhiều thể loại văn học, trong đó Sơ kính tân trang không chỉ là tác phẩm đặc sắc và độc đáo trong sự nghiệp sáng tác của ông mà còn là tác phẩm tiêu biểu của thể loại truyện thơ Nôm. Sơ kính tân trang đã được một số nhà nghiên cứu trong giới học thuật và độc giả yêu văn thơ chọn làm đối tượng khảo cứu và nghiên cứu. Tìm hiểu nội dung Sơ kính tân trang của Phạm Thái, các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định đây là truyện thơ Nôm tự thuật chuyện đời ông và của người yêu ông. Hoàng Hữu Yên, người dày công nghiên cứu, hiệu đính, chú giải Sơ kính tân trang khẳng định: Tính độc đáo trước tiên của Sơ kính tân trang cần được nhấn mạnh là tính tự truyện của tác giả. Phạm Thái không vay mượn cốt truyện ở đâu cả. Ông viết lại chuyện của chính bản thân mình”[1] để giãi bầy nỗi vui, buồn, được, mất, bi phẫn và giấc mộng đẹp của bản thân. Điều này cho thấy, cốt truyện Sơ kính tân trang không phải là hư cấu toàn bộ mà là được xây dựng trên cơ sở hiện thực, chỉ bị thay đổi chút ít khi đi vào nghệ thuật để tăng tính hấp dẫn và thể hiện được ước mơ mà người nghệ sĩ tài hoa nhưng đầy bi kịch muốn gửi gắm.

Là truyện tự thuật nên nhân vật chính sẽ là bản sao chép từ nguyên mẫu trong đời thực. Tên của ông và của người yêu được dùng hầu như nguyên vẹn trong tác phẩm. Nếu ngoài đời, tên ông là Phạm Thái và tên người yêu là Trương Quỳnh Như thì trong truyện, ông lấy tên là Phạm Kim và người yêu lấy tên là Trương Quỳnh Thư. Ngay cả quê quán cũng lấy từ đời thực, không bị thay đổi hay xê dịch. Phạm Thái - Phạm Kim quê phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Quỳnh Như  - Quỳnh Thư quê phủ Kiến Xương, trấn Sơn NamPhạm Thái - Phạm Kim là một tráng sĩ có tài cả văn lẫn võ. Quỳnh Như thông minh, có tài văn thơ thì Quỳnh Thư đa tài, cầm, kỳ, thi, họa đều thông thuộc. Gia sự họ Phạm, họ Trương có sự tương đồng. Cha Phạm Thái là Phạm Đạt, vị quan võ được phong tước Thạch Trung hầu. Cha Phạm Kim là quan võ Phạm Công. Cha Quỳnh Như là Trương Đăng Qũy, vị quan văn được phong tước Kiến Xuyên hầu. Cha Quỳnh Thư là quan văn Trương Công. Họ đều làm quan thuộc triều Lê Cảnh Hưng. Sau khi Lê triều sụp đổ, phong trào cần vương của các hầu thất bại, cha mẹ Phạm Thái - Phạm Kim qua đời.

 Hành trạng của nhân vật Phạm Kim cũng có những sự kiện trùng khớp với Phạm Thái. Chịu ảnh hưởng tư tưởng thời đại, lại xuất thân từ dòng dõi võ tướng, ngay thuở hàn vi, Phạm Thái say sưa học cả văn lẫn võ để mong muốn vươn tới đỉnh cao nhất của vinh quang, được đem trí tuệ, tài sức phò vua, giúp nước. Sau khi giang san nhà Lê sụp đổ, phong trào dấy nghĩa cần vương của những trung thần thất bại, Phạm Thái tiếp tục hành động để nối chí cha nhưng cũng một phần là máu huyết của mình như một mẫu hình của thời đại tìm nếp hoàng đồ, nguyện một lòng trung quân. Những cố gắng thực hiện giấc mộng phù Lê ấy diễn ra trong ba động của lịch sử đang đi vào quỹ đạo khác nên sự vẫy vùng của những cựu thần như ông đã dần trở nên bi đát. Quá trình rèn đức, luyện tài và khát vọng sự nghiệp lẫy lừng trong trời đất để xứng đáng với nguồn gốc cao quý của bản thân đã được Phạm Thái chuyển tải thành công qua hình tượng Phạm Kim. Sinh ra trong gia đình quý tộc, lớn lên trong cảnh loạn lạc, Phạm Kim ý thức rõ phận làm trai nên ngay từ khi còn nhỏ đã không ngừng văn ôn, võ luyện để hoàn thiện bản thân. Song, đất nước thay ngôi đổi chủ, cái mộng chiết quế của chàng tan vỡ, ngọn đèn hưng Lê của người cha Phạm Công và sau này của Phạm Kim sớm thất bại dưới phong trào nội trị của triều đại Tây Sơn. Phạm Thái – Phạm Kim đành trở thành khách lãng du. Hành trình vui thú giang khê của Phạm Thái đã đi qua cũng là hành trình Phạm Kim bước tới. Phạm Thái hay Phạm Kim có khi là khách vãng lai cảnh chùa Tiêu Sơn, có khi ra tận Đồ Sơn, sơn cước Hy Cương, Phú Thọ, hay lên vùng Yên Tử, Vạn Ninh rồi vào khoác áo thiền tăng tại vùng non nước Kim Sơn với đạo hiệu Phổ Chiêu thiền sư. Giãi bầy về chính bản thân thông qua hình tượng Phạm Kim, song dường như Phạm Thái cũng đang nói hộ, viết hộ, phản ánh hộ một cách chân thực về khí tiết, tâm trạng, hành động của một số quan lại và nho sĩ mất chủ đương thời trong cơn phong ba của lịch sử. Tham dự vào xã hội với giấc mộng vương quyền, Phạm Thái – Phạm Kim là khách chinh phu, vừa tỏ khí anh hùng nhưng cũng là nạn nhân khốn khổ.

Tình thế khó khăn, cơ trời không thuận, Phạm Thái đã đắm hồn vào thế giới gấm hoa của tình ái mong tìm một chút nguôi ngoai nhưng không ngờ lại chuốc lấy mối tình hận muôn thuở với một nữ sĩ nổi tiếng trong dòng nữ lưu văn học. Số là, về quê viếng bạn Trương Đăng Thụ, Phạm Thái được cha bạn là Trương Đăng Qũy giữ lại để làm gia sư. Ở đây, Phạm Thái quen Trương Quỳnh Như, em gái bạn. Họ đã yêu nhau, dùng thơ văn để thề non hẹn biển. Nhưng nỗi bất hạnh đã đột ngột xảy ra, mối tình đầy thơ mộng đã nửa đường đứt gánh khi Quỳnh nương buộc phải tự hủy đời mình để chống lại cuộc hôn nhân không xây dựng trên nền tảng tình yêu tự do. Câu chuyện tình của Phạm Kim và Quỳnh Thư trong Sơ kính tân trang là một bài thơ trữ tình khái quát về mối tình ngang trái mà tác giả chính là người trong cuộc. Phạm Kim - Quỳnh Thư quen nhau, yêu nhau thông qua những lời thơ và lời mối lái của Yến tử, Hồng nương. Những bài thơ đối đáp của Phạm Kim - Quỳnh Thư là những bài thơ tỏ lòng của chính Phạm Thái - Quỳnh Như. Nhưng phận bạc má hồng, kiếp hồng nhan gặp điều gian truân, họ đã mất nhau vĩnh viễn. Tên Đô đốc đến đòi lấy bằng được Quỳnh Thư làm vợ. Sau những giây phút tái tê, nàng đã quyết định tự tử. Kết cục, họ cũng không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn như đôi tình nhân Phạm Thái – Quỳnh Như ngoài đời thực.

Đi ngược lại cả một trào lưu nghệ thuật vốn đang rất thịnh hành lúc đó là vay mượn cốt truyện, cốt truyện Sơ kính tân trang được Phạm Thái sáng tạo trên sự hư cấu cảnh ngộ, đời tư bản thân. Từ những biến cố trong cuộc đời, Phạm Thái sắp xếp tạo thành hệ thống các biến cố trong trật tự nghệ thuật theo một tiến trình vận động có hình thành, phát triển. Cốt truyện Sơ kính tân trang được chia làm hai phần, phần đầu tái hiện mối tình Phạm Kim và Quỳnh Thư với cấu trúc gặp gỡ và chia ly vĩnh viễn được tạo dựng trên các sự kiện chân thực gặp gỡ và chia ly vĩnh viễn của Phạm Thái và Quỳnh Như. Vốn đã được hai gia đình chỉ hôn từ trước, nhưng quốc biến, gia tan nên hôn sự Phạm - Quỳnh chưa thành. Phạm Kim lớn lên định nối chí cha nhưng thời thế không ủng hộ, chàng đành rong ruổi đó đây. Một ngày kia, bên Thúy Hoa Dương, Phạm Kim tình cờ biết Quỳnh Thư, con gái của một viên quan họ Trương. Nhờ đôi hầu, Phạm Kim và Quỳnh Thư trao đổi thư từ, từ đó sinh lòng yêu nhau tha thiết. Khi Phạm Kim về quê thì cũng là lúc tên Đô đốc xuất hiện đòi cưới Quỳnh Thư làm vợ. Gia đình nhà họ Trương không muốn, nhưng trước sức ép của cường quyền mà đành chấp nhận. Không còn lựa chọn nào khác, Quỳnh Thư đã chọn con đường tử biệt trước khi gặp mặt, tâm sự, hẹn thề nối duyên với người tình ở kiếp sau. Vì đau đớn trước sự ra đi của người tình, Phạm Kim đã lâm trọng bệnh. Sau khi bệnh hết, Phạm Kim trở thành người lữ thứ cùng thơ, rượu, cờ, đàn.

 Như vậy, về cơ bản, cốt truyện trong phần thứ nhất của Sơ kính tân trang chính là những dòng nhật ký bằng thơ ghi lại một mối tình đẹp được xây dựng trên cơ sở tự do yêu đương nhưng đẫm nước mắt của Phạm Thái. Để câu chuyện thật thêm li kỳ, Phạm Thái đã bổ sung gia vị nghệ thuật với những sự kiện như Phạm Công và Trương Công là đôi bạn thân, đã có thời gian gắn bó lâu dài với nhau từ khi còn là sĩ tử đến lúc trở thành một vị đại thần dưới triều Lê. Phạm Kim - Quỳnh Thư là cặp đôi đã có đính ước từ trước, có gương vàng và lược ngọc làm tin nhưng hai người lại chưa bao giờ gặp nhau. Tình yêu của Phạm Kim và Quỳnh Thư nảy nở là nhờ sự mối lái của đôi hầu được bắt đầu với chi tiết Yến đồng bắt gặp nữ tỳ Hồng trộm hoa mẫu đơn. Sự hư cấu này càng được thể hiện rõ trong màn tái thế, tương phùng ở phần hai của truyện. Để tiến triển trọn vẹn như bao câu chuyện khác trong thế giới truyện thơ Nôm; đồng thời thể hiện một khát khao yêu đương bị thực tế vùi dập, Phạm Thái đã mượn đến bàn tay màu nhiệm của tôn giáo để giả tưởng thành mối tình Phạm Kim và Thụy Châu – cũng là người con gái của Trương Công và là hiện thân, kiếp sau của Quỳnh Thư.

 Từ việc so sánh, đối chiếu trên cho thấy những sự kiện và diễn tiến cốt truyện trong Sơ kính tân trang phản ánh về cuộc đời Phạm Thái từ thân thế đổ vỡ, sự nghiệp dang dở đến đường duyên lận đận. Những nhân vật chính như Phạm Kim, Quỳnh Thư là bản sao chép từ nguyên mẫu có thật trong đời thực là Phạm Thái và Quỳnh Như. Điều này hoàn toàn mới mẻ so với truyện thơ Nôm bác học như Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào, kể cả tác phẩm đỉnh cao của thể loại là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cốt truyện của truyện thơ Nôm này thường không phản ánh cuộc đời tác giả, chỉ qua đó gửi gắm tâm sự, ước vọng của bản thân và thời đại.

3. Cốt truyện Lục Vân Tiên phản ánh một phần đời Nguyễn Đình Chiểu

Sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Đình Chiểu được phân ra thành hai thời kì tương ứng với hai giai đoạn hình thành và phát triển tư tưởng của ông. Lục Vân Tiên ra đời trong giai đoạn đầu sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu và thuộc thời kỳ xế chiều của thể loại truyện thơ Nôm. Với dòng khai bút “Trước đèn xem truyện Tây minh”, người đọc liên tưởng Lục Vân Tiên có cốt truyện vay mượn một truyện Trung Hoa nào đó có tên Tây minh như Truyện Kiều được Nguyễn Du viết dựa trên cốt truyện tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Với nhiều nỗ lực tìm kiếm trong chặng đường dài từ khi tác phẩm ra đời cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều khẳng định không hề có câu chuyện Tây minh - truyện hiểu theo nghĩa là một thể loại văn học thuộc loại hình tự sự để Nguyễn Đình Chiểu dựa vào đó mà sáng tác. Như vậy, Nguyễn Đình Chiểu nói đến truyện Tây minh chỉ là một cách dẫn truyện chứ không nói lên tính chất diễn ca, phóng tác hay mô phỏng của truyện Lục Vân Tiên.

Với Nguyễn Đình Chiểu kết thúc đồng thời là tiếp tục mở ra hướng mới. Bởi, truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên do Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn sáng tạo ra, chứ không hề vay mượn cốt truyện sẵn có nào. Nếu có vay mượn thì đó là việc ông đã vay mượn câu chuyện của chính bản thân, nên người đọc dễ dàng nhận ra sự giống nhau giữa cuộc đời Lục Vân Tiên và Nguyễn Đình Chiểu, giữa những sự kiện trong quãng đời thanh xuân của tác giả với những tình tiết trong truyện, ngay cả đến nhân vật Kiều Nguyệt Nga, với tình yêu son sắt chung thủy cũng không phải là không có những điểm tương đồng người vợ hiền, đảm đang sau này của cụ Đồ Chiểu. Để làm rõ cốt truyện tự thuật trong Lục Vân Tiên, chúng tôi cũng tiến hành đối chiếu, so sánh các chi tiết, sự kiện chính trong tác phẩm với tiểu sử bản thân của Nguyễn Đình Chiểu.

 Xét trên phương diện phẩm chất, tài năng và hành trạng của Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên thấy đều có sự tương đồng. Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên luôn sống và hành động theo khuôn phép của Nho giáo, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm đầu. Nguyễn Đình Chiểu là người học rộng, biết nhiều, có tài thi thư. Lục Vân Tiên là trang nam tử văn võ toàn tài. Hoàn cảnh sinh thành và những ảnh hưởng từ gia đình đã góp phần làm cho tư tưởng Nho giáo thấm nhuần trong khí chất Nguyễn Đình Chiểu. Bản thân tuy phải nếm trải nhiều khổ đau, cuộc đời trải qua nhiều bước thăng trầm của đất nước, song Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn trăn trở, nghĩ suy về thời thế, công danh, về đạo lý làm người, nhất là về đất nước, dân tộc. Để thực hiện được ước vọng ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã ra sức rùi mài với một thái độ học tập toàn tâm cội gốc và tranh thủ học chăm ngay từ những ngày còn nhỏ. Sau thời gian theo học ở Huế, Nguyễn Đình Chiểu tự tin ứng thí và đã thi đỗ tú tài ở khoa thi Qúy Mão (1843) tại Gia Định. Thành công bước đầu đã khuyến khích ông thêm nỗ lực, ra công đèn sách. Năm 1847, ông trở lại đất Huế để chuẩn bị dự kỳ thi năm Kỷ Dậu. Ngày thi vừa đến thì chàng trai lục tỉnh nhận được hung tin thân mẫu lâm trọng bệnh rồi qua đời tại Sài Gòn. Ông đành phải bỏ thi cùng với em trở về Nam chịu tang mẹ. Bị mù lòa, không thể lập thân bằng con đường khoa cử, ông đã căng trí, dồn tâm đi vào con đường lập đức hành đạo, đem vốn sở học làm việc hữu ích cho nhân dân và gửi gắm những ước mơ, hoài bão của bản thân mà trước hết là ước mơ về những cử chỉ anh hùng, mơ ước trả nợ nước non qua hình tượng Lục Vân Tiên trong tác phẩm cùng tên.

Lục Vân Tiên và Nguyễn Đình Chiểu. Hai người cũng xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, được đi học với một ông thầy xa quê nhà. Cũng như Nguyễn Đình Chiểu, ngay từ những ngày còn nhỏ, Lục Vân Tiên đã được gia đình gửi gắm nơi cửa Khổng để trau dồi phẩm chất của người quân tử, để sau này thực hiện cái lí tưởng tề gia, trị quốc, bình thiên hạ và bảo vệ cương thường của chế độ phong kiến. Từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, chàng thanh niên Vân Tiên không chỉ tâm niệm những lời dạy của thánh hiền mà còn siêng năng khổ luyện tam lược, lục thao. Sau một thời gian dài nấu sử xôi kinh, luyện tập ba lược sáu thao dưới sự dìu dắt của người thầy đáng kính, Vân Tiên lên đường ứng thí. Song, thật không may, Vân Tiên đành tạm gác sự nghiệp danh vọng để về quê chịu tang sinh thành. Trên hành trình trở về, hai con mắt của chàng bị bệnh và mù. Sự buồn đau của Vân Tiên trong giai đoạn khó khăn này chính là sự mất mát, buồn đau khôn tả của Nguyễn Đình Chiểu. Cái buồn đau, mất mát từ sự ra đi đột ngột của người mẹ hiền, hơn nữa là cái buồn của người quân tử từ đây vĩnh viễn không còn cơ hội trả nợ tang bồng.

Về nhân duyên, trong cuộc đời thực có hai người con gái với số phận khác nhau nhưng gắn chặt với nhau bởi một mối quan hệ tình cảm nam nữ với Nguyễn Đình Chiểu. Đó là người phụ nữ họ Võ đã đính ước nhưng bội ước khi còn là sĩ tử và người vợ hiền Lê Thị Điền về sau. Lục Vân Tiên cũng có hai người con gái với số phận khác nhau nhưng gắn chặt với nhau bởi một mối quan hệ tình cảm nam nữ với Lục Vân Tiên. Đó là Võ Thể Loan, người đã được chỉ hôn nhưng sau này bội hôn và nữ Kiều Nguyệt Nga. Lục Vân Tiên và Võ Thể Loan được hai bên gia đình đính duyên từ trước và chỉ chờ đến khi chàng đỗ đạt sẽ thành thất thành gia. Song, thật bất ngờ, Lục Vân Tiên lại bị gia đình Võ Công bội ước đúng vào lúc anh cần sự cưu mang, đùm bọc nhất. Hình ảnh kẻ ăn ở hai lòng, bạc tình bạc nghĩa như gia đình Võ Công được Nguyễn Đình Chiểu xây dựng dựa trên sự kiện có thực mà tác giả chính là người trong cuộc. Khi còn là một anh thư sinh tuấn tú, tài ba thi đậu Tú tài, Nguyễn Đình Chiểu đã được gia đình họ Võ khá giả hứa gả cho người con gái làm vợ. Chẳng may gặp cảnh đui mù, gia đình sa sút, thấy không hy vọng gì ở đường công danh của Nguyễn Đình Chiểu, người nhà giàu đó liền từ chối. Cuộc hôn ước bất thành, khi mãn tang mẹ, ông sống độc thân, mở trường dạy học và làm thuốc.

Đối lập hoàn toàn với Võ Thể Loan, Kiều Nguyệt Nga mang vẻ đẹp tuyệt mĩ của tấm gương trinh liệt sâu nặng nghĩa tình. Thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai, Nguyệt Nga vô cùng cảm kích ơn cứu mạng của chàng trai họ Lục. Qua cử chỉ và thái độ của chàng trai trẻ này, nàng đã nhận ra sự đồng điệu trong tâm hồn, để rồi tự mình đính ước, bất chấp tai ương để thủy chung với chàng. Về sau, Lục Vân Tiên gặp lại, kết duyên và sống cuộc đời hạnh phúc bên Nguyệt Nga. Từ cảm tài, yêu nết đến sắt son trong tình yêu của Nguyệt Nga khiến người đọc liên tưởng đến người vợ hiền của Nguyễn Đình Chiểu. Bà Lê Thị Điền là em gái của Lê Tăng Quýnh, người học trò của Nguyễn Đình Chiểu. Vì thương cảnh mù lòa, đơn chiếc, Lê Tăng Quýnh thuyết phục em lấy thầy. Theo lời đề nghị của anh, bà đã giả trai, cắp sách đi học nhà Đồ Chiểu để có dịp quan sát tận mắt. Sau một thời gian dò xét, bà thuận lòng xây dựng hôn nhân với Đồ Chiểu. Như vậy, chỉ cần một cuộc gặp gỡ dù cố tình hay vô tình, dù thật lòng hay thử lòng, hai người con gái cũng đủ nhận ra cái tài, cái đức của người quân tử. Từ cảm kích cái nghĩa, sự đồng điệu đã nâng lên thành tình yêu đích thực trong tâm hồn bà Năm Điền, nàng Nguyệt Nga, họ tự nguyện, chân thành, thủy chung với bóng hình của người con trai ấy.

Giống như Phạm Thái trước đó, Nguyễn Đình Chiểu đã có hành động táo bạo là lấy “chính nỗi đau khổ của tâm hồn ông, của sự thất bại sau cùng và lớn lao nhất trong cuộc đời nhiều hoài bão, nhiều say mê của người thanh niên nhiều huyết tính”[2] để xây dựng thành công một cốt truyện tự thuật trong Lục Vân Tiên. Song, nếu ở Sơ kính tân trang, Phạm Thái tận dụng tối đa các sự kiện đời tư để hoàn thiện cốt truyện tự thuật trong phần thứ nhất với cấu trúc chỉ có gặp gỡ và chia ly thì trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu lại sắp xếp những sự kiện đời tư tạo thành cốt truyện tự thuật theo một tiến trình vận động từ khởi đầu gặp gỡ cho đến chia ly và đoàn tụ. Như nguyên mẫu ngoài đời, sau một thời gian rèn đức, luyện tài, Lục Vân Tiên từ giã thầy xuống núi đua tài. Trên đường về thăm nhà, chàng đã đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga. Cảm ân đức, nàng tự nguyện gắn bó suốt đời với người thanh niên mới chỉ gặp một lần. Sau khi về thăm cha mẹ, Vân Tiên lên đường đi thi, ghé thăm gia đình Võ Công, người hứa gả con gái Võ Thể Loan cho chàng. Từ đây, Vân Tiên có thêm người bạn là Tử Trực, tới kinh đô lại gặp Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Lúc sắp vào trường thi, nhận được tin mẹ mất, chàng liền bỏ thi, về quê chịu tang. Dọc đường về, Vân Tiên bị mù hai mắt, lại liên tiếp bị hãm hại nhưng đều thoát nạn và gặp lại Hớn Minh. Nghe tin Vân Tiên đã chết, Nguyệt Nga thủ tiết suốt đời. Lúc này, Thái sư muốn hỏi nàng cho con trai nhưng bị cự tuyệt nên đem lòng thù oán, bầy kế đưa Nguyệt Nga cống giặc Ô qua. Trên đường đi, nàng nhảy sông tự tử, được Phật Bà cứu, đưa vào vườn hoa nhà Bùi ông. Bùi ông nhận làm con nuôi, nhưng Bùi Kiệm lại đòi lấy nàng làm vợ. Nguyệt Nga phải trốn vào rừng nương tựa một bà lão dệt vải. Lục Vân Tiên ở với Hớn Minh, được tiên cho thuốc, mắt sáng lại. Đến khoa thi, chàng thi đỗ trạng nguyên và được nhà vua cử đi đánh giặc Ô qua. Đánh tan giặc, Vân Tiên một mình lạc vào rừng và gặp lại Nguyệt Nga. Chàng về triều tâu hết sự tình, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được sum vầy hạnh phúc.

Cốt truyện Lục Vân Tiên hướng tới những sự kiện trong cuộc đời nhà thơ mà Nguyễn Đình Chiểu cho rằng đáng được miêu tả trong thiên trường ca tuy đã được ngụy trang dưới cái tên mới, những mối quan hệ mới cùng những chi tiết, sự kiện hư cấu nhưng người đọc không khó để nhận ra. Chặng đường gian nan mài dùi kinh sử, lỡ đường công danh và sống trong cảnh mù lòa của Lục Vân Tiên phản ánh phần đời của cụ Đồ Chiểu. Câu chuyện đính hôn nhưng lại bị nhà gái bội ước giữa Lục Vân Tiên và Võ Thể Loan cũng chính là một phần câu chuyện buồn giữa lúc hoạn nạn, éo le của Nguyễn Đình Chiểu và người con gái họ Võ. Sự tình cờ trong gặp gỡ để rồi tự nguyện chung thủy, sống trọn tình của cặp đôi Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga phần nào tái hiện sự khâm phục ngay từ buổi đầu gặp gỡ để rồi sẵn sằng kết duyên và sống hạnh phúc với Nguyễn Đình Chiểu của bà Lê Thị Điền. Tất cả được đan cài, hòa quện trong một tổ chức cốt truyện độc đáo xoay quanh cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên.

Qua khảo sát các truyện thơ Nôm để lại, có thể thấy nguồn gốc đề tài của truyện bắt nguồn từ nhiều cơ sở. Từ phương diện tiếp cận này, một số nhà nghiên cứu đã phân chia tác phẩm thành những nhóm khác nhau để thay thế cho lối phân loại truyện thơ Nôm bác học và truyện thơ Nôm bình dân vốn gây nhiều tranh cãi vì chưa phản ánh hết đặc trưng thể loại. Họ chia thành 3 nhóm (nhóm tiếp thu từ cốt truyện văn học dân gian; nhóm tiếp thu từ văn học Trung Quốc; nhóm từ hiện thực cuộc sống), 5 nhóm (nhóm được rút ra từ lịch sử hay dựa vào lịch sử, dã sử, huyền sử, truyền thuyết; nhóm dựa vào tôn giáo; nhóm từ truyện dân gian; nhóm vay mượn từ cốt truyện nước ngoài; nhóm được tác giả sáng tạo ra, chủ yếu lấy chất liệu từ cuộc đời mình và hiện thực thời đại mình) hay thậm chí 8 nhóm (nhóm vay mượn Trung Quốc; nhóm do văn nhân Việt Nam tự sáng tác; nhóm dựa vào truyền thuyết; nhóm dựa vào truyện cổ tích; nhóm dựa vào truyện ngụ ngôn; nhóm dựa vào sử tích; nhóm dựa vào tôn giáo). Như vậy, có thể thấy truyện thơ Nôm dù được phân chia khái quát hay cụ thể thì loạt tác phẩm là những sáng tác mới, cốt truyện là sản phẩm sáng tạo của chính tác giả dựa trên những kinh nghiệm sống, phản ánh cuộc đời của bản thân vẫn được xếp độc lập, thành một nhánh riêng bên cạnh nhánh lấy đề tài từ các truyện cổ dân gian và nhánh lấy đề tài, cốt truyện từ văn học Trung Quốc. Điều này chứng tỏ truyện thơ Nôm được tác giả sáng tạo ra chủ yếu lấy chất liệu từ cuộc đời mình và hiện thực thời đại tuy xét ở cấp độ vĩ mô không trở thành một nét ưu trội, thống trị trong sáng tác nhưng lại có một vị trí quan trọng trong dòng chảy chung của truyện thơ Nôm, một hương sắc vừa quen vừa lạ được xác lập bởi một lối đi riêng mang đậm dấu ấn và cái tôi cá nhân. Khởi đầu từ những tác phẩm ít nhiều in dấu ấn tự thuật như Lâm tuyền vãn của Phùng Khắc Khoan có nội dung thuật lại cảnh sống nơi núi rừng khi bị lưu đày ở Thành Nam (Con Cuông, Nghệ An ngày nay); Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ thuật lại một giấc mơ của chính tác giả khi đi thăm người anh trai đang dạy học ở Nam Đàn (Nghệ An); rồi phát triển đến Phạm Thái với Sơ kính tân trang và kết thúc ở Nguyễn Đình Chiểu với Lục Vân Tiên.

4. Kết luận

Viết về câu chuyện đời tư, song hai nhà thơ vẫn sử dụng lối cốt truyện truyền thống của truyện thơ Nôm nhưng không phải không có những nét khu biệt. Với tài năng của người nghệ sĩ, Phạm Thái, Nguyễn Đình Chiểu vừa giữ lại khung hình tốt nhất để đảm bảo tính tĩnh và phổ quát của đặc trưng thể loại, đồng thời lại tìm cách khai thác những khoảng trống để đem lại cho chúng ý nghĩa đa dạng. Vì thế, tính chất tự thuật của Sơ kính tân trang  Lục Vân Tiên đã đánh dấu bước đột phá trong phong cách khai thác đề tài của văn học trung đại Việt Nam. Với cách làm này, quy tắc vay mượn cốt truyện vốn tiêu biểu đối với dòng truyện thơ Nôm đã bị loại truyện thơ Nôm tự thuật vi phạm một cách công khai, báo hiệu sự phát triển trong tư duy nghệ thuật và tư duy thể loại. Việc chủ thể sáng tạo sử dụng những sự kiện thuộc về tiểu sử bản thân để xây dựng cốt truyện của truyện thơ Nôm đã bộc lộ nét cá biệt trong tư duy sáng, đây chính là sự tiếp nối, mở rộng đường biên thể loại, phát triển khả năng khai thác hiện thực và vị thế con người cá nhân tác giả trong một giai đoạn lịch sử biến động.

Trần Hữu Chất

(Theo Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm – Lịch sử phát triển và thi pháp thể loai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

 2. Trần Nho Thìn (1983), “Hiện tượng vay mượn cốt truyện ở các truyện Nôm bác học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Văn học, số 1.

 3. N.I. Niculin (1983), “Sự tiến triển của truyện thơ cổ Việt Nam và sự vay mươn cốt truyện” (Lê Sơn dịch), Tạp chí Văn học, số 3. 4. Nguyễn Ngọc Thiện (2007), Nguyễn Đình Chiểu – về tác gia tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Lê Trí Viễn (2006), Một đời dạy văn và viết văn toàn tập (tập 4), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Hoàng Hữu Yên (1994), Phạm Thái - Sơ kính tân trang, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 


[1] Hoàng Hữu Yên (1994), Phạm Thái - Sơ kính tân trang, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.161

[2] Lê Trí Viễn (2006), Một đời dạy văn và viết văn toàn tập (tập 4), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.57

 

 

Tin liên quan