KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 04/03/2025 - Lượt xem: 41
Đa dạng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành giáo dục năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật mới có liên quan lĩnh vực giáo dục; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường...

Học sinh được nâng cao kiến thức về pháp luật thông qua “Phiên tòa giả định”.

Thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành giáo dục năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Trường cao đẳng Sư phạm Thái Bình vừa phối hợp Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Thái Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình tổ chức đợt tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội và an toàn trên không gian mạng cho cán bộ, học sinh, sinh viên. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tích cực phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm trên không gian mạng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài trường học.

Tại buổi tuyên truyền, các báo cáo viên phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh trật tự; kiến thức cơ bản của Luật An ninh mạng; kỹ năng tương tác lành mạnh trên môi trường mạng xã hội; thực trạng an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay. Qua đó giúp học sinh nhận diện, phòng ngừa, tố giác một số thủ đoạn, chiêu trò tấn công chiếm quyền sử dụng các tài khoản cá nhân, lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; những hành vi, thủ đoạn liên quan đến bạo lực học đường, việc buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử trên mạng…

Ngành giáo dục Hà Nội đã có hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức chủ động tìm hiểu, sử dụng và gương mẫu chấp hành, tuân thủ pháp luật, gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với việc thông tin, phổ biến pháp luật tới nhân dân; gắn phổ biến pháp luật với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho học sinh, ngày 19/2 vừa qua, Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) đã tổ chức “Phiên tòa giả định” tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm trên không gian mạng. Thầy giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua thông tin đại chúng, nhà trường được biết về hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Vì vậy, nhà trường đã mời các đơn vị nêu trên về tư vấn pháp lý, tuyên truyền pháp luật cho học sinh. Chủ đề tuyên truyền pháp luật năm 2025 của trường là: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an ninh mạng và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên. Với cách làm này, học sinh nhà trường hào hứng tham gia và chia sẻ rất sôi nổi những băn khoăn, vướng mắc, những vấn đề liên quan pháp luật. Thông qua buổi tuyên truyền đã giúp cán bộ, giáo viên cũng như các em học sinh được nâng cao hiểu biết về pháp luật, hình thành ý thức tự giác trong tham gia công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao nhận thức và ý thức về an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng một cách lành mạnh và bảo đảm đúng quy định.

Để hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng hiệu quả, thầy giáo Nguyễn Quốc Nam, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho rằng, thời gian tới, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hoạt động hưởng ứng các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường thông qua việc lồng ghép pháp luật vào các môn học chính khóa, giờ ngoại khóa; tăng cường tuyên truyền tới học sinh những quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy, an ninh mạng… để các em luôn có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, có việc làm tốt, hành động đẹp.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các cơ sở giáo dục cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Kinh tế và pháp luật và cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông, người làm công tác liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Mặt khác, chú trọng xây dựng mô hình câu lạc bộ pháp luật trong trường học; triển khai nhân rộng mô hình “Phiên tòa giả định” cho học sinh tại nhiều trường học.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, ngành giáo dục xác định, giáo dục toàn diện để phát triển con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ luôn là tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Con người phát triển toàn diện trước hết phải là con người hiểu biết các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội; tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật cần nâng cao hơn nữa, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Ngành giáo dục, các nhà trường cần thường xuyên giảng dạy về pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh trong mỗi bài giảng, từng hoạt động.

“Việc học tập tuân thủ và làm theo pháp luật không phải là việc của một người, mà cần sự chung tay thực hiện, bởi pháp luật là dành cho nhiều người. Tuân thủ pháp luật không chỉ dừng lại ở nhận thức, mà phải thực hiện bằng hành động, không chỉ ở hoạt động chính khóa mà cả các hoạt động ngoại khóa, trong sinh hoạt hằng ngày, không đợi người khác nhắc nhở, mà cần tự giác thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ ■

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan