KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 23/12/2022 - Lượt xem: 149
Đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc có nền văn hiến rực rỡ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác VHTT&DL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, diễn ra sáng 22/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, toàn ngành nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có nền văn hiến rực rỡ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị  (Ảnh: TH)
Ngày 22/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác VHTT&DL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; cùng đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành, các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL  Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Hội nghị tổng kết ngành VHTT&DL diễn ra trong thời khắc hết sức ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang long trọng tổ chức kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ diễn đàn Hội nghị này, Bộ trưởng thay mặt toàn ngành VHTT&DL gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. Hy vọng, sự phối hợp giữa ngành VHTT&DL và Bộ Quốc phòng tiếp tục đi vào chiều sâu trong thời gian tới.
Bộ trưởng chia sẻ, do tài liệu Hội nghị đã được cập nhật gửi đến các đại biểu bằng mã QR nên để tiết kiệm thời gian, Ban tổ chức Hội nghị sẽ lồng ghép ý kiến của các đại biểu vào phần tiếp thu, tổng hợp để dành thời lượng lắng nghe chia sẻ của các Bộ ngành, địa phương.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 65 điểm cầu (Ảnh: TH) 
Bộ trưởng cho biết, sau khi Hội nghị buổi sáng kết thúc, ngay trong chiều nay, Lãnh đạo Bộ sẽ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị để bàn sâu hơn những nhiệm vụ, giải pháp trong năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiến hành ký kết trách nhiệm giữa thủ trưởng các đơn vị và Bộ trưởng nhằm đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước. Việc này Bộ đã tiến hành trong 2 năm qua, đây là điểm nhấn nhằm tổ chức tốt hơn trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với những thuận lợi và thách thức đan xen. Nhìn chung, công tác văn hóa, thể thao và du lịch có xu hướng phục hồi tích cực sau 02 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều yếu tố rủi ro, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của Ngành. Mặc dù vậy, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành VHTT&DL đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ". 
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: TH)
Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn.
Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm).
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn Ngành, với những thành tích toàn diện, thể hiện qua 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu trong năm 2022. Phó Thủ tướng khẳng định, những thành tích trong năm 2022 mà ngành VHTT&DL đã đạt được lớn hơn rất nhiều so với những năm trước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta cũng phải thẳng thắn quan tâm, nhìn nhận những vấn đề đã nói rất nhiều lần. Đảng, Nhà nước trong các văn kiện, Nghị quyết đều chú trọng đến phát triển văn hoá, lưu ý phát triển hài hoà giữa văn hoá, xã hội với kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề triển khai thực hiện vẫn còn khoảng cách so với mong muốn trong Nghị quyết của Đảng. “Văn hoá có những đặc trưng mà ở góc độ nào đó rất khó cho đội ngũ thực hiện. Thứ nhất, đó là quan niệm ngành văn hoá vẫn thường được cho là không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền. Thứ hai, làm văn hoá như phù sa bồi đắp dần dần, không phải vấn đề cấp bách, cái tốt nhiều năm mới thấy rõ, cái xấu cũng nhiều năm sau mới bộc lộ, và khi bộc lộ thì phải mất nhiều năm nữa, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được. Khi điều hành, thường thì những vấn đề cấp bách hơn lại được ưu tiên hơn...”, Phó Thủ tướng nêu và cho rằng, hai cái khó này sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 đã chuyển biến rất rõ.
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Bộ VHTT&DL và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: TH) 
Phó Thủ tướng mong mỏi, đây sẽ là vấn đề có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bước vào năm 2023, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành văn hoá cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của Ngành. Bên cạnh đó, cần đổi mới, mạnh mẽ và sáng tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, đáp ứng yêu cầu của xu thế mới. Bên cạnh phát huy truyền thống, trong thời đại mà nhịp sống nhanh hơn, có những việc mà không đổi mới cách làm thì không làm được. Đặc biệt trong chuyển đổi số, lâu nay toàn Ngành đã triển khai nhưng cần phải thúc đẩy mạnh hơn nữa.
Trước yêu cầu của thời kỳ mới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành VHTT&DL nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ. Đó là những bảo tàng, thư viện, thiết chế văn hoá…, nhằm khắc phục tình trạng thiếu chỗ trưng bày các hiện vật, bảo vật quý hiếm, tình trạng hỏng hóc những bức tranh vô giá. Đó không chỉ là những công trình đáp ứng công năng sử dụng mà còn là những di sản về kiến trúc để lại cho thế hệ sau….
Tại Hội nghị, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trang trọng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Bộ VHTT&DL và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng./.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/

Tin liên quan