Cách đây 70 năm, trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 11.6.1948, tại an toàn khu Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên đồng bào, chiến sỹ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lời kêu gọi của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp trong cả nước và trở thành động lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tăng cường đoàn kết dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thấm nhuần tư tưởng và những lời dạy của Bác, cán bộ và nhân dân Hưng Yên đã không ngừng phát huy sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
 |
Khối thi đua, khen thưởng các huyện thành phố ký giao ước thi đua năm 2018 |
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, nhân dân nô nức hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua ái quốc đã phát triển rộng khắp. Điển hình như các phong trào: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… Tại các thôn, làng trong tỉnh, quân và dân Hưng Yên đã tiến hành chiến tranh du kích, tạo nên "thiên la, địa võng" để đánh địch, đặc biệt là phong trào "Nữ du kích Hoàng Ngân", những trận đánh "Nổi sấm đường 5"... Quân và dân tỉnh ta đã tiêu diệt hàng nghìn đồn, bốt và đánh bại các đợt vây càn của địch. Hưng Yên ngày đó đã trở thành một trong những tỉnh có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, lớp lớp thanh niên quê Nhãn nô nức lên đường với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ đã anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường hoặc mang thương tật suốt đời. Nơi quê nhà, hưởng ứng các phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, phong trào làm thủy lợi phát triển mạnh mẽ, tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, nạo vét sông Triều Dương. Hưng Yên tự hào là nơi khởi nguồn phong trào xây dựng đời sống văn hóa từ việc xây dựng gia đình văn hóa vào những năm 60 của thế kỷ trước tại thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long (Yên Mỹ)… Những phong trào thi đua đó vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Hưng Yên đã trở thành một trong những hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đóng góp to lớn của nhân dân và cán bộ tỉnh Hưng Yên trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, khen tặng 10 Huân chương Quân công, 30 Huân Chương chiến công, 3 Huân chương Kháng chiến và hàng vạn Huân chương, Huy chương tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong kháng chiến; tỉnh Hưng Yên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”; Nhân dân và cán bộ tỉnh Hưng Yên vinh dự được Bác Hồ 10 lần về thăm, động viên; năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Hưng Yên Cờ luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc, tiêu biểu trong phong trào làm thủy lợi có Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách, Anh hùng Lao động Vũ Thị Tỵ. Hàng vạn liệt sỹ đã được Tổ quốc ghi công; trên 100 tập thể và cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 2.104 bà mẹ được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực đã vinh dự được Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua, Bằng khen và các danh hiệu thi đua cao quý.
Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là từ sau ngày tái lập tỉnh (1.1.1997), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, quân và dân Hưng Yên luôn đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng năm, các khối thi đua đều ký kết giao ước thi đua. Các ban, sở, ngành, đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức phát động các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong trào thi đua trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã chú trọng, tích cực đổi mới tổ chức các phong trào thi đua với nhiều hình thức, nội dung thiết thực, hướng nội dung vào thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và các cơ quan tham mưu theo hướng tinh gọn. Khối MTTQ và các đoàn thể đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, đơn vị và tập trung hướng mạnh về cơ sở; coi trọng công tác vận động quần chúng; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, tham gia phát triển kinh tế - xã hội…
Mỗi ngành, mỗi cấp trong hệ thống chính trị đều phát động những phong trào thi đua phù hợp nhằm động viên đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia. Nhiều phong trào thi đua đã được triển khai rộng và có sức lan tỏa sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân như phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo", "Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, "Bàn tay vàng", phong trào "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi" theo hướng nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, liên kết, sản xuất sạch… Đặc biệt, phong trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tập trung nguồn lực, huy động sự chung sức đồng lòng của nhân dân tham gia, sau gần 7 năm triển khai thực hiện, đầu năm 2018, toàn tỉnh có 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 60%; bình quân đạt 17,7 tiêu chí/xã; huyện Mỹ Hào đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới…
 |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH may Minh Anh (Yên Mỹ) |
Nếu như năm 1997, mới có 36 doanh nghiệp trong nước và chỉ có 4 dự án FDI với số vốn đăng ký 56,7 triệu USD thì đến nay, đã có 1.779 dự án (gồm 1.371 dự án trong nước, tổng số vốn đăng ký 119.979 tỷ đồng và 408 dự án nước ngoài, tổng số vốn đăng ký 4.025 triệu USD); thu hút nhiều dự án đầu tư công nghệ cao, tiên tiến, công nghiệp hỗ trợ, dự án sử dụng nhiều lao động nông thôn để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Năm 2017, Hưng Yên là một trong 16 tỉnh tự cân đối thu - chi ngân sách và có đóng góp với ngân sách Trung ương, là năm chuyển biến rõ rệt trong cải cách hành chính, thực sự là năm khởi nghiệp của UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn góp phần quan trọng vào thành tựu hoàn thành toàn diện vượt mức chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh: Kinh tế tăng trưởng 8,45%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ: Công nghiệp - xây dựng năm đầu tiên đạt 51,01%; thương mại - dịch vụ đạt 38,06%; nông nghiệp, thủy sản còn 10,93%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 49,3 triệu đồng/người/năm; giá trị trên một ha canh tác đạt 173 triệu đồng; thu ngân sách đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, đạt gần 113% kế hoạch, trong đó: Thu nội địa 8.638,8 tỷ đồng; thu thuế xuất, nhập khẩu 3.376,2 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,41%; 92% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 83%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%; tỷ lệ đô thị đạt 26,18%; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ về thành tích tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; tỷ lệ làng, khu phố văn hóa đạt 87%...
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương đạt được những kết quả thiết thực, nhất là triển khai khắc phục các hạn chế sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Công tác tổ chức xây dựng Đảng, tuyên giáo, dân vận và vận động quần chúng được chú trọng; công tác kiểm tra, giám sát, nội chính được tăng cường nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh…
Thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, tỉnh ta luôn tích cực đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua yêu nước, quan tâm đổi mới các phong trào thi đua cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức; bám sát, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của các ngành, các địa phương, đơn vị; tập trung giải quyết các khâu yếu, việc khó, các vấn đề phức tạp, bức xúc phát sinh trong nhân dân… từ đó tạo động lực khơi nguồn sức mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng trăm tỷ đồng; nhiều mô hình hay được nhân rộng đã có sức lan toả trong các tầng lớp nhân dân… Với những kết quả, thành tích xuất sắc đạt được sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, nhân dân và cán bộ tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2.
 |
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa (Ảnh Văn Bình) |
70 năm đã trôi qua, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn thúc giục tinh thần thi đua của mỗi người dân Việt Nam. Để tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi của Người, các cấp, các ngành cũng như mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, lao động, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước cũng như tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Đồng thời ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức các phong trào thi đua, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị mình; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; gắn công tác xây dựng Đảng với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua. Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc triển khai các phong trào thi đua gắn với thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; quan tâm công tác giáo dục, y tế; chăm lo các đối tượng chính sách và người nghèo; thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động các cụm, khối thi đua; tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và biểu dương, khen thưởng kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo; kịp thời phát hiện, tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự lan toả trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương và tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc, đặc biệt quan tâm tới người lao động trực tiếp sản xuất, lãnh đạo cơ sở nhằm khơi dậy, cổ vũ sức mạnh to lớn khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Phát huy truyền thống quê hương văn hiến và cách mạng, thành quả quan trọng đã đạt được, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tăng cường đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, nỗ lực thi đua, quyết tâm giành nhiều thành tích to lớn hơn, toàn diện hơn, xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh.