KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 10/03/2020 - Lượt xem: 36
Đẩy mạnh ứng dụng Chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Thực hiện Chương trình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải nội dung “Đẩy mạnh ứng dụng Chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.  

Xác định việc ứng dụng Chữ ký số (CKS) và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng trong cơ quan nhà nước được coi là giải pháp hữu hiệu tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; tăng hiệu quả trong công tác cải cách hành chính và hình thành Chính phủ điện tử. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc tổng hợp nhu cầu đăng ký sử dụng chứng thư số chuyên dùng gửi Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử và các giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo việc ứng dụng Chữ ký số và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng CKS, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở thực hiện phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn các quy định của pháp luật về CKS và dịch vụ chứng thực CKS gồm: Luật Giao dịch điện tử; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS; Thông tư số 08/2016/TT-BQP ngày 01/02/2016 của Bộ Quốc phòng “Quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội”... Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Sở đã thường xuyên phổ biến, hướng dẫn về thủ tục liên quan đến việc đăng ký cấp mới, thu hồi, hủy bỏ chứng thư số và đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Năm 2018, Sở đã tổ chức 04 lớp tập huấn về cấp và hướng dẫn sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ cho 240 người. Trong đó: 01 lớp cho cán bộ, công chức làm công tác văn thư, quản trị mạng của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; 03 lớp cho cán bộ quản lý trực tiếp chứng thư số của UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được cấp chứng thư số; 100% cán bộ, công chức là lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành; Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố được cấp chứng thư số cá nhân để sử dụng trong công việc.

Việc cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của cơ quan nhà nước các cấp trong việc đảm bảo xác thực và bảo mật thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Việc phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng CKS đã khiến số lượng văn bản điện tử có CKS được trao đổi, gửi nhận trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước với nhau đạt tỷ lệ cao. Cụ thể là: Tỷ lệ văn bản trao đổi có CKS giữa UBND tỉnh với Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 95%. Tỷ lệ văn bản điện tử có CKS được trao đổi giữa các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (trừ văn bản mật) hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt khoảng 90%; Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy đạt khoảng 10%. Điều này đã góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, việc triển khai ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động các cơ quan nhà nước đã góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian lưu trữ, tra cứu, gửi, nhận văn bản giấy giữa các cơ quan nhà nước, thay đổi tác phong, lề lối làm việc sang giải quyết công việc trên môi trường mạng. Điều này giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước còn thực hiện ứng dụng dịch vụ chứng thực số và CKS chuyên dùng trong các giao dịch điện tử đối với các dịch vụ công trực tuyến do Kho bạc nhà nước cung cấp, góp phần giảm thời gian và tăng cường hiệu quả trong công tác kiểm soát thu chi, chứng từ kho bạc của các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, việc triển khai ứng dụng CKS chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Hưng Yên vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện quản lý chặt chẽ việc sử dụng đối với chứng thư số được cấp theo đúng quy định, còn gặp nhiều lúng túng cũng như việc giao trách nhiệm của người trực tiếp quản lý sử dụng. Nhận thức của nhiều cán bộ, công chức về vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng CKS trong việc trao đổi văn bản điện tử đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin còn hạn chế. Mặc dù văn bản điện tử có CKS đã được pháp luật công nhận và có giá trị tương đương văn bản giấy với chữ ký tay và con dấu đỏ, tuy nhiên do thói quen và tâm lý của người dùng vẫn chưa thực sự yên tâm khi sử dụng văn bản có CKS để thay thế hoàn toàn văn bản giấy thông thường. Mặt khác, hiện nay các văn bản pháp lý của nhà nước cũng chưa quy định rõ các loại văn bản nào hay trong trường hợp cụ thể nào cần áp dụng CKS, nên việc ứng dụng CKS chưa phát huy hết được các tính năng an toàn, bảo mật của hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng phục vụ các cơ quan trong hệ thống chính trị. Quy trình thực hiện cấp, đổi, phát lại CKS còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến thời gian cấp đổi CKS còn chậm. Việc triển khai tích hợp, ứng dụng CKS trên các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như: Cổng thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng…

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng CKS, kịp thời phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về cung cấp, quản lý, sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ; Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng CKS chuyên dùng cho cán bộ làm công tác văn thư, và cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức hội thảo, hội nghị về an toàn, an ninh thông tin và phổ biến các quy định liên quan đến vai trò của CKS. Chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống thông tin để hệ thống hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu triển khai sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh…

Mạnh Côn

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh

 

 

 

Tin liên quan