KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 04/04/2025 - Lượt xem: 10
Để rác thải là tài nguyên cho phát triển bền vững

Rác thải là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, và cuộc sống còn phát triển thì bài toán xử lý rác càng trở nên cấp thiết. Không thể tiếp tục trông chờ vào những cách làm cũ, việc quản lý rác thải đòi hỏi một tư duy mới, đồng bộ từ nhận thức cộng đồng, hạ tầng kỹ thuật cho đến cơ chế chính sách để rác thải không còn là gánh nặng môi trường mà trở thành một nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển bền vững.

Ảnh minh họa nhandan.vn

Từ chủ trương đến hành động

Trước thực trạng rác sinh soạt ngày càng tăng, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số văn bản về chủ trương, định hướng, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường như:

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 13/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về bảo vệ môi trường; Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 về đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn, xây dựng hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải, phát triển ngành công nghiệp tái chế, đẩy mạnh xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế chôn lấp.

Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đã đưa ra định hướng về ưu tiên bảo vệ môi trường, trong đó phân loại chất thải tại nguồn, từng bước hạn chế chôn lấp, chuyển đổi thành các cơ sở xử lý sử dụng công nghệ hiện đại.

Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu định hướng hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suất và công nghệ xử lý phù hợp.

Như vậy, có thể thấy chủ trương, quy định pháp luật đã khá đầy đủ, điều quan trọng là cách thức tổ chức thực hiện để gắn các chủ trương, quy định với thực tiễn.

Ông Phạm Minh Cường, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải, Cục Môi trường cho biết, điều cốt lõi để thực hiện thành công quy định về phân loại, xử lý rác thải là cần có sự quyết tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng kế hoạch, trong đó, đưa ra việc phân loại rác phù hợp tính chất chất thải tại từng địa phương; cách thức tổ chức phân loại đồng bộ với các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Tổ chức thí điểm từng bước hợp lý ở phạm vi hẹp rồi mới triển khai đại trà, đặc biệt trong vấn đề thu phí xử lý theo khối lượng và thể tích.

Ảnh minh họa.

Ở góc độ tuyên truyền, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Đống Đa (Hà Nội) Trương Thế Khôi cho biết, không có bất kỳ giải pháp nào hiệu quả, nếu thiếu sự thay đổi nhận thức.

“Cần bắt đầu từ trường học, để các em học sinh được học về môi trường, thực hành phân loại rác, hiểu ý nghĩa của việc giảm rác nhựa”, ông Khôi chia sẻ.

Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Long Thạnh Mỹ, Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Điều quan trọng là phải tập thói quen phân loại rác trong hộ dân, chậm nhưng chắc chắn. Để làm được điều đó, thời gian tới, việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng cần đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và phân loại rác thải.

Nâng cấp hệ thống thu gom và công nghệ

Áp dụng các công nghệ xử lý rác phát điện, tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu là mục tiêu giải quyết triệt để trong vấn đề xử lý rác. Do vậy, các địa phương cần nghiên cứu, lựa chọn loại công nghệ phù hợp. Nhà nước cũng cần đánh giá và xây dựng các mô hình điểm thu hồi năng lượng từ rác thải nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, xử lý lượng rác đang chôn lấp mà còn giải quyết các vấn đề môi trường.

Một trong những đơn vị áp dụng công nghệ xử lý rác thải hiệu quả là Công ty TNHH năng lượng mới EU-CONCH VENTURE Bắc Ninh - đơn vị đang vận hành nhà máy điện rác tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh.

Chia sẻ từ thực tiễn xử lý rác thải, đại diện công ty cho biết, nhà máy đang sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và rất hiệu quả với đặc điểm rác sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều đất cát. Công nghệ áp dụng đốt rác trong lò mức nhiệt hơn 1.0000C sẽ phân giải các chất độc hại một cách hiệu quả, khí thải được thông qua tháp phản ứng túi khí lọc bụi, nước rỉ rác cũng được xử lý tuần hoàn tái sử dụng lại trong nhà máy, do vậy an toàn và thân thiện với môi trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần cập nhật các dự án điện rác trong Quy hoạch Điện VIII, cần có cơ chế chứng nhận, khuyến khích sử dụng các công nghệ xử lý rác thải phù hợp do các cơ quan nhà nước cấp, xây dựng chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xử lý rác hiện đại, tăng giá dịch vụ xử lý rác để tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư và có cơ chế giám sát và xử phạt hành vi vi phạm…

Thực tiễn cho thấy, để con đường đi của rác thải hướng tới Net Zero và mang lại lợi ích kinh tế, cần chuẩn bị hạ tầng phục vụ công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý sau phân loại. Do vậy, ủy ban nhân dân các cấp cần quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý; việc vận chuyển phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan