KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 01/10/2024 - Lượt xem: 70
Di chúc - văn hóa của tương lai!

Có những kiệt tác nhờ kết tinh được các vẻ đẹp văn hóa của nhân loại, dân tộc và thời đại nên tỏa ra những ánh sáng đặc sắc, càng nhìn càng thấy mới mẻ, ý nghĩa. "Di chúc" của Bác Hồ là một tác phẩm như vậy!

Khách tham quan Triển lãm "55 năm Ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)". (Ảnh: Thanh Tùng)

TẦM VÓC MỘT "SIÊU THỂ LOẠI"

Theo tính chất thể loại thì di chúc là một dạng văn bản ghi lại những điều mà người sắp từ giã cõi đời nói với những người đang sống. Di chúc thường được công bố khi người viết đã ra đi. Do vậy, tự thân văn bản đã gợi lên những gì ngậm ngùi, tiếc nhớ, buồn thương. Nhưng trong các bản viết tay Bác không hề dùng hai chữ “Di chúc”.

Bản viết năm 1965, Người ghi “Nhân dịp mừng 75 tuổi” ở giữa dòng đầu, bên trái là 4 chữ “Tuyệt đối bí mật”. Trong phần nội dung, Người viết “để lại mấy lời này” (bản năm 1965), “để sẵn mấy lời này” (bản công bố 1969) chứ cũng không nói là “Di chúc”. Nhưng là người Việt Nam ai cũng hiểu đây là “Di chúc”. Như vậy "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang những nét đặc trưng thể loại thông thường, rất truyền thống nhưng lại có xu hướng vượt thoát ra ngoài khung khổ thể loại để mang tầm vóc lớn lao của một văn kiện lịch sử vô giá, hướng về tương lai, tiên đoán và khẳng định tương lai. Có thể gọi đây là một siêu thể loại vươn tới một diễn ngôn của thời đại, là tiếng nói của thời đại, tiếng nói của tương lai.

Văn bản cũng là một “đối thoại văn hóa” theo nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này (trong triết học văn hóa đương đại hôm nay), cực kỳ trí tuệ, sâu sắc, tầm nhìn vượt thời gian, không gian; rất mực yêu thương, nhân ái, khoan dung, vì con người. Đối thoại với tất cả (toàn Đảng, toàn dân, bộ đội, thanh niên, nhi đồng...); đối thoại về mọi vấn đề thiết cốt nhất (đối nội, đối ngoại, chấm dứt chiến tranh, xây dựng đất nước, việc riêng, việc chung...). Là sự khái quát cao nhất cho một cương lĩnh phát triển vĩ mô của đất nước sau ngày thống nhất, do vậy, "Di chúc" trở thành một tài sản văn hóa vô giá của quốc gia.

VĂN HÓA NIỀM TIN

"Di chúc" mở ra một tương lai, một chân trời mới bằng sự khẳng định chắc chắn, tất yếu về niềm tin. Không ngẫu nhiên mở đầu tác phẩm là một tất yếu về chiến thắng: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

Ở câu trên mệnh đề "song nhất định thắng lợi hoàn toàn" là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu "Đó là một điều chắc chắn". Cấu trúc hình thức diễn đạt cũng tham gia vào chủ đề khẳng định chung bằng cách câu văn tách dòng đứng riêng. Các từ: "Nhất định", "hoàn toàn", "chắc chắn" là không thể thay thế. Giả sử dùng phép giả định tỉnh lược, để chỉ còn mệnh đề "song sẽ thắng lợi" thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng ý nhấn mạnh niềm tin bị giảm đi rất nhiều.

Ở phần sau sự khẳng định còn mạnh mẽ hơn: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

4 câu văn ngắn cấu trúc giống nhau đều lấy “nhất định” (cùng là thanh trắc) làm động từ chính tạo ra ngữ khí mạnh mẽ, rắn rỏi, chắc chắn diễn tả cao nhất sự tin tưởng đến tuyệt đối. Có thể hình dung ngôi nhà hòa bình Việt Nam được Bác Hồ xây dựng trên mảnh đất tự do có 4 cây cột “nhất định” vô cùng vững chãi: "Nhất định thắng lợi", "nhất định Mỹ cút", "nhất định thống nhất", "nhất định sum họp!".

VĂN HÓA ĐẢNG: ĐOÀN KẾT - PHỤC VỤ

Trong nội dung chính, Người đặt ra vấn đề quan trọng nhất: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Người khẳng định công lao, tài năng lãnh đạo của Đảng ta, đi “từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, chỉ ra nguyên nhân thắng lợi: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ...”. Trong một câu văn có tới hai chữ "đoàn kết", vừa để nhấn mạnh vừa để nói vấn đề cực kỳ quan trọng không chỉ là cách thức, nguyên nhân, phương pháp mà còn là mục tiêu của cách mạng. Có tới 3 lần dùng hai chữ “phục vụ”: “Một lòng một dạ phục vụ giai cấp”, “phục vụ nhân dân”, “phục vụ Tổ quốc” để nhấn mạnh, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải lấy “phục vụ” là lẽ sống, là phẩm chất, là tiêu chuẩn đạo đức của người cách mạng. “Đoàn kết” sẽ tạo ra sức mạnh để “phục vụ” dân tốt hơn!

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “nhân dân” là một phạm trù thiêng liêng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”, “không làm trái ý dân”, “Dân muốn gì ta phải làm thế”! Phục vụ dân là trách nhiệm vẻ vang và thiêng liêng của Đảng ta! Đấy là nguyên nhân dẫn đến mọi thắng lợi, cũng là lý tưởng, là mục đích của Đảng ta. Đấy cũng là văn hóa Đảng: Đoàn kết tốt để phục vụ tốt!

Vấn đề phục vụ được Người khái quát trong câu văn với một hình tượng thật sinh động, cụ thể: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây chính là sứ mệnh của Đảng ta, là tầm văn hóa của Đảng ta, phải thật trong sạch, để là người lãnh đạo, để là người đầy tớ của nhân dân. Rõ ràng trong cách diễn đạt của Người thì hai vấn đề này quan hệ mật thiết, biện chứng, hữu cơ, không thể chỉ có một vế lãnh đạo hoặc đầy tớ vì thế không nên tách rời hai phương diện này khi phân tích hoặc trích dẫn.

Bác sống như trời đất của ta nhưng "Nâng niu tất cả chỉ quên mình" (thơ Tố Hữu), cả bản "Di chúc" 1.000 chữ, Bác chỉ dành 79 chữ nói về cá nhân mình. Nhưng xét kỹ, việc riêng ấy cũng là việc chung, cũng là dĩ công vi thượng: “Về việc riêng-Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

4 lần hai chữ “phục vụ” được nhắc lại. Bác “tiếc” cho mình. Thẳm sâu sau hai chữ “tiếc” ấy là niềm mong mỏi các cán bộ, đảng viên “phục vụ” Tổ quốc, cách mạng, nhân dân thỏa ý nguyện của Bác. Với người cách mạng chân chính, sống là cho, chết cũng là cho. Bác Hồ của chúng ta là thế, sống đã vì dân, khi từ biệt thế giới này cũng vì dân. Bác tiêu biểu cho văn hóa vì nhân dân.

MỞ RA CHÂN TRỜI TƯƠNG LAI

Phần cuối của thể văn di chúc thường dồn tụ những ý tưởng, gói lại những di nguyện. Cấu trúc quy nạp này để nhấn mạnh những điều cần trao gửi, nhắn nhủ, tạo ra hiệu ứng nhớ nhung, luyến tiếc ở người đọc. "Di chúc" của Bác chỉ tuân theo logic hình thức thể loại nhưng gợi ra hiệu ứng hoàn toàn khác, mới mẻ, tràn đầy niềm tin tưởng.

Đoạn cuối khép lại về câu chữ nhưng mở ra về ý về tình, về một tương lai, tiền đồ tươi sáng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Sự “mong muốn” này mang tầm ý nghĩa phổ quát rộng rãi đến mức chung cho tất cả, cho mọi người dân Việt, cả đất nước, dân tộc này. Đó chính là “giải pháp văn hóa” có hạt nhân là cái chìa khóa vàng “đoàn kết” mở ra hướng đi cho cả đất nước.

Hai chữ “đoàn kết” được đặt ở vị trí trung tâm, mở đầu: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu” là vì vậy. Để làm điểm tựa cho hai mệnh đề sau: “xây dựng...” và “góp phần...”. Vừa là nhắn nhủ vừa là kêu gọi bằng sự đồng cảm, đồng tâm, đồng ý, đồng chí đi vào lòng người.

Di chúc nói chung, xét về bản chất là di nguyện, thì “mong muốn cuối cùng” này là một “di nguyện” của một con người vĩ đại, bởi đây là một mô hình xã hội lý tưởng mà chỉ tầm cao một thiên tài văn hóa mới có thể kiến tạo được. Đó là mô hình xã hội chủ nghĩa, bao gồm các khái niệm: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.

Sự sắp xếp trật tự các khái niệm này là không thể thay đổi, bởi được cấu trúc trong một hệ thống logic chặt chẽ cao nhất, khái niệm nọ làm tiền đề, làm điểm tựa cho khái niệm kia. Mô hình này có tốt mới làm tiền đề cho mệnh đề (mô hình) sau có vai trò, nhiệm vụ, chức năng là “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”!

Hội tụ, kết tinh, lắng đọng tinh hoa lịch sử văn hóa dân tộc và nhân loại, "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng nói của đạo lý truyền thống, của chân lý thời đại và nguyên lý cách mạng!./.

Nguồn: https://tuyengiao.vn/

Tin liên quan