KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 15/07/2019 - Lượt xem: 693
ĐÔI ĐIỀU BÀN THÊM VỀ BÀI CA DAO “CƯỚI NÀNG ANH TOAN DẪN VOI”

Vang vọng lâu bền nhất của cuộc sống đã qua là tiếng rì rầm của cuộc đời thường, và ca dao là một trong những thanh âm đó. Được tinh lọc qua tâm hồn lạc quan, hóm hỉnh và giàu chất trí tuệ của người Việt xưa, ca dao thấm đẫm tình yêu đối với sự vật xung quanh và khiếu hài hước của người lao động, là tiếng đồng vọng của những tâm sự, của những quan niệm nhân sinh về cuộc sống và nhân tình thế thái

Cũng như các loại hình văn học dân gian khác, ca dao mang tính thực hành rõ rệt và gắn chặt chẽ với đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Việt cổ. Nhiều bài ca dao được dùng trong các buổi hát đúm để trai gái thử tài nhau, thử tình nhau hoặc tìm hiểu nhau kiểu như bài ca dao “Cưới nàng anh toan dẫn voi”:

- Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
Dẫn trâu sợ họ máu hàn
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng
- Chàng dẫn thế em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là...
Người ta thách lợn thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang:
Củ to thì để mời làng
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi
Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà
Bao nhiêu củ rím, củ hà
Để cho con lợn, con gà nó ăn...

Hay như:

- Một bên quần rộng áo dài

Một bên cày cấy lấy khoai đổ bồ
Hai bên em chuộng bên mô?

- Hai bên em chuộng bên bồ khoai lang.

Đã có nhiều bài viết về bài ca dao “Cưới nàng anh toan dẫn voi”. Hầu hết các bài viết đều khẳng định bài ca dao đó là ước mơ giản dị của người dân lao động xã hội xưa về một tình yêu giản dị, không màng vật chất với tất cả niềm lạc quan, yêu đời.

Có một điều dễ nhận thấy là bài ca dao kết đọng lại ở hình ảnh “con chuột béo” trong lời dẫn cưới của chàng trai và “nhà khoai lang” trong lời thách cưới của cô gái. Đại đa số tác giả cảm nhận hình ảnh “con chuột béo” với lập luận chặt chẽ đã thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh và tâm hồn lạc quan của chàng trai; hình ảnh “một nhà khoai lang” thể hiện cô gái là người đảm đang, tháo vát, giàu tình nghĩa khi sẵn sàng chấp nhận làm vợ anh trai nghèo. Nghệ thuật hài hước, trào lộng kết tụ ở việc khắc họa hình ảnh chàng trai cố khoe mẽ để che đậy cảnh nghèo của mình và ở việc miêu ta thái độ chân thật, cởi mở của cô gái... Đó là sự đối lập giữa tính sĩ diện, đua đòi theo thói tục lạc hậu và sự sáng suốt, giản dị phù hợp với cuộc sống của quẩn chúng lao động.

Ở đây, chúng tôi cũng đồng quan điểm với các quan điểm đó. Tuy nhiên, hầu như các bài viết đó mới chỉ thấy được “bề nổi của tảng băng chìm” trong ý nghĩa văn chương mà chưa đi sâu lý giải ý nghĩa văn hóa sâu xa của các hình ảnh kết tinh đó.

  1. Về sính lễ dẫn cưới “con chuột béo mời dân mời làng” của chàng trai

Chàng trai đã dõng dạc, tự tin khẳng định như đinh đóng cột rằng: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò với mong muốn tổ chức lễ cưới thật sang trọng, lình đình. Nhưng sau đó, anh lại giải thích bằng lí do một cách khéo léo, khôn ngoan: dẫn voi / sợ quốc cấm, dẫn trâu / sợ máu hàn và dẫn bò/ sợ họ nhà nàng co gân. Chàng giải thích lí do không dẫn các lễ vật nêu trên một cách khôn ngoan: phần vì tôn trọng luật pháp, phần vì lo lắng cho sức khỏe họ hàng nhà gái. Và cuối cùng, sính lễ được “chốt” là con chuột béo.

Có nhiều tác giả cho rằng chàng trai dẫn cưới bằng con chuột béo vì đó là thú bốn chân – đáp ứng được yêu cầu có “thú bốn chân” thường thấy trong sính lễ. Chuột là loài vật tầm thường, dễ kiếm nên có thể “giải cứu” chàng trai khỏi “thế bí” của sự nghèo khó và việc dẫn cưới bằng con chuột là kiểu dẫn cưới độc đáo, lạ lẫm. Nếu nhìn từ khía cạnh văn hóa dân gian, quan điểm đó cần được bổ chính.

Sính lễ dẫn cưới của chàng trai không quá xa lạ trong tập tục văn hóa dân gian. Ở một số địa phương thuộc Lào Cai, theo quy định, trong lễ ăn hỏi, lễ cưới đều phải có 9 ống thịt chuột. Ông bố của chú rể phải cho thịt chuột vào 2 ống vầu to và 6 ống vầu nhỏ để dâng cúng tổ tiên của nhà gái. Ở một số dân tộc ở Nghệ An, trước khi đi hỏi vợ, chính tay người con trai phải lên rừng đánh bẫy bắt chuột đem về mổ bụng, sấy khô trên gác bếp để làm sính lễ đi hỏi vợ. Ở huyện Từ Sơn – Bắc Ninh, đám cưới không thể thiếu thịt chuột. Ở nhiều nơi như: Thạch Thất - Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên... đám cưới không có thịt chuột chưa phải là to.

Như vậy, sính lễ dẫn cưới của chàng trai không phải là thứ thấp kém, cũng không phải là biểu hiện của việc coi thường người yêu, mà nó phảng phất phong tục văn hóa dân gian ở nhiều địa phương của người Việt xưa và còn lưu truyền đến nay.

  1. Về lời thách cưới “một nhà khoai lang” của cô gái

Lời đáp lại của cô gái như một sự tung hứng rất hợp điệu với phần dẫn cưới của chàng trai. Dù phần hiển ngôn là đùa vui mà hàm ngôn lại ẩn chứa tình cảm đáng quí, cô gái như ngầm sự động viên chàng trai vững tâm để đi đến hạnh phúc. Vẫn là thách cưới, nhưng những lễ vật đó chàng trai hoàn toàn có thể làm ra bằng chính sức lao động của mình.

Cô biết rõ chàng trai rất nghèo, không thể lo nổi những lễ vật thách cưới thông thường như lợn, gà... nên thách cưới một nhà khoai lang. Lời thách cưới dí dỏm, tế nhị cảm thông với nỗi nghèo khó của chàng trai, vừa thể hiện tấm lòng vàng của cô gái khi tỏ ý sẵn lòng làm vợ anh, dẫu anh nghèo khó.

Lời đáp lại của cô gái dù như một lời đùa vui mà lại ẩn chứa một nỗi lòng đáng quí. Như trong một số bài ca dao cũng từng dùng hình ảnh củ khoai lang để khẳng định:

Rau lang trổ ngọn hồng hồng

Bởi thương tình nghĩa xuôi dòng đến đây.

Vượt thoát khỏi ý nghĩa của một loại củ dân dã, rẻ tiền, hình ảnh kết đọng trong lời thách cưới của cô gái hàm chứa nhiều tầng nghĩa sâu xa. Trước hết, nó bộc lộ tư tưởng và thái độ sống lạc quan tích cực, đồng thời, hé lộ phẩm chất trọng tình, lối ứng xử có tình có nghĩa của người Việt thuở xưa. Điều đó nằm trong triết lý nhân sinh “trọng tình” hơn của cải:

Quan cưới em bằng kiệu em cũng không thèm

Anh cưới em bằng xuồng ba lá em cũng nguyền theo không.

Đồng thời, lời thách cưới của cô gái phảng phất thái độ phê phán hủ tục “nộp cheo” trong việc cưới hỏi ngày trước. Thường đó là một khoản tiền lớn, đẩy nhiều chàng trai vào cảnh:

  • Tuy rằng áo rách tày sang

Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi.

  • Mạ non bắt nhẻ cấy biền

Thương em đứt ruột, chạy tiền không ra

Hoặc:

Thình thình trống đập thình thình

Ông chánh, ông phó ra đình thu cheo

Nghe lời đối đáp, chúng ta dễ nhận thấy trước khi được sự đồng ý của cha mẹ hai bên, chàng trai và cô gái đã vượt quyền để tự dạm hỏi nhau, tự cưới nhau trong tâm hồn.

Sẽ không là ngoa ngôn khi khẳng định bài ca dao đã phản ánh đầy đủ, trung thực văn hóa, văn minh tinh thần của người Việt thuở trước bằng loại ngôn ngữ thuần Việt từ trong tinh huyết của từ ngữ, của âm điệu, của bóng hình lịch sử dân tộc.

Nguyễn Thị Linh Đa

(Trường CĐSP Hưng Yên)

 

Tin liên quan