KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 16/12/2018 - Lượt xem: 175
Đôi dòng cảm nhận về tập “Dấu xưa”

Sinh ra trên mảnh đất Tân Việt, huyện Yên Mỹ, một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu dấu bao tên tuổi lẫy lừng, chàng thanh niên Vũ Văn Toàn ấp ủ biết bao dự định, ước mơ. Song giữa lúc đất nước chưa yên tiếng súng thù, hòa vào dòng thác cuồn cuộn của những người con ưu tú ra đi cứu nước, tạm gác lại những hoài bão, mộng mơ, gửi lại quê nhà mối tình đầu vụng dại, sáng trong, Vũ Văn Toàn hăng hái lên đường chiến đấu vì ngày mai độc lập, tự do:

Chưa thoáng một lần dám cầm tay

Chưa hương bồ kết ngả trên vai

Lời yêu ấp ủ chưa hề nói

Mà cứ vụng thầm nhớ đến ai

Số phận run rủi, hay đó là con đường tất yếu của một tâm hồn thi sĩ quyết dấn thân vì lí tưởng cách mạng, Vũ Văn Toàn được phiên về Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 và trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Ở nơi mưa bom, bão đạn khốc liệt vào bậc nhất trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, mắt anh từng chứng kiến bao tình huống bi hùng, tay anh từng ôm vào lòng biết bao đồng đội tuổi thanh xuân mãi mãi không về, tim anh từng run rẩy, nức nở theo mỗi hồi súng tiễn biệt. Mang theo chí trả nợ nước, đền thù nhà, mang theo tiếng cười, giấc mơ và cả tình yêu trai trẻ còn dang dở của bao người đồng đội, các anh đã hiên ngang, dũng mãnh lập chiến công:

Đánh Buôn Ma Thuột mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh

Khí thế sục sôi đánh địch diệt sư đoàn ngụy hai mươi ba

Truy kích địch vượt qua Cheo Reo, Phú Bổn

Xác quân thù nằm phơi khắp nơi nơi

Chiến tranh rồi cũng lùi xa, trở lại cuộc sống thời bình với những lo toan, trăn trở, song ký ức về đồng đội, về những ngày khói lửa chiến tranh không thể nguôi ngoai. Tháng 7 hàng năm, không hẹn mà người còn sống đều tụ hội về bên dòng Thạch Hãn:

Tôi lặng nhìn dòng nước lững lờ trôi

Đồng đội ơi! Bạn đang ở đâu rồi?

Sao gọi mãi thanh âm không tiếng vọng?

Quặn lòng, nước mắt nhớ khôn nguôi.

Sau phút tay bắt, mặt mừng trong niềm vui đoàn tụ, là im lặng thẳm sâu, dường như mỗi hơi thở, ánh mắt đều chạm vào vùng linh thiêng đậm đặc nhớ nhung, day dứt khôn cùng:

Cỏ cây đứng lặng tri ân

Mây ô che nắng bạn nằm nơi đâu

Ve kêu Thành cổ u sầu

Đồng đội ơi! Ở nơi đâu hãy về

Trên hành trình về nguồn của người lính Quảng Trị năm xưa còn có những địa danh lịch sử đặc biệt gợi nhớ, đó là Vũng Chùa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam yên nghỉ; là địa ngục trần gian Côn Đảo, nơi đòn roi tra tấn của kẻ thù càng góp phần tôi luyện thêm ý chí đấu tranh “cứng hơn gang sắt”; là Trường Sa điệp trùng sóng vỗ với những người con chỉ cần nhắc đến thôi đã rưng rưng giọt lệ tự hào:

Giữa mênh mông biển điệp trùng sóng vỗ

Nắm tay nhau hòa nhịp hát kết đoàn.

Trong 7 cái “vía” của người trai đất Tân Việt, Yên Mỹ, cái “vía” thực sự sâu nặng, chung đúc nên một tâm hồn đa tình, trọng nghĩa chính là nơi anh đã vào sinh ra tử suốt tuổi trẻ hừng hực lý tưởng “vị quốc quên thân”. Chính vì thế, thật không phải ngẫu nhiên mà tác giả trang trọng đặt 7 bài thơ về những địa danh lịch sử đặc biệt này ngay ở phần đầu của tập thơ 59 bài và rất nhiều “Những câu thơ để nhớ”. Khi ký ức chiến tranh, nghĩa tình đồng đội đã thăng hoa, viên mãn trong mỗi vần thơ, được tháo cởi những uẩn ức, như cánh chim tự do, hào sảng, Vũ Văn Toàn vùng vẫy khắp mọi nơi, anh hối hả sống, hối hả thu vào tầm mắt từng lát cắt lấp lánh của viên xúc xắc cuộc đời. 6 “vía” còn lại kia cũng lần lượt hiện lên vừa lạ, vừa quen trong cách anh nhìn nhận, ứng xử với người em trong mộng – nàng thơ, với thiên nhiên, với quê hương chôn rau cắt  rốn, với hai đấng sinh thành, với thế thái nhân tình và với bản ngã của chính mình.

Không xuất hiện dày đặc như ở tập thơ thứ nhất “Ngẫu hứng”, nhân vật “em” trong “Dấu xưa” khi nhẹ nhàng, duyên dáng trong chiếc áo mớ bảy mớ ba hát câu giao duyên đêm hội làng “Mắt em lúng liếng như neo người về”, khi lãng đãng trong khói sương huyền hoặc, mộng mơ Đà Lạt “Nghiêng bờ vai em thác Prenn”, khi lại hiện hữu trong hình ảnh người vợ một đời chăm chút, yêu thương chồng con, hiếu nghĩa vẹn toàn để chồng thỏa chí tang bồng:

Nhiều khi sóng gió phong ba

Cuộc sống nhạt nhòa cùng với tháng năm

Song cũng có lúc đục trong

Hiểu tâm lại lựa bằng lòng trước sau.

Có cơ hội đi nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều cảnh sắc tuyệt mỹ trong và ngoài nước cũng dễ làm người ta bão hòa trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thế nhưng tình nghệ sĩ của Vũ Văn Toàn vẫn dâng trào cảm xúc và anh không tiếc lời cẩm tú dành tặng cho Đà Lạt, thành phố ngàn thông:

Sân khấu rộng giữa không gian

Rừng thông rung phím âm vang đàn trời,

không tiếc dòng bích lệ đồng cảm với cánh lục bình “Bồng bềnh theo nước phận đời không quê”, không tiếc cả ý tình lãng đãng với những ngôi sao trên trời:

Sao Hôm thơ thẩn ngóng sao Mai

Vấn vương tựa cửa tháng năm dài.

Trong những chuyến viễn du bất tận ấy, khi đã bước qua tuổi tri thiên mệnh, Vũ Văn Toàn chợt thấm thía rằng không đâu neo giữ hồn anh sâu đậm bằng quê nhà yêu dấu. Ở đó, có tuổi thơ anh rất mực êm ả “Chiều thu vi vút sáo diều”, có cánh cổng làng in dấu mưa nắng thời gian:

Buồn vui gian khổ nắng dãi dầu

Bộn bề mùa vụ bước nặng sâu

Lối về đậm in bao nỗi nhớ

Đất mẹ cổng quê qua cúi đầu,

Và đặc biệt, có mẹ cha anh một đời tảo tần, lam lũ:

Dây rơm mẹ thắt lưng tròn

Tránh cơn gió lạnh nghiêng đon lúa mềm

 Thế nên, khi nghỉ hưu, chia tay chốn quan trường đầy rẫy thị phi, thoáng chút buồn bởi thế thái nhân tình:

Vội vã ra về

Giấu ánh mắt cô đơn

Bờ vai mềm lạnh lẽo

Cái bắt tay

Hờ hững nhũn mềm

Mắt nhìn bâng quơ vào khoảng trời tĩnh lặng.

Nhưng rất nhanh anh tìm lại thư thái từ miền quê địa linh nhân kiệt đang bừng sáng từng ngày:

Nón sen ngả đựng lời thề

Xây quê tôi mãi đẹp giàu đi lên

cùng hạnh phúc được phụng dưỡng cha già:

Cha tuổi chín mươi, con sáu ba

Bốn chân một gậy bước cha già

Lưng còng nặng bước đi khập khiễng

Cha tựa vào con, con tựa cha,

Lòng tự dặn lòng mà thấm thía biết bao :

Cuộc đời sống phải vì nhau

Chia sẻ nỗi sầu hạnh phúc cùng vui

Gần 60 bài thơ, khi hào sảng, kiêu hùng, lúc ân tình, thủ thỉ, khi lãng đãng, mộng mơ, lúc dung dị, thuần hậu. Không lên gân, không chau chuốt luật vần, chỉ là những cảm xúc chân thành, những tứ thơ đẹp lạ của một tâm hồn khiêm nhường, vị tha, nâng niu, trân trọng từng ký ức, từng khoảnh khắc đẹp và hết lòng thương yêu, quan tâm mọi người. Thế nên, dù “Dấu xưa” còn không ít những “quặng thô” chưa tinh luyện hết, cũng xin trân trọng thưởng lãm bản ngã của một người không định trở thành nhà thơ nhưng trót để Nàng Thơ gõ cửa.

Hoàng Mai
 

 

 

 
 

 

Tin liên quan