Nguyễn Xuân Trung Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Phạm Văn Nghệ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên
Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình trí thức yêu nước. Chính truyền thống của quê hương và gia đình đã bồi đắp và hun đúc nên lý tưởng cách mạng của đồng chí Trường Chinh. Đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước từ năm 1925, gia nhập Hội Thanh niên Cách mạng năm 1927, tham gia vào tiến trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp năm 1929. Đồng chí thuộc lớp cán bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, làmột trong những học trò xuất sắc nhất, người đồng chí gần gũi, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư duy chiến lược, tài năng sáng tạo
Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I (tháng 5-1941), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Cũng từ đây, Đảng ta hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước.Để có được thành công rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không thể không nói tới tư tưởng chỉ đạo thực tiễn sáng suốt của Hội nghị Trung ương 8,đánh dấu sự chuyến biến đặc biệt quan trọng về chỉ đạo chiến lược của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, mà đồng chí Trường Chinh chính là một yếu nhân thổi hồn vào bản Nghị quyết đó(đích thân đồng chí Trường Chinh soạn thảo bản Nghị quyết này dưới sự hướng dẫn của Hồ Chí Minh). Nghị quyết khẳng định: “Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương. Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật.Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy, trước hết tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp- Nhật xâm chiếm nước ta”1.
Để đoàn kết được lực lượng cách mạng toàn dân tộc, Hội nghị Trung ương 8đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt làViệt Minh) và các đoàn thể “cứu quốc”, lấy liên minh công nông làm nòng cốt, tranh thủ đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, phản đế, không kể họ thuộc tầng lớp, giai cấp nào. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8là sự thực hành sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh - một vấn đề chiến lược quá xa lạ so với quan điểm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ.
Cùng với vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết còn chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, nắm và tận dụng thời cơ cách mạng để sẵn sàng Tổng khởi nghĩa. Nghị quyết khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”2.
Như vậy, Nghị quyết Trung ương VIII đã hoàn chỉnh chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc, phát triển lý luận về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam. Hội nghị đã đề ra chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp, các tầng lớp yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Sau Hội nghị, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, mở rộng Mặt trận Việt Minh, củng cố các an toàn khu (ATK), tổ chức lực lượng vũ trang và thành lập khu giải phóng.
Ngày 9-3-1945, tại Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, với tư duy khoa học, tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, đồng chí Trường Chinh cùng Ban Thường vụ Trung ương đã nhận định, phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng thời cuộc và ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Chỉ thị “Phá kho thóc của Nhật để chia cho dân đói”; kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh, nhanh chóng dấy lên cao trào chống phát xít Nhật cứu nước. Đồng chí đã chỉ đạo thực hiện thành công một chủ trương sáng tạo độc đáo của Đảng ta là tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi, thành lập các khu giải phóng, nắm bắt thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Đánh giá về tài năng của đồng chí Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng: Từ tháng 8-1942 đến 9-1944, Bác Hồ đi vắng, có thời gian khá dài, không có tin tức, trên cương vị Tổng Bí thư, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, anh Trường Chinh đã đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo phong trào và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nổi bật nhất là anh dự báo việc Nhật Pháp bắn nhau và sớm thay mặt Thường vụ Trung ương thảo ra Chỉ thị: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cùng với Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, bản Chỉ thị ấy đã chỉ rõ thời cơ đang đến, khả năng thời cơ xuất hiện và thái độ của ta nên như thế nào... Chỉ thị ấy có tác dụng quyết định trong việc động viên, hướng dẫn toàn Đảng trong cao trào chống Nhật cứu nước... Chỉ trong hơn 10 ngày, Cách mạng tháng Tám đã thành công trong cả nước. Đó là sự kiện có một không hai trong lịch sử3.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ của ta rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Trường Chinh đã cùng tập thể Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giữ vững chính quyền nhân dân, tranh thủ thời cơ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Căn cứ đường lối của Đảng và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã viết tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi. Đây vừa là một tác phẩm quân sự, là cương lĩnh hành động của Đảng ta trong thời kỳ đầu tiến hành chống thực dân xâm lược, vừa là một khẩu hiệu chứa đựng trong đó niềm tin sắt đá vào chiến thắng của cách mạng Việt Nam.
Có một số đồng chí cho rằng, cách mạng Việt Nam phải trải qua 3 giai đoạn: Sau khi kết thúc giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc sẽ chuyển sang giai đoạn cách mạng dân chủ, thực hiện cách mạng ruộng đất. Khi nào hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sẽ bước vào giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng(tháng 2-1951), đồng chí Trường Chinh đã nhận định: “Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược, mâu thuẫn giữa số đông là nhân dân với giai cấp địa chủ, mâu thuẫn giữa lao động và tư bản trong nước… Trong đó nổi lên “Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc xâm lược cùng bọn bù nhìn tay sai của chúng là chủ yếu”4. Từ đó, đồng chí đã khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này là: “Nhiệm vụ cơ bản hiện nay là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược giành độc lập và thống nhất thực sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội…”5. Có thể nói, đây là một văn kiện lịch sử, góp phần bổ sung và phát triển lý luận của Hồ Chí Minh và Đảng ta về cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến hành trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến trong thời đại mới.Giá trị lý luận và thực tiễn của các văn kiện Đại hội cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổ chức Đại hội của Tổng Bí thư Trường Chinh là đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Thành công của Đại hội II đánh dấu bước phát triển vượt bậc và toàn diện về đường lối cách mạng và kháng chiến trong giai đoạn mới. Tại Đại hội này, đồng chí Trường Chinh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng; cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng bổ sung, hoàn chỉnh lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
Phải để nhiệm vụ phản đế lên hàng đầu.Nhiệm vụ phản phong phải luôn phục vụ phản đế. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là tiền đề của cách mạng xã hội chủ nghĩa; và cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hai quá trình khác nhau nhưng kế tiếp nhau không đứt đoạn, có nhiệm vụ của giai đoạn sau đã bắt đầu từ giai đoạn trước và có nhiệm vụ của giai đoạn trước, sang giai đoạn sau mới có thể hoàn thành. Theo đồng chí Trường Chinh, ở mỗi giai đoạn đều phải xác định rõ kẻ thù cụ thể trước mắt để tập trung chĩa mũi nhọn vào chúng, phân hóa, cô lập chúng cao độ. Lịch sử chứng minh rằng, tách rời hai nhiệm vụ phản đế, phản phong kiến thì cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại; và nếu kết hợp không đúng mức hai nhiệm vụ ấy sẽ phạm sa lầm hoặc hữu khuynh, hoặc tả khuynh.
Nếu như trong Chính cương vắn tắt, Hồ Chí Minh mới chỉ nói tới “để đi tới xã hội cộng sản”, mà chưa chỉ rõ là đi tới bằng cách nào thì tới Đại hội II, trong tác phẩm Bàn về cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh căn cứ vào tình hình thực tiễn của cách mạng và tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định: Đi con đường tất yếu của nó tiến lên chủ nghĩa xã hội quyết không có con đường nào khác.Đó chính là quá trình đi lên từ xã hội thuộc địa, nửa phong kiến qua xã hội dân chủ mới, đến xã hội chủ nghĩa.Chính cách mạng Tháng Tám đã mở đầu cho quá trình đó.
Đồng chí Trường Chinh cũng chỉ rõ, quá trình cách mạng ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến thắng lợi, giành độc lập hoàn toàn sẽ chuyển sang giai đoạn mới bao gồm một quá trình cải cách, vừa ôn hòa, vừa bạo lực dưới chính quyền dân chủ nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong điều kiện đó, chính quyền nhân dân sẽ có thể phải thi hành một loạt cải cách mạnh bạo. Đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: “Dưới chính quyền nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhiều cuộc cải biến tiếp tục và lần lần cộng lại cũng dẫn đến một kết quả ngang như một cuộc cách mạng thực sự”6. Vì thế, không thể nóng vội hay chủ quan về quá trình cách mạng Việt Nam. Muốn đạt tới chủ nghĩa xã hội, phải qua nhiều giai đoạn, chứ không phải một giai đoạn. Những giai đoạn đó, không dứt mạch mà liên quan mật thiết với nhau. Trong cả quá trình đó mầm mống của chủ nghĩa xã hội được xây dựng củng cố và phát triển dần dần.Nhưng chủ nghĩa tư bản dân tộc cũng sẽ phát triển. Sau cùng, cuộc đấu tranh giữa hai nhân tố xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ kết thúc bằng sự thắng lợi của nhân tố xã hội chủ nghĩa và sẽ đưa nước Việt Nam đến chủ nghĩa xã hội, bước đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Say mê trước chiến thắng, nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng sinh ra chủ quan, tự mãn cùng với nhận thức sai lầm, mang tư duy, cung cách quản lý thời chiến sang áp dụng quản lý xã hội, quản lý kinh tế trong thời bình đã làm cho đất nước lâm vào trì trệ, khó khăn;cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng trầm trọng, sản xuất bị trì trệ, lạm phát phi mã,...
Trước thực trạng đó, một lần nữa, tư duy sáng tạo, đổi mới của đồng chí Trường Chinh in dấu ấn sâu đậm vào sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Với sự nhạy bén và tư duy sắc sảo, đồng chí Trường Chinh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng đã thâm nhập thực tế, tập hợp các sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tìm tòi con đường đổi mới. Theo đồng chí Trường Chinh,chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng về chỉ đạo chiến lược chứ không phải chỉ về mặt lãnh đạo kinh tế.Vì vậy, chúng ta phải đổi mới toàn diện, mà trước hết là đổi mới tư duy kinh tế.Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa V), trên cơ sở phân tích, làm rõ những sai lầm, khuyết điểm trong việc duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, đồng chí Trường Chinh đã rút ra kết luận: “Chúng ta phải triệt để xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Song về sách lược, trong mỗi bước đi cần có tính toán, cân nhắc thận trọng”7.
Sau khi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, ngày 14-7-1986, tại phiên họp đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư. Với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén, bám sát thực tiễn, sâu sát tình hình ở địa phương, cơ sở, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước và nguyện vọng của nhân dân, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chỉ đạo toàn Đảng “phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của chính mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp”8. Đây là một việc làm dũng cảm và đầy khó khăn, thử thách, bởi đó là cuộc đấu tranh đến từ chính tư duy, nhận thức của những người đồng chí mình chứ không phải là từ kẻ thù ở bên ngoài. Trong quá trình trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí nhấn mạnh: “Cần thấy rõ tính chất phức tạp, khó khăn của quá trình đổi mới. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu.Cái khó nhất là ở chỗ: Đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng và cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình”9. Đồng chí đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh khi cho rằng: “Làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng, chỉ có như vậy thì Đảng ta mới đủ sức lãnh đạo cách mạng nước ta trong thời gian tới. Khôi phục, giữ vững và nâng cao tính chiến đấu của Đảng là yêu cầu bức thiết hiện nay. Công tác cán bộ phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng”10.
Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt mang tính đột phá chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, trong đó đồng chí Trường Chinh với trọng trách Tổng Bí thư, là kiến trúc sư của sự nghiệp đổi mới, đã có những đóng góp to lớn trong việc chuẩn bị văn kiện và tổ chức thành công Đại hội.
Từ sự đổi mới tư duy có tính chất đột phá của Đại hội VI, mà đồng chí Trường Chinh là người đi đầu cho sự đổi mới đó, đến Đại hội VII, lần đầu tiên Đảng ta nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra trong Đại hội VII của Đảng là “phải nắm vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, trong lĩnh vực lý luận, đồng chí Trường Chinh còn là cây bút xuất sắc của cách mạng Việt Nam.Với các tác phẩm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), Chủ nghĩa Mác về văn hóa Việt Nam (1943), đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong việc hình thành cơ sở lý luận xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng và lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng. Đồng chí còn chỉ đạo thành lập và trực tiếp viết bài cho Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng; Báo Cứu quốc - Cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh; Báo Cờ Giải phóng - Cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng… nhằm truyền đạt đến cán bộ, đảng viên, nhân dân về những biến đổi mau chóng của tình hình và đường lối, chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh; vận động, tổ chức các tầng lớp nhân dân vùng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và phát xít Nhật…
Đồng chí Trường Chinh là người đã kế thừa, thực hành sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong từng giai đoạn thực tiễn của đất nước, tạo nên những thắng lợi mang ý nghĩa bước ngoặt cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc nhất,người cộng sự xuất sắc, tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ sau học tập và noi theo.
Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 7, tr. 112, 113.
3.https://vov.vn/chinh-tri/dang/truong-chinh-ngoi-sao-sang-tren-bau-troi- cach-mang-thang-tam-422692.vov.
4, 5.Ban nghiên cứu lịch sử Trung ương: Văn kiện Đại hội II, Hà Nội, 1965, tr. 88.
6. Ban nghiên cứu lịch sử Trung ương: Văn kiện Đại hội II, sđd, tr. 117.
7, 8, 9, 10: Trường Chinh:Tuyển tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 921, 1201, 1207, 1232.
Theo Nhịp cầu tri thức, số tháng 9,10/2018