KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 06/12/2017 - Lượt xem: 905
"ĐỒNG NÁT LẠI VỀ CẦU NÔM"

I- Từ một làng buôn xứ bắc...

           Nằm trong một vùng châu thổ Bắc Bộ đậm đặc các làng nghề thủ công, đặc biệt là nghề đúc đồng truyền thống: Liền kề với làng Tòng Chương, làng đúc đồng nổi tiếng nay đã bị tuyệt diệt, phía Bắc có làng Đề Cầu, làng Dí, xa hơn có làng Đại Bái, Ngũ Xá; phía Tây có làng Lộng Thượng, làng Hè, làng Bùng đều là các làng tiếng tăm lừng lẫy về đúc đồng, nhưng làng Nôm lại không theo nghề đúc đồng mà chọn một nghề “hơi bị khác người” là buôn, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của các làng đúc đồng đó. Và chính vì chọn cho mình cách làm ấy, mà làng Hè Nôm đã trở thành một trong những làng buôn xứ bắc có tên tuổi, được liệt vào hàng “đại ca” trong giới thương trường. Nhiều nhà khoa học cho rằng, với các làng đúc đồng, việc thực hiện các quy trình kỹ thuật rất vất vả, cuốn hút tất cả nhân lực trong mỗi gia đình cho các giai đoạn từ khâu chuẩn bị khuôn đúc đến lúc hoàn thiện sản phẩm, do đó, họ không có điều kiện để tiêu thụ sản phẩm cũng như mua nguyên liệu. Và người làng Nôm đã chớp lấy cái cơ hội ấy, trở thành những người trung chuyển giữa người sản xuất và người tiêu dùng và cung ứng nguyên liệu cho các lò đúc. Thế mà cho đến tận bây giờ, rất nhiều người làng Nôm vẫn không tin vào cách mà các nhà khoa học giải thích. Họ tin vào những suy luận từ cái thế đất của làng mình, thế đất có hình con thuyền cạnh bờ sông Dâu. Mà đã là thuyền thì phải ra đi, càng đi xa càng làm ăn phát đạt. Có người lại cho rằng, xưa kia, khi chọn đất, các thầy phong thuỷ đã “quy hoạch” cho làng cái thế “kề sông ôm hồ” mà nhìn một cách tổng thể, thì cái thế đất ấy, đã hình thành một cái cân: mũ đồng cân là cây đa cổng đình, dọc cân là con đường trục xuyên suốt làng, quả cân là văn chỉ của làng. Chẳng biết ngày trước Tả Ao hay đệ tử của cụ có "quy hoạch" gì không, chứ cái niềm tin phong thuỷ đã giúp người dân làng tin vào sự lựa chọn nghề của mình, để chuyên tâm hơn với thương trường.

Chính vì niềm tin ấy, mà nhiều người dân trong làng đã trở thành những thương gia có tên tuổi hay nhiều người làng tụ họp ở đô hội nào đó trên đất nước, cùng với những người dân ở các làng đúc đồng khác tạo thành phố Hàng Đồng: phố Hàng Đồng ở Hà Nội, Hải Phòng (nay là phố Phan Bội Châu), Huế... Buôn bán là một cái nghiệp, một niềm tự hào với người dân nơi đây. Từ lời ru con: “Con ơi mẹ dặn con này/ Học buôn học bán cho tày người ta” đến ví von “Gạo nếp cái, gái họ Phùng” chỉ những người buôn bán giỏi giang. Mà tự hào quá chứ, khi làng đã từng có cụ Tạ Văn Tiếp làm đơn lên tận phủ lục lộ thời Pháp thuộc để xin nhà cầm quyền cho bỏ tiền lập ga Đông Xá (cách làng Nôm hơn một cây số) trên tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng để dân làng đi làm ăn cho thuận tiện. Cụ cũng cho đặt ở ga một cái cân lớn để người đi buôn bán kiểm tra lại hàng hoá của mình. Cũng trong giai đoạn ấy, cụ Phùng Thị Tám chỉ bằng vào đôi quang gánh và tuyến buôn vào xứ Thanh đã có tiền để tậu đất, làm nhà và còn mua cả chức lý trưởng cho chồng. Không những thế, bà còn nuôi dạy hai người con nên người. Vì thế được vua phong cho bốn chữ “Tiết hạnh khả phong”. Bà Tạ Thị Mai, người làng Nôm ra Hải Phòng lập nghiệp, đã trở thành chủ hiệu buôn Đại Hưng Long lừng lẫy, có cả một dãy nhà kho tới 36 gian (sau này, bà hiến cho nhà nước). Người ta kể rằng, thời kháng chiến chống Thực dân Pháp, bà đã móc nối với nhân viên bảo vệ trong các công binh xưởng hay kho hàng của Pháp rút đồng nguyên chất hay sản phẩm có đồng đem bán. Hiệu Đại Hưng Long của bà, vì thế, có lúc đã khiến nhà tư sản người Hoa ích Đại tiền của như nước còn phải xếp thứ hai sau bà về độ giàu có...

Một chuyện cũng khá ly kỳ khác liên quan đến người làng Nôm là chuyện về bà Phùng Thị (Hiệu diệu Thanh Xuân). Cho đến bây giờ, ở thành phố Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hoá) vẫn còn có một con phố mang tên Phùng Thị Thanh Xuân, chính là mang tên bà. Nguyên uỷ là do người con gái họ Phùng này đi buôn đồng nát đến làng Cổ Am (Thiệu Hoá- Thanh Hoá) và bị đột tử tại đó. Bà mất vào giờ thiêng, nên nhiều lần hiển linh phù hộ cho dân làng tai qua nạn khỏi. Dân làng bèn lập miếu thờ bà. Trong đền, hiện vẫn còn lưu giữ những di vật của bà như đòn gánh, cân mã tấu, thắt lưng bao xanh, nón Nhị thôn... vốn là “y bát” của những người buôn đồng nát Cầu Nôm. Họ Phùng ở Nôm cũng lập đền thờ vọng bà. Và từ ấy, người làng Cổ Am và người làng Nôm tạo được mối bang giao, kết chạ và trở thành thân gia.

Với các thường gia như thế, lại gần với kinh thành Thăng Long, với Luy Lâu cổ và cách “tiểu Tràng An” Phố Hiến một thôi đường không xa lắm, làng Nôm vẫn giữ nguyên là một làng thuần nông nằm giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Có điều, người dân nơi đây lại cứ gọi làng mình là đất tỉnh thành. ấy là vì những phiên chợ Nôm đã đi vào ca dao “Cái Bống đi chợ Cầu Nôm/Sao mày không rủ cái Tôm đi cùng...”. Bống là ngòi con Bống, Tôm là gò con Tôm, còn chợ Cầu Nôm danh tiếng thì được người dân khắp quanh vùng Kinh Bắc này truyền tụng “Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ mùng sáu chợ Nôm”. Cái khu chợ giờ vẫn còn vết tích của sự hoành tráng và sầm uất. Đó là những bệ đá dành cho khách thương hồ, những bệ đá xanh biếc nhẵn thín do... người ngồi quá nhiều. Đồ đồng nát khắp đất nước đã một thời hội tụ ở chính cái chợ này, như là một sự tất yếu mang tính nhân quả: “Đồng nát lại về Cầu Nôm, con gái nỏ mồm về ở với cha”.

II- Đến quần thể kiến trúc làng cổ đồng bằng Bắc Bộ.

Qua những biến thiên của thời cuộc, giờ thì làng Nôm trở lại nguyên thuỷ là một làng với cư dân thuần nông. Nhưng dấu tích về một làng buôn danh tiếng của xứ Bắc vẫn còn nhiều lắm. Đáng kể nhất, có lẽ vẫn là quần thể kiến trúc công cộng còn lại nơi đây, từ đình Tam Giang đến cầu đá, chùa Thông, cồng làng bát trụ đồng cân... Đình Tam Giang thờ đức Thượng Đẳng Tam Giang được xây từ thời nhà Lê. Theo cụ Nguyễn Văn Năm, một cao lão trong làng, thì cụ đã được những người đời trước truyền lại rằng, để xây đình, thủa ấy, con trai trong làng cứ đến 18 tuổi là đã phải tập trung ra kéo gỗ, kéo đá làm đình. Mỗi ngày có đến trên 300 người kéo những cây gỗ, những phiến đá được chở theo con sông Nghĩa về dựng đình trên cái thế đất mà thầy địa lý gọi là “tiền tam thai, hậu ngũ nhạc”. Đình được xây theo lối nội công ngoại quốc cổ truyền, gồm đình trong, đình giữa và đình ngoài. Cái khác nhất của đình Tam Giang với các đình làng đồng bằng Bắc Bộ là đình ngoài làm chủ yếu bằng chất liệu đá. Để có những cây lim chu vi người ôm không hết để dựng được đình trong, đình giữa đã tốn kém, nhưng không thấm vào đâu so với việc mua và chuyên chở những cây cột đá, những phiến đá để dựng đình ngoài. Trong bia ký, vẫn còn ghi tên những nhà hảo tâm trong lang đã đóng góp công, góp của cho việc dựng đình. Và đương nhiên, họ phải là những nhà buôn thì  mới góp được ố tiền lớn như thế, bởi thời bấy giờ “phi thương bất phú” làm nông nghiệp lấy đâu ra của muôn bạc ức như thế.

Các cụ đã tổng kết “Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”, giai đoạn hoàn thiện một ngôi nhà, thông thường là thiếu nguyên vật liệu. Nhưng với việc xây dựng các đình làng thì hình như là ngược lại cái lý ấy, rất hay thừa nguyên vật liệu. Với đình Tam Giang làng Nôm cũng vậy, sau khi dựng xong ngôi đình đá, còn thừa quá nhiều đá tảng, đá cây. Thế là các cụ nhà ta đã cho xây dựng một công trình công ích khác mà đến bây giờ, nó đã trở thành niềm tự hào, thành biểu trưng của người làng Nôm. Đó là cây cầu đá làng Nôm- cây cầu đã biến trang Đại Đồng mang cái tên mới là làng Đồng Cầu, làng Cầu Nôm. Cầu có 9 nhịp, rộng khoảng 2m với 27 cột chống, 9 cột ngang trang trí vân mây. Hai đầu cầu có bậc gạch bước xuống sông. Cây cầu ấy, trước đây chỉ thuần tuý bắc qua con sông Nghĩa (hay còn gọi là sông Bất Nghĩa theo một truyền thuyết ở làng) cho dân làng sang chợ buôn bán hay sang chùa mỗi dịp tuần tiết giờ nó trở thành một trong vài cây cầy đá cổ còn sót lại trên đất nước này, là một trong những hạng mục của quần thể kiến trúc làng cổ cần được bảo tồn.

Cũng nằm trong quần thể kiến trúc làng cổ ấy, khác hẳn với cac làng Bắc Bộ khác, làng Nôm có hệ thống nhà thờ họ dày đặc. Mỗi họ, mỗi chi đều có nhà thờ. ở nước ta, các dòng họ khi có giỗ chạp, thường được tổ chức ở nhà người trưởng họ hay con trưởng một nhà. Bởi thế, nhà của người trưởng họ mặc nhiên là nhà thờ họ. Làng Nôm có thể trước đây cũng thế, nhưng quanh năm hầu hết dân làng đi buôn bán xa, nhiều dòng họ lại có nhiều người lập nghiệp ở các địa phương khác, trong đó có cả các ông trưởng họ. Bởi thế, nhu cầu lập nhà thờ họ để cho con cháu tụ hội trở nên bức thiết. Hiện ở làng Nôm còn tồn tại tới 9 nhà thờ họ. Theo gia phả, nhà thờ họ được xây cách đây lâu nhất khoảng trên một trăm năm. Suốt trong nhiều năm ấy, những nhà thơ họ đã chứng kiến những cuộc hội tụ của con cháu dòng họ mình, dù ở bất kỳ nơi đâu trong nước hay ở nước ngoài, vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ngày đó, tất cả các dòng họ trong làng đều giỗ họ, và hiếm có làng nào có được một ngày trong năm tưng bừng, hội tụ đông đúc đến như thế.

Bên cạnh nhà thờ họ, nhà ở của người làng Nôm bây giờ cũng còn nhiều nếp nhà cổ trơ gan cùng tuế nguyệt, có tuổi thọ lớn hơn bất kỳ thành viên gia đình nào bây giờ. Nhà của gia đình ông Phùng Văn Long được dựng từ năm 1825, nhà ông Phùng Văn Thiện dựn năm 1901, nhà ông Tạ Quang Tần dựng năm 1905... Đặc biệt, còn có một ngôi nhà cổ độc nhất vô nhị ở trong làng, trong xã và thuộc loại "hiếm có khó tìm" trên địa bàn toàn quốc về kiểu cách và chất liệu làm nhà trong thời điểm hiện tại. Đó là ngôi nhà 5 gian hoàn toàn bằng tre của bà Phùng Thị Hường. Nhà của bà Hường cũng có "niên kỷ" "đáng kính": năm nay, "cụ nhà" tre này đã “mừng thọ” được 106 "tuổi hạc".

Những ngôi đình, chùa...và tất cả những ngôi nhà cổ còn lại ở làng Nôm đều là thành quả của nghề buôn đồng nát. Trong số đó, có những ngôi nhà được cất một cách cũng rất độc đáo và mang đậm chất "thuần Việt": mua nguyên vẹn một ngôi nhà của một gia đình nào đó, sau đó vận chuyển về phần đất nhà mình dựng lại. Với kết cấu sử dụng mối ghép là con xỏ hay mộng đối với nhà tre, hay mộng trong nhà gỗ của các cụ ngày xưa, thì việc tháo dỡ và lắp ghép lại một ngôi nhà- thậm chí là một ngôi đình, đền, chùa...- quá đơn giản. Cũng vì thế, bây giờ người làng Nôm nói nhà của họ được dựng cách đây hàng trăm năm cũng chỉ là ước lệ. Bởi có thể những ngôi nhà ấy có tuổi thọ cao hơn nhiều so với những gì gia phả hay trí nhớ của các gia đình ở đây đề cập.

III- Và những đề xuất cho việc bảo tồn làng cổ.

           Đã có những hội thảo về việc bảo tồn những kiến trúc cổ ở làng Nôm trên phạm vi một tỉnh. Và mới đây, trong đề tài khoa học có cái tên dài dằng dặc: "Bước đầu nhận diện văn hoá, văn nghệ dân gian Hưng Yên nhằm đề xuất giải pháp bảo tồn và khai thác phục vụ phát triển kinh tế, xã hội" của Hội VHNT Hưng Yên, cũng có một đề tài nhánh về việc bảo tồn làng cổ này. Sở Văn hoá- Thông tin cũng có một đề tài khoa học điều tra di sản văn hoá vật thể làng Nôm theo Quyết định số 110/QĐ-VHTT ngày 13/9/ 2007 của Giám đốc Sở VHTT Hưng Yên... nhưng cho đến bây giờ, kiến trúc và các giá trị văn hoá làng vẫn mỗi ngày một mất đi.

Tôi đến làng Nôm vào một cuối đông, gió bấc vi vút thổi trên ngọn cây gạo bên cạnh chiếc cầu đá trứ danh và lao xao trên những ngọn thông non trên gò đất (mà trước đây chính là đồi thông) trước cửa Linh Thông cổ tự. Cụ Sáu, thành viên trong ban di tích của làng và là Hội phó Hội Phật giáo của thôn rót mời chúng tôi chén trà đặc quánh, vừa bưng lên kề miệng, đã toả ra mùi hương ngan ngát. “Trà ướp hoa ngâu vườn chùa đấy”- Cụ Sáu bảo. Trời đất này, thưởng thức chén trà ngâu trong vườn chùa tịch mịch, quả là những giây phút quý giá của một đời người. Tôi đưa mắt nhìn quanh và bất giác buột miệng “Chùa được kiến thiết mới nhiều quá!” Được thể, cụ Sáu khoe, sư trụ trì chùa này giỏi lắm, những kiến thiết này, Thầy do đi quyên được đấy. Này là tường bao xung quanh và tam quan ken bằng đá ong được chở tít tận Sơn Tây về; này là lầu Quan âm xây bề thế giữa hồ toàn bằng đá trắng Ninh Bình trị giá hàng trăm triệu; này là đôi lư và hai toà bảo tháp được đặt tận Trung Quốc...Bất giác, tôi giật mình, có một cái gì đó bất ổn, cứ băn khoăn mãi mà không dám thưa lại với cụ Sáu và sư thầy trụ trì....

           Để lâu trong bụng thì cứ ấm ức mãi, tôi đem chuyện xây cất chùa Nôm theo kiểu “tân cổ giao duyên” theo cách nghĩ của một người- hay một nhóm người này ra hỏi bạn tôi, một tiến sĩ văn hoá học của tỉnh nhà, thì anh cười ý nhị mà rằng: "Sếp tôi đang khen cách xã hội hoá việc bảo tồn di tích ở làng Nôm đấy, ông đừng có lảm nhảm". Nhưng tôi vẫn tin rằng, cảm giác của mình đúng. Rồi sẽ có một ngày, không gian kiến trúc làng cổ có thể nói là tiêu biểu của văn hoá châu thổ Bắc bộ này sẽ được bảo tồn một cách khoa học, chứ không như hiện nay, thỉnh thoảng lại "mọc" thêm ra một công trình kiến trúc của những ngôi chùa Nam bộ hay "tít mù tắp" ở tận nước Tàu xa xôi...

           Để mãi sau này, làng Nôm mãi không chỉ là làng cổ truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ, mà còn là bảo tàng sống động của một làng nghề cổ, một làng buôn xứ Bắc điển hình, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của người Việt. Để mãi sau này, về làng Nôm, người ta hiểu được nguyên nghĩa của câu ca dao:

Đồng nát lại về Cầu Nôm

Con gái nỏ mồm về ở với cha./.

Phạm Minh Hoàng

Tin liên quan