KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đăng ngày: 19/03/2021 - Lượt xem: 179
ĐỪNG ĐỂ MÌNH LÀ CON MỒI CỦA NHỮNG KẺ LỪA ĐẢO TÂM LINH QUA MẠNG XÃ HỘI

Thời xưa, do chiến tranh loạn lạc, do đói nghèo, lạc hậu, thiếu hiểu biết và cảm thấy bất lực trước sức tàn phá của thiên tai mà không sao giải thích được, con người đã lí giải những đói khổ, bất hạnh giáng xuống mình là do sức mạnh của những thế lực siêu nhiên, vô hình. Người ta nảy sinh tâm lí kính sợ, sùng bái, né tránh, kiêng kị và tìm mọi cách để “làm đẹp lòng” các đấng thần linh đó, hòng giải trừ các xúi rủi, không may mắn cho mình và người thân. Nhưng khi niềm tin, tín ngưỡng tâm linh bị đẩy lên đến mức thái quá, họ dễ dàng rơi vào trạng thái mê tín, cuồng tín. Từ nghi lễ đậm màu sắc văn hóa truyền thống ngày, các hình thức xem bói, gieo quẻ xin xăm đầu năm, xem ngày tốt xấu, cúng sao giải hạn… càng bị biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo để thu lợi.

Ảnh minh họa
Có một nghịch lí là khi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, các hiện tượng lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi không những không mất đi mà còn có cơ hội khuyếch trương hơn với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, nhất là mạng xã hội. Không khó để bất cứ ai có trên tay một chiếc điện thoại thông minh tiếp xúc với cái gọi là “dịch vụ tâm linh” thông qua các hành vi bói toán, xem tử vi, mua bán, hướng dẫn làm bùa chú trên các trang mạng xã hội... Những dịch vụ này không chỉ nở rộ mà còn được quảng cáo, mời chào công khai.
Nếu trước đây, để xem bói hay xin bùa, người dân phải trực tiếp đến các đền, chùa, phủ, miếu hay nhà riêng của bà đồng, bà cốt, thì nay, với sự phát triển của công nghệ, họ có thể dễ dàng thực hiện thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...). Rất nhiều trang Facebook đã được lập ra để gieo quẻ, xem tử vi,… dựa trên mác “đồng cốt” của chủ tài khoản với hàng chục ngàn lượt thích, theo dõi. Rất nhiều hội, nhóm kín chuyên về tử vi, tướng số, xem bói về phong thủy… chỉ sau một thời gian ngắn thành lập đã thu hút hàng trăm nghìn thành viên, thậm chí cả triệu thành viên. Trong các nhóm kín này, có một số tài khoản không cần ai kiểm chứng, suy tôn, tự xưng là “cậu”, “cô”, “thầy”, tự quảng cáo có năng lực đặc biệt, được ăn lộc thánh, lộc thần, có thể luận giải được mọi vận hạn của con người (thông qua đường chỉ tay, tướng mạo,…) nhằm mời chào, thu hút “khách”. Đáng nói, trên nhiều trang mạng xã hội, còn xuất hiện khá phổ biến hình thức phát sóng trực tiếp (livestream) để lên đồng, bói toán. Không tưởng nhất là những trường hợp tự nhận mình có khả năng cho số lô đề, bảo đảm đánh số nào trúng số đó!
Không chỉ dễ dàng xem bói, luận giải tử vi, phong thủy online, cộng đồng mạng còn dễ dàng tìm đến các trang web, trang mạng xã hội trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan. Chỉ một cú nhấp chuột với từ khóa tìm kiếm “vật phẩm phong thủy”, mất có 0,49 giây, thuật toán của Google đã cung cấp cho người đọc 64 triệu lượt tin bài, địa chỉ trang web liên quan, trong đó, lẽ dĩ nhiên, các trang được ưu tiên xuất hiện đầu tiên là các trang có lượng truy cập lớn hoặc các trang chấp nhận chi trả quảng cáo. Và đương nhiên, người ta chỉ chi tiền quảng cáo khi có lợi cho mình, tăng khả năng tiếp cận “con mồi”, “khách hàng tiềm năng” mà thôi.
Dạo nhanh trên các “chợ điện tử” cung cấp vật phẩm phong thủy mới thấy hoạt động này diễn ra hết sức dễ dàng và công khai, không ai kiểm chứng hay bắt bẻ trước những lời khẳng định chắc nịch của người bán về độ linh nghiệm, hiếm có và lại giá rẻ. Mặt hàng được rao bán hết sức phong phú, từ bùa yêu, bùa chiêu tài, bùa hộ thân, đến những loại bùa “siêu độc”, “siêu hiếm” như bùa cho “con giáp thứ 13”, bùa “xin tiền người yêu”... Điều lạ lùng là dù biết mười mươi giá trị nguyên vật liệu của những loại vật phẩm phong thủy, bùa chú này rẻ bao nhiêu thì giá thành phẩm đến tay sau khi đã được “nhà thày” trì chú, khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng lại đắt đỏ đến bấy nhiêu. Thế mà vẫn các thượng khách vẫn lăn xả vào mua, giới thiệu cho người thân cùng mua để hưởng vận may, ít ra là hưởng ưu đãi khuyến mãi.
Gần đây nhất, khi dịch bệnh Covid hoành hành, lợi dụng việc các cơ sở thờ tự chuyển sang hình thức online để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, đã xuất hiện chiêu trò mượn danh các đại đức, chư tăng và các chùa lớn để lôi kéo, kêu gọi người dân thực hiện mua bán vật phẩm phong thủy đã được các thày trì chú, hay kêu gọi cúng dường, cầu an qua ví điện tử MoMo, chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân...
Đã có rất nhiều lời cảnh tỉnh, vạch trần những hành vi lợi dụng đức tin, sự sùng bái đến mê tín của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi, buôn thần bán thánh. Cũng đã có rất nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng nhắc nhở, chấn chỉnh, thậm chí xử phạt, răn đe. Nhưng thị trường “buôn bán tâm linh” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Có rất nhiều lời giải cho câu hỏi tại sao lại có hiện tượng trên. Trước hết phải nói đến lợi nhuận rất lớn của hoạt động buôn bán tâm linh bởi một bộ phận rất lớn nhân dân vẫn duy trì thói quen thực hiện nhu cầu tâm linh. Trong khi đó, nhận thức của họ còn phiến diện, đặt niềm tin vào sự chi phối của thế giới tâm linh vô hình, thế nên đây chính là đối tượng dễ rơi vào vòng xoáy của mê tín dị đoan, dễ dàng bị lôi kéo, lợi dụng và trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo. Ngoài ra, những quy định của pháp luật về vấn đề này còn chưa đầy đủ, tạo kẽ hở khiến những người kinh doanh dịch vụ tâm linh online ngày càng có nhiều chiêu trò “lách luật” tinh vi. Chưa kể, không ít người lợi dụng niềm tin của con người không chỉ để trục lợi về mặt kinh tế mà còn để gieo rắc những điều kỳ quái, gây hoang mang trong cộng đồng hoặc muốn được nổi tiếng.
Vẫn biết rằng tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần chính đáng của một bộ phận nhân dân, song vẫn cần phải xử lý nghiêm khắc những đối tượng có hành vi sai phạm để bảo đảm nhu cầu tâm linh của người dân được thỏa mãn một cách lành mạnh, lương thiện. Đã đến lúc phải rung lên cảnh tỉnh sâu rộng, nghiêm túc trước tình trạng xuất hiện như nấm sau mưa của các hiện tượng “dịch vụ tâm linh” trên mạng xã hội. Bất kể là người lợi dụng sự mê muội, tin theo hay người cuồng tín, mong chờ điều may ở các đấng vô hình đều cần bị xã hội, nhất là những người xung quanh mạnh mẽ lên án, bài trừ. Không thể để tình trạng này kéo dài làm tổn hại kinh tế cá nhân và gia đình, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may từ thần linh, bùa phép dẫn đến những hậu quả khó lường cho xã hội và tương lai của đất nước. Cùng với sự vào cuộc kiên quyết, xử lý triệt để của các cơ quan chức năng; việc nhanh chóng, kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các quy phạm pháp luật để ngăn chặn, răn đe hành vi lợi dụng vấn đề tâm linh hòng trục lợi bất chính, rất cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân về các hoạt động tâm linh lành mạnh, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Và quan trọng hơn hết, cá nhân mỗi người cần giữ cho mình sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất của hiện tượng tâm linh; không tin vào những đồn thổi vu vơ về quyền phép của bùa chú, không tin theo bói toán vô căn cứ để mê muội, tiền mất tật mang.
THANH  MAI
 
Tin liên quan