Đó là anh Đào Duy Nhất (sinh năm 1967) ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn, với nghị lực, khát vọng làm giàu, gia đình anh đã mạnh dạn đổi mới nhận thức, cách thức làm ăn, chủ động vay vốn, áp dụng khoa học, kỹ thuật để xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp. Đến nay, hộ gia đình anh đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, rồi theo quy luật, anh Nhất lập gia đình với người vợ có chung hoàn cảnh. Những tưởng chung lưng đấu cật cuộc sống gia đình sẽ sớm vơi bớt khó khăn, nhưng khó khăn vẫn cứ chồng chất. Để trang trải cuộc sống, ngoài việc chăm sóc diện tích lúa ít ỏi của gia đình, vợ anh thường xuyên phải đi làm thuê, làm mướn, còn anh thì tha phương đến các tỉnh, thành khác tìm kiếm công ăn việc làm. Tuy cuộc sống gia đình còn nhiều thiếu thốn nhưng vợ chồng anh vẫn sống rất hạnh phúc, nhất là khi gia đình lần lượt có thêm những công dân tý hon. Để tổ ấm gia đình ngày càng hạnh phúc, để con cái có cuộc sống tốt nhất, lúc đó anh đã nghĩ cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy, cách thức làm ăn. Và, sau nhiều năm quyết tâm làm giàu, đến nay gia đình anh đã có cuộc sống đủ đầy, từng bước trở nên giàu có.
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, anh kể: sau nhiều ngày suy nghĩ, nhận thấy một diện tích đất thùng vũng ở địa phương hiện đang bỏ hoang, anh nảy sinh ý định thầu khoán để cải tạo, biến nơi đây thành trang trại, vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt. Nghĩ là làm, năm 2001, gia đình anh quyết định thầu, khoán 11.600m2 đất thùng vũng của Ủy ban nhân dân xã để cải tạo và xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Bắt tay vào cuộc, gia đình anh gặp vô vàn khó khăn, thử thách, như: thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu nhân lực lao động, trong khi đó chăn nuôi dịch bệch luôn dình dập, những cơn bão giá khiến các hộ chăn nuôi, trồng trọt phải điêu đứng, thậm trí phá sản. Song, những khó khăn đã từng bước được anh khắc phục. Anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; trực tiếp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình thành công đi trước để từ đó ứng dụng vào trang trại của gia đình. Giải quyết về nguồn vốn, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, anh đã vay vốn của Ngân hành chính sách xã hội, nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân để cải tạo, xây dựng trang trại.
Trang trại của gia đình anh ngày càng phát triển cả về diện tích và quy mô, đa dạng vật nuôi, cây trồng. Năm 2013, diện tích trang trại của gia đình anh là 11.600m2, trong đó: 3.000m2 trồng nhãn; 5.000m2 ao thả cá; 200m2 nuôi 50 con lợn nái; 300m2 nuôi 200 con lợn thịt mỗi lứa. Năm 2014, gia đình anh mở rộng thêm 10.000m2 diện tích, xây dựng thêm 800m2 chuồng nuôi vịt đẻ trứng. Năm 2015, tổng số diện tích trang trại của gia đình anh tăng lên lên 27.600m2, phát triển thêm 8.000m2 trồng cây có múi và 500m2 chuồng nuôi gà đẻ giống bố mẹ. Năm 2016 - 2017, tổng diện tích sản xuất và chăn nuôi của trang trại là 35.000m2, mở rộng thêm 15.400m2 diện tích trồng cây ăn quả.
Dám nghĩ, dám làm là yếu tố đặc biệt quan trọng để người nông dân quyết định thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang một mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là lời sẻ chia được đúc rút từ chính quá trình đi lên từ nghèo khó của bản thân anh Nhất. Mô hình trang trại của gia đình anh, mỗi năm đầu tư một lớn và cũng cho lợi nhuận ngày càng cao. Năm 2014 tổng vốn đầu tư là 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là 400 triệu đồng. Năm 2015 tổng vốn đầu tư là 1,65 tỷ đồng, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là 400 triệu đồng. Năm 2016 tổng vốn đầu tư là 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là 500 triệu đồng. Năm 2017 tổng vốn đầu tư là 2 tỷ đồng, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là 800 triệu đồng. Năm 2018 tổng vốn đầu tư là 2,75 tỷ đồng, lợi nhuận thu được đã trừ chi phí là 850 triệu đồng.
Từ những hiệu quả kinh tế, nên nhiều năm qua, gia đình anh có điều kiện tham gia vào công tác xã hội, giúp đỡ hội viên nông dân địa phương phát triển kinh tế. Gia đình anh thường xuyên phối hợp với các đoàn thể địa phương để giúp đỡ các hộ nghèo và giải quyết việc làm cho bà con trong thôn xóm. Từ năm 2014 đến năm 2018, gia đình anh phối hợp giúp đỡ được 5 hộ thoát nghèo bằng cách cung cấp cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất. Từ mô hình của gia đình, hàng năm đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng và 15 lao động thời vụ với mức lương từ 250.000đ đến 300.000đ/1 công lao động. Hàng năm gia đình anh luôn tích cực tham gia các phong trào, ủng hộ xây dựng các loại quỹ do xã, thôn phát động như quỹ vì người nghèo, quỹ xây dựng nhà đại đoàn kết, quỹ chất độc da cam... Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình anh đã ủng hộ 10m2 đất mặt đường để xây dựng hệ thống thoát nước đường quốc lộ, 100m2 đất 03 để làm đường ra đồng.
Để có thành quả như hôm nay, gia đình anh đã trải qua biết bao khó khăn. Nhưng với ý chí không ngại khó để vươn lên, ý thức trách nhiệm của người chủ gia đình, anh đã tự tìm tòi mô hình sản xuất thích hợp đúng hướng để mang lại kết quả cao. Được biết, trong những năm tiếp theo, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là tiến tới vận động một số hộ có cùng trí hướng để xây dựng Hợp tác xã sản xuất, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
HC