Nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, từ những bài nói, bài viết, cho đến cả cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng sôi động và trong sáng, ta thấy quan điểm quần chúng của Người vô cùng đúng đắn, kiên định, phong phú, sáng tạo và mang tính chất độc đáo của Việt Nam. Ở quan điểm quần chúng của Hồ Chí Minh, ta không những thấy tư tưởng tiến bộ, đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò quần chúng trong lịch sử (cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, quần chúng nhân dân vừa là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, vừa là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội...
Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các vị anh hùng dân tộc, các bậc minh quân đều đánh giá cao vai trò, sức mạnh quật cường của nhân dân Việt Nam, biết tập hợp và khai thác lực lượng của nhân dân lập nên những chiến công lẫy lừng và những thành tựu rực rỡ. Ngược lại, thời kỳ nào nhà cầm quyền không dựa vào sức mạnh của nhân dân thì thời kỳ đó, chính quyền đó không thể được coi là mạnh. Sau khi lên ngôi, năm 1010, Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long. Trong "Chiếu dời đô", Lý Công Uẩn đã chỉ rõ mục đích: “Muốn mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Nhà Trần đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên (Mông Cổ) chính bởi vua tôi trên dưới một lòng đánh giặc, khí thế của hội nghị Diên Hồng, Bình Than như nước dâng trào cuốn trôi bè lũ ngoại xâm hung hãn, bạo tàn. Khi nhà Trần suy vi, Hồ Quý Ly lên ngôi. Đối phó với quân Minh xâm lược, Hồ Quý Ly đã xây dựng lực lượng quân thường trực khá đông, có súng thần cơ, có nhiều chiến thuyền, nhưng không đoàn kết được toàn dân, lòng dân ly tán nên đã thất bại, cha con Hồ Quý Ly đều bị giặc Minh bắt.
Ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam cũng chính là cơ sở cho niềm tin của những người anh hùng, trong những bước hiểm nghèo họ vẫn bền gan, vững chí dựa vào dân để chống ngoại xâm. Tất cả thắng lợi của sự nghiệp chống giặc ngoại xâm đều thể hiện rõ vai trò rất to lớn và quan trọng của nhân dân, ngược lại, nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì sẽ thất bại, đúng như Nguyễn Trãi đã tổng kết: ý chí nhân dân là thành lũy vững chắc; sức dân như nước, chở thuyền hay lật thuyền cũng do dân:
“Lật thuyền mới rõ dân như nước
Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời”
Nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, từ những bài nói, bài viết, cho đến cả cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng sôi động và trong sáng, ta thấy quan điểm quần chúng của Người vô cùng đúng đắn, kiên định, phong phú, sáng tạo và mang tính chất độc đáo của Việt Nam. Ở quan điểm quần chúng của Hồ Chí Minh, ta không những thấy tư tưởng tiến bộ, đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò quần chúng trong lịch sử (cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, quần chúng nhân dân vừa là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, vừa là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội, đồng thời cũng là người sáng tạo, lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần), mà còn thấy sự phát triển sáng tạo và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Kế thừa tư tưởng: “Nước lấy dân làm gốc”, “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc” của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi; quán triệt quan điểm tiến bộ của chủ nghĩa duy vật lịch sử về vai trò của quần chúng nhân dân; từ những bài học trong thực tiễn hoạt động của mình, Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh vĩ đại của nhân dân là sức mạnh không một lực lượng nào có thể chiến thắng được. Đó là sức mạnh tiềm tàng, tiềm năng, không phải tự nhiên mà có. Nó chỉ trở thành hiện thực bằng các biện pháp giáo dục, vận động, tổ chức và rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh. Từ năm 1923, trước khi rời Pháp sang Liên Xô trên cuộc hành trình về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ với các đồng chí cùng hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa chủ định đó của mình: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập, tự do"{1}.
Hồ Chí Minh đã nêu cao quan điểm về con người, quan điểm về nhân dân: Tất cả vì con người và do con người; tất cả vì dân và do dân; con người là vốn quý nhất, là lực lượng to lớn nhất. Tư tưởng đó được thể hiện trên nhiều phương diện. Trước hết đó là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: Sống vì nước, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xã hội, con người… Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực “Phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc”; "Phải dựa vào sức mạnh, trí tuệ của dân". Quan điểm về con người, về nhân dân của Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở tư tưởng chính trị - xã hội “dân là chủ”. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Quan điểm về nhân dân, về con người ở Hồ Chí Minh đã trở thành phương pháp, tác phong công tác: tin ở dân, dựa vào dân, học hỏi dân. Có dân là có tất cả. “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”{2}. Quan điểm về tác phong quần chúng của Hồ Chí Minh bao hàm nhiều nội dung phong phú. Trước hết đó là niềm tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của quần chúng; là tính khiêm tốn học hỏi quần chúng, tôn trọng quần chúng; quan tâm lo lắng đến lợi ích thiết thân của quần chúng; sống có tình có nghĩa với quần chúng - một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.
Cùng với hệ thống tư tưởng về phong cách quần chúng, trong thực tế, từ suy nghĩ (tư duy) đến nói, viết (diễn đạt) và biểu hiện ra qua hoạt động sống hàng ngày (làm việc, ứng xử, sinh hoạt) của Hồ Chí Minh cũng chính là một tấm gương đạo đức sáng ngời về phong cách quần chúng, gần dân, hiểu dân, tin dân, tôn trọng nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Hoàng Duy
[1] Hồ Chí Minh – biên niên tiểu sử, NXB Thông tin lý luận, H, 1992, t.1, tr185.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H,2000, t.12, tr.212