KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 05/04/2019 - Lượt xem: 184
Hoa gạo

Tháng Ba rồi. Thời tiết như một cô gái đang dậy thì, dùng dằng tiếc nuối tuổi thơ xanh biếc vô lo, vô nghĩ, nhưng cũng lại phập phồng, nôn nóng đón chào khung trời hoa mộng của đời thiếu nữ. Phút chốc, giữa trời nồm ẩm sũng, nắng bỗng bừng lên rực rỡ. Nắng nhẹ nhàng, trong veo mà ngọt ngào như mật ong hoa nhãn nhẹ nhàng lùa và từng tán cây, ngọn cỏ, từng mái nhà tưởng muốn mốc rêu xám xịt, cũ kỹ vì những ngày rề rệt mưa phùn. Nắng chiếu lấp lóa trên mặt ao hồ, sông ngòi, làm vô vàn tấm gương tráng bạc vội vàng tỉnh giấc sau bao ngày âm u, mê man trong chiếc màn sương khói mộng mị, mơ hồ. Nhưng khi từng chồi non cựa mình mạnh mẽ, nhú ra chào bình minh, khoe màu xanh non có, đo đỏ có, mà vàng nhạt cũng có thì nắng lại bỗng đâu trốn mất, lặn sâu, rất sâu vào trăm đám mây xám, mây ghi và chẳng hẹn bao giờ quay trở lại. Đất lại ướt mềm, ướt nhoẹt. Không gian lại trầm mặc, mờ mịt, lãng đãng khói sương. Khắp nơi nơi lại một mùi ẩm mốc, ngai ngái không hề dễ chịu.  

Ngay cả khi muôn ngàn bông bưởi bung nở trắng muốt, vạn triệu cánh hoa xoan bé xíu nở tim tím cả một khoảng trời thì cũng không đủ làm sáng được không gian. Có một cái gì như thiếu vắng, như bức bối, chờ được giải tỏa, tháo cởi. Nhưng trời đất và lòng người vẫn vậy. Im lặng đợi chờ. Tất cả như ngừng trôi mặc những vận động âm thầm mà mạnh mẽ ở bên trong.
Hơn chục ngày ướt át đến mức chán ngán, cơ hồ thêm một buổi nữa thôi thì người trai trẻ đã cạn kiệt lòng kiên nhẫn, xách ba lô lên đường chạy trốn những rêu mốc mỏi mòn bưng mắt ở nơi này này để tìm đến thiên đường ánh sáng. Thế mà không. Sáng nay mặt trời bỗng đâu lại tới. Nắng lại lung linh nhảy nhót trên cành, hong khô cánh chim trắng xóa vụt bay ngang trời. Một cú điện thoại bất ngờ làm giãn nở ánh mắt, khuôn mặt người nghệ sĩ. Thôi nào, cần đi đâu xa nữa, ngay tại quê nhà sũng nước này, lửa đã thắp lên rồi, khơi nguồn sáng tạo đi thôi.
Nhanh như một cơn gió, anh đã có mặt ở điểm tập kết. Từ xa, những đốm lửa chói lóa trên nền trời thu hút mọi ánh nhìn. Đúng rồi, hoa gạo đã cháy đỏ khoảng trời quê. Chẳng ai bảo ai, chuyên nghiệp đến lạ, người cầm máy, lắp ống, chỉnh cự ly, người chạy xa, người lại gần, người nằm bò xuống đất, áp cả vào những chiếc rễ gồ ghề, cong queo như đàn trăn, đàn rắn uốn lượn quanh gốc cây, hối hả, mê mải thu giữ những khung hình đẹp.
Không mê đắm hoa gạo sao được khi giữa không gian còn đượm nồng hơi nước và tẻ ngắt một màu xám xịt, những bông gạo to lớn, mạnh khỏe mà kiêu hãnh bung nở. Năm cánh hoa căng mọng, bóng đỏ, xòe ra rực rỡ dưới sự nâng đỡ chắc chắn của đài hoa cứng cáp. Hàng trăm chiếc nhị bao bọc, điểm xuyết làm bông gạo to khỏe mà không thô kệch. Không phải độc nhất nhưng hoa gạo cũng xếp vào danh sách những loài hoa đặc biệt, khi hoa nở rộ thì lá xanh lại giấu mình, nhường trọn vẹn sắc đỏ trên cành. Đến cả vô vàn nụ hoa treo trên trăm ngàn nhánh cây như những bàn tay, ngón tay già nua, khô khốc, nghều ngòao giữa trời cũng thật kỳ lạ, tròn xoe, nâu sẫm lẩn khuất trên cành, để duy nhất màu hoa đỏ chói lóa trên nền trời.
(Ảnh minh họa)
Chuyện xưa kể rằng có đôi người yêu thương nhau da diết, nguyện kết tóc se tơ đến đầu bạc răng long. Ngày chàng trai hạnh phúc cùng cô dì chú bác mang lễ vật cầu hôn thì hỡi ôi đất bằng nổi sóng, trời làm giông gió cuốn băng lễ vật đi mất. Không cam tâm chấp nhận định mệnh chia ly, chàng trai quyết tìm đường lên trời hỏi cho ra nhẽ. Trước khi ra đi, cùng lời thề non hẹn biển sẽ trở về bên người yêu bé bỏng, thủy chung, chàng trai đeo một chiếc nơ đỏ vào tay cô gái như một tín ước của tình yêu. Bao giờ nơ còn đỏ trên tay cô, tình yêu của họ còn vĩnh hằng với núi sông, nhân thế. Vậy mà khi lên được trời rồi, biết rõ nguyên cớ chia cắt tình duyên của mình chỉ là do phút giây sơ suất không làm xuể khối lượng công việc khổng lồ, vừa coi sóc việc gió mưa vừa chăm lo việc sấm sét, thưởng thiện phạt ác của thần Sấm, theo ý Trời, chàng trai đành ở lại thiên đình gánh vác, san sẻ việc làm mưa cho thần Sấm. Yêu thương vẫn tràn đầy mà đường về xa ngái. Chỉ có cơn mưa phùn mịt mờ giăng mắc nhớ thương gửi về người con gái. Và cô gái ấy tháng lại ngày chờ đợi, ngóng trông đến hao mòn, khô héo. Chiếc nơ vẫn đỏ rực trên tay cô gầy guộc, khẳng khiu như một minh chứng, nhắc nhớ tình yêu của hai người. Rồi khi cô trút hơi thở cuối cùng bên bến sông đầu bãi, thân xác cô đã hóa cây gạo, mùa nối mùa cháy rực hoa nơ, ai ai cũng thấy thân thương, quyến luyến.
Không biết vì những câu chuyện đầy ma mị, ám ảnh về nguồn gốc của hoa gạo hay vẻ đẹp, đặc tính của nó mà bao đời nay cây gạo vẫn sừng sững ngự trị trong tâm thức làng, rực rỡ nở hoa bên bến sông quê, giữa ngã ba làng. Mặc cho lời nguyền “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, người dân quê chả ai vì thế mà sợ hãi, xa lánh, chặt bỏ cây gạo, thứ cây gỗ thì xốp mềm không có tác dụng gì, tán thì không quá rộng, bóng che chả được bao nhiêu. Trẻ còn vẫn hớn hở nhặt, hái bông gạo chia nhau ăn nuôi dưỡng tuổi thơ. Những cô thiếu nữ vẫn e ấp làm duyên, làm dáng trong tà áo dài trắng và chiếc nón lá tinh khôi, bần bật giữa nền trời khát khao hoa gạo, sức sống hoa gạo cùng màu môi đỏ thắm, thanh tân tuổi đôi mươi. Còn những người thiếu phụ vẫn đợi tháng Ba về ngắm hoa gạo nở, nghe lòng mình len lén thở dài nhớ chuyện yêu xưa.
Thương hải biến vi tang điền, nương dâu, bãi biển năm nào nay đã hóa nhà xe, phố xá tấp nập. Ấy thế mà tháng Ba về, chẳng hẹn bao giờ, hoa gạo lại ngạo nghễ cháy rực, đốt hết mây mù u ám, gọi nắng, gọi hè, vạch lên thăm thẳm trời cao muôn ngàn ngọn lửa đỏ, vẽ giữa không trung chiếc nơ thắm đỏ tình yêu để dù đỏng đảnh như thời tiết tháng Ba, mưa nắng thất thường vẫn gọi lòng tháng Ba rồi. Không biết từ bao giờ, câu hát khẽ ngân vang:
Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo
Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh…
Thanh Mai
(Theo Báo Hưng Yên)
 
Tin liên quan