Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Trong 2 tháng đầu năm, cả nước gieo cấy đạt khoảng 3,01 triệu ha lúa đông xuân, giảm khoảng 110 nghìn ha so với năm 2019; cây rau màu được phát triển mạnh; cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều loại đang cho thu hoạch. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục được kiểm soát, trên 97% số xã đã không còn dịch sau 30 ngày, nhiều địa phương đã công bố hết dịch, người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn khôi phục sản xuất. 2 tháng đầu năm, mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD.
Đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp những tháng tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu toàn ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ giao. Sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu nhập cao hơn, trọng tâm là chuyển sang trồng rau đậu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Dự kiến tổng sản lượng thịt các loại năm 2020 sẽ đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả. Đối với chăn nuôi lợn: Tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước.
Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung bàn giải pháp ổn định, phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh. Trong đó thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời duy trì ổn định sản xuất, chuẩn bị, sẵn sàng mọi điều kiện để phát triển sản xuất sau dịch bệnh. Tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng trong tình hình hiện nay, phát triển liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản…