KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 03/12/2018 - Lượt xem: 428
Hồn thơ Vũ Văn Toàn: Neo đậu bến quê

Sinh ra trên mảnh đất Tân Việt, huyện Yên Mỹ, bên “dòng sông đỏ mịn đất bồi phù sa” một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu dấu bao tên tuổi lẫy lừng, chàng thanh niên Vũ Văn Toàn ấp ủ biết bao dự định, ước mơ. Song giữa lúc đất nước chưa yên tiếng súng thù, hòa vào dòng thác cuồn cuộn của những người con ưu tú ra đi cứu nước, tạm gác lại những hoài bão, mộng mơ, gửi lại quê nhà  mối tình đầu vụng dại, sáng trong “Yêu em chưa một lần hôn lên mái tóc”, Vũ Văn Toàn hăng hái lên đường chiến đấu vì ngày mai độc lập, tự do.

Chiến tranh rồi cũng lùi xa, trở lại cuộc sống thường nhật với những lo toan, trăn trở, song trái tim nồng ấm và chật căng xúc cảm của người lính Quảng Trị năm xưa vẫn đau đáu những kỷ niệm, những tiếng cười đồng đội. Mỗi lần như thế, nàng Thơ lại tìm đến bên anh tự bao giờ anh cũng không hay biết. Chỉ biết rằng, khi màn đêm buông xuống, một mình bên trang giấy, cây bút, gác bỏ sang một bên những suy tư, dự định của một người làm chính trị, Vũ Văn Toàn thả hồn mình vào những vần thơ – mỗi dòng thơ như rút tận tâm can người trai Yên Mỹ đã từng vào sinh ra tử.

Sau một loạt bài thơ về ký ức chiến tranh, nghĩa tình đồng đội nơi chiến trường Quảng Trị khốc liệt, như con tằm rút ruột nhả tơ, chưa khi nào Vũ Văn Toàn thấy tâm hồn mình thanh thản đến thế. Người thi sĩ được tháo cởi những uẩn ức, như cánh chim tự do, hào sảng vùng vẫy khắp mọi nơi, anh hối hả sống, hối hả thu vào tầm mắt từng lát cắt lấp lánh của viên xúc xắc cuộc đời:

“Yêu em trái đất này nhỏ lại

Núi cao kia cũng tựa dưới chân mình”,

Trong những chuyến viễn du bất tận ấy, khi đã bước qua tuổi tri thiên mệnh, Vũ Văn Toàn chợt thấm thía rằng không đâu neo giữ hồn anh sâu đậm bằng quê nhà yêu dấu. Ở đó, có mẹ anh một đời tảo tần, lam lũ:

“Dây rơm mẹ thắt lưng tròn

Tránh cơn gió lạnh nghiêng đon lúa mềm”

Ở nơi đó, có vợ anh khuya sớm nhọc nhằn, vẫn trọn vẹn hiếu thuận, thuỷ chung:

“Đắng cay xen lẫn ngọt bùi

Vợ là người chọn niềm vui cho nhà

Khi đi vắng, khi họp xa

Khi con còn nhỏ, vợ là người chăm

Khi bố mẹ trở trời, trái nắng

Vợ là người phụng dưỡng thuốc thang”

 Với tâm nguyện tri ân vùng đất đã sinh thành, nâng đỡ mình và lại mở lòng dang rộng vòng tay đón nhận mình trở về sau bao năm bôn ba, Vũ Văn Toàn âm thầm chắt chiu, chọn lọc những dữ liệu, thi tứ… đợi đến ngày cảm xúc chín muồi, thăng hoa. Điều ấy chính là nguyên cớ để bộ ba bài thơ về quê hương lần lượt ra đời trong một khoảng thời gian không dài: “Hưng Yên quê tôi” (tháng 8/2010), “Ân tình quê mẹ” (tháng 12/2010) và “Yên Mỹ yêu dấu” (tháng 3/2011).

Ba bài thơ – ba đứa con tinh thần song cùng chung một mạch nguồn cảm hứng: niềm yêu mến, tự hào về quê hương văn hiến cách mạng, đến đâu cũng gợi nhớ những danh thắng, di tích, những danh nhân văn hoá và trên hết là tình người dung dị, hồn hậu… Nhưng chung mà vẫn có nét riêng, không hòa lẫn vào nhau, để ai cũng thấy quê mình trong đó thì quả khó. Ấy vậy mà Vũ Văn Toàn đã làm được, tự nhiên như khí trời. Có người Hưng Yên nào khi đọc “Hưng Yên quê tôi” không thấy đúng, thật quê mình với sen thơm, nhãn ngọt, với tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung:

Bãi dâu xanh, nong kén vàng tơ

Hương sen ngát tấm lòng người xứ nhãn

Chử Đồng Tử tắm mình trong cát

Duyên tình gặp công chúa Tiên Dung

Rồi Chùa Chuông, Văn Miếu

“Chùa Chuông tĩnh mịch trưa hè

Rêu phong Văn Miếu nhắc về tiền nhân”

Và cũng vậy, có người Yên Mỹ nào không tự hào – đây Yên Mỹ quê mình

Bao người con đất quê ta

Thành lương tướng tài ba khắp vùng

Danh y, nữ sỹ, anh hùng

Sử vàng sáng mãi trấn đông kinh thành

Với Tân Việt, mảnh đất chôn rau cắt rốn, Vũ Văn Toàn thủ thỉ, tâm tình, bằng vần thơ lắng sâu những trải nghiệm cuộc đời

Chắt chiu hạt gạo trắng ngần,

Có tình của đất, có hương của trời.

Có người Tân Việt quê tôi,

Tảo tần khuya sớm tháng ngày vun chăm

Không lên gân, không cố gắng áp đặt suy nghĩ chủ quan vào từng câu chữ, những cảm xúc yêu mến, tự hào về quê hương được Vũ Văn Toàn diễn đạt thật tự nhiên, nhuần nhị, như thể hình ảnh ấy, thanh âm ấy đã dồn nén lâu lắm rồi, chỉ cần anh chạm tới là câu chữ tự trào lên ngòi bút vậy. Thế nên ngay cả khi phải kể làm sao cho đủ năm địa danh quê nhà, anh vẫn dễ dàng thành công, từng lời, từng lời mượt mà, êm ái:

Giã Cầu, Làng Tráng, Cảnh Lâm

Yến Đô, Hoan Ái vang ngần tiếng thơ

Nghe câu hát điệu đò đưa

Dịu êm như tiếng mẹ ru thuở nào

Cũng chính bởi những câu thơ giàu hình ảnh, giàu tính nhạc ấy đã khiến cho sáng tạo ngôn từ của Vũ Văn Toàn bén duyên âm nhạc. Điều anh mừng không phải chỉ vì đã có không ít nhạc sĩ chuyên và không chuyên, quen và chưa khi nào hội ngộ đã yêu mến mà phổ nhạc cả ba bài thơ về quê hương của anh, mà chính bởi cái duyên đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu đã giúp thơ anh se duyên cùng âm nhạc, để tiếng lòng anh có cơ hội ngân vang. Và như thế những cái tên Hưng Yên, Yên Mỹ, Tân Việt sẽ ngày một thân thương, gần gũi hơn trong lòng bao người…

Thanh Mai

Theo Báo Hưng Yên

 

 

Tin liên quan