KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/08/2019 - Lượt xem: 214
Hưng Yên: nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng nhãn

Những ngày này, nhiều hộ nông dân trồng nhãn trong tỉnh Hưng Yên đang tích cực, khẩn trương thu hoạch nhãn quả. Thực tế cho thấy, trồng nhãn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác. Là cây trồng đặc sản, đặc trưng của tỉnh, cây nhãn đã góp phần quan trọng, giúp nhiều hội viên nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, như:  hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh, phường Lam Sơn; ông Nguyễn Văn Minh, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên; ông Nguyễn Văn Thế, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu; ông Nguyễn Văn Phi, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi...

Đến thăm trang trại trồng nhãn của ông Cảnh, người được mệnh danh “phù thủy” xứ nhãn lồng để chọn mua một ít nhãn ngon đầu mùa, làm quà cho cho người bạn học hiện đang công tác tại thủ đô Hà Nội, tôi đã có dịp được nói chuyện cùng ông Cảnh. Ông kể, gia đình ông có 5 khẩu, có diện tích đất sản xuất trên 1 ha. Trước đây, gia đình ông Cảnh chủ yếu trồng lúa, hoa màu, vườn tạp, nên thường cho thu nhập thấp, lại bấp bênh, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh. Với bản chất và niềm đam mê đồng ruộng, bản thân ông và gia đình luôn trăn trở làm thế nào để thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất ông cha. Nghĩ là làm, nhận thấy lợi thế là nơi đất nhãn, có giống nhãn tiến vua, ông bàn bạc với gia đình, sau đó tự thân tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của những người đi trước, từng bước tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào phát triển cây đặc sản địa phương – nhãn lồng Phố Hiến. Nhờ nắm vững và thực hành thành thạo kỹ thuật, nhanh nhạy trong tìm hiểu xu thế thị trường, hộ gia đình ông Cảnh liên tục thu lãi lớn từ trồng nhãn, ngay cả khi các vườn nhãn của các hộ xung quanh mất mùa.
Tỉnh Hưng Yên được mệnh danh kinh đô của các loại nhãn, song không phải ai cũng biết cách trồng, chăm sóc cây nhãn để tạo ra những trái nhãn lồng có vị ngon bậc nhất ít, từ đó tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị thu nhập từ đặc sản nhãn lồng. Những năm đầu chuyển đổi cây trồng sang chuyên canh trồng nhãn, ông Cảnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khi cây nhãn chưa cho thu hoạch, tận dụng những khoảng đất trống, ông Cảnh trồng xen canh đỗ, táo… để lấy ngắn nuôi dài, giúp gia đình có thêm thu nhập, giải quyết những khó khăn trước mắt về chi phí sinh hoạt. Khó khăn lớn nhất đối với ông, chính là thiếu hụt về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Ông Cảnh cho biết: “Sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng cây nhãn đặc sản, tôi nhận thấy những kiến thức khoa học nông nghiệp là rất quan trọng, nhất là trong điều kiện thiên nhiên diễn biến bất thường. Người làm vườn phải biết dựa trên những kinh nghiệm và đồng thời phải nắm bắt được các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, xử lý. Đó là: chiết cành; chặt rễ; chăm sóc cây trong thời kỳ ra hoa, đậu quả; phòng, trừ sâu bệnh cho cây và quả nhãn đến thời kỳ thu hoạch”.
Công việc tưởng đơn giản, nhưng rất kỳ công, đòi hỏi người làm vườn phải nắm vững từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây để có những tác động thích hợp, từ đó mới hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Để nâng cao trình độ, kỹ thuật chăm sóc nhãn, ngoài việc tự tìm đọc các đầu sách, báo, tạp chí chuyên ngành, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các đoàn thể tổ chức, ông liên hệ với các trang trại ở địa phương, trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận rồi đến học hỏi những kiến thức cần thiết và nhanh chóng nắm bắt, thực hành thành thạo quy trình trồng, chăm sóc nhãn.
Đặc biệt, những năm gần đây, ông Cảnh nổi danh là một trong những bậc thầy làm nhãn sớm, nhãn muộn. Trước tình trạng thu hoạch ồ ạt, được mùa mất giá, ông Cảnh đã thực hiện việc chăm sóc, điều chỉnh thời gian ra hoa, kết trái theo ý mình. Nếu muốn nhãn ra sớm thì từ rằm tháng 9 âm lịch phải xử lý chăm cây, kích thích thì đến tháng 5 năm sau sẽ được thu quả. Nếu muốn ăn nhãn muộn, gần tháng 12 mới bắt đầu xử lý, ông cho biết.
Từ năm 2005 đến nay, trang trại cây ăn quả của gia đình ông ngày càng được mở rộng. Tổng diện tích của gia đình ông đến nay là 2,5 ha, chủ yếu trồng cây nhãn đặc sản như: nhãn hương chi, nhãn đường phèn, nhãn tiêu phèn. Ngoài ra, ông còn trồng xen một số loại cây có múi khác, như cam vinh, cam đường, táo... Trong thời gian tới, gia đình ông dự kiến sẽ mở rộng quy mô, trồng nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt hướng đến cây trồng có thể cung cấp ra thị trường quanh năm mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nhãn đã đem lại sự ổn định và giàu có cho gia đình ông. Năm 2014, lợi nhuận thu được sau khi đã trừ chi phí 350 triệu đồng; năm 2015 đạt 400 triệu đồng; năm 2016 đạt 420 triệu đồng; năm 2017 đạt 500 triệu đồng; năm 2018 đạt 600 triệu đồng.
Với mục đích nhân rộng mô hình kinh tế trang trại của địa phương, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, ông đã tuyên truyền, vận động và trực tiếp tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, cung cấp cây giống,... tạo điều kiện cho 35 – 40 hộ gia đình còn khó khăn cải tạo vườn tạp trồng cây đặc sản, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, góp phần vào việc thúc đẩy phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi ở địa phương. Đồng thời, mỗi năm, gia đình ông giúp đỡ được 20 hộ thoát nghèo, vượt khó vươn lên thành hộ khá, giàu. Trang trại của gia đình ông tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động trong thôn với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã hiến 50 m2 đất thổ cư, phá dỡ tường rào, chặt cây để giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động xây dựng đường giao thông, góp phần giúp cho nông thôn ngày càng đổi mới.
Ngoài việc không ngừng nâng cao tinh thần học tập, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp thu kinh nghiệm phát triển  kinh tế gia đình bền vững, ông luôn nêu cao tinh thần vì cộng đồng, tích cực ủng hộ các phong trào của địa phương và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần tương thân tương ái, 11 năm qua, hưởng ứng phong trào bảo trợ trẻ em nông thôn có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập của Hội Nông dân các cấp phát động, gia đình ông đã nhận bảo trợ cho 11 cháu, với tổng số tiền trên 13 triệu đồng (mức bảo trợ là 1.200.000 đồng/cháu/năm). Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia ủng hộ các loại quỹ do các tổ chức hội, địa phương và thành phố phát động, trung bình  3-4 triệu đồng/năm.
Mô hình sản xuất cây ăn quả của gia đình ông đến nay đã được công nhận là mô hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2014, gia đình ông được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh; liên tiếp từ 2015 đến nay là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Với những việc làm thiết thực của mình, ông Cảnh được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen cho những đóng góp vì cộng đồng: Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2013); Bảng vàng ghi danh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2014); Bằng khen của Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam (2018); Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên (2018). Đặc biệt, ngày 17/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 737/QĐ-TTg về việc tặng Bằng khen cho ông Cảnh vì đã có nhiều thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
HC
Tin liên quan