KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 11/06/2018 - Lượt xem: 225
Hưng Yên: Những chuyển biến tích cực trong phong trào xây dựng gia đình “Ông bà cha mẹ mẫu mực con trung hiếu cháu thảo hiền”

Trong xã hội, gia đình có vai trò và chức năng rất quan trọng. Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, là nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là trường học đầu tiên, là môi trường giáo dục suốt đời đối với sự phát triển của con người.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII xác định gia đình với tư cách là “Tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII  đã khẳng định: “xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc làm cho gia đình thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu rõ: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam… phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc”. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia Đình Việt Nam. Trong đó nêu rõ: “Lấy hàng ngày 28 tháng 6 hàng năm là Ngày Gia Đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể gia đình thường xuyên quan tâm, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc ”.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác gia đình, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình bằng việc phát động các phong trào, trong đó có phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” do Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) chủ trì phát động, được cả hệ thống chính trị quan tâm, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng thuận và cùng phấn đấu thực hiện. Hằng năm, MTTQ các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” tới từng khu dân cư, tới mỗi gia đình; tổ chức bình xét, công nhận những gia đình đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” các cấp và biểu dương những gia đình tiêu biểu vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18.11 hằng năm). Từ năm 2014 đến nay, đã có 56.311 lượt gia đình đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” các cấp (trong đó có 13.412 gia đình đạt danh hiệu cấp tỉnh; 17.908 gia đình đạt danh hiệu cấp huyện; 24.991 gia đình đạt danh hiệu cấp xã).

Các gia đình được công nhận danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” luôn nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của khu dân cư, đồng thời tích cực vận động người dân cùng thực hiện, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội; tích cực tham gia công tác xã hội và các phong trào của địa phương. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật Nhà nước và quy ước, hương ước cộng đồng; không có người mắc tệ nạn xã hội; các thành viên tích cực tham gia đóng góp quỹ nhân đạo từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa tại địa phương, nơi cư trú, nơi công tác, học tập và lao động. Hầu hết các gia đình đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” luôn nêu cao ý thức trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng và thực hiện tốt nếp sống văn hóa nơi công cộng; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từ phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, nhiều gia đình là tấm gương sáng, được cộng đồng ghi nhận tiêu biểu, mẫu mực về xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ. Trong gia đình “Tam đại đồng đường”, "Tứ đại đồng đường", các thành viên sống bình đẳng, yêu thương nhau, đoàn kết, có trách nhiệm chăm sóc nhau trong cuộc sống. Ông bà giúp đỡ, giáo dục con cháu đạo lý, truyền thống gia đình Việt Nam "kính trên nhường dưới". Bố mẹ có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các con, tạo điều kiện cho con học tập tốt. Các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Tiêu biểu như gia đình: Ông Đặng Văn Bẩm (xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ), có 6 con, cháu là thạc sĩ; các cháu chăm ngoan, học giỏi đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh; gia đình ông Vũ Khắc Điệp (xã Lương Tài, huyện Văn Lâm) có 1 cháu là thạc sĩ và 13 con, cháu có trình độ đại học… Bên cạnh đó, các gia đình đạt danh “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” đã rất tích cực trong việc tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, có nhiều gia đình năng động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh ngành nghề phụ, tìm hướng đi cho chính gia đình mình thoát khỏi đói nghèo, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đã là những hộ vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua các gia đình đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” các cấp trong tỉnh tích cực tham gia cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thể hiện tinh thần đoàn kết xóm giềng, tham gia hoạt động hòa giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, khi khó khăn, hoạn nạn, giảm nghèo, các hoạt động từ thiện nhân đạo như tham gia xây dựng các quỹ: Đền ơn đáp nghĩa; Vì người nghèo; Quỹ tấm lòng vàng; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách; tham gia thành lập quỹ khuyến học… tiêu biểu như gia đình ông Đỗ Xuân Hòa (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ), ủng hộ đồng bào miền Trung 10 tấn gạo, 700 thùng mì tôm; ủng hộ cho người nghèo 80 triệu đồng, nạn nhân chất độc da cam 10 triệu đồng và ủng hộ quỹ khuyến học thôn, thị trấn Yên Mỹ trên 20 triệu đồng; gia đình ông Đào Ngọc Hải (thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang), giúp đỡ hội viên phụ nữ 50 con lợn giống, 10 tấn cám đến khi xuất chuồng; gia đình ông Đoàn Văn Cửu (xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động), xây dựng Quỹ chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ với số tiền trên 200 triệu đồng, để thăm hỏi khi các thành viên ốm đau hoặc gặp khó khăn… Những hoạt động trên đều bắt nguồn từ lòng tôn kính, sự biết ơn công lao sinh thành của ông bà, cha mẹ; bắt nguồn từ tình cảm thương yêu giữa các thành viên trong gia đình, từ tinh thần đoàn kết, tương trợ sẻ chia, từ đức hy sinh và tính nhân văn cao cả của con người Việt Nam. Những gương sáng ấy càng chứng tỏ truyền thống hiếu nghĩa vốn có từ ngàn xưa của dân tộc ta tiếp tục được kế thừa và phát huy bởi ánh sáng tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Hiếu nghĩa, nhân ái, bao dung là nét đẹp truyền thống, là yếu tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi gia đình Việt Nam… 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, trong thời gian tới MTTQ các cấp trong tỉnh cần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, gắn với nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần của Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục nâng cao chất lượng bình xét các gia đình đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”; thực hiện đồng bộ bình xét ở 3 cấp: cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền để phong trào xây dựng gia đình Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” tiếp tục được lan tỏa rộng rãi, mang lại những hiệu quả thiết thực trong gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình Việt, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.

Có thể thấy rằng, phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” tỉnh Hưng Yên những năm qua đã có sức lan tỏa rộng rãi, nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ gữa MTTQ, các tổ chức thành viên với chính quyền các cấp, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Phong trào đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, tác động sâu đến tư tưởng, ý thức của các tầng lớp nhân dân và mỗi thành viên trong gia đình, góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường lành mạnh trong từng gia đình và toàn xã hội. Với những kết quả đó, vừa qua 70 gia đình tiêu biểu đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và 91 gia đình được tặng Giấy chứng nhận danh hiệu gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” tỉnh giai đoạn 2014 – 2018.

Tin liên quan