Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, thấm thía cảnh nghèo khó của gia đình và nhân dân địa phương, nên anh Lưu Văn Dũng đã sớm nung nấu ước mơ thay đổi cuộc đời, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Học cấp ba, trong lúc chưa biết theo học theo ngành gì cho phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu thị trường, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu anh lúc đó, quê mình dù có nhiều ao, hồ nhưng lại chưa có ai thầu để làm giàu từ việc nuôi cá, chỉ trông chờ vào thu nhập từ trồng trọt, nên anh đã mạnh dạn đi học sơ cấp thủy sản.
Năm 1998, sau khi ra trường, trở về quê hương, anh quyết định thầu khoán một số ao, hồ trong xã với diện tích 06ha để thâm canh cá thương phẩm và bước đầu cho thu nhập khá, từ đó nợ nần của gia đình dần được trang trải. Đến năm 2004, trước nhu cầu thị trường về giống cá tăng cao, anh đã thầu thêm 3,5ha và đầu tư vốn mua cá chép bố mẹ, các thiết bị máy móc để thực hiện chuyển hướng kinh doanh từ sản xuất cá thịt sang nhân nuôi cá giống. Tuy nhiên, những năm đầu, thiếu kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa áp dụng được nhiều, dịch bệnh trên cá phát triển mạnh, kết hợp với giá cả bấp bênh…dẫn đến chất lượng cá giống kém, giá thành cao, việc tiêu thụ gặp khó khăn, kinh tế gia đình anh lại lâm vào tình cảnh nợ nần.
Quyết không nản trí, anh tìm đến các viện nghiên cứu thủy sản, các trung tâm, các trang trại chuyên sản xuất cá giống để học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, tích lũy thêm kinh nghiệm nuôi ấp… Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Thủy Sản I (Từ Sơn - Bắc Ninh), anh được tiếp nhận và chuyển giao quy trình nuôi, sản xuất giống cá chép bố mẹ lai V1 và đã thực nghiệm quy trình nuôi ấp thành công. Cá giống sản xuất ra có sự đồng đều, tỷ lệ sống cao, chịu được môi trường và cho năng suất, chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, cá chép giống do cơ sở sản xuất đã cung ứng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đạt từ 50-70 triệu con/năm.
Năm 2015, khi đã hội tụ đầy đủ về cơ sở, vật chất, anh quyết định thành lập Công ty Thủy sản Trung Dũng do anh làm Giám đốc với 02 kế toán và 15 công nhân, mức lương ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng/người. Năm 2016, song song với việc sản xuất và cung ứng chép lai V1, anh tiếp nhận mới cá trắm đen bố mẹ và đã cho sinh sản, ấp trứng thành công, bán ra thị trường cá giống được 20 triệu con. Năm 2017, anh cho tiếp nhận mới cá chạch sông quý hiếm sinh sản, bán con giống ra thị trường, đồng thời, thành lập Bệnh viện thủy sản để xét nghiệm, kiểm tra môi trường nước và phòng, chữa bệnh kịp thời cho đàn cá bố mẹ, cá bột và cá thương phẩm.
Sau thành công trên chính trang trại của gia đình mình, anh đã tích cực giúp đỡ các hộ dân địa phương đang sản xuất giống, thâm canh thủy sản kém hiệu quả bằng những kiến thức khoa học, kinh nghiệm do chính bản thân anh học hỏi, trau dồi được, đồng thời hỗ trợ vốn, cung ứng con giống chất lượng, thuốc phòng, trị bệnh, các thiết bị máy dùng cho thủy sản, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm… Từ đó đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định từ 100-150 triệu đồng/ha, giúp các hộ dân làm giàu từ những khu ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả, đồng thời tạo ra mối liên kết giữa các hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Qua tìm hiểu Luật Hợp tác xã năm 2012, anh nhận thấy, đây là hướng đi mới, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, phù hợp với định hướng tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất với nhau, thay vì chỉ tập trung hỗ trợ đầu vào cho sản xuất, nâng từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ lên sản xuất quy mô lớn, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hướng tới thị trường xuất khẩu nông sản. Năm 2017, anh trực tiếp vận động các hộ trên địa bàn xã có cùng mô hình sản xuất thành lập Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, gồm 24 thành viên, do anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã, với tổng số vốn điều lệ lên tới gần 700 trăm triệu đồng; quy mô sản xuất 45ha, bình quân 1ha thu lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên Hợp tác xã, tạo thêm việc làm cho nhiều công nhân với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Năm 2018, sản lượng cá của Hợp tác xã đạt trên 200 tấn con giống; cá thương phẩm đạt 280 tấn, cá bột cá chép lai V1 đạt 47 triệu con, bột trắm cỏ đạt trên 200 triệu con; cá lăng đạt 250 triệu con; cá rô phi đạt 350 triệu con; cá diêu hồng đạt 230 triệu con; cá trạch sông đạt 8,2 triệu con. Tổng thu nhập năm 2018, đạt trên 20 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận cho các thành viên trên 3 tỷ đồng.
Với vai trò là người đứng đầu Hợp tác xã, anh đã trực tiếp tìm hiểu thông tin, liên kết với các doanh nghiệp, Hợp tác xã ở các địa phương khác để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay đã có hàng trăm công ty chuyên về thủy sản và Hợp tác xã do anh hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ trong và ngoài tỉnh. Dự kiến trong năm tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình Việt Gap, và xây dựng mới nhà máy sơ chế thủy sản theo hướng hiện đại, nhằm thúc đẩy lớn hơn nữa chất lượng sản phẩm. Tiếp tục liên kết với Viện thuỷ sản Trung ương, các doanh nghiệp, trang trại, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các thành viên Hợp tác xã và nông dân; xây dựng mô hình sản xuất một số loại giống thuỷ sản mới có chất lượng cao, tổ chức cho Ban quản trị và các thành viên Hợp tác xã đi thăm quan và học tập các mô hình tiêu biểu trong và ngoài tỉnh.
HC