Thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm có 489 hộ với 1.688 khẩu. Trước đây là một thôn thuần nông nhưng đến nay 3/4 diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi để phát triển công nghiệp, chỉ còn lại gần 10 ha để trồng rau màu và cây ăn quả, nên nhân dân đã tự học hỏi, phát triển một số ngành nghề khác như nghề mộc, nghề nề và chế biến bóng bì, nem chua. Trong những năm qua, học tập và làm theo Bác từ những việc làm cụ thể gắn với các phong trào thi đua yêu nước được thôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, nhiều người tốt, việc tốt, cách làm hay, hiệu quả đã xuất hiện và được nhân rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của thôn, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã Tân Quang về đích và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Gặp gỡ lãnh đạo thôn, chúng tôi được biết thôn đã vận dụng một cách hiệu quả việc học tập và làm theo Bác vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng chí cho biết, để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nhất là tư tưởng về “đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới” thấm sâu vào nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trên cơ sở lựa chọn một số nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình của thôn và ý kiến đóng góp bàn luận, quyết định của nhân dân, thôn đã thống nhất xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, trong đó nhất quán quan điểm “cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Hằng năm, Chi bộ thôn ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch và chương trình hành động để tổ chức thực hiện, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể triển khai thực hiện, đặc biệt là phát huy trách nhiệm, tính gương mẫu, đi trước thực hiện của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể để nhân dân học tập và noi theo. Điểm nổi bật ở thôn Bình Lương là cụ thể hóa, gắn việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác với các phong trào đã và đang phát triển mạnh ở từng tổ chức, đoàn thể địa phương, cùng hướng về mục tiêu chung là toàn dân xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa ở thôn. Với các nội dung cụ thể hóa đảm bảo tính khả thi, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ tuyên truyền, việc học tập và làm theo Bác gắn với các phong trào đã đi vào cuộc sống, làm chuyển biến trên nhiều mặt ở khu dân cư thôn Bình Lương.
Một trong những mục tiêu hướng đến và đã thu được kết quả cụ thể, nổi bật trong học tập và làm theo Bác ở thôn Bình Lương thời gian qua chính là xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hạn chế các tệ nạn xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, không hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang. Để mục tiêu này được nhân dân đồng thuận thực hiện, các tổ chức, đoàn thể ở khu dân cư thôn Bình Lương đã thống nhất phối hợp tuyên truyền. Hình thức, nội dung tuyên truyền được thôn triển khai khá đa dạng. Ngoài việc tuyên truyền, vận động trực tiếp tại từng hộ gia đình, các hoạt động tuyên truyền, vận động đã được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thường kỳ, các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đồng thời, Ban công tác Mặt trận thôn còn phối hợp tổ chức ký cam kết đến 100% các hộ gia đình tham gia thực hiện.
Đối với mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở địa phương, không để phát sinh mới, thôn đã thường xuyên truyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” nhằm tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thôn đã thành lập 01 tổ tự quản có 12 người tham gia do Hội Cựu chiến binh đảm nhận, có 15 tổ liên gia. Tổ duy trì sinh hoạt định kỳ. Mỗi khi sinh hoạt tổ là những vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân trên địa bàn dân cư đều được các thành viên trong tổ đưa ra bàn bạc rồi cùng nhau tìm hướng, thống nhất giải quyết. Từ đó, những chuyện gì còn trăn trở, còn khó khăn trong sinh hoạt đời thường cũng được các thành viên đưa ra bàn bạc một cách thoải mái, như chuyện giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự an ninh khu dân cư... Tổ cũng vận động nhân dân đóng góp vốn, ngày công trong xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo xã khẳng định: Mô hình tổ tự quản, tổ liên gia ở thôn Bình Lương đã phát huy một cách mạnh mẽ quyền tự chủ, tự quản của người dân, mô hình này cũng đang gây dựng lòng tin trong nhân dân, giải quyết những vấn đề cần thiết nhất trong đời sống người dân.
Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, những năm qua, các cấp ngành, đoàn thể cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động, phong trào “5 không, 3 sạch”; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình người dân tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, thôn đã thành lập và duy hiệu quả hoạt động của 01 tổ vệ sinh môi trường, nguồn kinh phí do nhân dân tự đóng góp chi trả cho tổ vệ sinh 60.000.000 đồng/ năm. Tổ vệ sinh môi trường hàng ngày thực hiện thu gom hết rác thải và tập kết đúng nơi quy định. Bằng những việc làm đó, nhân dân đã dần thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường. Tại thôn đã giảm thiểu tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp; nông dân tự giác bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng đồng vào các bể chứa và sau đó thực hiện tiêu hủy theo quy định.
Để giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, hạn chế, tiến tới loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, chính quyền, đoàn thể thôn đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đến nay, về việc cưới nhân dân đã chấp hành tốt quy ước, hương ước của thôn, không có trường hợp cưới tảo hôn, đám cưới được tổ chức ngắn gọn, không rườm rà, không gây cản trở giao thông. Việc thực hiện văn minh trong việc tang, từ năm 1997, thôn đã tổ chức họp dân bàn về xây dựng nghĩa trang đồng bộ. Lúc mới triển khai gặp rất nhiều khó khăn, vì trong nhân dân vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều. Song, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhân dân nhận thức được việc xây dựng nghĩa trang đồng bộ sẽ tiết kiệm được quỹ đất, tiết kiệm kinh phí cho gia đình mà vẫn đảm bảo được tính tôn nghiêm về mặt tâm linh, từ đó được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Từ đó đến nay nghĩa trang thôn Bình Lương vẫn duy trì xây dựng theo hàng nối, khoảng cách và chiều cao theo cùng một mẫu. Nghĩa trang thôn được xây dựng đầu tiên của tỉnh Hưng Yên đã được nhiều nơi về thăm và học tập kinh nghiệm. Năm 2019, thôn đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp được trên 430 triệu đồng xây dựng con đường vào nghĩa trang, tạo cảnh quan và thuận tiện cho việc tang lễ, tảo mộ, thăm viếng của nhân dân trong thôn. Việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn thôn cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều người dân đã thấy được lợi ích của việc hỏa táng đối với đời sống xã hội hiện nay như nhanh gọn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm đất đai lại không ảnh hưởng đến đời sống tâm linh nên đã lựa chọn. Trong giai đoạn 2014 - 2019, số người chết được hỏa táng đạt tỷ lệ 75%. Cùng với hỏa táng, trong các đám tang ở thôn cũng từng bước thực hiện tốt theo nếp sống văn minh, hầu hết các đám tang đã xóa bỏ được các hủ tục rườm rà, đảm bảo đúng quy định pháp luật của Nhà nước, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán, nếp sống văn hóa mới, quy ước của địa phương.
Bằng nhiều hình thức triển khai đa dạng, phong phú và những việc làm cụ thể, thiết thực, việc học và làm theo Bác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thôn Bình Lương ngày càng lan tỏa sâu rộng, khơi dậy sức mạnh nội lực, tinh thần đoàn kết, xây dựng thôn ngày càng giàu mạnh, văn minh. Ghi nhận những kết quả đó, mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho khu dân cư thôn Bình Lương vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua “xây dựng khu dân cư 3 không” giai đoạn 2014-2019.
Được biết, trong thời gian tới, nhằm tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua, Chi bộ, chính quyền, đoàn thể ở thôn sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, không có hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến nâng cao hơn nữa nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của nhân dân. Đồng thời, chỉnh sửa, bổ sung quy ước, hương ước sao cho phù hợp với quy định của luật pháp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…
HC