KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 06/02/2015 - Lượt xem: 146
Khúc quân hành Trường Sa

Trong bài thơ “Viết ở Trường Sa”, Nhà thơ, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Hào- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã viết những dòng thật đẹp, thật truyền cảm: “Biển đẹp vô cùng/Sóng mùa này yên ả/ Giữa biển khơi giấc ngủ chẳng thể tròn/ Trăm người hát, sóng biển Đông hoà nhạc/ Khúc quân hành nơi biển đảo thiêng liêng…” Cảm xúc chân thành và mãnh liệt ấy, có thể chăng, được xuất phát bởi những buổi giao lưu văn nghệ của đoàn công tác số 15 ra thăm và động viên chiến sĩ đồng bào huyện đảo Trường Sa mà chính ông là Trưởng đoàn… 

Đồng chí Nguyễn Khắc Hào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao lưu văn nghệ cùng các chiến sỹ công tác tại  quần đảo Trường Sa

Đồng chí Nguyễn Khắc Hào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao lưu văn nghệ cùng cán bộ, chiến sỹ  tại  Trường Sa

1- Gặp hồn nước ở Trường Sa

Thật may mắn, tôi được tham gia chuyến đi ấy. Và thật may mắn, tôi đã được tham gia những buổi giao lưu văn nghệ trải dài suốt cuộc hành trình. Những buổi giao lưu không chỉ gắn kết thêm gần hai trăm con người từ nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị khác nhau vào thành một tập thể mà ngoài tính tổ chức, kỷ luật bắt buộc phải tuân thủ, còn như một gia đình lớn- dù ở cùng nhau chỉ vỏn vẹn chưa đầy chín ngày.
Đêm văn nghệ đầu tiên đầy háo hức, sau khi đoàn Ca múa nhạc Sao Biển của tỉnh Phú Yên trình bày những tiết mục đặc sắc, một số “cây văn nghệ” của các tỉnh cũng đã “xuất trận”. Do có chuẩn bị kỹ từ trước, Bắc Giang giới thiệu được di sản phi vật thể Quan họ qua cán bộ của Trung tâm văn hóa tỉnh và đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn trẻ trung năng động. Đoàn của tỉnh Tuyên Quang cũng tạo ấn tượng mạnh với các giọng ca có năng khiếu và nhạc công được đào tạo bài bản. Thực tình, Đoàn Hưng Yên dường như yếm thế ở khoản “văn nghệ văn gừng”. Bởi, với quá nửa là những người cao tuổi và đa phần là lãnh đạo các sở, ngành, cánh trẻ của đoàn chỉ có Thanh Huyền phóng viên báo Hưng Yên, Phan Phiên phóng viên Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh và tôi, thì nhìn các giọng “chuông vàng khánh ngọc” của đoàn bạn đã thấy “choáng”…
Giữa sự lép vế về văn nghệ như thế, bất ngờ đoàn Hưng Yên lại có tiết mục đặc sắc gây ấn tương mạnh mẽ trong lòng khán giả. Thủ trưởng đoàn công tác của tỉnh Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Khắc Hào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã “xuất tướng”. “Trước khi thực hiện chuyến công tác này, những cảm xúc về biển đảo luôn ở trong trái tim tôi. Giờ đây, khi đang được đứng trên con tàu HQ- 561 này, giữa biển trời thiêng liêng, tôi lại có những cảm xúc dâng trào hơn về đất nước, về Tổ quốc Việt Nam. Tôi xin được đọc bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm”. Sau lời “phi lộ” hàm xúc, vị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy như trở về với vai trò của một Nhà giáo ưu tú, một nhà sư phạm kỳ cựu:
Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Phàm những gì được tô vẽ xanh xanh đỏ đỏ vàng son kim tuyến lòe loẹt  thường mất đi cái mộc mạc, chân chất. Phàm những âm thanh được đàn sáo sênh phách nâng lên thì bù lại, lại mất đi cái trong trẻo, nồng hậu, thật thà. So với những tiết mục ca nhạc được dàn dựng công phu, thì bài thơ được đọc bằng giọng mộc có vẻ như là sự ngẫu hứng. Nhưng bản chất của nghệ thuật là đi từ trái tim đến trái tim, là sự lay động tâm thức. Trong giây phút ấy, tôi ngỡ như đang ở một lớp học trường làng, khi thày giáo già đang say sưa truyền tình yêu quê hương đất nước cho học trò. Mà chẳng phải riêng tôi, nhìn những ánh mắt đau đáu của khán giả như nuốt lấy từng lời của diễn giả thì đủ hiểu, tiết mục độc diễn mộc mạc của vị tiến sĩ, nhà giáo ưu tú đã trở thành tiết mục “đinh” của buổi diễn ấy.
Đêm trên vùng biển tuyến đầu Tổ quốc thật mênh mông. Nhưng con tàu chúng tôi không cô đơn trên biển vắng, bởi tôi biết rằng gần lắm đâu đây, những đảo nhỏ kiên cường của quần đảo vẫn luôn chong mắt gìn giữ biển trời, gìn giữ sự bình yên đất nước từ phía biển. Trong âm vang sóng nước, tiếng thơ sang sảng, sang sảng như lời hịch của cha ông tự ngàn năm: Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất/ Có nghe tiếng chúng con: xin có mặt/ Nguyện làm người xung kích của quê hương…
2- Tiếng hát giữa trùng khơi.
Từ những đêm văn nghệ trên tàu HQ- 561, tiếng hát, tiếng đàn cùng tấm lòng chân thành của người đất liền đã tràn lên các đảo. Ở đảo nào, sau màn chào khách nghiêm trang của cán bộ, chiến sĩ chủ nhà, lời hỏi thăm ân cần, nồng thắm của đoàn công tác, đều là những buổi giao lưu âm nhạc. Tại thị trấn Trường Sa đảo Trường Sa Lớn, đoàn ca múa nhạc Sao Biển và những cây văn nghệ thuộc các tỉnh có một đêm cháy hết mình trong nghệ thuật. Dù vậy, những tiết mục múa được tập luyện kỹ lưỡng và biên đạo công phu, những giọng ca mượt mà chỉ thực sự bùng nổ khi được đốt cháy bởi sự nồng nhiệt của khán giả- những người lính, người dân đảo mạnh mẽ mà hảo sảng. Đỉnh điểm của sự bùng nổ ấy là sự hòa nhịp của cả người đứng trên sân khấu với người ngồi ở vị trí khán giả “biển này là của ta, trời này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua”… Ai đó nói rằng, đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, điều đó càng thấy rõ ở Trường Sa. Như  cha ông mình từ ngàn năm trước, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa luôn trong tình cảnh “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vậy mà, những bài ca yêu đời, bài ca hùng tráng vẫn được vô tư cất lên, đủ để thấy bản lĩnh của đất và người nơi đây.
Nhưng đó là đêm duy nhất đoàn ca múa nhạc Sao Biển “thi triển” được toàn bộ các “tuyệt kỹ”. Bởi sau Trường Sa Lớn, thời gian chúng tôi đến thăm mỗi điểm đảo đều rất ngắn ngủi, chỉ đủ để các thủ trưởng Đoàn thăm hỏi và trao quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo rồi lại về tàu đi tiếp. Nhưng ở bất kỳ điểm đảo nào, tiếng hát cũng được cất lên như một phương tiện thể hiện tình cảm giữa người đất liền với đảo, giữa đảo với đất liền. Do phải di chuyển bằng xuồng nên đoàn Sao Biển chỉ đem theo các nhạc cụ đơn giản như đàn guitare, kèn acmonica nhưng đoàn công tác cùng cán bộ chiến sĩ đều làm dậy sóng âm nhạc các điểm đảo. Bên mái kè đảo chìm, trong vòm lá xanh đảo nổi, sóng biển Trường Sa, gió biển Trường Sa như hòa cùng tiếng hát tiếng đàn như khẳng định sức sống của huyện đảo giữa trùng khơi. Sống trong một không khí văn nghệ dân dã như thế, người ta dễ có cảm giác như được sống ở một ngày hội làng, trong rộn rã tiếng trống da trâu, trong chao chát tiếng cười, tiếng ơi ới gọi nhau, mùi rơm ải mùi cúc tần mùi đống dấm mùi phân trâu chứ không phải giữa biển khơi trùng trùng sóng vỗ. Và dường như chẳng phải là khách đến thăm lính, mà là người lính đang trở về làng quê thân yêu, trong vòng tay ấm áp của tình làng nghĩa xóm.
Ẩn dưới cái thô mộc nhiều khi lại là một uyên nguyên nhuần nhị tinh tế. Trong những buổi giao lưu bên thềm đảo nhỏ, nhiều khi khách nài ép một vài anh lính hát. Ngượng ngịu, lúng túng một lúc rồi những lời ca mộc mạc đôi khi sai cả cung bậc, sai cả nốt thăng nốt trầm được cất lên, nhưng lại có sức lôi cuốn lạ kỳ, có sức sống lạ kỳ. Tuy nhiên, ở một số đảo, thì những người lính lại là chủ công trong văn nghệ. Hồn nhiên, tươi vui và mạnh mẽ, quyết liệt, những người lính trên các đảo đã vượt lên trên những khắc khổ của công việc, vô tư cất lên lời ca, vô tư nhảy những vũ điệu sôi động. Nhìn họ, ít ai nghĩ rằng họ đang được sống trên đất thép, rèn luyện và phấn đấu với một ý chí thép. Như những cây bàng vuông kia, nhìn tán lá xanh mượt mà như nhung như gấm, nhìn những đóa hoa kiều mị uyển nhã thì ít ai nghĩ rằng nó đã trải qua những truân chuyên từ khi nảy mầm đến lúc nhọc nhằn sinh trưởng trên nền đất cỗi cằn đá sỏi, trong bầu không khí khô rát mặn mòi.
Một đêm, sau buổi văn nghệ hoành tráng tại Quảng trường Thị trấn, dù quyến luyến chẳng muốn rời, chúng tôi cũng phải lên tàu HQ- 561 để tiếp tục cuộc hành trình. Toàn đảo lưu luyến tiễn đoàn công tác tại cầu tàu, toàn đoàn công tác tập trung bên mạn tàu chào đảo nhỏ. Trong một ngẫu hứng, những bạn trẻ đang mặc trên người chiếc áo in cờ Tổ quốc cởi phắt ra, tung xuống như trao gửi vật làm tin “yêu nhau cởi áo cho nhau” với người ở đảo. Giây phút ấy bỗng ai đó đó cất lên tiếng hát, thế là liên tu bất tận, bài nối bài, lời nối lời, người trên tàu người dưới cầu cảng hòa chung những lời hùng tráng. Không gian thật vi diệu, tôi như được lạc vào một miền hào khí Diên Hồng, Bình Than, một miền son sắt lời thề giữ đảo, giữ biển của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa… 

*

Giờ thì chuyến đi đã trở thành ký ức, thành kỷ niệm để mỗi khi nghe một câu hát về biển đảo là lòng tôi lại cồn lên như con sóng vỗ vào ghềnh đá, chân lại chực muốn bước về phía bình minh. Trong tim tôi, như hàng triệu trái tim con dân đất Việt khác, ngày đêm hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Đảo chìm đảo nổi vẫn uy nghi đứng đó, nhưng trong tâm trí tôi thì quần đảo lại như đang nghiêm trang trong hàng ngũ, hòa cùng sóng trùng khơi ca vang khúc quân hành: “giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta/ giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”…

PHẠM MINH HOÀNG

Tin liên quan