Chất thải nhựa và túi ni lông tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, khi thải ra môi trường, túi nilon phải mất hàng trăm năm mới bị phân huỷ hoàn toàn, gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh thái; nếu đốt ni lông sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Nhận thức được mức độ nguy hại đối với môi trường do chất thải nhựa và túi ni lông, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, các chương trình cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với chất thải nhựa và túi ni lông.
Tại Kỳ họp thứ 8, ngày 15/11/2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12. Luật quy định cụ thể 9 nhóm đối tượng chịu thuế, trong đó có túi ni lông thuộc diện phải chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp với mức thuế từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa. Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 với ba quan điểm: Hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thay thế từng bước việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp kinh tế là trọng tâm kết hợp với giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giải pháp khoa học công nghệ. Mục tiêu của Đề án là tiến tới giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy. Đến năm 2015, giảm 40% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 20% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Đến năm 2020, giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng chính phủ xác định 4 nhóm nhiệm vụ chính là: tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; giảm thiểu phát sinh chất thải túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng cường sản xuất và sử dụng sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy. Với những giải pháp cụ thể là: (1) Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về kiểm soát sử dụng túi ni lông khó phân huỷ: Tăng cường sử dụng công cụ kinh tế (thuế, phí) nhằm giảm dần việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Xây dựng cơ chế hỗ trợ sản xuất, sử dụng bao bì, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy. Xây dựng chính sách khuyến khích phân loại chất thải túi ni lông khó phân hủy tại nguồn tạo điều kiện thuận lợi để thu gom, tái chế. (2) Giải pháp tài chính và nhân lực: Tăng cường và đa dạng hoá các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của các tổ chức quản lý, nghiên cứu để thích ứng với các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tái chế sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường. (3) Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ: Đa dạng hóa nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện vơi môi trường. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị một số phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc các cơ sở đào tạo, nghiên cứu đủ năng lực thử nghiệm, đánh giá các sản phẩm thay thế và tái chế từ chất thải túi ni lông. (4) Hợp tác quốc tế: Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế và tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy.
Ngay sau đó, ngày 14/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều 28, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã đề cập đến mức xử phạt đối với các vi phạm quy định về túi ni lông thân thiện môi trường. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không in hoặc in không đúng nhãn hiệu và mã số lên sản phẩm theo cam kết trong hồ sơ đăng ký công nhận túi ni lon thân thiện với môi trường; Sử dụng in màu trên 01 sản phẩm vượt quá tỷ lệ diện tích in cho phép trong Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại phụ gia, hóa chất để sản xuất sản phẩm túi ni lon thân thiện với môi trường không đúng theo khai báo trong hồ sơ đăng ký mà chưa được sự đồng ý của cơ quan cấp Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không thực hiện kế hoạch thu hồi, tái chế sản phẩm sau sử dụng đúng theo hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường; Không thực hiện đúng cam kết nộp phiếu kết quả thử nghiệm khả năng phân hủy sinh học của sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Sản phẩm không đáp ứng một trong các tiêu chí về túi ni lon thân thiện với môi trường theo quy định. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường hoặc Giấy chứng nhận túi ni lon thân thiện với môi trường đã hết hiệu lực nhưng vẫn sản xuất sản phẩm túi ni lon thân thiện với môi trường. Kèm theo mức phạt đó là các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lon, ngày 10/10/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 5539/BTNMT-TCMT tổ chức phát động phong trào chống rác thải nhựa nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Để thực hiện phong trào này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan chỉ đạo đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lon và vận chuyển đến nới tái chế, xử lý theo quy định; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Đăng ký tham gia thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trong đơn vị gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lon…
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi Thư đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững. Trong thư, Thủ tướng chỉ ra rằng: Hiện nay, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó, 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vũng của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam chúng ta, lượng rác thải nhựa cũng ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Trước tình trạng cấp bách về môi trường, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trưởng do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lon khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trường xanh. Để giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội. Thủ tướng kêu gọi cả nước hãy chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng, nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể… Sáng 9/6, tại không gian Phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.
Trung Nghĩa