Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức công đoàn đã khẳng định vai trò là cầu nối giữa công nhân với Đảng, thông qua việc giới thiệu những công nhân ưu tú có đủ phẩm chất, năng lực, lý tưởng cách mạng để Đảng xem xét, kết nạp. Cùng với sự đồng hành, giúp đỡ của tổ chức công đoàn, các đảng viên công nhân không ngừng nỗ lực, phấn đấu, nêu gương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang gặp gỡ các điển hình tại Hội nghị biểu dương công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ I-2025. (Ảnh HẢI NGUYỄN)
Phát triển đảng viên trong lực lượng công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh là nguồn bổ sung, tăng cường sức mạnh và bảo đảm tính kế thừa, phát triển Đảng; góp phần củng cố khối liên minh giai cấp, tăng cường và phát huy bản chất giai cấp công nhân.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động-Công đoàn vừa tiến hành khảo sát nhanh quá trình phấn đấu trở thành đảng viên trong công nhân, lao động tại 100 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh, thành phố. Trong đó, số công nhân trực tiếp sản xuất được khảo sát chiếm 34,5%. Kết quả: 86,9% đánh giá vai trò, vị trí quan trọng của Đảng đối với sự phát triển của đất nước; 89,9% cho rằng phải có tổ chức đảng tại doanh nghiệp. Về động cơ vào Đảng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động-Công đoàn Phan Nhạc Linh cho biết: 52,8% số công nhân, người lao động mong muốn vào Đảng để được cống hiến, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, 35,9% muốn trở thành đảng viên để làm gương cho con; 35,4% cho biết vào Đảng để có tiếng nói, bảo vệ quyền lợi cho công nhân cũng như của cá nhân.
Ba nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam gần đây đều đề ra chỉ tiêu: Bình quân hằng năm mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên công đoàn ưu tú cho tổ chức đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp. Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn giới thiệu hơn 700 nghìn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp, tăng 1,8 lần so với nhiệm kỳ trước. Số đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng là gần 400 nghìn đảng viên, tăng 1,4 lần so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ đoàn viên ưu tú ngoài khu vực nhà nước chiếm hơn 11%, trong đó công nhân, lao động chiếm gần 10%. Tính riêng năm 2024, có hơn 80,3 nghìn đoàn viên công đoàn được kết nạp vào Đảng, trong hơn 158,8 nghìn đối tượng do công đoàn giới thiệu.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang khẳng định: Những con số nêu trên ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của một bộ phận đoàn viên công đoàn và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của công đoàn các cấp. Tuy nhiên, kết quả phát triển Đảng trong công nhân chưa tương xứng với phạm vi, quy mô, số lượng công nhân, lao động.
Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết: Một bộ phận người lao động có quan tâm đến việc phấn đấu vào Đảng, tuy nhiên, số này chủ yếu là công nhân, lao động được giao quản lý các ca, tổ sản xuất. Số công nhân trực tiếp sản xuất có mức độ quan tâm chưa lớn, nguyện vọng phấn đấu chưa thật sự mạnh mẽ. Từ năm 2020- 2024, toàn ngành dệt may kết nạp được 1.416 đảng viên nhưng chỉ có 610 công nhân trực tiếp sản xuất.
Bí thư Chi bộ, kiêm Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH JUKI (Việt Nam) Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: Quá trình vận động, bồi dưỡng đoàn viên công đoàn ban đầu rất khó khăn, từ việc sắp xếp học các lớp bồi dưỡng về Đảng, học chính trị, sinh hoạt Đảng định kỳ... vì nhiều doanh nghiệp chưa có chi bộ, phải sinh hoạt ghép. Bên cạnh đó, một số đảng viên ngần ngại với việc thẩm tra lý lịch do công nhân ở nhiều địa phương khác nhau...
Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, nhận thức chính trị của không ít người lao động hạn chế, đời sống, thu nhập còn thấp cũng là nguyên nhân khiến họ chưa phấn đấu vào Đảng. Tại ngành dệt may, tỷ lệ lao động nữ chiếm hơn 70% cho nên mối quan tâm hàng đầu của họ là chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Phần lớn lao động đi làm chỉ chú trọng đến việc tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Công nhân lớn tuổi không muốn vào Đảng vì nghĩ không còn nhiều cơ hội phát triển.
Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Fujikin Việt Nam (thuộc Đảng bộ Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) Trần Quang Khải cho biết: Việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn. Công ty TNHH Fujikin Việt Nam có 100 nghìn công nhân, lao động. Tuy nhiên, đến nay Chi bộ công ty mới có 8 đảng viên chính thức và 5 thành viên đang trong quá trình xem xét, kết nạp. Ngoài việc nhận thức chính trị của phần lớn công nhân còn hạn chế, ít quan tâm hoặc ngại tham gia hoạt động chính trị, chưa có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành đảng viên, thì phần lớn chủ doanh nghiệp FDI là người nước ngoài cũng là một vấn đề. Do thể chế chính trị khác biệt, chưa nhận thức được vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp, họ băn khoăn rằng thành lập tổ chức đảng sẽ chi phối, gây ảnh hưởng quá trình điều hành doanh nghiệp.
Thực tế một số nơi, sự phối hợp giữa các cấp công đoàn và tổ chức đảng cơ sở chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chưa chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp tạo nguồn; công tác bồi dưỡng lý tưởng, củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo động lực cho công nhân chưa tốt, khiến sự quan tâm và nguyện vọng gia nhập Đảng của công nhân chưa được thúc đẩy mạnh mẽ. Ngoài ra, sự phối hợp của các cơ quan chức năng với tổ chức công đoàn trong chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân, lao động đôi lúc còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, thiếu sự nêu gương của đảng viên, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của đoàn viên công nhân vào đảng viên, chưa nhận thấy “lợi ích” khi đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Tạo nguồn lực, sinh lực cho Đảng
Có thể thấy, nguồn phát triển đảng viên từ công nhân, lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI là rất lớn. Bởi vậy, là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, tổ chức công đoàn là nơi tập hợp, đoàn kết công nhân, “trường học” đặc biệt giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng cho công nhân, cơ sở chính trị-xã hội của Đảng trong công nhân, người lao động. Trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, vai trò và trách nhiệm của tổ chức công đoàn càng nổi bật. Do vậy, hơn lúc nào hết, các cấp công đoàn cần nắm bắt cơ hội, tiếp tục phát huy, làm tốt vai trò cầu nối giữa công nhân với Đảng.
Muốn như vậy, tổ chức công đoàn phải giúp mỗi đoàn viên, công nhân, lao động nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, giai cấp cũng như trách nhiệm công dân, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua,... đóng góp cho sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp, đất nước. Từ đó, nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình, để đoàn viên, người lao động ngày càng gắn bó, tin yêu tổ chức công đoàn và với Đảng. Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết: Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, làm tốt công tác đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, công nhân lao động là nhiệm vụ cốt lõi, căn cốt của tổ chức công đoàn. Từ đó xây dựng nền tảng thành lập tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên. Đồng thời, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo điều kiện cho công nhân tham gia, thể hiện bản lĩnh, năng lực chính trị, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững... Các hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực này sẽ giúp chủ sử dụng lao động hiểu hơn về sự cần thiết của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Phùng Thái Quang, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực thích ứng cho công nhân. Lựa chọn điển hình tiên tiến để khen thưởng, nhân rộng, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, giúp họ có điều kiện phát triển bản thân, trưởng thành trong công việc; tạo động cơ, động lực phấn đấu gia nhập hàng ngũ của Đảng. Đưa tiêu chí kết nạp Đảng vào các chương trình thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho rằng: Các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho công nhân cần được tổ chức một cách hợp lý và dễ tiếp cận, giúp họ nắm vững kiến thức về Đảng và tầm quan trọng của việc gia nhập Đảng trong việc phát triển sự nghiệp cá nhân và ngành nghề. Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn, đảng viên phải thật sự gương mẫu để quần chúng nhìn vào thấy tin tưởng mà phấn đấu gia nhập hàng ngũ của Đảng ■
Nguồn: https://nhandan.vn/