KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 18/08/2015 - Lượt xem: 178
“Mầm đắng”: Đắng đót phận đời phụ nữ vùng cao

Biết rằng mua bán phụ nữ, trẻ em và bào thai qua biên giới là tệ nạn xã hội nhức nhối những năm gần đây, song đề tài nóng này đã nóng rất lâu trong các tác phẩm báo chí, và nếu chỉ đơn thuần là lựa chọn một đề tài “nóng mà quen” thì thật khó mà níu giữ được độc giả, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin vốn chỉ ưu ái những tin tức ngắn gọn, giật gân. Vậy thì vì lẽ gì mà “Mầm đắng” có thể khiến bao người mê mải dõi đọc hơn 7 trang A4 như thế? Vì lẽ gì mà ai cũng sẵn lòng theo dõi, đồng hành cùng cô gái người Giáy suốt 25, 26 năm trời?

Trước khi ra mắt độc giả truyện ngắn “Mầm đắng”, Tống Ngọc Hân đã cơ bản định hình được những thế mạnh sở trường của mình qua các tác phẩm đậm đặc chi tiết và phong vị vùng cao phía Bắc Tổ quốc như “Ác mộng con rể”, “Lửa khóc lửa cười”, “Hồn xưa lưu lạc”, “Tháng chạp qua cửa”, “Để gió cuốn đi”… Đằng sau những đau đáu một câu hỏi nhân sinh chẳng biết nề nếp gia đình, bản sắc văn hóa, giá trị đạo đức rồi sẽ đi về đâu; đằng sau những ngẫm ngợi, thảng thốt cảnh báo về những được mất trong guồng quay công nghiệp hóa, hiện đại hóa… đều hiện lên đắng đót những phận đời phụ nữ miền biên viễn Tây Bắc.

Và khi “Mầm đắng”- 1 trong 10 truyện ngắn hay nhất năm 2014 được đăng tải liên tục 3 số trên báo Văn Nghệ (7, 8, 9) vào ngày 14/2/2015, như mọi khi, rất kiệm lời, ở lời bạt, Tống Ngọc Hân cũng chỉ nói rằng truyện tiếp tục viết về đề tài miền núi, nhân vật trung tâm là cô gái người Giáy thông minh, nhanh nhẹn, nạn nhân của nạn mua bán phụ nữ, trẻ em và bào thai qua biên giới.

Biết rằng mua bán phụ nữ, trẻ em và bào thai qua biên giới là tệ nạn xã hội nhức nhối những năm gần đây, song đề tài nóng này đã nóng rất lâu trong các tác phẩm báo chí, và nếu chỉ đơn thuần là lựa chọn một đề tài “nóng mà quen” thì thật khó mà níu giữ được độc giả, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin vốn chỉ ưu ái những tin tức ngắn gọn, giật gân. Vậy thì vì lẽ gì mà “Mầm đắng” có thể khiến bao người mê mải dõi đọc hơn 7 trang A4 như thế? Vì lẽ gì mà ai cũng sẵn lòng theo dõi, đồng hành cùng cô gái người Giáy suốt 25, 26 năm trời?

Cái cô gái ấy có một hoàn cảnh xuất thân như bao phụ nữ người Giáy khác: sinh ra trong gia đình đông con (mẹ sinh nở 13 lần, lớn lên còn 9 anh chị em), thất học, thiếu thốn mọi bề và đặc biệt là nếp sống, nếp nghĩ coi thường đàn bà, con gái (4 anh em trai đều được cho đi học gần hết cấp hai, còn 5 chị em gái thì không được đi học ngày nào; với đàn bà con gái, biết chữ là một cái tội). Bình thường ra, “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, thì cuộc đời cô cũng sẽ bằng phẳng, theo đúng con đường của những thế hệ phụ nữ trước cô, ấy là “sẽ như chị dâu, đẻ hai đứa con theo quy định của nhà nước. Rồi tôi sẽ như mẹ. Từ nhà lớn xuống bếp, từ bếp ra đồng. Từ đồng về nhà, quanh quẩn, quẩn quanh. Và tôi sẽ giống bà nội, mắt mờ, tay rung rinh cái vỉ ruồi, chả đập trúng ruồi, đập trúng mẹt đỗ đen, vãi tung tóe”. Ấy nhưng cái kết cục “có hậu” nhất trong vòng đời tuyến tính – yên phận làm vợ, làm mẹ, làm bà – giống y như chi tiết có khả năng dâng tặng nụ cười duy nhất cho người đọc trong suốt cả truyện ngắn là “mắt mờ, tay rung rinh cái vỉ ruồi, chả đập trúng ruồi, đập trúng mẹt đỗ đen, vãi tung tóe” cũng rất nhanh chóng khép lại nụ cười, rồi thay thế bằng một nỗi buồn nhen nhóm hạt châu đen cho số phận bi thương của bao thế hệ phụ nữ vùng cao. Khi nhỏ thì thiếu thốn tuyệt đối những yêu thương, sự quan tâm, dạy bảo và biểu hiện tình cảm của bố mẹ nhưng lại quá đỗi thừa mứa những mắng chửi, đòn roi và áp đặt trong vòng mông muội, ngu dốt. Lớn lên, có phúc có phận thì được gả bán, thách cưới đàng hoàng, nhưng khi đã làm vợ người lại âm thầm, lầm lũi tới mức vô cảm, trở thành cái máy đẻ, đến tên con, ngày tháng năm sinh của con cũng không nhớ được; chắt chiu, tính toán, tiếc rẻ từng sọt măng đắng mỗi mùa mà vẫn không bao giờ được cầm đồng tiền trong tay, mọi thứ đều do chồng quản lý; dồn nén tới mức chỉ biết đổ lên đầu những đứa con gái tiếng gào thét, chửi bới để “bớt khổ, bớt nhọc nhằn”. Kém phúc phận hơn (như người chị gái), người con trai trong tim bị trận lở núi cướp mất, trả lại là một khối lễ giáo truyền thống khắt khe hiện hữu bằng cơn giận giữ, đánh đập của người bố, bắt ăn “nắm lá xanh có riềm răng cưa” để bỏ đi một mầm sống đang tượng hình.

Nhưng cô gái út ấy lại không cam tâm yên phận với cuộc sống tù túng, khốn khổ không lời ấy của chị, của mẹ và của bà. Bởi cô là người phụ nữ duy nhất trong nhà dám “thường xuyên bỏ đói trâu để mon men đến gần các lớp học”, biết “chán đầy cổ” và luôn “vày vò”, tìm cách thoát khỏi cái vòng đời “luẩn quẩn”, biết khao khát những cuộc đi, những cuộc học hỏi. Và vì thế, trong cái vòng kim cô khắc nghiệt của cha, 16 tuổi, cô đã biết đọc sách, làm toán; biết trăn trở tìm lời đáp cho câu hỏi “cách sống và cách kiếm sống thì có gì khác nhau nhỉ?”; biết trốn nhà theo bạn đi tiểu ngạch qua biên giới chinh phục ước mơ có tiền để học nghề, để có nhiều bạn.

Lần đầu tiên bước chân qua ngưỡng cửa quen thuộc, đến với thế giới mới, cô đủ thông minh, nhanh nhẹn để làm một cuộc tháo chạy thành công trước “hai gã đàn ông to lù lù, thô thiển nhìn tôi như nhìn con vịt quay trên lò than”. Trước biến cố tang tóc của gia đình, chị cô “mê sảng” trong đau đớn, cha cô “quằn quại, vật vã” vì mất mát, vì trắng tay, cô đủ dũng khí để nước mắt “chảy ngược vào trong”, “đối diện” và tiếp tục dấn thân, thực hiện ước mơ – học ngoại ngữ, xin việc trong công ty lữ hành, “rạc cả người và ôm ấp khát vọng xây cho bố ngôi nhà mới”. Trước nhiệt huyết tuổi trẻ, cô đủ “hăng” để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc với những người khách du lịch, đến nỗi cô bị mất việc, “tất cả các công ty lữ hành trong thành phố đều khước từ”, phải tìm về nương náu trong ngôi nhà của bố. Trước gã đàn ông xa lạ, tuổi anh không phải, tuổi chú thì không, cô đủ tỉnh táo để tự cảnh giác mình cẩn thận kẻo bị lừa bán qua biên giới. Trước những tái tê, vật vã và đau đớn khi rơi vào hoàn cảnh bị bắt cóc, hãm hiếp, làm cho có thai, cô đủ yêu thương, xót xa để giữ gìn, bảo vệ “mầm măng ngọt” trong lòng… Cô hội đủ tất cả những phẩm chất cần có của người phụ nữ hiện đại để xứng đáng được hưởng hạnh phúc, hay chí ít cũng là một cuộc sống độc lập, tự chủ. Nhưng than ôi, cuộc đời cô càng vùng vẫy thoát khỏi vòng luẩn quẩn thì càng chất chồng bi kịch hơn mà thôi. Cao trào nhất, nút thắt nghẹn lòng là giọt máu của cô, núm ruột của cô, đứa con cô hoài thai sau bao lần trăng tròn rồi khuyết đã “bị họ mang đi xa rồi, trả thế nào được” trước sự thật nghiệt ngã: cô chỉ là người “đẻ thuê”, mà kẻ đồng lõa, bán rẻ cô chính là cha cô, với cái giá là “một căn nhà mới, tươm tất nhất vùng”.

Cùng với việc khắc họa thành công số phận, cuộc đời bất hạnh của những người phụ nữ dân tộc Giáy, “Mầm đắng” còn cảnh báo về những hệ quả tất yếu của một nền văn hóa lai căng, hỗn tạp được du nhập trong quá trình giao lưu, hội nhập, đồng thời buộc độc giả đối mặt với nhiều vấn đề phi lý, bất cập đang từng ngày, từng giờ hiện hữu và nảy sinh trước cơn lốc của cơ chế thị trường. Đó là tình trạng suy thoái, tha hóa về đạo đức, sự mai một những giá trị văn hóa truyền thống (vì tiền mà người cha - vốn là đại diện cho những tập tục văn hóa ăn sâu, bám rễ trong từng hành vi, ứng xử - dám làm tất cả, bất chấp tất cả, lừa gạt tất cả, không từ một ai, ngay cả đứa con gái ruột thịt cuối cùng). Đó là vấn đề hiệu quả thực tế của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi cho người dân miền núi (thay măng đắng truyền thống bằng trồng măng đen, nhưng đằng sau câu chuyện xây nhà mới từ hai vụ măng đen là cả một kiếp đời bất hạnh của cô gái người Giáy). Đó cũng còn là vấn đề bảo vệ bền vững thành quả lao động và an toàn tính mạng con người trước những thay đổi bất thường của thời tiết, môi trường. Cao hơn, đó là trạng thái cô độc, lạc loài của cá nhân trong cộng đồng xã hội (cô gái khao khát, thèm muốn có bạn để được chơi, được tâm sự thì lại gói kín lời)…

  Cộng hưởng để tạo nên những thành công về mặt chủ đề, tư tưởng, nội dung của “Mầm đắng”, như trên đã nói, vẫn là những thế mạnh sở trường và ngày một nhuần nhuyễn, thuần thục của Tống Ngọc Hân, đó là lối tự sự đầy mê hoặc; câu chữ chặt, đầy dồn nén, day dứt mà vẫn tự nhiên, uyển chuyển; chi tiết đậm đặc mà phong phú; lối nói, lối ví von mộc mạc, gần gũi nhưng tinh tế, dí dỏm, giàu hình ảnh, đậm chất mạn ngược: “Trâu bán bao nhiêu lứa, măng mỗi năm đắng một mùa”; giặt đồ hàng tháng của phụ nữ  “lúm thúm như đứa trộm thóc bán lấy tiền ăn quà vặt”; “con gà, con vịt, con trâu đi đâu cũng có đàn. Nhỏ như con kiến cũng có đàn”; “nơi xứ người, tôi như ngọn măng đen bị lột vỏ bằng hai bàn tay khả ố, nhơ nhớp bao lần”; “thời gian lê lết qua  năm lần trăng tròn rồi khuyết”; “mặt ông trắng bệch như cái măng luộc ngâm nước lâu ngày”…; hay kết cấu vòng tròn bắt đầu vòng sinh - tử từ mẹ tới cô gái – nhân vật Tôi (mở đầu truyện ngắn là câu kể mẹ sinh nở 13 lần; câu tiếp theo là còn 9 anh em trai; kết thúc truyện là cô gái sinh con, rồi vĩnh viễn mất con khi còn chưa một lần được nhìn mặt).

Và chắc chắn một điều, góp phần không nhỏ vào thành công chung ấy, là một biểu tượng đa nghĩa, xuất hiện xuyên suốt truyện ngắn từ nhan đề tới kết thúc, đồng hành cùng cô gái lúc ấu thơ tới khi tả tơi vì những sắp đặt tàn nhẫn của cuộc đời, của số phận – “Mầm đắng”.

Thanh Mai

Tin liên quan