KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 16/12/2018 - Lượt xem: 150
Men rượu Cảnh Lâm trong từng nét nhạc

Đã có một lần Đăng Nước tâm sự “âm nhạc mãi mãi sống trong tôi. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thăng hay giáng, vinh hay nhục, tôi vẫn giữ niềm tin trong âm nhạc của tôi”. Niềm tin và âm nhạc đã giúp Đăng Nước vượt qua nhiều thăng trầm của số phận, long đong lận đận của tình duyên để sống và yêu. Nhiều lúc nhìn Đăng Nước say sưa hát những ca từ do chính anh sáng tác, tôi cứ tự cho rằng cái men rượu Cảnh Lâm trứ danh quê anh đã hun đúc lên cái tâm hồn “say nhạc” kia…

  1. “Mẹ tập con đi, Đảng dạy con đi”
Nói đến tên nhạc sỹ Đăng Nước, rất nhiều người sẽ lạ lẫm. Nhưng hàng ngày, hàng giờ, ở đâu đó trên đất nước này, nhưng ca từ và giai điệu của anh vẫn đang được ngân lên: “Vinh quang con đến bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc. Trên môi như Bác vẫn cười, Bác vui vì khắp non sông, cháu con trở về sum vầy”… vừa êm dịu sâu lắng lại có lúc cao trào lên hào sảng và rạng ngời niềm tin. Vâng, ấy là tôi đang nói đến tác giả của nhạc phẩm “Chúng con bên giấc ngủ của Người”- bài ca đi cùng năm tháng, nói lên nỗi lòng không chỉ của các chiến sĩ công an đang ngày đêm gác bên lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là của cả dân tộc ta “cháu con đời đời bên Bác. Bác ơi Bác ngủ yên lành”.
Đăng Nước kể, ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, anh đã say mê âm nhạc, thường vẫn tự mình ngân nga lên những giai điệu của riêng mình. Nhưng con đường đến với âm nhạc của anh cũng không được “thông đồng bến giọt” như tình yêu anh dành cho nó, mà phải trải qua nhiều thăng giáng để đến tận hôm nay “live show riêng- điều mà đồng nghiệp của anh làm được cách đây hàng chục năm, anh vẫn chưa thực hiện được. Khi đang là sinh viên năm đầu của Nhạc viện Hà Nội, anh đã theo tiếng gọi thiêng liêng của núi sông, lên đường nhập ngũ. Sau này trong “Mẹ tập con đi, Đảng dạy con đi” anh đã viết về cái thời ấy đẹp như thế: “Mười tám tuổi đời con lại tập đi/Không phải dưới đôi tay của mẹ dắt/ Bàn chân con khi băng rừng cưỡi biển… Đảng dạy con đi đầu thẳng về phía trước”.
Với cái cách đi “đầu thẳng về phía trước” ấy, từ một sinh viên chỉ quen với tiếng hát, cây đàn, qua chiến đấu dần dần Đăng Nước được làm tiểu đội trưởng, rồi trung đội phó một trung đội của Trung đoàn bộ binh 568 (Quân khu 3). Đến tháng 1 năm 1974, anh chuyển về Trung đoàn Công binh thuộc Lữ đoàn công binh Hải Quân. Ở đây, những tác phẩm đầu tay “Chúng tôi tập hành quân”, “Bước đi của Trung đoàn công binh Hải Quân” của anh được viết ra. Năm 1978, Đăng Nước chuyển ngành sang Bộ công an và công tác ở đó đến năm 1986 thì về “một cục”. Một thời gian dài, cuộc đời Đăng Nước bước vào khúc trầm buồn để đến vài năm gần đây, anh mới được bạn bè giúp đỡ để tiếp tục trở lại trong ngành công an.
Ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người”, được Đăng Nước sáng tác năm anh mới có 23 tuổi. Đó là năm 1976, thượng sỹ trợ lý chính trị Trung đoàn công binh hải quân được nghỉ phép về quê thăm gia đình. Phần thưởng của cha anh- thiếu tướng công an Nguyễn Đăng Chè- cho cậu con trai sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc là cho anh vào Lăng viếng Bác (khi đó ông Chè đang là thiếu tá, đồng tác giả của đồ án kiến trúc Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Tình cảm của Đăng Nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những câu chuyện kể, qua những lần được háo hức đón Bác về thăm quê hương Hưng Yên suốt thời gian từ thơ ấu trộn lẫn với niềm hãnh diện về người cha đang làm nhiệm vụ bảo vệ di hài của Người lúc ấy trào ra. Dòng nhạc đầu tiên của “Chúng con canh giấc ngủ bên Người” vang lên trong đầu, và Đăng Nước đã hăm hở hoàn thiện nó chỉ trong vòng một hai ngày sau đó. Để đến bây giờ, hầu như tất cả chúng ta, những người Việt Nam, đều thấy con tim mình như reo lên “Ơ, sáng tháng Năm trời trong xanh quá. Cháu con tụ về Ba Đình…”. Lúc ấy anh lính trẻ Đăng Nước chắc không thể ngờ được rằng bài hát đó của mình sẽ trở thành một trong mười ca khúc hay nhất viết về Bác và cũng là một trong mười một bài hát hay nhất thể kỷ XX của người Việt Nam.
Giờ thì Đăng Nước đã có một gia sản khổng lồ với hơn 400 ca khúc. Nhiều bài hát của anh được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam thu thanh, phát sóng. Đặc biệt là mới đây, nhà xuất bản công an nhân dân đã tuyển trọn và in cho anh tập nhạc mang tên “Chúng con bên giấc ngủ của Người”. Đó là một tuyển tập gồm 71 ca khúc, viết về đề tài người chiến sỹ công an nhân dân, về đề tài quê hương đất nước, về tình yêu và về cha mẹ. Trong đó có những bài có tiếng vang chẳng kém gì “Chúng con bên giấc ngủ của Người” như “Mẹ nằm nghiêng”, “Đất rồng thăng hoa”...
  1. Nặng lòng với quê hương
Đăng Nước sinh năm Quý Tỵ (1953) tại thôn Cảnh Lâm, xã Tân Việt, Yên Mỹ. Quê hương với những đội chèo dân gian đã hình thành trong anh chất nghệ sĩ (và như đã nói, tôi cứ cho rằng men rượi Cảnh Lâm nổi tiếng đã làm nên sự “say nghề” trong anh”. Dù trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng học hết cấp 3, năm 1972, anh vẫn thi và đỗ vào khoa Thanh nhạc nhạc viện Hà Nội. Thực ra, cái căn cốt nhạc sĩ trong anh đã bộc lộ ra từ thời thơ ấu, trong khi anh viết tặng cô bạn cùng lớp mà anh đem lòng yêu thầm nhớ vụng từ lâu để bày tỏ nỗi niềm riêng của mình. Và “đem hết tâm sức mà làm có thể động đến lòng trời”, lời tỏ tình độc đáo ấy đã khiến cô bạn hiểu cho tình yêu tha thiết của anh...Mối tình đầu dù dang dở nhưng đẹp như huyền thoại. Đến tận bây giờ, nhắc về người ấy, tôi thấy Đăng Nước vẫn còn hồi hộp lắm, hệt như tôi thủa đang yêu mỗi khi nhắc đến người trong trái tim mình...
Tình yêu thủa học trò hòa quyện trong tình yêu nơi chôn rau cắt rốn, đã khiến cho Đăng Nước có ít nhất hai tác phẩm viết về xứ nhãn quê hương, đó là “Hưng Yên khởi sắc” (sáng tác năm 2004) và “Những nàng tiên Phố Hiến” (sáng tác năm 2008). Tác phẩm “Những nàng tiên Phố Hiến” đã được lấy làm ca khúc chính thức và làm nhạc nền của cuộc thi Người đẹp Phố Hiến năm 2008.
Thế mà chàng nhạc sĩ luôn luôn nhận mình là cô đơn này vẫn luôn tự trách rằng mình chưa có một tác phẩm nào xứng tầm về đất mẹ. Gạt qua bộn bề công việc, đầu năm 2009, Đăng Nước đã trở lại Hưng Yên hơn một tháng trời để lấy cảm hứng viết tác phẩm mà anh hằng mơ ước đó. Suốt trong thời gian dài ở thị xã, ngoài thời gian đi thăm thú các di tích, gặp gỡ một số người quen, anh ở lỳ trong phòng và viết. Anh viết như trả nợ đời, quên cả thời gian và không gian. Kết quả chuyến đi ấy, ca khúc “Bài ca Hưng Yên” ra đời, đóng góp cho nền âm nhạc Hưng Yên một tác phẩm mới, sâu lắng mà hào hùng về chính quê hương Hưng Yên.
Nhìn người nhạc sĩ lãng tử mê đắm với những nốt nhạc, thỉnh thoảng lại cất lên giọng nam cao sang sảng hát như “lên đồng”, tôi tin rằng, tới đây, chắc chắn Đăng Nước sẽ lại có thêm nhiều bài ca về mảnh đất châu thổ với những con người “cây lúa, chăn tằm, dệt lụa, thả sen”, nơi có đặc sản nhãn lồng nổi tiếng, có cánh đồng Tam Thiên Mẫu cấy ra những hạt lúa nếp để làm nên hương vị rượu Cảnh Lâm nồng nàn như những điệu chèo cổ đi suốt thời gian thơ ấu của anh.
PMH
(Theo Báo Hưng Yên)

 

Tin liên quan