Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng mô hình gieo mạ khay và cấy bằng máy vào sản xuất lúa, qua đó đã góp phần tiết kiệm sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Cấy lúa bằng máy tại xã Minh Tiến (Phù Cừ)
Cánh đồng xã Nhật Quang (Phù Cừ) ngày mùa vẫn rộn ràng như trước kia nhưng thay vì lom khom cấy lúa thủ công thì nay nhiều người dân chỉ cần đứng đầu bờ chỉ ruộng để máy cấy. Dưới ruộng, máy chạy liên tục; trên bờ, những chuyến xe chở mạ khay nối tiếp nhau để sẵn sàng cho máy cấy “ăn mạ”. Nắm bắt nhu cầu của nông dân trong việc sản xuất lúa áp dụng phương pháp mạ khay, máy cấy, năm 2021, anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Nhật Quang (Phù Cừ) đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mua 1 máy cấy, 2 vạn khay và các loại máy để gieo mạ. Những ngày này, máy cấy của gia đình anh hoạt động hết công suất, từ 12 đến 13 mẫu ruộng/ngày để bảo đảm theo hợp đồng đã ký. Anh Tuấn cho biết: Vụ xuân năm nay, ngoài 30 mẫu ruộng của gia đình, tôi làm dịch vụ cấy trọn gói (gieo mạ, cấy) 240 mẫu cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Với mức giá 280.000 đồng/sào từ gieo mạ đến cấy, tiết kiệm 150.000 - 200.000 đồng/sào so với việc thuê người cấy nên nhu cầu cấy máy của người dân tăng theo từng vụ, tuy nhiên, số lượng máy, mặt bằng làm mạ còn nhiều hạn chế nên tôi chưa thể đáp ứng đủ diện tích người dân đăng ký.
Những năm gần đây, huyện Phù Cừ là địa phương có diện tích cấy lúa bằng máy lớn trong tỉnh. Để mở rộng diện tích cấy bằng máy, huyện đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng lúa cấy bằng máy tập trung, thuận lợi tưới, tiêu; kế hoạch sản xuất phải được xây dựng sớm và cụ thể, từ đó chủ động triển khai dịch vụ mạ khay, cấy máy. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất lúa chủ động sử dụng phương pháp gieo cấy bằng máy nhằm giảm chi phí đầu vào. Phấn đấu vụ xuân 2023 có ít nhất 20% diện tích lúa của huyện được cấy bằng máy (tương đương 680ha).
Đến ngày 21/2 xã Đa Lộc (Ân Thi) đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa vụ xuân, trong đó riêng thôn Trắc Điền có 100% diện tích lúa cấy bằng máy (120 mẫu). Đồng chí Nguyễn Ngọc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 270ha lúa. Sau 3 năm triển khai cấy bằng máy, cho thấy chất lượng mạ tốt, gieo cấy đúng quy trình kỹ thuật, lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, cho năng suất, chất lượng lúa cao nên nông dân rất phấn khởi. Chi phí sản xuất mạ và công cấy trung bình 300.000 đồng/sào, trong khi bình thường nông dân thuê lao động cấy thủ công mất khoảng 400.000 đồng/sào, chưa tính chi phí sản xuất mạ.
Chị Hoàng Thị Vững ở thôn Trắc Điền, cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 mẫu ruộng, đã 3 năm nay tôi áp dụng sản xuất bằng mạ khay, máy cấy, qua đó giảm đáng kể chi phí ngày công và tiết kiệm sức lao động cho nông dân. Sau cấy, cây lúa bén rễ hồi xanh nhanh hơn, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết tốt hơn. Áp dụng phương pháp này, tôi nhận thấy năng suất, chất lượng lúa cấy máy cao hơn so với lúa cấy tay trung bình 10%.
Để đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ người dân mua máy cấy. Theo số liệu của Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, toàn tỉnh có 100 máy cấy các loại. Nếu như năm 2022, diện tích cấy bằng máy toàn tỉnh đạt 1.780ha (trong đó vụ xuân 880ha, vụ mùa 900ha) thì vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có trên 10% tổng diện tích (trên 2.500ha) được cấy bằng máy.
Việc ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, lúa cấy bằng máy có mật độ cây lúa đồng đều, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường; năng suất lúa tăng 10 - 15% so với cấy bằng tay. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các địa phương quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc nhân rộng mô hình mạ khay, máy cấy vẫn còn gặp một số khó khăn như: Một số vật tư làm khay mạ vẫn phải mua từ nơi khác; diện tích làm mạ khay đòi hỏi mặt bằng khá lớn nên việc mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn; chi phí đầu tư ban đầu cho máy móc, hệ thống khay lớn… Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để áp dụng mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua, sử dụng các loại máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp (trong đó có máy cấy). Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho nông dân…
Nguồn: https://baohungyen.vn