KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 17/06/2019 - Lượt xem: 150
Một giám đốc có nhiều sáng tạo

Liên tục trong nhiều năm qua, không chỉ giỏi trong công tác quản lý mà Giám đốc Công ty ống thép Hòa Phát - Nguyễn Đức Cơ (trên địa bàn Văn Lâm, Hưng Yên) còn có nhiều sáng tạo trong sản xuất, đưa sản lượng ống thép các loại tiêu thụ ngày càng nhiều, đồng thời tiết kiệm cho công ty mỗi năm hơn 10 tỷ đồng. Anh là một tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giám đốc Cơ kiểm tra dàn máy rút ống sau khi nâng độ nghiêng

Từ những năm 1980-1984, chàng sinh viên Nguyễn Đức Cơ đã trong nhóm nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi ra trường, anh Nguyễn Đức Cơ nhận công tác ở nhà máy cơ khí Yên Viên, Bộ Năng lượng. 12 năm công tác ở đây, anh đã có nhiều sáng kiến trong sản xuất, được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đốc công xưởng đúc nhà máy. Trước sự phát triển của kinh tế thị trường, anh Cơ muốn thay đổi môi trường làm việc. Và đến năm 1997, anh chuyển sang Công ty ống thép Hòa Phát. Chỉ sau 6 năm làm việc, anh đã được bổ nhiệm từ Trưởng phòng kỹ thuật lên làm Giám đốc nhà máy.
Với niềm say mê sáng tạo, những năm qua, anh có hàng chục sáng kiến trong các công đoạn sản xuất của nhà máy, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010 nhận thấy lượng bụi kẽm ở công đoạn cuối của dây chuyền sản xuất không được tận dụng, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, anh Cơ đã có sáng kiến tái thu hồi bụi kẽm, làm lợi cho Công ty hơn 2 tỷ đồng/năm. Là người trực tiếp chỉ đạo điều hành sản xuất nên nắm được những ưu điểm, hạn chế từng công đoạn sản xuất, do đó, anh đã chủ động thời gian, công sức, trí tuệ để tìm tòi phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật khắc phục những điểm yếu ở từng bộ phận. Một sáng kiến nổi bật đem lại hiệu quả kinh tế cao đó là năm 2016, Giám đốc Cơ có sáng kiến cải tiến quang treo và vít nhúng bể mạ kẽm nóng ống thép, làm đồng đều hơn độ dày lớp mạ, tạo sản phẩm đẹp hơn, giảm thao tác cho công nhân và giảm tiêu hao kẽm được 7,7%. Tính ra, mỗi năm Công ty tiết kiệm được 145 tấn kẽm trị giá gần 10 tỷ đồng. Năm 2017, sau nhiều ngày quan sát dàn máy rút ống, anh Cơ đã quyết định nâng độ nghiêng dàn máy từ 120 lên 150 từ đó tiết giảm được lượng kẽm bám trong lòng ống. Từ việc nâng độ dốc dàn máy này, mỗi năm Công ty tiết giảm được 20 tấn kẽm. Tiếp đó là sáng kiến lọc dầu cắt gọt của Giám đốc Cơ cũng đã tiết kiệm cho Công ty hơn 1000 lít dầu/tháng.

Đường goòng cong sau khi Giám đốc Cơ thiết kế

Từ hiệu quả sản xuất của Công ty ống thép, Tập đoàn đã sắp xếp để Công ty Nội thất chuyển đi chỗ khác, lấy mặt bằng cho Công ty ống thép mở rộng. Trên cơ sở các dãy nhà xưởng, Giám đốc Cơ đã tính toán sắp xếp hợp lý các dây chuyền để phát huy tối đa công suất. Sau một thời gian sản xuất, anh đã có sáng kiến thiết kế đường cong xe goòng trở tôn giữa các dãy nhà rất thuận tiện. Lúc đầu, nhiều kỹ sư, công nhân nói là không làm đường cong này được, nhưng anh cả quyết là được bởi ngành đường sắt làm được để cả đoàn tàu đi đường cong được thì mình cũng làm được. Với sự quyết tâm của Giám đốc Cơ, sau khi thiết kế xong đường ray, động cơ, đường điện… xe đã chạy tốt. Việc vận chuyển cuộn tôn nặng 12 tấn rất tiện lợi, không phải dùng xe nâng như trước.
Không chỉ có nhiều sáng kiến trong sản xuất, Giám đốc Cơ còn có sáng kiến trong quản lý sắp xếp kỹ sư, công nhân trong các dây chuyền sao cho hợp lý nhất và đưa ra công thức có các hệ số trên Excel để bộ phận kế toán tính lương, thưởng cho cán bộ, công nhân được công bằng nhất nhằm tạo ra khí thế thi đua trong nhà máy. Chính vì thế, thi đua với Giám đốc còn có 5 cán bộ của nhà máy có các sáng kiến tiết kiệm điện, axit… được cấp bằng lao động sáng tạo, góp phần đưa hiệu quả sản xuất công ty ống thép Hòa Phát ngày càng tăng trưởng nhanh. 2 năm qua, mỗi năm công ty sản xuất được hơn 260.000 tấn ống thép các loại, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi Mỹ, Canada, Mianma… Nhờ đó mà mức lương của 900 cán bộ, công nhân nhà máy đã tăng đáng kể từ bình quân 8,5 triệu đồng năm 2018 lên 10 triệu đồng năm 2019.
Nói về giám đốc Nguyễn Đức Cơ, đồng chí Tôn Thị Kim Thúy, Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm đánh giá: “Đồng chí Nguyễn Đức Cơ luôn gương mẫu tích cực đi đầu trong mọi phong trào trước công nhân lao động, anh có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, với cương vị công tác của mình anh đã tạo được sự lan tỏa tới cán bộ, công nhân Công ty đẩy mạnh các phong trào thi đua. Anh là một điển hình trong việc thực hiện tốt Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Trong những năm qua mức lương của cán bộ, công nhân công ty không ngừng tăng lên, phong trào công đoàn của công ty ngày càng phát triển tốt”.
Với niềm say mê sáng tạo trong sản xuất, luôn tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua, Giám đốc Nguyễn Đức Cơ được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen như: Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh của Tổng LĐLĐ Việt Nam (năm 2010); Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam (năm 2011), LĐLĐ tỉnh Hưng Yên công nhận lao động giỏi trong 3 năm liền (2010-2013), UBND tỉnh tặng Bằng khen có đóng góp tích cực vào việc nộp ngân sách Nhà nước (năm 2013), nhiều giấy khen, giấy chứng nhận của LĐLĐ huyện vì có thành tích trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Đặc biệt, năm 2015, Giám đốc Nguyễn Đức Cơ là một trong số ít người không phải là đảng viên được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Lâm tặng Giấy khen đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cao Văn Khởi 
Tin liên quan