Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Nêu gương vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa là phương pháp giáo dục có sức thuyết phục tốt nhất, hiệu quả nhất. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1); “nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(2). Vì vậy, Người đặc biệt coi trọng trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là ở những thời điểm vô cùng khó khăn, đầy thử thách của sự nghiệp cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý thức thực hành trách nhiệm nêu gương và đã trở thành tấm gương sáng ngời, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng vô cùng mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đặc biệt chú trọng, chăm lo giáo dục, rèn luyện, đề cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên đã trở thành những tấm gương sáng, sẵn sàng hy sinh quên mình vì thắng lợi của cách mạng và hạnh phúc của nhân dân; cho dù phải chịu cực hình tàn khốc, tra tấn, tù đày, lên máy chém của kẻ thù..., họ vẫn một lòng, một dạ kiên trung với Đảng và Tổ quốc, giữ vững khí tiết của người cộng sản, khiến cho kẻ thù phải run sợ.
Trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, phương thức lãnh đạo của Đảng không ngừng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn cách mạng. Đặc biệt, phương thức lãnh đạo bằng sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng phát huy hiệu lực và có sức lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với nhân dân; đồng thời, được Đảng ta và các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần, thực hiện có hiệu quả. Nhiều cán bộ, đảng viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, lao tâm, khổ trí, chịu đựng hy sinh, gian khổ, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, quyết tâm tìm tòi con đường đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”(3).
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên(4); đồng thời, khẳng định nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Sau khi các nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được ban hành, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện. Ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, đã được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ; góp phần hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, quan liêu và mọi biểu hiện tiêu cực trong cơ quan, đơn vị và địa phương; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn có những hạn chế nhất định. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt, quán triệt không nghiêm túc, nhận thức chưa thật đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, yêu cầu và nội dung, biện pháp nêu gương, dẫn đến tình trạng chưa rõ trách nhiệm và nghĩa vụ nêu gương, chưa thật sự mẫu mực trong lời nói, việc làm, trong rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, sinh hoạt; còn có những biểu hiện “nói không đi đôi với làm”, “nói nhiều, làm ít”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là, một số cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước rất nghiêm trọng, đến mức phải xử lý kỷ luật đảng, truy cứu trách nhiệm hình sự, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đáng chú ý là, nhằm thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ráo riết chống phá Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hòng mua chuộc, lôi kéo, làm hư hỏng, biến chất một số cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, thậm chí có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhằm tạo ra lớp cán bộ “đỏ vỏ, xanh lòng”, coi đây là lực lượng nòng cốt để “tạo dựng ngọn cờ” chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong bối cảnh, tình hình mới, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng mặt trái của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu, độc, đề cao lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, quên tình nghĩa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của Đảng; làm cho không ít cán bộ, đảng viên rơi vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khiến họ không còn xứng đáng là tấm gương để quần chúng nhân dân học tập, noi theo.
Hiện nay, thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”; theo đó, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường tổng kết và tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần phát huy hiệu quả phương thức lãnh đạo bằng nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Muốn vậy, tổ chức đảng các cấp phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện tốt phương châm nêu gương “trên trước, dưới sau”, “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “trong Đảng trước, ngoài Đảng sau”, đảng viên nêu gương trước quần chúng nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang giúp đồng bào thu hoạch lúa_Ảnh: TTXVN
Cán bộ chủ trì các cấp phải nêu gương trong lời nói và việc làm; ở bất cứ đâu, ở mọi thời điểm, phải luôn nhất quán giữa lời nói và hành động, phải phát ngôn đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi lời nói, bài viết phải thể hiện rõ sự mẫu mực về tính đảng, vì lợi ích chung của tập thể và nhân dân; đồng thời, thể hiện rõ niềm tin yêu, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần phải luôn quan tâm, chăm lo đến lợi ích, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách; thực hiện nói đi đôi với làm; luôn tận tụy, tâm huyết với công việc; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; luôn là người đi đầu trong mọi hoạt động của cơ quan, địa phương, đơn vị. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh, phê phán, khắc phục mọi biểu hiện thiếu gương mẫu, “nói không đi đôi với làm”, “nói nhiều, làm ít”, “nói một đằng, làm một nẻo”; phải có dũng khí vượt qua mọi cám dỗ, khó khăn, thử thách, để chiến thắng chính mình và giúp đỡ cấp dưới khi họ mắc sai lầm, khuyết điểm để ngày càng tiến bộ, trưởng thành; kiên quyết chống mọi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Để phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:
Một là, vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định của Đảng, của cấp ủy, tổ chức đảng về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần tự giác nêu gương, tích cực tự giác học tập, nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên; đặc biệt, cần tiếp tục “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(5).
Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan thông tấn, báo chí trong tuyên truyền, giáo dục, nhằm làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức được một cách đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của trách nhiệm nêu gương. Tích cực nhân rộng những điển hình tiên tiến thành các phong trào hành động cách mạng sâu rộng, phong phú, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các tiêu chí, quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên cho phù hợp với tình hình thực tiễn và chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đây là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”, phát huy vai trò nêu gương trong từng hoạt động cụ thể; đồng thời, là căn cứ để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mọi cán bộ, đảng viên theo dõi, giúp đỡ và kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn được giao, bám sát các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về nêu gương và phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; căn cứ vào tình hình thực tiễn đơn vị, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ từng cấp để xây dựng các tiêu chí cụ thể về nêu gương trong lời nói, việc làm, trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ, để cán bộ, đảng viên xứng đáng là tấm gương sáng cho nhân dân học tập, noi theo.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để kịp thời bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí, quy định, bảo đảm thực hiện có hiệu quả trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tránh cách làm phô trương, hình thức, chiếu lệ. Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thường xuyên bám sát các tiêu chí, quy định về nêu gương để “tự soi”, “tự sửa” từ lời nói, việc làm đến tự tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân làm cơ sở để tiếp tục thực hiện tốt hơn trách nhiệm nêu gương.
Ba là, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là sự thể hiện sinh động việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng; thực hiện sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục giáo dục, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tích cực phát động các phong trào thi đua, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào từng hoạt động thông qua lời nói và việc làm cụ thể từng tuần, từng tháng, từng quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, có hiệu quả.
Bốn là, thường xuyên tự phê bình và phê bình, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Một mặt, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải đặc biệt coi trọng và có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thật chặt chẽ, sát sao, bảo đảm thực hiện có hiệu quả tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hằng tháng, hằng quý và hằng năm, các cấp ủy cần phải có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ mục tiêu, nội dung, biện pháp kiểm điểm việc tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương. Ở đây, cần gắn kết chặt chẽ việc kiểm điểm, phân loại đảng viên, tổ chức đảng và nhận xét, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ hằng năm với kiểm điểm tự phê bình, phê bình và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Mặt khác, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương “người tốt, việc tốt”, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến về thực hiện trách nhiệm nêu gương; đồng thời, phê phán mọi biểu hiện, hành vi thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 284
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 223
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88
(4) Như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 183 - 184.