Sáng 6/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Cùng dự có các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, nhìn lại năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, có nhiều vấn đề mới, vượt dự báo so các năm trước, thúc đẩy rõ nét hơn sự hình thành trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc với đặc trưng là tính chất bất ổn, khó lường và nhiều rủi ro.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, công tác đối ngoại và ngoại giao đã được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương với lãnh đạo Bộ Ngoại giao. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tầm nhìn và tư duy chiến lược về đối ngoại cùng các quyết sách, định hướng chiến lược và sự tham gia trực tiếp vào các hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, đã tạo chuyển biến căn cơ về cục diện đối ngoại của nước ta.
Nhờ đó, công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới trong các lĩnh vực đối ngoại song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.
Đặc biệt là, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo(AI)..., đã đóng góp quan trọng vào duy trì Việt Nam trong nhóm nước tăng trưởng cao, là điểm sáng về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Đi đôi với triển khai đồng bộ công tác đối ngoại, việc xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao tiếp tục được đẩy mạnh ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và gìn giữ, phát huy bản sắc độc đáo của ngoại giao Việt Nam, xây dựng bộ máy “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Đồng chí nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và cũng là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện những yếu tố mới, có cả cơ hội và thách thức đan xen. Nhiệm vụ bao trùm đối với công tác đối ngoại và ngoại giao là phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài, nhất là các nguồn lực có tính đột phá, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần tạo đà cho đất nước tăng tốc, bứt phá, vững bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bối cảnh năm 2024, các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến phức tạp nhanh, khó lường hơn. Trên thế giới, về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh - Tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng - Tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng nêu rõ, xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng, dòng chảy chính trên thế giới, là cơ hội cho Việt Nam; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đang trở thành lực lượng sản xuất mới trong điều kiện mới. Do vậy, muốn phát triển được phải tận dụng được thời cơ này. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN cũng là khu vực phát triển năng động nhưng cũng là nơi cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, trong khi độ mở kinh tế rất cao (khoảng 1,7 lần), một tác động bên ngoài dù nhỏ làm ảnh hưởng lớn bên trong. Năm 2024, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn: sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự biến động về nhân sự cấp cao; trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn vượt lên, ổn định và phát triển và thu được nhiều thắng lợi trên tất các các lĩnh vực, điều này khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự trưởng thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Về thành tựu chung, Thủ tướng nêu rõ, sau nhiều năm, chúng ta đạt được 15/15 chỉ tiêu, thậm chí có chỉ tiêu vượt mức, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng đạt trên 7%, đây là chỉ tiêu cơ bản để đánh giá sự phát triển của đất nước, quy mô nền kinh tế, thu nhập của người dân và tăng năng suất lao động. Cuối năm 2024, cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn chỉ tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn quyết tâm giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị, nhân dân. Thời điểm lịch sử phải có các quyết sách lịch sử, đó là sự linh hoạt, ứng biến, thể hiện tài năng của Đảng ta, nhất là trong những lúc khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh, về xuất khẩu, chúng ta phải đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để bứt phá trong điều kiện khó khăn. Điều này có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều chỉnh của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Việc thu hút đầu tư FDI đạt kết quả tích cực, đặc biệt là giải ngân vốn FDI đạt 25 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP; tốc độ tăng trưởng thị trường chứng khoán đạt rất cao; thu hút gần 18 triệu khách du lịch nước ngoài…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tinh thần khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo rất tích cực, hăng hái, được triển khai rộng rãi. Do đó, Bộ Ngoại giao phải đóng vai trò tích cực trong vấn đề này.
Quốc phòng an ninh được giữ vững và tăng cường, đặc biệt là đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh đóng góp vào công tác đối ngoại chung của đất nước, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, không để xảy ra bị động, bất ngờ; làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện tinh thần "tương thân, tương ái", “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” và công tác này được làm tốt và hiệu quả hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta khắc phục hậu quả cơn bão số 3 hiệu quả nhất trong khu vực, đồng thời tích cực kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Về kết quả của ngành Ngoại giao, Thủ tướng khái quát 3 nội dung: giữ vững, củng cố và tăng cường. Theo đó, ngành đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; xử lý hài hòa các mối quan hệ; phối hợp chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng an ninh trong làm tốt công tác đối ngoại. Tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị, nâng cấp quan hệ với các đối tác, đạt nhiều kết quả "cân, đong, đo, đếm"; Không ngừng tăng cường, mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực, đặc biệt là ngoại giao văn hóa, khoa học công nghệ, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), các lĩnh vực mới nổi…
Để đạt được thành tích nêu trên, theo Thủ tướng, ngành Ngoại giao thực hiện nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành và tổ chức thực hiện của Chính phủ, sự ủng hộ của Quốc hội; sự nỗ lực của toàn ngành trong điều kiện khó khăn cả về chế độ chính sách và điều kiện hoạt động. Chủ động phối hợp các bộ, ngành, các cấp hiệu quả hơn.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà ngành Ngoại giao đạt được trong năm 2024; đồng thời lưu ý ngành không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; nêu bật “3 mong muốn”: Mong muốn ngành Ngoại giao nắm chắc tình hình, chủ động đề xuất các đối xuất kịp thời, linh hoạt và hiệu quả cả đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Mong muốn khai thác hiệu quả hơn nữa những thỏa thuận, hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các nước, các đối tác để biến thành nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, trong đó ngành Ngoại giao xung kích trên lĩnh vực này với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, ra sản phẩm, dự án, của cải vật chất cụ thể mà điều này các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải tích cực, chủ động hợp tác, đeo bám, thúc đẩy; còn trong nước phải tham mưu, nhắc nhở công tác này. Mong muốn đội ngũ ngành Ngoại giao ngày càng chuyên nghiệp hơn, “vừa hồng vừa chuyên”: yêu nước, yêu nhân dân, yêu Đảng, yêu Tổ quốc, “thạo nghề, thạo việc”.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, cần kiên trì đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, là bạn bè tốt, đối tác tốt, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế để bám sát tình hình, xử lý, đánh giá, phân tích, tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu phải nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phân tích đúng, trúng, tham mưu chính xác không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại đối với các đối tượng-đối tác, các địa bàn; xây dựng được đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có sự tự tôn dân tộc, hoài bão lớn, “nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa trông rộng”, nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, rà soát lại các mục tiêu của cả nhiệm kỳ và năm 2025 để triển khai; thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW để nhanh chóng để ổn định tình hình với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, hoàn thành trong tháng 2, tháng 3/2025 đi vào hoạt động. Thực hiện để giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Phải tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tổ chức tốt các sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước, làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng gắn với sự nghiệp phát triển đất nước.
Bên cạnh thuận lợi, chúng ta cần lường trước những khó khăn, theo đó, có giải pháp để đưa đất nước vào hoàn cảnh thuận lợi nhất trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt. Nêu cao kinh nghiệm độc lập, tự chủ, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; tiếp tục giữ vững cục diện đối ngoại rộng mở, xử lý hài hòa các quan hệ; xử lý hai mục tiêu chiến lược bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa phải hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; nỗ lực khai thác các thỏa thuận hợp tác quốc tế hiệu quả, mang lại các kết quả cụ thể. Thủ tướng lưu ý cần coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời có ý nghĩa quyết định thành công.
Để đạt mục tiêu năm 2025, chúng ta phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cao hơn, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngay từ năm 2025 sẽ tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin, hy vọng của nhân dân và bạn bè quốc tế vào sự phát triển đất nước. Do đó chúng ta phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8%, những năm tới đạt 2 con số. Do đó ngành Ngoại giao phải phục vụ đắc lực cho sự phát triển này, mọi hoạt động đối ngoại đều phục vụ mục tiêu này.
Giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, thúc đẩy môi trường hội nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, đặc biệt là các nước lớn, các nước đối tác truyền thống và bạn bè.
Hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới như cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), AI, Blockchain, điện toán đám mây, AI, y sinh học, vật liệu mới, khoa học lượng tử, năng lượng mới, năng lượng sạch, công nghiệp văn hóa, giải trí trong bối cảnh mới. Ngành Ngoại giao phải tổ chức triển khai bằng được công tác này.
Phải hoàn thành ổn định tổ chức, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả để củng cố, tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột ngoại giao là ngoại giao Đảng, đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Phải xây dựng và thực hiện Đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong ngành Ngoại giao; củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất cả trong và ngoài nước của ngành.
Tăng cường phối hợp triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại; xây dựng ngành Ngoại giao hiện đại, chuyên nghiệp. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
* Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát động Phong trào thi đua hoàn thành các nhiệm vụ chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2025).
Nguồn: https://nhandan.vn/