Trong những tháng đầu năm, ngành thủy sản Việt Nam đã gặt hái nhiều thành quả tích cực. Mặc dù đối mặt những biến động khó lường của thị trường, song với nỗ lực không ngừng trong đổi mới phương thức sản xuất theo hướng xanh hóa, tập trung vào giá trị sản phẩm, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành thủy sản kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận những cơ hội xuất khẩu mới.

Khu vực nuôi cá chẽm công nghệ cao trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Bảo Trang)
Đà tăng trưởng tích cực
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản đã nhanh chóng tăng tốc trong quý I/2025, với kim ngạch đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, tăng khoảng 20%.
Về cơ cấu ngành hàng, xuất khẩu cá ngừ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 2, đạt gần 73 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2024, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Hoạt động xuất khẩu tôm cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)…, đạt hơn 600 triệu USD trong hai tháng đầu năm, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 3, xuất khẩu tôm đạt 327 triệu USD, đưa tổng kim ngạch quý I lên hơn 931 triệu USD, tăng gần 36%. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra tiếp sóng tăng trưởng khi trong tháng 2 đạt kim ngạch 150 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 56%; thị trường khối các quốc gia được trợ lực bởi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 128%. Sang tháng 3, cá tra thu về 181 triệu USD, đưa kim ngạch quý I/2025 lên 465 triệu USD.
Không chỉ tăng trưởng mạnh ở hầu hết thị trường trọng điểm trong quý I/2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới đầy hứa hẹn tại các thị trường giàu tiềm năng. Theo đó, vượt qua những sóng gió thương mại toàn cầu, hợp tác kinh tế Việt Nam-Brazil tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt gần 8 tỷ USD năm 2024.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, mặc dù Brazil hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Nam Mỹ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại ASEAN, song dư địa và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Brazil, chiếm hơn 17% về lượng và gần 9% về giá trị trong tổng nhập khẩu thủy sản của quốc gia này.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Brazil trong tháng 2/2025 đạt 15 triệu USD, tăng 159% so với mức cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu cá tra trong cả hai tháng đầu năm sang Brazil đạt 28 triệu USD, tăng 42%. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Brazil vẫn có xu hướng tăng, mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu cho Việt Nam.
Cuối tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Brazil Lula da Silva, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi về khả năng khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Brazil là thành viên, đồng thời thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng hơn, trong đó Brazil mở cửa với mặt hàng cá tra, cá ba sa và tôm của Việt Nam.
Đây là bước đi quan trọng nhằm gia tăng kim ngạch thương mại song phương, hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời mở ra cơ hội mới đầy triển vọng để ngành thủy sản Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn thị trường Nam Mỹ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu nhập khẩu thủy sản sẽ gia tăng khi các nền kinh tế lớn phục hồi và một số thị trường tiềm năng tại Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á tăng trưởng. Trung Đông cũng đang vươn lên trở thành một trong bốn điểm đến hàng đầu của cá ngừ xuất khẩu từ Việt Nam, khi năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 113 triệu USD.
Israel hiện là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 2, chiếm gần 7% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong năm 2024. Xuất khẩu thủy sản sang các nước khác như Liban, Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ghi nhận mức tăng lạc quan.
Nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế
Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trong kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, trong đó có EU. Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Bá Anh cho biết, đến nay, chỉ có 16 lô hàng bị cảnh báo, chiếm 0,1% tổng số lô, giảm so với mức 0,16% trong quý I/2024.
Trong năm 2024, Việt Nam đã đón năm đoàn thanh tra nước ngoài, trong đó đoàn từ EU đánh giá cao hệ thống kiểm soát dư lượng trong nuôi trồng thủy sản và mật ong, ghi nhận Việt Nam tuân thủ đầy đủ các quy định của châu Âu. Các đoàn từ Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và Indonesia cũng đánh giá tích cực việc duy trì hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam cũng đối mặt thách thức từ quy định của Đạo luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA) và kế hoạch mở rộng Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) của Mỹ. Ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã công bố áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD, Mỹ là điểm đến quan trọng của các ngành hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ.
Cục trưởng Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Đình Luân cho biết, việc chịu mức thuế đối ứng cao có khả năng tác động đến các chuỗi sản xuất, từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến tới xuất khẩu thủy sản, trong đó có các nông ngư dân trực tiếp tham gia sản xuất.
Ngành thủy sản sẽ sớm cùng với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề ra các giải pháp linh hoạt, hướng dẫn doanh nghiệp, nông ngư dân giảm đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp, nhưng trước mắt, cần tập trung chỉ đạo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh.
Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp thủy sản cần bình tĩnh, chủ động ứng phó những thay đổi mới trong thuế quan bằng cách tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí logistics để duy trì khả năng cạnh tranh, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường mới giàu tiềm năng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng là yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro từ chính sách thương mại của Mỹ.
Nhằm tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện cao nhất để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg, trong đó chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao trao đổi với Mỹ gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ và đánh giá tương đương, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đầy đủ theo MMPA của Mỹ, bảo đảm không ảnh hưởng đến khai thác, sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4.
Đồng thời, chủ động rà soát, hoàn thiện khung pháp lý liên quan quản lý khai thác, sản xuất, xuất khẩu thủy sản phù hợp các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả tiềm năng của các thị trường truyền thống.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng cao nhất các cơ hội từ thị trường trọng điểm, chiến lược; tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, để vượt qua các thách thức như rào cản thương mại, biến động địa chính trị gây bất ổn thị trường, nhu cầu giảm, các doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản cần nhanh chóng chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng “xanh” hơn, tập trung vào chất lượng và giá trị sản phẩm.
Trong phát triển thủy sản, việc phát triển chuỗi giá trị minh bạch và có trách nhiệm là điều không thể thiếu. Sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, chế biến và xuất khẩu sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững.
Đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu là chìa khóa quan trọng giúp gia tăng thị phần, khẳng định vị thế thứ 3 thế giới của xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/