Ông Triệu Quang Đạm, xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, Hưng Yên - với tinh thần tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm và những việc cụ thể đã làm trong thời chiến cũng như thời bình, ông xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Tháng 10/1974, người thanh niên Triệu Quang Đạm đã tự khai tăng 2 tuổi viết đơn xin gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành một người lính Cụ Hồ. Sau khóa huấn luyện, đồng chí được bổ sung vào Sư đoàn 324, Quân đoàn 2, Mặt trận Thừa Thiên Huế. Năm 1975, trên hành trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tới địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đồng chí đã bị thương. Sau giải phóng miền Nam, đồng chí được đơn vị cử đi học y sỹ và được điều chuyển công tác về Sư đoàn 337, tham gia điều trị cho thương binh, phục vụ chiến đấu bảo vệ bình độ 400 Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 18/6/1981, đồng chí đã bị thương, mất 34% sức khỏe, thương binh 4/4.
Sau 21 năm phục vụ quân ngũ, năm 1995, được nghỉ hưu, trở về địa phương, ông cùng gia đình tập trung phát triển sản xuất. Thời điểm đó, Thắng Lợi là một trong 19 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, người dân chỉ biết trồng ngô, với năng suất và sản lượng thấp, cuộc sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trong đó có gia đình ông. Không chịu đầu hàng với cái đói, cái nghèo, nhiều đêm ông trăn trở suy nghĩ quê mình đất đai màu mỡ, người dân chịu khó, cần cù mà vẫn phải chịu cảnh đói nghèo. Lúc này, địa phương đang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đẩy mạnh sản xuất nhưng chưa ai thực hiện theo mà vẫn chỉ trồng những cây, con quen thuộc như cấy lúa, trồng ngô, khoai. Trước tình hình đó, mạnh dạn gương mẫu đi trước, ông cùng với gia đình đấu thầu 9 sào ruộng để chuyển đổi cây trồng, từ trồng lúa, ngô sang trồng cây ăn quả như cam, quất xen canh với các loại rau màu để lấy ngắn nuôi dài. Xác định được việc chuyển đổi sẽ gặp những khó khăn ban đầu như thiếu vốn, kỹ thuật, nhưng gia đình ông không nản chí, với quyết tâm phải làm cho tốt, để thoát cảnh đói nghèo, làm gương cho những hộ gia đình khác noi theo. Để có thêm kinh nghiệm, ông đã đi thăm quan học hỏi thực tế tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, tìm đọc những sách báo, xem các phóng sự truyền hình về phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chủ động tham gia các lớp, khóa tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật do các cấp, các ngành tổ chức. Học tập và ứng dụng ngay vào mô hình sản xuất của gia đình, ông đã dần dần tự tích lũy được những kinh nghiệm, kiến thức về các loại cây trồng và vườn cây nhà ông đã cho tín hiệu tốt, vụ sau hiệu quả cao hơn vụ trước. Nhiều người trong thôn thấy hiệu quả nên đã học theo, tạo thành phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng rộng khắp trong toàn thôn. Cũng từ đó, đời sống nhân dân trong thôn dần được cải thiện, xuất hiện nhiều gia đình khá giả, giàu có.
Từ thời chiến đến thời bình, ông Triệu Quang Đạm luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, ông được nhân dân yêu mến, tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Xuân Trong từ năm 2001. Trên cương vị mới, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những diện tích vùng trũng, bờ vùng, bờ thửa bỏ hoang nay đã được người dân tận dụng, khai thác để sản xuất nông nghiệp. Toàn thôn như một nông trường lớn trồng cam Vinh, bưởi Diễn, quất, quýt, các loại cây cảnh, cây hoa, đồng thời gia đình ông sẵn sàng cung cấp về giống, vốn và là cầu nối để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nhờ đó, chỉ sau 3 năm, 100% các hộ trong thôn đã chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình có mức thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Thôn Xuân Trong, xã Thắng Lợi trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập.
Không chỉ đi đầu và vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, ông rất tích cực vận động nhân dân địa phương thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đến nay, đám cưới chỉ tổ chức ăn trong một ngày, đám tang không rải vàng mã; không bày mời thuốc lá, không còn các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đồng thời, ông đã vận động nhân dân xây dựng các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao; xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Ông cùng tổ hòa giải, dân vận khéo đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, không để xảy ra khiếu kiện ở địa phương. Với những kiến thức y học có được trong quân ngũ, ông đã tổ chức khám và chữa bệnh miễn phí cho nhiều người dân trong và ngoài thôn, bình quân hằng năm có đến vài trăm lượt người với các bệnh thường gặp được ông chữa khỏi, góp phần giúp địa phương phòng, chống dịch bệnh cho người.
Trong quá trình tham gia phục vụ chiến đấu và sinh sống ở quê hương, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì; được Ủy ban nhân dân huyện tặng nhiều Giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong công tác, được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, song phần thưởng cao quý nhất đối với ông chính là sự tin yêu, quý trọng của người dân.
HC