23 năm qua, mong muốn giữ lại một môn nghệ thuật truyền thống của quê hương, ông Nguyễn Hồng Ấn, chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng, thôn Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cùng các thành viên trong câu lạc bộ vẫn miệt mài, say mê trong công việc truyền ngọn lửa tình yêu ca trù đến lớp trẻ. Với ông đó vừa là trách nhiệm, vừa là đam mê và cũng là cách thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương.
Một tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng (Ảnh TL)
Không giống như những địa phương khác có đền thờ thành hoàng làng, ở thôn Giáo Phòng, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang chỉ có ngôi đền thờ Tổ nghề hát ca trù Đinh Dự Thanh Xà Đại vương và Tiên mãn đường Mai Hoa công chúa. Theo các vị cao niên trong làng, cũng ở Giáo Phòng xưa có một đào hát được tuyển vào trong cung hát cho vua nghe, vì nàng hát hay nên được triều đình ban tặng các chữ: “Nhã nhạc phúc thần”, “Giáo Phòng tiên danh đệ nhất”, “Giáo Phòng tỳ bà đệ nhất”.
Thời còn hưng thịnh, ca trù Giáo Phòng ngoài lệ đi hát cửa đình, hát khao vọng, giáo phường còn được đi hát chúc hỗ (tức hát chầu) trong cung vua mừng thọ các vua Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định. Ca trù Giáo Phòng nức tiếng gần xa với các tên tuổi: kép Lợi, kép Bẩy, đào Tám, đào Vân, đào Kính…
Theo thăng trầm của lịch sử, có cả một khoảng thời gian dài ca trù bị, mai một, lãng quên, ca trù Giáo Phòng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Những người yêu mến, nặng lòng với ca trù luôn hoài niệm về một thời vàng son đã qua và hy vọng khôn nguôi một ngày nào đó môn nghệ thuật đặc sắc của cha ông được khôi phục, bảo tồn.
Vốn sinh ra trên mảnh đất gắn liền với những âm thanh quen thuộc “tom tom, chát chát”, lại sống trong gia đình có truyền thống lâu đời từ nghề hát ca trù nên ông Nguyễn Hồng Ấn gắn bó với ca trù từ thủa nhỏ. Bởi thế, khi biết tin quê hương có kế hoạch khôi phục lại loại hình nghệ thuật này, ông Ấn đã hăng hái vận động mọi người tham gia và đảm nhận vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng từ năm 1996 đến nay.
Nhớ lại ngày đầu thành lập, câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng chỉ vẻn vẹn 5 thành viên: 1 quan viên trống chầu do ông đảm nhiệm, 1 kép đàn (ông Nguyễn Đức Hồ) 3 đào nương ( bà Đặng Thị Bốn, Trần Thị Độ, Nguyễn Thị Ngà ). Tất cả các thành viên đều sinh ra trong gia đình có truyền thống hát ca trù- nghề một thời đã từng nuôi sống gia đình họ. Đến với ca trù bằng đam mê, họ gặp nhau vì chung một mong muốn gìn giữ môn nghệ thuật quý của cha ông để lại. Vì thế, khi ông Nguyễn Hồng Ấn đứng lên vận động ra nhập câu lạc bộ ai cũng hăng hái tham gia.
Ca trù vốn rất kén người nghe, để hát được ca trù cũng cần dốc hết tâm huyết, đam mê để mà khổ luyện. Thấu hiểu điều đó, nên việc đầu tiên ông Ấn nghĩ đến là tìm cách nào đó để trang bị những kiến thức, kỹ năng về ca trù cho các thành viên trong câu lạc bộ của mình. Nghĩ là làm, ông cùng các thành viên tìm theo học các nghệ nhân cao tuổi, tích cực tầm sư học đạo và không ngừng trau dồi, rèn luyện hát ca trù qua băng, đĩa ở nhà. Hành trang đến với ca trù của họ không có gì ngoài tình yêu, đam mê và nhiệt huyết.
Riêng với ông, không chỉ là người duy trì hoạt động của câu lạc bộ, trong mỗi canh hát ông còn đảm nhận đánh trống chầu. Trống chầu để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen chê ca nương, kép đàn biểu diễn hay, dở. Bởi thế người đánh trống chầu phải có vốn hiểu biết sâu sắc về văn học, về các làn điệu ca trù qua tiếng đàn, tiếng hát và khổ phách. Tiếng trống chầu góp phần làm tăng sức hấp dẫn của một buổi diễn ca trù. Hát ca trù đã khó, người đánh trống chầu càng phải có sự rèn luyện công phu hơn. Do đó, qua từng ngày, bản thân ông không ngừng học hỏi, rèn luyện nâng cao kỹ năng đánh trống chầu. Bên cạnh đó, ông cũng khích lệ tinh thần các thành viên trong câu lạc bộ khắc phục khó khăn cùng chung sức, đồng lòng giữ gìn nét văn hóa truyền thống mà ông cha để lại.
Không kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, những “nghệ sĩ nông dân” chất phát ấy những lúc nông nhàn lại tụ họp say sưa chỉ bảo nhau cách hát, cách đàn. Đã bao năm ca trù tưởng chừng như vắng bóng, thì nay vùng quê thanh bình ấy lại vang vọng âm thanh quen thuộc của những làn điệu ca trù, của nhịp phách, trống chầu.
Trong suốt quá trình hoạt động cá nhân ông và câu lạc bộ đã hoạt động tích cực, sôi nổi, góp phần quan trọng trong việc làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân quê ông nói riêng, của cả tỉnh nói chung. Nhiều năm nay, câu lạc bộ đã đưa việc trình diễn ca trù thành nghi thức hát, tế trong các lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử văn hóa ở trong và ngoài xã. Đặc biệt, vào dịp đầu xuân, cùng với một số câu lạc bộ khác trên địa bàn tỉnh, câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng đã tích cực tham gia tế hát thờ tại khu di tích lịch sử Văn Miếu Xích Đằng (thành phố Hưng Yên) nhằm quảng bá sâu rộng ca trù đến nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng như du khách thập phương.
Không chỉ là người thổi bùng ngọn lửa cho phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương, được sự quan tâm của Viện âm nhạc Việt Nam, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Trung tâm văn hóa tỉnh Hưng Yên và phòng Văn hóa, Thông tin huyện Văn Giang, câu lạc bộ do ông chủ nhiệm đã mở nhiều lớp truyền dạy hát ca trù. Trăn trở lớn nhất của ông là làm sao khôi phục vốn văn hóa ông cha để lại, gìn giữ văn hóa tinh thần làng quê và tìm lực lượng kế cận học hát ca trù. Vì thế, ông tích cực xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động hướng dẫn và truyền dạy những kiến thức, kỹ năng hát ca trù cho lớp trẻ và những người yêu mến nghệ thuật ca trù. Từ ngày thành lập đến nay, câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng đã mở được nhiều lớp truyền dạy ca trù cho những người có năng khiếu và yêu mến nghệ thuật ca trù trên địa bàn huyện và một số huyện kế cận. Đặc biệt, tại quê hương ông, vào các dịp hè, câu lạc bộ truyền dạy cho các cháu học sinh để lớp trẻ trong làng nối gót cha ông tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống hát ca trù của quê hương.
Bên cạnh việc mở các lớp dạy hát ca trù, câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng còn tích cực tham gia biểu diễn tại các Liên hoan hát ca trù toàn quốc. Mỗi khi có kế hoạch tham gia liên hoan, ông Nguyễn Hồng Ấn chủ động xây dựng kế hoạch luyện tập, động viên, khích lệ tinh thần các thành viên. Nhiều năm qua, câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng đã gặt hái được nhiều thành tích cao, tiêu biểu như: Bằng khen của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã tích cực giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống và tham gia câu lạc bộ ca trù toàn quốc năm 2003; Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì tích cực hoạt động văn hóa tại địa phương và tham gia liên hoan câu lạc bộ ca trù toàn quốc năm 2009; nhiều giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Văn Giang vì có thành tích xuất sắc trong công tác văn hóa, thể thao và du lịch, trong việc thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Đóng góp vào thành tích chung đó có công sức không nhỏ của ông với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ. Ông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý vì có công trong việc bảo tồn phát huy giá trị của nghệ thuật hát ca trù, trong đó tiêu biểu: Huy chương Bạc do Bộ Văn hóa - Thông tin tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2005; Huy chương Vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2009 và Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian Viêt Nam cấp năm 2010 kèm theo Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam. Năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, nghệ nhân loại hình nghệ thuật thuật trình diễn dân gian tỉnh Hưng Yên. Vừa qua, ông được Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đến nay, dù tuổi đã cao, sức đã yếu song những “báu vật dân gian sống” vẫn tận tụy với công việc trao truyền nét văn hóa độc đáo của quê hương đến lớp trẻ. Mong muốn của ông Nguyễn Hồng Ấn nói riêng và các thành viên trong câu lạc bộ nói chung là đóng góp một phần công sức nhỏ bé để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa ca trù trên quê hương Phố Hiến.
Nguyễn Liên