Trong một ngày cuối tháng 5/2019, khi những người nông dân đang bắt tay vào việc thu hoạch vụ lúa mùa, chúng tôi tìm về thôn Nhân Lý, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên - một huyện thuần nông của tỉnh; nơi đây đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, song trên chính mảnh đất thuần nông ấy lại sinh ra một người lính cụ Hồ đã vượt qua gian khó để làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Người lính ấy là anh Lê Văn Hoàn, sinh năm 1980 là Thượng úy, trợ lý chính trị Trung đoàn dự bị động viên 126, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên, cũng là chủ xưởng may HOÀN HIỀN ở thôn Nhân Lý, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên
Anh Lê Văn Hoàn (bên trái) tham gia giao lưu điển hình tiên tiến tại Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, năm 20 tuổi anh Hoàn đã xung phong tình nguyện tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển. Anh Hoàn nhập ngũ ngày 08/02/2001 tại Trường quân sự Quân đoàn 2 và được tham gia học lớp đào tạo Khẩu đội trưởng Trinh sát Pháo binh; sau đó về công tác tại Tiểu đoàn 2 Trinh sát pháo binh thuộc Bộ Tham mưu Quân đoàn 2. Quá trình công tác tại đơn vị anh Hoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên khen thưởng và là một trong những đại biểu đi dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Bộ Tham mưu Quân đoàn. Cũng tại đây, anh Hoàn vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh Hoàn được cử đi học lớp Sỹ quan dự bị, hoàn thành khóa học và xuất ngũ trở về địa phương.
Khi về địa phương anh Hoàn đăng ký vào ngạch dự bị, được biên chế là Trợ lý chính trị Trung đoàn 126, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên. Vừa tham gia công tác xã hội, vừa tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, bản thân anh nhận thấy thực tế địa phương là vùng quê thuần nông lúa nước, thu nhập chính của dân là cây lúa. Vì thế, anh luôn trăn trở, suy nghĩ và mong muốn làm một việc gì đó để góp phần làm giàu, phát triển kinh tế trên quê hương và cũng để tạo việc làm cho những đồng đội đã xuất ngũ như mình. Với suy nghĩ đó, anh Hoàn quyết định đi học nghề và đã thi đỗ vào học tại Trường Trung học thiết kế thời trang Hà Nội. Sau khi ra trường anh tích cực học hỏi thực tế qua bạn bè, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, học hỏi cách làm ăn, hạch toán và bàn với gia đình thành lập xưởng may, với diện tích hơn 100m2 trên mảnh đất của bố mẹ. Ban đầu, với số vốn 30 triệu đồng vay ngân hàng và 70 triệu đồng mượn của người thân trong gia đình, anh quyết định đầu tư 20 máy may và thuê 18 công nhân. Thời gian đầu lập nghiệp vì thiếu vốn, thiếu quan hệ, thiếu kinh nghiệm cộng thêm sự ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 làm anh Hoàn thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Song, với bản lĩnh của người đảng viên, sự kiên trì và phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, quyết tâm "thắng không kiêu, bại không nản", anh Hoàn đã không bỏ cuộc. Từ những thất bại ban đầu, anh nhận thấy phải nhìn vào thực tế những điểm mạnh, yếu và điều kiện, khả năng của mình để tìm cách khắc phục. Anh Hoàn tiếp tục theo học và đã hoàn thiện lớp Cao đẳng kế toán quản trị kinh doanh, bổ túc lớp CEO và hiện đang học hoàn thiện lớp Đại học Luật. Từ sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của bản thân, xưởng may của anh Hoàn đã ký được hợp đồng xuất khẩu quần, áo sang Đông Âu theo đơn đặt hàng của Công ty Trí Tuệ và Nhân tạo (Hà Nội). Từ một xưởng may nhỏ ban đầu, đến nay tổng vốn đầu tư xưởng may của anh Hoàn đã đạt trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động (trong đó có từ 20 đến 25 lao động là quân nhân xuất ngũ) và gần 200 lao động của các xưởng gia công khác, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động với mức lương từ 8 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Khi được hỏi về những dự định tiếp theo, anh Hoàn chia sẻ: “Thời gian tới, để tiếp tục duy trì hoạt động của xưởng bảo đảm phát triển trong thời đại khoa học công nghệ 4.0 tôi tập trung vào thay đổi công nghệ, trang thiết bị máy móc, chuyên nghiệp hệ thống điều hành, phấn đấu thành lập doanh nghiệp làm xuất, nhập khẩu trực tiếp; không thông qua khâu trung gian và sẽ luôn quan tâm nguồn hàng thời trang trong nước, đây là việc đề phòng khi nguồn hàng xuất khẩu khó khăn”.
Với những đóng góp trên, năm 2015 anh Lê Văn Hoàn được Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tặng Bằng khen vì có thành tích “Thanh niên làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011 - 2015; UBND huyện Ân Thi tặng Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn giai đoạn 2010 - 2015. Năm 2016, anh được Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy chứng nhận Hộ nông dân làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 - 2016. Năm 2018, anh vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua Quyết thắng LLVT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013-2018. Gần đây nhất, anh Hoàn là một trong những điển hình tiên tiến được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tôn vinh, khen thưởng tại Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ./.
Ngọc Điệp