Nghệ sĩ Dương Mạnh Đáng, Trưởng đoàn Nghệ thuật 1, Nhà hát chèo Hưng Yên thường tự nhận mình may mắn được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Hưng Yên nức tiếng gần xa không chỉ bởi có nhãn ngọt, sen bùi, mà còn bởi có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như hát chèo, hát ca trù, hát trống quân, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu chèo. Chính vì vậy, từ khi còn thơ bé, anh đã say mê theo mỗi điệu hát chèo. Từng tận mắt chứng kiến những buổi diễn chèo tự phát của ông bà, cha chú trong những buổi sinh hoạt làng xã, rồi lại đau lòng chứng kiến sự mai một của sân khấu chèo cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác khi bị các loại hình nghệ thuật đương đại lấn át giữa nhịp sống nhanh hơn, gấp hơn của thời buổi kinh tế thị trường.
Nghệ sĩ Dương Mạnh Đáng tại chương trình nghệ thuật giới thiệu gương mặt nghệ sĩ năm 2019 do Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch tổ chức.
Yêu chèo, say chèo và dấn thân với nghiệp diễn viên hát chèo, anh vô cùng hãnh diện được trở thành diễn viên Đoàn chèo Hưng Yên, nay là Nhà hát chèo Hưng Yên. Sự kiện tái lập tỉnh đối với anh nói riêng và Đoàn chèo Hưng Yên nói chung là một dấu mốc quan trọng, không phải đơn giản là nó quyết định tương lai của cả một tập thể anh chị em diễn viên, mà còn là quyết định con đường thích nghi, phát triển của nghệ thuật hát chèo trên chính quê hương. Những ngày đầu, các anh chị phải thường xuyên đối diện để tìm được câu trả lời – hướng đi cho Nhà hát chèo – làm sao để sân khấu chèo không còn thưa vắng ánh đèn, suất diễn? Làm sao kéo những khán giả, nhất là khán giả trẻ đang thờ ơ và quay lưng với sân khấu chèo? Làm sao để diễn viên sân khấu chèo sống được bằng nghề?
Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới như làn gió tốt lành xoa dịu cơn nắng của diễn viên, nhạc công Nhà hát chèo Hưng Yên. Cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, sân khấu chèo đã được các cấp, các ngành, các tổ chức trên địa bàn tỉnh quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn. Đoàn chèo Hưng Yên được đầu tư đầy đủ, đồng bộ từ trụ sở, bộ máy tổ chức và kinh phí dựng vở, tập luyện... Với sự quan tâm ấy, nghệ sĩ Dương Mạnh Đáng càng thêm tin yêu, gắn bó và có động lực giữ gìn, phát huy bản sắc nghệ thuật hát chèo truyền thống của quê hương Hưng Yên.
Nhìn lại hơn 20 năm từ khi tái lập tỉnh Hưng Yên đến nay, trải qua nhiều cương vị công tác, từ diễn viên, tới Phó Trưởng đoàn, rồi Trưởng đoàn Nghệ thuật I- Nhà hát chèo Hưng Yên, anh không khỏi tự hào vì mình đã góp phần vào việc giữ gìn, phát huy sân khấu chèo của địa phương. Hàng năm, anh đã cùng tập thể Đoàn nghệ thuật I hoàn thành 100% kế hoạch biểu diễn nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao về nghệ thuật, nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác, có tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao. Không chỉ trực tiếp tham gia biểu diễn, chấp nhận thử thách bản thân ở nhiều vai diễn với nhiều tính cách khác nhau, anh còn cùng các phòng ban chuyên môn tham mưu cho lãnh đạo Nhà hát chèo tuyển chọn, dàn dựng được nhiều vở diễn vớicác đề tài khác nhau, từ đề tài lịch sử, dân gian, đến đề tài hiện đại, đề tài ca ngợi người chiến sỹ công an nhân dân, người chiến sỹ quân đội nhân dân. Nhiều vở diễn được đông đảo khán giả trong tỉnh, trong nước và khán giả kiều bào mến mộ, đạt thành tích cao tại các liên hoan sân khấu, các cuộc thi nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc, tiêu biểu như các vở diễn: “Hương Cúc” (Huy chương Bạc liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân năm 2005); “Giọt nắng mùa xuân” (Huy chương Đồng liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân năm 2010); “Phút giây định mệnh” (Huy chương Bạc liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân năm 2015); “Tình mẫu tử” (Huy chương Bạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016); “Hết quan hoàn dân” (giải đặc biệt về đề tài phòng chống tiêu cực tại liên hoan sân chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019)...
Một trong những nội dung mà anh đặc biệt coi trọng, dành tâm huyết là tham mưu dàn dựng các vở diễn về các nhân vật lịch sử là những người con ưu tú của Hưng Yên. Những vở diễn này khi được công diễn không chỉ nhận được sự hoan nghênh, khích lệ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh mà còn được sự cổ vũ, động viên rất lớn của khán giả tỉnh nhà. Tiêu biểu như các vở diễn “Tống Trân - Cúc Hoa”; “Hương Cúc”; “Danh y vào phủ chúa”; “Phố Hiến thời vàng son”; “Tiếng hát Đào Nương”; “Tướng quân Phạm Bạch Hổ”...
Thành quả đó càng tiếp thêm “lửa” nhiệt tình để anh cùng ban lãnh đạo Nhà hát, các phòng ban chuyên môn chủ động, sáng tạo dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, của đất nước. Hầu hết các chương trình nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian của các anh đều được các cấp lãnh đạo tỉnh đánh chất lượng nghệ thuật cao, có sức lan toả lớn, được nhiều tầng lớp khán thính giả ghi nhận, tiêu biểu như: chương trình nghệ thuật đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt khu di tích Phố Hiến và cắt băng khánh thành tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (tháng 4/2015); chương trình nghệ thuật phục vụ lễ giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm 2016; chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (tháng 4/2018)...
Tạo hình hề chèo, một kiểu vai diễn ghi dấu ấn trong lòng khán giả của nghệ sĩ Dương Mạnh Đáng.
Bên cạnh đó, anh đã cùng anh chị em nghệ sĩ Nhà hát chèo Hưng Yên thực hiện hàng trăm đêm biểu diễn nghệ thuật sân khấu chèo phục vụ đồng bào trong và ngoài tỉnh. Để nghệ thuật chèo có đất sống và sức sống trong lòng công chúng đương đại, với trách nhiệm một trưởng đoàn nghệ thuật, bản thân anh luôn tìm kiếm cơ hội, tích cực giới thiệu, quảng bá, liên hệ các điểm biểu diễn cho đoàn, cho Nhà hát, góp phần hoàn thành kế hoạch biểu diễn được giao hàng năm, đồng thời tạo sức lan tỏa rộng khắp các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân.
Ý thức được tầm quan trọng của việc tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, trong thời gian qua, không chỉ tham gia tuyên truyền, quảng cáo tại các điểm biểu diễn của Đoàn để sơ tuyển diễn viên, nhạc công trẻ có tài năng vào làm việc tại Nhà hát chèo Hưng Yên, cá nhân anh còn tích cực tham gia hướng dẫn, truyền nghề về nghệ thuật sân khấu chèo cho các nghệ sỹ trẻ là diễn viên, nhạc công mới vào nghềtại Nhà hát chèo tỉnh Hưng Yên.
Một niềm hạnh phúc lớn lao nữa của nghệ sĩ Dương Mạnh Đáng là tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống của cá nhân anh đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ lớn của các thành viên trong gia đình. Vợ anh, nghệ sĩ Nguyễn Thị Hạnh, tuy là nhạc công nhưng lại có giọng hát chèo, hát ca trù, hát dân ca rất ngọt ngào, mượt mà. Năm 2003, chị đã đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Liên hoan tiếng hát truyền hình tỉnh Hưng Yên lần thứ 3. Hiện tại, chị còn là một ca nương sáng giá của Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng. Con gái lớn của anh, cháu Dương Hà Linh sinh năm 2002, học giỏi, hát chèo rất ngọt. Cháu từng đạt giải xuất sắc nhất tại Liên hoan giai điệu tuổi hồng do ngành giáo dục tổ chức; giải giọng hát triển vọng nhất tại Liên hoan ca múa nhạc hoa phượng đỏ và thiếu nhi kể chuyện hè năm 2013; giải xuất sắc tại Liên hoan giai điệu tuổi hồng và thiếu nhi kể chuyện tỉnh Hưng Yên năm 2014; giải xuất sắc tại Liên hoan nghệ thuật thiếu nhi khu vực phía Bắc tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên… Năm 2013, cháu được chọn làm MC Thỏ Hà Linh kể chuyện thiếu nhi chuyên mục "Ếch xanh kể chuyện" của Đài PTTH tỉnh. Con trai út của anh, cháu Dương Tiến Lâm lại đặc biệt say mê trống chầu trong một loại hình nghệ thuật truyền thống vốn kén người nghe là hát ca trù. Mới 5 tuổi, cháu đã đạt nhiều giải cao khi tham gia điểm trống chầu trong các tiết mục dự thi ca trù tại các liên hoan trong và ngoài tỉnh, từng được tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc lên sân khấu tặng hoa và nhận xét “em đã thành công ngoài sự mong đợi của giới chuyên môn chúng tôi”...
Với những nỗ lực của mình trong suốt những năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống, nghệ sĩ Dương Mạnh Đáng đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Chỉ tính trong 5 năm 2015 - 2020, anh đã 3 lần được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua (năm 2015, 2017, 2018); được Huy chương Bạc tại cuộc thi Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức; Huy chương Vàng tại liên hoan Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019 do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức; Bằng khen của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC năm 2020; Bằng khen của UBND tỉnh Hưng Yên năm 2019; Giấy khen của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hưng Yên năm 2019; được giới thiệu là đại biểu điển hình tiên tiến dự và đề nghị khen thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hưng Yên lần thứ IX năm 2020...
Chia sẻ về niềm vui khi được ghi nhận, biểu dương về những thành tích của bản thân, góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của quê hương, nghệ sĩ Dương Mạnh Đáng chia sẻ: đây không chỉ là thành tích của cá nhân anh mà còn là của cả tập thể Nhà hát chèo Hưng Yên, nơi anh công tác và cũng là thành tích của các thành viên trong gia đình nhỏ của anh. Bởi nếu không có sự đoàn kết, chia sẻ và tình yêu tha thiết với sân khấu chèo của tất cả mọi người thì sân khấu chèo không thể được giữ gìn, phát huy như ngày hôm nay.
Thanh Mai