Tôi đến Đền Ả Đào (thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên) đúng lúc ca nương Đỗ Thị Thanh Nhàn đang truyền dạy ca trù cho lớp học trò trẻ. Từ manh chiếu nhỏ tại nhà Mẫu của ngôi đền, tiếng phách tre, trống chầu vang lên từng nhịp, hòa cùng giai điệu luyến láy của đàn đáy và lời hát ngân vọng của ca nương, vừa bâng khuâng, vừa da diết...

Chị Nhàn (áo dài đỏ) tham gia liên hoan ca trù toàn quốc năm 2014
Với sự phong phú về thể cách, làn điệu, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, lâu nay, ca trù được coi là nghệ thuật diễn xướng cổ truyền vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học. Nói thế để thấy đây không phải loại hình âm nhạc cứ biết là thích, cứ nghe là hiểu. Ca trù kén người nghe và càng kén người hát. Để trở thành ca nương, không những cần tình yêu, sự đam mê hay chất giọng phù hợp mà còn cần cái "duyên" với ca trù. Với chị Nhàn thì đúng là có duyên với ca trù thật, bởi chị không được nuôi dưỡng trên mảnh đất ca trù màu mỡ mà sinh ra và lớn lên tại tỉnh Ninh Bình. Nhưng may mắn thay, chị được sống trong một gia đình có truyền thống yêu nghệ thuật, ngay từ nhỏ chị đã ngấm chất men say của những làn điệu hát cô đầu, say những âm vần luyến láy trong bài “Hồng hồng tuyết tuyết”. Cứ thế, như một lẽ tự nhiên, từng làn điệu ca trù ngấm vào tâm hồn chị, trở thành mạch nguồn dạt dào tuôn chảy. Thế rồi, duyên phận đưa đẩy chị về làm dâu đúng mảnh đất Đào Đặng - cái nôi của nghệ thuật hát ca trù tỉnh Hưng Yên.
Đào Đặng là nơi khởi nguồn của lối hát ca trù. Sử cũ ghi lại, cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có ca nương tên Đào Thị Huệ, quê ở làng Đào Đặng đã dùng tiếng hát của mình để lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi bà chết, dân làng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ và gọi điệu hát đó là hát ả đào (nay là hát ca trù). Nhưng vài thế kỷ trôi qua, phần vì chiến tranh tàn phá, phần vì cuộc sống khó khăn, người trong làng đã dần để cho những câu hát ca trù trôi vào quên lãng. Rồi chẳng ai còn nhớ làng mình đã từng nổi tiếng với làn điệu ca trù cổ nữa. Trong suốt thời gian dài đó, cũng không có ai trong làng khơi lại mạch nguồn ca trù đã có tự ngàn đời.
Vốn say tiếng hát ca trù nên khi nhìn thấy làn điệu ca trù ở chính cái nôi đã sinh ra nó bị mai một, chị Nhàn cảm thấy tiếc nuối, thấy đau xót như mất một phần cơ thể của chính mình vậy. Vì thế, chị luôn tâm niệm bằng mọi cách phải phục dựng lại làn điệu ca trù - nét văn hóa truyền thống của làng…
Việc trước tiên chị Nhàn làm đó là tìm lại “hình hài” cho làn điệu cổ bằng cách đi sưu tập tài liệu viết về ca trù làng Đào Đặng. Không kể nắng mưa, đêm ngày, chỉ cần nghe được ở đâu hay người nào biết ca trù là chị Nhàn gác bỏ mọi công việc của gia đình để tìm đến, mong sao có chút manh mối gì phục vụ cho việc phục dựng làn điệu ca trù cổ. Như con ong chăm chỉ, dấu chân của người con dâu làng Đào Đặng đã trở nên quen thuộc khắp làng trên xóm dưới, chị đã gặp gỡ rất nhiều người từ các cụ cao tuổi đến những thanh niên yêu thích văn nghệ, nhưng gặp ai họ cũng bảo không biết làn điệu ca trù nào. Khi việc tìm kiếm tưởng chừng rơi vào bế tắc, chị Nhàn gặp được bà Vũ Thị Điểu. Bà Điểu năm nay 75 tuổi nhưng cũng chỉ biết được duy nhất có một điệu hát nói. Như “chết đuối vớ được cọc”, chị Nhàn trình bày ý tưởng của mình với bà Điểu, bà đã đồng ý giúp chị. Ngoài “vốn liếng” về ca trù có được, chị Nhàn đã mua thêm băng đĩa về học. Hàng đêm, khi gác lại mọi công việc, trong không gian yên tĩnh chị lại mở băng đĩa để nghe ca trù và hát theo. Chị tự tìm tòi, sưu tầm tài liệu nghiên cứu, bài phát biểu của những chuyên gia, nghệ nhân về ca trù để làm dày thêm vốn kiến thức chuyên môn của bản thân. Dù biểu diễn ở đâu, như một thói quen, chị đều dành vài phút để giới thiệu về ca trù, về tiết mục sẽ thể hiện, để người nghe hiểu hơn về loại hình âm nhạc độc đáo này, vừa tạo cho người nghe tâm thế sẵn sàng thưởng thức nghệ thuật.
Năm 2009, sau khi ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, chị càng nung nấu quyết tâm bảo vệ vốn di sản văn hóa phi vật thể quý báu này hơn. Chị tiếp tục tìm đến cơ quan chức năng, gặp bà Bùi Thị Phấn trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có được những biện pháp và sự hướng dẫn từ phía cơ quan chuyên môn. Được sự ủng hộ và động viên của cơ quan chức năng, ý tưởng thành lập câu lạc bộ để lưu giữ và truyền dạy ca trù được hình thành. Khi đã có ý tưởng, chị không quản ngại gian khó để đi vận động người trong làng có năng khiếu âm nhạc tham gia vào CLB. Những người chưa được gia đình ủng hộ, chị đến tận nhà gặp gỡ người thân trình bày ý tưởng và vận động họ ủng hộ. Khi đã tập hợp được số lượng kha khá, chị tiếp tục mày mò liên hệ đến Câu lạc bộ ca trù Giáo Phòng (xã Vĩnh Khúc-Văn Giang) để mời các nghệ nhân dân gian về hướng dẫn, truyền dạy. Không dừng lại ở đó, chị còn lên tận Viện Âm nhạc Việt Nam tìm thầy về hướng dẫn luyện tập. Vậy là “Mưa dầm thấm lâu”, ngày 12.12.2012, câu lạc bộ ca trù Đào Đặng chính thức ra mắt, ban đầu với 8 thành viên tham gia và chị Nhàn được giới thiệu làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Sau hơn một năm hoạt động, ngày 14/4/2013, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định thành lập CLB Ca trù thôn Đào Đặng. Câu lạc bộ tập luyện thường xuyên trên tinh thần người biết nhiều truyền cho người biết ít, người biết ít lại dạy cho người chưa biết. Thành viên câu lạc bộ chỉ có duy nhất chị là thầy thuốc đông y, còn lại toàn là những nông dân, sau một ngày lao động vất vả, gác lại việc đồng áng tối đi tập hát ca trù. Đến nay, câu lạc bộ ca trù Đào Đặng có 28 thành viên tham gia, người cao tuổi nhất gần 80 tuổi, người trẻ tuổi nhất là những cháu nhỏ 8, 9 tuổi.
Với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ, chị đã đem hết tâm huyết và sự nhiệt tình của mình để chăm sóc, nuôi dưỡng câu lạc bộ ca trù Đào Đặng phát triển. Đến nay, câu lạc bộ của chị đã tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng. Ngoài việc tập luyện để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của thành phố, của tỉnh, các lễ hội của địa phương, câu lạc bộ ca trù Đào Đặng còn tham gia cuộc thi Liên hoan hát ru, hát dân ca của tỉnh tổ chức năm 2014 và đạt giải nhì, sau đó tiếp tục tham gia cuộc thi Liên hoan hát ru, hát dân ca và cổ truyền khu vực phía Bắc được tổ chức tại Bắc Ninh. Ở hội thi này, Câu lạc bộ đạt giải Bạc. Không những thế, chị Nhàn còn luôn trăn trở, nghĩ cách đa dạng hóa các hoạt động để gây quỹ cho câu lạc bộ trong khi chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước cho hoạt động bảo tồn di sản.
Với các thành tích cá nhân tiêu biểu như: Huy chương vàng của Ban chỉ đạo Hội thi Thể thao – Văn nghệ nông dân tỉnh Ninh Bình năm 1998; Huy chương bạc tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình 2005; Được Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên tặng Giấy khen năm 2013; Huy chương đồng tiết mục "Chúc hỗ" của CLB Ca trù Hưng Yên tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014; Giải A tiết mục "Chuông vàng chùa Chuông" tại Liên hoan hát Chèo, Ca trù và Trống quân tỉnh Hưng Yên lần thứ II, năm 2014 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên tặng; Giải A tại Liên hoan tiếng hát Người cao tuổi tỉnh Hưng Yên năm 2014. Đến nay, chị đã truyền dạy được 109 học trò. Tháng 10/2014 vừa qua, chị đã được UBND tỉnh xét duyệt hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phong tặng nghệ nhân ưu tú đợt 1 năm 2015.

Chị Nhàn tâm sự: Khi đã yêu, đã say ca trù, sẽ luôn khao khát được nhân rộng tình yêu ấy, đó cũng là trách nhiệm của những người đi trước đối với việc gìn giữ và phát huy vốn quý của cha ông, nhất là khi ca trù đang được xếp vào loại hình di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ðúc rút kinh nghiệm từ bản thân, muốn hát được ca trù trước hết phải yêu ca trù, muốn yêu ca trù phải hiểu ca trù, nên nguyên tắc đầu tiên trong việc truyền dạy ca trù của chị là truyền lửa đam mê.
Ðam mê được giới thiệu, truyền dạy ca trù luôn cháy bỏng nên chị không quản ngại đường sá xa xôi, đi lại vất vả, tốn kém. Tháng 11/2014, chị tìm đến Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà (Hà Nội)- một CLB nổi tiếng lâu đời để học bồi dưỡng, với mức học phí 250.000đ/tiếng x 4 tiếng/buổi (tức mỗi buổi 1 triệu đồng). Chương trình học kéo dài đến khoảng tháng 6/2015. Toàn bộ chi phí là do chị tự lo liệu mà không hề có một sự hỗ trợ nào. Điều đó có nghĩa, đến khi khóa học kết thúc, chị sẽ phải chi phí một khoản kinh phí không hề nhỏ. Vậy mà, chị không hề phàn nàn, vẫn hằng ngày hăm hở đem toàn bộ kiến thức thu lượm được để truyền dạy miễn phí cho mọi người.
Như con ong cần mẫn, chị vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài với mong muốn cháy bỏng là truyền dạy, nhân rộng, góp phần lưu giữ những nét tinh hoa, để loại hình nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc này mãi mãi là báu vật trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, được lưu truyền sâu rộng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Việt. Những việc làm của chị Nhàn trong việc lưu giữ, khôi phục và bảo tồn nghệ thuật hát ca trù thật đáng trân trọng, bởi điều đó góp phần không nhỏ trong việc phục dựng và lưu giữ làn điệu ca trù, đã "thổi hồn" cho nghệ thuật ca trù Đào Đặng vươn xa.
Mai Diên
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên)