KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 09/11/2017 - Lượt xem: 174
Nhân lên những gương sáng làm theo lời Bác

Sau hơn 7 tháng phát động và triển khai, cuộc thi “Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017 (cuộc thi) cấp cơ sở đã thu hút 2.655 thí sinh tham gia. Trong số hàng trăm câu chuyện mà các thí sinh đã đem đến cuộc thi có nhiều câu chuyện kể về những tấm gương tiêu biểu học Bác giữa đời thường. Đó là những bông hoa đẹp trong vườn hoa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

f
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia cuộc thi tại Đảng bộ thành phố Hưng Yên

Gương sáng làm theo lời Bác
Không ít người băn khoăn học Bác như thế nào? Làm gì để học Bác?, nhưng qua mỗi câu chuyện các thí sinh mang đến cuộc thi, những việc học Bác lại thật gần gũi. Chúng tôi còn nhớ như in không khí tĩnh lặng, người nghe hồi hộp như nuốt từng chi tiết trong câu chuyện kể của thí sinh Đặng Thị Hồng Vân, Đảng bộ phòng Chính trị (Đảng bộ Quân sự tỉnh) kể về tấm gương dũng cảm của anh Nguyễn Văn Quynh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Thắng Lợi (Văn Giang). Trên cương vị Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, anh Quynh làm tốt nhiệm vụ tham mưu với Đảng ủy, UBND xã thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng của địa phương. Trưa ngày 7.3.2012, khi đang làm việc tại trụ sở, anh Quynh nhận được tin báo tại Trường THCS xã có một nhóm đối tượng sử dụng hung khí đến gây rối, tấn công giáo viên, học sinh, ngay lập tức anh đến hiện trường. Tới nơi, anh thấy có nhóm thanh niên gồm 7-8 đối tượng tay cầm hung khí đang rượt đuổi học sinh, giáo viên. Trước tình huống đó, anh cùng đồng đội áp sát, khống chế đối tượng, bảo vệ an toàn thầy, cô giáo và học sinh. Tuy nhiên, anh Quynh đã bị nhóm côn đồ chém 2 vết thương khá nặng vào má, gáy và gẫy 2 chiếc răng hàm. Với hành động dũng cảm của mình, anh Quynh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm; Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng... Từ câu chuyện kể, thí sinh Đặng Thị Hồng Vân rút ra bài học: Việc làm của anh Quynh đã thể hiện tinh thần dũng cảm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là tấm gương sáng cần được nhân rộng. 
Câu chuyện giản dị về người cựu chiến binh Bùi Đình Thăng (xã Đoàn Đào, Phù Cừ) của thí sinh Vũ Thị Linh, Đảng bộ cơ quan Đảng và đoàn thể huyện (Đảng bộ huyện Phù Cừ) đã để lại trong người nghe nhiều sự cảm phục. Sau hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ, trở về quê hương, người lính già luôn trăn trở về đời sống tinh thần nghèo nàn, về văn hóa đọc của người dân địa phương. Do vậy, ông Thăng đã nung nấu ý tưởng xây dựng một phòng đọc miễn phí cho người dân trong thôn. Không quản khó khăn, vất vả, lặn lội khắp nơi để xin sách báo, tạp chí cũ; cặm cụi góp nhặt từng tấm gỗ đóng giá sách, bàn ghế, “thư viện ông Thăng” dần thành hình. Tồn tại bền bỉ gần 30 năm qua, thư viện ông Thăng đã khơi nguồn cảm hứng đọc sách cho nhiều thế hệ, góp phần mang thêm tri thức đến với người dân. Làm việc với tinh thần tự nguyện, không ngại khó, ngại khổ để giúp ích cho đời… là điều chúng ta nên học từ việc làm của người cựu chiến binh Bùi Đình Thăng.
Hay câu chuyện về nghị lực của người thầy khuyết tật của thí sinh Lê Thị Phượng, Đảng bộ cơ quan chính quyền huyện (Đảng bộ huyện Phù Cừ) đã mang đến cho người nghe bài học về tấm gương thầy giáo Phạm Văn Hưng, Trường THPT Phù Cừ vượt qua khó khăn, khuyết tật của bản thân để trở thành một nhà giáo mẫu mực, được đồng nghiệp nể phục và học trò yêu mến, kính trọng. Sinh ra không có bàn tay phải, cậu bé Hưng phải nỗ lực từng giờ, từng ngày để sinh hoạt, để luyện viết chữ, học tập như những người bình thường. Với những nỗ lực vượt lên số phận, Hưng đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và trúng tuyển vào Khoa Vật lý của Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2. Năm 2006, tốt nghiệp đại học và nhận công tác tại Trường THPT Phù Cừ, thầy Hưng dành nhiều tâm huyết để tìm những phương pháp giảng dạy mới giúp các em học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp thu bài tốt hơn. Bằng tất cả niềm lạc quan và tình yêu cuộc sống, thầy giáo Phạm Văn Hưng là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo, nhất là ở ý chí, nghị lực để chiến thắng chính bản thân mình, vượt lên hoàn cảnh để trở thành người có ích cho xã hội.
Làm theo lời dạy của Bác "Lương y như từ mẫu", khi còn công tác tại Trạm Y tế xã và sau khi nghỉ hưu, ông Vũ Đình Sáu (xã Hồng Quang, Ân Thi) luôn dốc tâm, dốc sức trên hành trình chữa bệnh cứu người. Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, ông đã mở phòng khám tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với tâm niệm thương người như thể thương thân, những người nghèo đến phòng khám đều được khám và cấp thuốc miễn phí; những người dân trong thôn được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí vào ngày 15 hàng tháng. Niềm vui của ông Sáu là được nhìn thấy những người bệnh khỏe lại. Câu chuyện đầy ý nghĩa về những việc làm của ông Sáu hiện lên sinh động qua giọng kể của thí sinh Nguyễn Thị Minh Thùy, Đảng bộ cơ quan chính quyền huyện (Đảng bộ huyện Ân Thi). 
Trên đây chỉ là một số những bông hoa đẹp, là những gương sáng, điển hình tiên tiến để nhân thêm sắc, thêm hương trong vườn hoa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
Ý nghĩa từ cuộc thi
Nhằm nhân rộng điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 24.2.2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 46-KH/TU tổ chức cuộc thi “Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017. Đây là một trong những việc làm thiết thực của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
h
Lãnh đạo huyện Ân Thi tặng hoa động viên các thí sinh dự cuộc thi do Đảng bộ huyện Ân Thi tổ chức
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động tổ chức cuộc thi, các cấp ủy đảng đã nghiêm túc quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cuộc thi các cấp. Ở cấp cơ sở, cuộc thi được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức cuộc thi tại chi bộ, đảng bộ, tổ chức thi cụm ghép giữa các chi bộ, các ngành, đoàn thể; sinh hoạt chuyên đề, chỉ định, phân công cán bộ, đảng viên chuẩn bị đề cương, trình bày tại buổi sinh hoạt chi bộ, qua đó tham gia góp ý, chỉnh sửa đề cương gửi dự thi cấp huyện. Ở cấp huyện và tương đương, 14 huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc thi cấp huyện và tương đương;  3 ngành thành viên Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh tổ chức cuộc thi cấp tỉnh dành cho cán bộ ngành, đó là: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn. 
Đối tượng tham gia dự thi rất phong phú, đa dạng, gồm cán bộ, đảng viên, đại diện các tầng lớp nhân dân, phụ lão, thanh thiếu niên, nhi đồng. Nhiều thí sinh dành thời gian, tâm sức tìm tòi, nghiên cứu tư liệu, lựa chọn nội dung câu chuyện để xây dựng đề cương, rèn luyện kỹ năng kể chuyện, liên hệ sâu sắc, thiết thực. Nội dung thi kể chuyện về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phong phú, đa dạng. Các bài thi thể hiện được các quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh; tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phong cách Hồ Chí Minh; gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương, đơn vị.
Nhờ vận dụng tốt các phương pháp kể chuyện, biểu cảm từ những cảm xúc chân thành, sử dụng các phương tiện hỗ trợ, nhiều thí sinh đã tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn, làm rung động người nghe. Nhiều huyện tổ chức truyền thanh trực tiếp thời gian diễn ra cuộc thi, tạo sức lan toả lớn, hiệu quả tuyên truyền cao qua những câu chuyện kể chân thực, giản dị, xúc động về Bác Hồ và các điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
Cuộc thi đã vượt qua ý nghĩa của một cuộc tranh tài. Đây là một hoạt động chính trị - xã hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, góp phanà tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh.
Cuộc thi “Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017 cấp tỉnh được tổ chức vào ngày 20 và 21.10. Với những tiết mục dự thi xuất sắc được tuyển chọn từ cuộc thi các cấp, cuộc thi sẽ mang lại nguồn cảm hứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. 
Theo Báo Hưng Yên

 

Tin liên quan