Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, ở tỉnh Hưng Yên đã có nhiều tấm gương tiêu biểu. Mỗi người có công việc khác nhau, nhưng ở họ đều toát lên những đức tính quý báu: Nỗ lực hết mình trong lao động, sống đẹp, sống giản dị.
Người thầm lặng làm đẹp xóm làng
Khi tuổi cao, nhiều người thường muốn nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng với bà Đặng Thị Hoài, 63 tuổi, hội viên Chi hội Người cao tuổi thôn Hoan Ái, xã Tân Việt (Yên Mỹ) chưa bao giờ có ý nghĩ nghỉ ngơi. Hơn 20 năm qua, bà tình nguyện làm việc bảo vệ môi trường, quét đình làng, nhà văn hóa thôn… một cách cần mẫn với cái tâm và trách nhiệm với cộng đồng.
Bà Đặng Thị Hoài, xã Tân Việt (Yên Mỹ) tự nguyện quét dọn khu vực đình làng Hoan Ái
Một ngày cuối năm cũng như bao ngày khác, 4 giờ sáng, không cần chuông báo thức, bà Hoài tỉnh giấc, sau đó đến khu di tích đình Hoan Ái để bắt đầu công việc ngày mới. Khi nhiều người vẫn còn say giấc, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé ấy đã cặm cụi đưa từng nhát chổi tre, mặc cho tiết trời mùa đông khiến đôi tay lạnh buốt.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thấy đường làng và đặc biệt khu vực sinh hoạt cộng đồng của thôn còn có lúc, có chỗ còn chưa sạch, đẹp, bà Hoài đã tự nguyện bỏ ngày công quét nhà văn hóa, đình làng, sân bóng, vớt rác ở ao đình, trồng hoa làm đẹp cảnh quan... Không có sẵn dụng cụ, bà tự bỏ tiền túi để mua chổi, liềm, cuốc, hót rác, xe kéo… để gom rác. “Ban đầu, nhiều người nói ra, nói vào, bảo tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng tôi đều không để ý, việc mình làm cứ kiên trì đến cùng, chỉ mong trẻ em, người già có chỗ vui chơi, sinh hoạt cộng đồng sạch sẽ, thoáng mát”, bà Hoài bộc bạch.
Vậy là, mùa đông cũng như mùa hè, bà đều thức dậy sớm và dành thời gian khoảng 2 -3 tiếng mỗi ngày để làm công việc không ai trả lương này. Với bà, công việc này cũng giống như tập thể dục buổi sáng và rèn luyện sức khỏe, chỉ thấy khỏe, thấy vui chứ không mệt mỏi. Ông Hoàng Văn Ngôi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Việt nhận xét: Bà Hoài là hội viên tiêu biểu trong phong trào “Tuổi cao -Gương sáng”. Việc làm của bà đã nhận được sự kính trọng, đồng tình, hưởng ứng của người dân địa phương. Khi thấy bà cần mẫn dọn vệ sinh, nhiều người trong thôn tự giác cùng tham gia, góp phần làm cho cảnh quan đường làng, ngõ xóm nơi đây thêm sạch đẹp.
Nữ bí thư chi bộ, trưởng khu phố dân vận khéo
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, với vai trò là bí thư chi bộ, trưởng khu phố, bà Trần Thị Bình ở khu phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) luôn linh hoạt trong công tác dân vận, huy động sức dân tham gia các phong trào, góp phần xây dựng khu phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Bà Trần Thị Bình, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên)
Khu phố Nguyễn Thiện Thuật có hơn 300 hộ dân với trên 1.200 nhân khẩu. Các hộ dân trên địa bàn làm nhiều ngành nghề khác nhau: Công chức, viên chức, kinh doanh, dịch vụ và các ngành nghề tự do khác… Với phương châm “cán bộ, đảng viên đi trước”, bà vận động cán bộ, đảng viên và người dân khu phố thực hiện quy ước, hương ước khu phố văn hóa và các tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, bản thân bà cùng gia đình luôn gương mẫu thực hiện. Đến nay khu phố Nguyễn Thiện Thuật đã nhiều lần được công nhận danh hiệu khu phố văn hóa; 3 tuyến đường của khu phố được công nhận tuyến phố văn minh đô thị.
Năm 2016, thành phố triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn thành phố Hưng Yên giai đoạn 2016 -2020, khu phố Nguyễn Thiện Thuật được chọn làm điểm. Bà đã trực tiếp đến từng hộ dân vận động ký cam kết và tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu lợi ích khi thực hiện Chương trình. Bà thường xuyên đến các hộ kinh doanh buôn bán để tuyên truyền giúp họ hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành nếp sống văn minh trong buôn bán kinh doanh; với các hộ làm đám hiếu, đám hỉ, bà luôn có mặt từ sớm để giúp đỡ, hỗ trợ và khéo léo nhắc nhở để người dân không vi phạm quy định chung. Đến nay, gần 98% số hộ trong khu phố được công nhận gia đình văn hóa, 100% gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…
Với vai trò là tổ trưởng tổ hòa giải, bà còn góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở. Khi nắm bắt được thông tin gia đình nào có xích mích, mâu thuẫn… bà nhanh chóng tìm hiểu, rồi trực tiếp trò chuyện, trở thành cầu nối để các gia đình giải quyết mâu thuẫn.
Nói về bí quyết vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, bà Bình chia sẻ: Trước tiên bản thân và gia đình phải gương mẫu, sau đó là gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, có như vậy thì người dân mới tin tưởng và nghe theo. Bản thân tôi luôn ý thức học Bác từ những điều nhỏ nhất và nguyện suốt đời học Bác.
“Cây sáng kiến” của Nhà máy ống thép Hòa Phát Hưng Yên
“Cây sáng kiến” là biệt danh mà đồng nghiệp quý mến dành tặng anh Đinh Văn Chủ, Quản đốc Xưởng Cơ điện, Nhà máy ống thép Hòa Phát Hưng Yên (địa chỉ tại huyện Văn Lâm). Liên tục trong nhiều năm, anh có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất, giúp nhà máy tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh là một tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Anh Đinh Văn Chủ, Quản đốc Xưởng Cơ điện, Nhà máy ống thép Hòa Phát Hưng Yên (Văn Lâm)
Gắn bó với Nhà máy ống thép Hòa Phát Hưng Yên từ những ngày đầu mới thành lập, anh Chủ trải qua nhiều vị trí công việc. Với những nỗ lực, cố gắng của bản thân, năm 2013, anh được Ban Giám đốc tin tưởng phân công giữ chức vụ Quản đốc Xưởng Cơ điện. Xưởng hiện có 48 công nhân, có nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt, trung tu các loại máy móc của nhà máy nhằm bảo đảm vận hành an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, anh Chủ lập kế hoạch kiểm tra định kỳ, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị và tổ chức phân công việc cho công nhân trong xưởng và trực tiếp kiểm soát các quy trình sửa chữa… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh luôn ý thức tìm tòi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật khắc phục những điểm yếu ở từng bộ phận nhằm giảm chi phí sản xuất.
Từ năm 2012 đến nay, anh sở hữu “bộ sưu tập” 13 sáng kiến trong các công đoạn sản xuất của nhà máy đã được ứng dụng thực tiễn, làm lợi hàng tỷ đồng cho nhà máy. Trong đó tiêu biểu là sáng kiến “Gia công chế tạo bơm kẽm lõng” được áp dụng từ năm 2016 đến nay. Bơm kẽm do anh Chủ sáng chế đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, giúp nhà máy tiết kiệm chi phí mua bơm kẽm mới dự phòng lên đến 600 triệu đồng.
Chia sẻ bí quyết để liên tiếp có những sáng kiến mới, anh Chủ cho biết: Trong quá trình làm việc, tôi luôn ý thức tìm tòi, tích lũy, học hỏi thêm kiến thức. Mỗi vị trí công việc, mỗi đồng nghiệp… đều đem đến cho tôi những kinh nghiệm hữu ích để dần có cái nhìn tổng quan về cả dây chuyền sản xuất, nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng loại máy móc, từ đó tìm ra phương án để cải tiến.
Nguồn: https://baohungyen.vn