KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 28/06/2018 - Lượt xem: 439
Những vấn đề chung về lễ hội: Di tích trong mối quan hệ với xã hội

Để tổ chức thành công các lễ hội truyền thống không thể không có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của các di tích - trong tư cách là cơ sở vật chất, là thiết chế văn hóa, di sản văn hóa vật thể chứa đựng các nội dung thực hành văn hóa phi vật thể gắn với lễ hội. Các di tích quen thuộc gần gũi được kể đến gồm: đình, đền, nghè, miếu, quán, phủ ...

Đền thờ và mộ Phạm Công Trứ, xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ)

Đền thờ và mộ Phạm Công Trứ, xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ, Hưng Yên)

Đình làng

Đình là công trình kiến trúc cổ truyền của làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân.

Ban đầu, đình là đình quán, nơi để nghỉ của các làng mạc Việt Nam. Đến khoảng giữa thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông cho đắp các tượng Phật ở các đình quán. Sau đó, đến thời Lê sơ, các đình làng bắt đầu là nơi thờ Thành hoàng làng và là nơi hội họp của dân chúng.

Đình làng thường được bố trí ở trung tâm làng xã, địa điểm thoáng đãng nhìn ra dòng nước chảy hoặc hồ nước. Trong tiềm thức văn hóa người Việt, đình làng gắn liền với hình ảnh cây đa, giếng/bến nước, là địa điểm sinh hoạt chung quan trọng của làng xã.

Ở nước ta, đình làng thường được làm quay về hướng nam, hướng được coi là đại cát, vượng khí. Bố trí hướng đình như vậy, dân làng sẽ được bình yên, tránh được mọi rủi ro, hoạn nạn. Các ngôi đình nổi tiếng như: Đình Bảng, Thổ Hà, Bát Tràng, Tây Đằng, Kim Liên…

Trong sinh hoạt làng xã trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình làng có vai trò quan trọng thể hiện ở nhiều góc độ:

* Thứ nhất, đình làng - trung tâm tín ngưỡng thờ Thành hoàng.

Nguồn gốc các vị Thành hoàng làng có thể khác nhau (nhiên thần, nhân thần, nguồn gốc khác.,.), nhưng tựu trung, có một nét thống nhất, họ đều là những bậc linh thiêng trong làng xã. Thành hoàng làng có nhiệm vụ bảo vệ, phù trợ cho cộng đồng dân làng.

Để thể hiện sự biết ơn của cộng đồng đối với Thành hoàng, người dân sẽ tổ chức các kỳ lễ hội và các dịp lễ tiết trong năm đề cúng tế Thành hoàng. Quy mô to nhỏ tùy thuộc vào kết quả thu hoạch mùa màng và tập tục địa phương.

Nghi thức tế lễ gồm nhiều khâu: lễ thức do hội "tư văn" soạn thảo "văn tế". Các thành viên trong hội "tư văn" cử một người đại diện ra hành lễ chính, người đó được thay mặt thần dân làng, xã, xướng to lên trong quá trình tế lễ tại đình; nêu lên chức tước của vị Thành hoàng được triều đình công nhận "phong sắc".

Lễ vật cúng thần Thành hoàng thường là “ông ỉ”, tức là con lợn to và béo nhất, do hàng giáp sắp lễ. Cùng với đó còn có hoa quả, xôi, các sản vật quý khác của địa phương.

Nhìn chung, tín ngưỡng thờ phụng Thành hoàng làng đã ăn sâu vào đời sống dân chúng ở khắp mọi miền đất nước ta.

- Thứ hai, đình làng - trung tâm của bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

Cơ cấu tổ chức làng, xã gồm: Hội đồng Kỳ mục hiện diện là ông Tiên chỉ và Thứ chỉ và Hội đồng lý dịch bao gồm: lý trưởng, phó lý, hương trưởng, xã tuần. Hội đồng Kỳ mục và Hội đồng Lý dịch hợp thành bộ máy chính quyền cấp cơ sở của nhà nước quân chủ. Để quản lý chặt chẽ làng xã, thông qua sự ghi chép cẩn thận của sổ sách "sổ đinh", "sổ điền", kết hợp với "hương ước" quy thành văn, gọi là "lệ làng”. Hội đồng Lý dịch điều động nhân lực, vật lực vào việc công ích thường xuyên mà nhà nước nào cũng nhất thiết phải tiến hành trong khuôn khổ quản lý xã hội ở địa phương. Những công việc như đắp đê, làm thuỷ lợi, bắc cầu, sửa đường... (gọi là đi phu), tuyển dụng và bổ sung các tráng đinh tham gia quân đội chống ngoại xâm bảo vệ đất nước (gọi là đi lính). Tất cả những công việc ấy là nghĩa vụ đóng góp của làng, xã đối với nhà nước quân chủ.

Đình làng là nơi chứng kiến Hội đồng Lý dịch giải quyết những mâu thuẫn giữa các phe phái trong làng và toàn thể dân làng. Căn cứ vào hương ước, các quyết định xử phạt hay khen thưỏng sẽ được định đoạt và diễn ra tại đình làng nhằm mục đích bảo vệ an ninh trật tự làng xã, duy trì đạo lý, gia phong tạo nên nếp văn hoá làng xã trường tồn.

- Thứ ba, đình làng - một trung tâm giao lưu cộng đồng.

Đình làng là nơi hội tụ tế lễ thần Thành hoàng, nơi diễn ra nghi lễ rước kiệu. Thông qua các nghi lễ trong lễ hội, dân làng diễn tả lại một cách tượng trưng sự tích về thần và công tích của thần. Lễ rước kiệu của dân làng thực sự đã gây nên không khí náo nhiệt và tâm trạng phấn khích cho các thành viên trong làng xã. Niềm cộng cảm đã trở thành nét tâm lý chung không thể thiếu trong tế lễ cộng đồng.

Đình làng là nơi diễn ra những trò diễn, trò chơi được tổ chức trong dịp hội làng. Thông qua các trò diễn, trò chơi dân gian, toàn thể dân làng, già/trẻ, trai/gái làng nảy sinh những tình cảm khiến cho sợi dây liên hệ giữa những người cùng quê hương bản quán trở nên bền chặt hơn.

Đình làng là nơi diễn ra hội thi làm cỗ, thi tài khéo. Sau khi hoàn tất quá trình chế biến trong cuộc thi tài, sản phẩm tinh hoa đó sẽ được dâng cúng Thành hoàng làng. Mâm cỗ được toàn thể cộng đồng thụ lộc ngay tại đình như một niềm vinh dự, hãnh diện (Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp) – đây là bữa ăn cộng cảm làng xã trong không khí bình đẳng.

Đình làng đã đi vào văn thơ dân gian với bao tình cảm trào dâng:

Hôm qua tát nước đầu đình

Để quên cái áo trên cành hoa sen.

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.

Những hình ảnh thơ mộng cây đa, sân đình sáng đêm trăng rằm, rộn rã tưng bừng kì lễ hội đã để lại bao xao xuyến cho lứa tuổi đầu đời, xe kết nên tình yêu đôi lứa trăm năm.

Đối với các ngôi đình thờ Thành hoàng ở Nam Bộ

- Về kiến trúc của công trình: Do đặc điểm thổ nhưỡng và lịch sử phát triển khác vùng đất cổ phía Bắc nên xuất hiện những nét khác biệt trong kiến trúc của các ngôi đình ở Nam Bộ. Chúng tôi xin đi vào một số nét khác biệt chính để thấy sự đa dạng trong khái niệm và chức năng của ngôi đình.

Ở Nam Bộ, sau khi mỗi làng, xã được hình thành tương đối ổn định, người ta bắt đầu tìm đất, kêu gọi dân làng đóng góp nhân tài, vật lực để xây dựng đình làng.

Đình thường được chọn xây dựng ở nơi cao ráo, thuận tiện cho việc đi lại, ít bị chi phối bởi yếu tố phong thủy dân gian (theo quan niệm ở miền Bắc) nhưng vẫn có những tiêu chí lựa chọn riêng của vùng đất phương Nam.

Đình được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu gỗ, là một quần thể kiến trúc nhiều nhà liên tiếp nhau theo kiểu sắp đọi - tức là nhìn như những chiếc bát úp vào nhau. Thực tế hiện nay, đình làng Nam Bộ có kiến trúc khá đa dạng, về cơ bản, quần thể ngôi đình thường bao gồm: cổng đình, còn được quen gọi là nghi môn. Tiếp đến là bình phong nằm giữa sân đình. Mặt bình phong thường đắp nổi hoặc vẽ hổ vàng. Sân đình thường có bàn thờ Thần Nông, có nơi lập đàn tế chung với Thần Đất gọi là đàn Xã tắc. Hai bên đàn thờ thường có miếu thờ cọp (Chúa Xứ sơn quân) và miếu thờ Hội đồng hoặc thờ các nữ thần dân gian. Ngôi đình chính thường có ba nếp nhà tứ trụ, bố trí kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Trên nóc đình có biểu tượng lưỡng long tranh châu hoặc lưỡng long chầu mặt nguyệt.

Bên trong mỗi đình có cách phân chia hơi khác nhau, nhưng thường là có ba gian chính:

+ Võ ca (gian trước), dành làm nơi xây chầu và hát tuồng vào mỗi dịp lễ Kỳ yên.

+ Võ quy (gian giữa) còn gọi vỏ cua hay nhà chầu, đặt bàn thờ Hội đồng, cũng có nơi dùng làm chỗ cho các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát bội) hoặc hội họp.

+ Chính điện hay chính tẩm (gian cuối), là gian thờ Thành hoàng làng.

Ngoài ra, ở hiên phụ (cất dọc theo các gian chính), có thờ thêm Tản ban, Hữu ban, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền… Tùy theo diện tích đình, có thể có thêm:

+ Nhà hậu hay nhà hội, để hương chức, ban tế tự hội họp; nơi dân làng sắp lễ cúng tế.

+ Nhà trù (nhà bếp) và nhà ở của ông Từ giữ đình v.v…

- Các lễ hội tổ chức ở đình: Tập quán của từng địa phương ở Nam Bộ có những khác biệt nhìn chung ở đình làng Nam Bộ thường diễn các cuộc lễ như sau:

+ Lễ Niêm ấn và lễ Khai sơn: Tổ chức vào ngày 25 tháng Chạp, làm lễ rửa con dếu, bỏ vào hộp niêm phong kín, mọi công việc hành chính trong làng đều tạm dừng.

Ngày mồng 7 tháng Giêng làm lễ Hạ nêu và Khai sơn (hay Khai hạ, Khai ấn). Sau khi làm Khai sơn, những người được chọn (thường là hương chức) lấy cuốc bổ vài nhát tượng trưng gọi là động thổ. Dân làng chính thức được cày cấy, trồng trọt. Công việc hành chính trong làng trở lại bình thường.

+ Lễ Bầu ông: Là nghi lễ dành cho cọp (hổ). Người ta kiêng sợ nên đã gọi cọp là cọp Cả - hay Hương cả, người đứng đầu các vị hương chức trong làng. Theo lệ, hằng năm đều có lễ “Bầu ông”, tức là tôn cử Cả cọp với lễ vật là một con heo trắng và một tờ giấy tiến cử (tục lệ này có ghi trong Minh điều hương ước ban hành năm 1852). Gần đây, tục cúng Cả cọp vẫn duy trì nhưng chỉ nhằm cầu an cho toàn dân.

+ Lễ Tam nguyên: là lễ cúng vào ba ngày rằm lớn: tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười.

+ Lễ Hạ điền và lễ Thượng điền: Lễ Thượng điền được cử hành vào cuối mùa mưa, lúc mùa màng đã có kết quả. Hai lễ này mang tính chất lễ nghi nông nghiệp rõ rệt. Bên cạnh việc cầu Quốc thái dân an, Thiên hạ thái hình là lễ cúng Thần Nông, Hậu Tắc, Vũ Sư, Phong Bá, Điển Di... Thông thường, lễ Hạ điền long trọng hơn lễ Thượng điền.

Ngoài ra ở đình Nam Bộ còn có các lễ nhỏ khác, như: Giỗ hậu và Giỗ các anh hùng lịch sử lễ vía Bà (các nữ thần được phôi tự); và các lễ khác gọi chung là Tứ thời tiết lạp, gồm: Nguyên đán, Hàn thực (mồng 3 tháng Ba âm lịch), Thanh minh (trong khoảng tháng Ba âm lịch), Trung thu (rằm tháng Tám âm lịch), Trùng cửu (mồng 9 tháng Chín âm lịch), Trùng thập (mồng 10 tháng Mười âm lịch), Trừ tịch (30 tháng Chạp âm lịch).

+ Lễ Kỳ yên: Lệ phổ biến cứ ba năm tổ chức long trọng một lần, nên gọi là Đại lễ Kỳ yên (Tam niên đáo lệ Kỳ yên). Sách Gia Định thành thông chí chép lễ này như sau:

Mỗi làng (ở Nam Bộ) có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai, học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về. Ngày giờ cúng tùy theo tục từng làng không đều nhau, hoặc lấy tháng Giêng cầu phúc gọi là tế xuân; hoặc lấy tháng 8, 9 báo ơn thần là Tế thu, hoặc lấy trong ba tháng mùa Đông là tế tròn năm thành công. Tế chưng, tế lạp chạp là đáp tạ ơn thần. Việc tế đều có chủ ý chung gọi là Kỳ yên. Ngoài tế phẩm ra còn có mổ trâu, bò, và ca hát hay không ấy là tùy lệ từng làng, việc ngồi có thứ tự đều nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng nào có học thức thì làm theo lễ Hương ẩm tửu, cùng giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có tục tốt. Cũng trong ngày ấy xét sổ sách làng coi trong một năm ấy thâu nạp thuế khóa, tiêu dịch, lúa tiền thiếu thế nào, ruộng nương được mất thế nào trình bày tính toán công khai; rồi cử người chức sự làm việc làng và cũng bàn giao chức vụ trong ngày ấy.

Ban quý tế còn được gọi là Ban Hương chức tề, hay Ban tế tự, gồm nhiều người có đạo đức tốt, có nhiều cống hiến cho đình, cho làng. Ban này đại khái chia ra làm ba loại:

Hương chức Hội chánh, gồm có: Kế hiền (Hội trưởng); Chánh bái (hay Chánh niệm hương), Phó bái, Bồi bái, Tiên bái (bốn chức chung lo việc ngoại vụ); Chánh tế, Phó tế, Bồi tế (ba chức chung lo việc nội vụ).

Hương chức Hội tề, gồm có: Giáo sư (cố vấn mọi mặt), Hương quan (cố vấn nghi lễ, tục lệ), Hương lễ (chỉ huy ban lễ sinh), Hương nhạc (chỉ huy ban nhạc lễ), Hương văn (soạn thảo văn tế), Hương ẩm (tổ chức tiệc tùng), Thủ bổn (lo việc sổ sách và kiểm tra lễ vật), Thủ từ (giữ đình, lo việc đèn nhang mỗi ngày).

Hương chức Hội hương hay Ngoại hội tề, gồm những người phụ giúp việc đình miếu.

Nam Bộ là vùng đất mới, sinh hoạt trong các ngôi đình không quá khắt khe như ở Bắc Bộ. Dân chính cư và ngụ cư về cơ bản ít bị mọi người so sánh. Có khi dân ngụ cư tốt, sau vài năm có đóng góp lớn cho cộng đồng thì dân làng có thể bầu là chủ tế. Bên cạnh đó, những vị quan lại, chức sắc, đỗ đạt là người địa phương đã ra bên ngoài thì lại không bao giờ được bầu là chủ tế.

Đền

Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần/thánh hoặc một danh nhân lịch sử đã được thần thánh hóa. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng lên theo truyền thuyết dân gian.

Các ngôi đền to lớn, nổi tiếng linh thiêng ở nước ta như đền Hùng, đền Kiếp Bạc, đền Sóc, đền Trần… thờ các anh hùng dân tộc.

Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh… thờ các vị thánh đã được linh hóa theo truyền thuyết dân gian.

Miếu        

Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có quy mô nhỏ nhắn nhưng dáng dấp khá giống ngôi đền. Miếu thường xây theo kiểu hình chữ nhất với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài... Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sưòn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để thần thánh có thể an vị, không bị sự ồn ào của đời sống thưòng ngày gây phiền nhiễu. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao. Trong miếu có khi còn để cả long kiệu, đồ tế khí.

Vào các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hoá (nhân thần), ngày hiện hoá (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị.

Các miếu thường thờ các vị thần như miếu thổ thần, thủy thần, sơn thần, miếu cô, miếu cậu... vẫn được ngầm coi là những vị thần có vai trò không lớn lắm. Cũng có khi miếu là nơi thờ các vị nhân thần có công với đất nước.

Tuy nhiên, thực tế chúng ta thấy có những di tích được gọi là miếu nhưng có quy mô đồ sộ, chiếm mặt bằng diện tích rộng lớn như Văn miếu, Võ miếu... là những trường hợp không phổ biến, thường chỉ xuất hiện ở những nơi kinh đô của chính quyền phong kiến thời xưa.

Khi miếu phối hợp với thờ Phật thì được gọi là Am, ở Nam Bộ gọi là Miễu.

Chùa

Chùa Sùng Lãm (Mỹ Hào, Hưng Yên)

Chùa là công trình kiến trúc thuộc về đạo Phật. Chùa là nơi thờ Phật, Bồ Tát cùng những nhân vật trong hệ phái Phật giáo. Chùa cũng đồng thời là nơi ở, sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng ni. Chùa còn là nơi những tín đồ đạo Phật lui tới để nghe thuyết giảng và thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Ở một số nơi, nằm trong khuôn viên chùa còn có các tháp mộ những vị đại sư. Hiện nay, tại một số chùa còn có xá lị Phật và các vị tu hành đắc đạo do thỉnh từ nước ngoài về.

Do ảnh hưởng tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) từ thời nhà Lý nên một số ngôi chùa còn thờ đồng thời cả Phật, Thái thượng Lão quân và Khổng tử. Ngày nay, tín ngưỡng dân gian cũng ảnh hưởng  mạnh mẽ đạo Phật khiến cho chúng ta thấy có sự xuất hiện của các Thánh và Mẫu. Bởi thế có dạng kiến trúc tiền Phật hậu Thánh hoặc tiền Phật hậu mẫu trong khuôn viên di tích chùa. Hoặc dạng kiến trúc tiền Thánh hậu Phật hoặc tiền Mẫu hậu Phật ở các di tích khác.

Chùa còn là nơi tín ngưỡng dân gian gửi gắm nhiều nghi lễ gắn với cuộc sống của người dân. Ban thờ vong hay nhà thờ vong trở thành nơi diễn ra các khóa lễ gắn với người quá cố theo nguyện vọng của gia đình, người thân dành sự quan tâm cho người đã khuất. Chùa còn là nơi diễn ra các nghi lễ dân gian phái sinh như lễ giải hạn cầu an, bán khoán, chuộc khoán,... Ban thờ Mẫu nằm trong khuôn viên ngôi chùa còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt tín ngưỡng gắn với Mẫu Tam phủ, Tứ phủ nhằm cầu tài, cầu sức khỏe, chữa bệnh, ...

Ở Việt Nam hầu như làng xã nào cũng có ít nhất một ngôi chùa làng khiêm tốn được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Một số ngôi chùa nổi tiếng có kiến trúc đẹp và to lớn có thể kể đến như chùa Tây Phương, chùa Kim Liên, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Bái Đính,...

Nghè

Nghè giống như miếu thờ thần, nghè cũng có chức năng tương tự. Nghè thường có mối liên hệ tâm linh với một ngôi đình hoặc một ngôi đền cụ thể. Nghè được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận cư dân trong làng xã - khi mà vì lý do nào đó, việc thờ cúng Thành hoàng hoặc các vị thần không được thuận tiện. Thông thường, nghè thờ Thành hoàng làng ở làng mới được tách ra từ làng gốc. Hoặc nghè có thể là một ngôi đền nhỏ thuộc về một thôn cụ thể - nhằm đáp ứng nhu cầu thường nhật của dân thôn, trong khi sự liên hệ với ngôi đền chính không mấy dễ dàng.

Điện

Điện là một hình thức của ngôi đền thờ trong tín ngưõng dân gian. Điện thường thờ Mẫu hoặc thờ các thánh (phổ biến nhất là thờ Đức thánh Trần). Điện cũng có thể là nơi làm việc của vua chúa (như điện Diên Hồng, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh). Tuy nhiên loại điện này ít gặp hơn so với điện thờ dân gian. Điện thờ dân gian có thể là điện thờ của cộng đồng hoặc điện thờ tư nhân. Trong điện thờ có tượng, long ngai, bài vị và các đồ thờ tự giống như nội thất các ngôi đền thờ.

Phủ

Phủ thường là nơi thờ Mẫu, nổi tiếng có Phủ Dày, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Phủ thường là trung tâm thờ thánh của cả một vùng sầm uất, vượt ra ngoài phạm vi một địa phương và thường thu hút lượng tín đồ người hành hương rất lớn đến với địa điểm phủ đó. Một số nơi ở Thanh Hóa gọi đền là phủ. Do vậy, khái niệm đền và phủ có nét tương đồng: Đền to, phủ lớn. Ngôi phủ sớm nhất hiện biết là nơi thờ thần nữ ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.

Quán

Quán là một dạng đền thờ gắn với Đạo giáo (đạo Lão). Đạo giáo được du nhập vào Việt Nam khá sớm và gần gũi với người Việt Nam. Tùy từng thời kỳ lịch sử mà việc thờ phụng Đạo giáo có những thay đổi cụ thể. Vào khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, là thời kỳ tam giáo đồng nguyên, Nho - Phật - Đạo cùng phát triển nên các quán Đạo giáo thường có xu hướng Đạo giáo thần tiên. Các quán thời kỳ này thờ những vị thần thánh cụ thể. Ở Hà Nội, nổi tiếng có Bích Câu đạo quán, thờ Tú Uyên. Sang thế kỷ XVI, XVII, do Nho giáo phát triển mạnh dần lên chiếm vị thế độc tôn trong xã hội nên xu hướng các nho sĩ và những người thực hành đạo Lão, các quán đạo Lão dần thay đổi theo việc thờ cúng các thần linh đạo Lão Trung Hoa. Ở các quán đạo bắt đầu xuất hiện sự thờ phụng Tam Thanh, Ngũ Nhạc, Tây Vương Mẫu, Đông Phương Sóc, Thánh Phụ, Thánh Mẫu, Cửu diệu tinh quân,... Một số đạo quán nổi tiếng ở miền Bắc có nhắc tới: Linh Tiên quán, Hội Linh quán, Lâm Dương quán, Hưng Thánh quán...

Am

Am là một dạng kiến trúc nhỏ có lẽ bắt nguồn từ Trung Quốc bởi nghĩa gốc của am là từ chỉ một ngôi nhà nhỏ, lợp tạm tranh tre nứa lá dùng làm nơi con cái chịu tang cha mẹ. Về sau, am được chuyển đổi công năng sang dạng mái tròn và làm nơi đọc sách cho các văn nhân. Từ thời Đường trở đi, những ngôi am được coi là nơi tu Phật tại gia cho các ni cô. Du nhập sang Việt Nam từ bao giờ không rõ, nhưng am là nơi thờ Phật. Ví dụ: Hương Ngải Am - tức chùa Thầy, Thọ Am - tức chùa Đậu (đều ở Hà Nội). Am cũng được sử dụng như một ngôi miếu nhỏ làm nơi thờ thần linh ở làng xóm. Một số nơi, những văn nhân tao nhã cũng thường đọc sách ở các am nhỏ, tĩnh mịch.

Nguồn: Hướng dẫn quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống ở cơ sở, Phạm Lan Oanh - Nguyễn Hoàng, NXB CTQG - ST, Hà Nội, 2015

(Phòng VHVN sưu tầm)

 

 

Tin liên quan