KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 27/07/2016 - Lượt xem: 158
Ni cô tuẫn tiết

Ngày đầu lập nước, Đào Quang P. theo cách mạng  được giao nhiệm vụ Hội trưởng Hội Liên Việt huyện. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, thấy thế giặc mạnh, lại sắp về chiếm đóng toàn huyện , hắn bí mật liên hệ với Tây. Hắn đem danh sách hội viên Liên Việt toàn huyện nộp cho Tây, dọn đường cho Tây mang quân về đóng bốt Cầu Bùi ngay giáp đầu làng, làm chỗ dựa cho bọn phản động trong vùng. Bọn tề ác làng Đông được lệnh của P, ngày ngày mang quân đi  rình rập các ngả, săn bắt người tình nghi cướp đoạt của cải rồi vu cho là Việt Minh, đem nộp đồn Tây lĩnh thưởng.

Các cơ quan, đoàn thể cứu quốc trong huyện phải rời bỏ nơi làm việc cũ, di chuyển ra vùng tự do. Trong lúc giao thời, việc thông tin với các nơi hầu hết do chiến sỹ liên lạc chuyển đi nên  nhiều cán bộ cấp trên phái  về không thông thuộc địa hình lại không biết những đổi thay đột ngột, nhiều người đã sa vào tay giặc.

Một chiều muộn tháng 10/1947, một ni cô từ phía đường  5 tắt qua đường đồng Xuân Cầu ra khu Ngưu Giang. Đến đầu thôn Như Lân cô hỏi thăm đến cơ quan huyện. Một người dân trố mắt sợ hãi thì thào:

- Nhà chùa ơi, Tây đóng bốt Công Luận, Cầu Bùi rồi. Huyện không còn ở chỗ cũ nữa đâu, nghe như rút về Ngọc Bộ để xuống vùng xuôi, nhà chùa đi đường này xuống Quán Vực hỏi thăm, chỉ hơn hai cây số nữa là đến nơi thôi. Nhà chùa đi cẩn thận kẻo gặp bọn phản động đi săn người thì khốn đấy.

Ni cô cám ơn, rảo bước theo hướng tay người dân vừa chỉ. Đến trung tâm khu Ngưu Giang trời vừa chạng vạng, gặp ngã ba đường nhìn quanh quất chẳng thấy bóng người. Đang phân vân tính toán thì  một thanh niên từ gốc đa gần đó  đi ra. Anh ta chủ động lên tiếng:

- Nhà chùa  muốn về đâu mà ngơ ngác thế. Tôi nhận nhiệm vụ gác Tây nơi đây để chỉ đường qua lại, kẻo lớ ngớ sa vào tay bọn Việt gian  bán nước là toi mạng.      

Nghe ni cô hỏi đường về Ngọc Bộ tìm cơ quan Huyện bộ Việt Minh, anh ta sốt sắng:

- Thế là nhà chùa gặp may rồi. Tôi cũng về cơ quan huyện đây, chả là huyện cử tôi hàng ngày ra gác chỗ này mà…

Rồi anh ta huyên thuyên kể chuyện thành tích chuẩn bị kháng chiến của mình, nào tham gia tự vệ chiến đấu, nào đi đào hầm hào, đắp ụ, phá đường, làm vườn không nhà trống, nào phải thực hiện bí mật 3 không: “Không biết, không nghe, không thấy”, rồi giặc Tây mà về đây là anh ta sẽ tình nguyện ôm bom ba càng lao vào xe địch…

Nghe anh ta liến thoắng ba hoa, ni cô thoáng chút nghi ngờ nhưng lại nghĩ: “Đồn bốt địch cách đây hàng mấy cây số, mày có giở quẻ thì khẩu súng nhỏ trong người này sẽ tặng ngay mày vài viên đạn”.

Khi qua làng Vực, hắn trỏ vào chiếc cổng làng cách đó chỉ vài chục thước:

- Các cơ quan  Việt Minh huyện đóng cả trong làng kia, nhà chùa rảo chân qua đoạn đường vòng này là tới, tôi sẽ đưa nhà chùa vào tận nơi.

Vừa qua cổng làng, anh ta quay lại  đóng và chốt cổng đồng thời cười ré lên man rợ, gọi to vọng vào một điếm canh gần đó:

- Bảo an đâu, đưa sư cô Việt Minh vào trong đình.

Bọn Bảo an trong điếm canh nhẩy bổ ra reo ầm ầm :

- Việt Minh! Việt Minh! Ba Th. bắt được Việt Minh chúng mày ơi! 

Ni cô giật mình, đưa tay rút súng chõ về phía bọn bảo an, bóp cò nhưng chỉ cạch cạch mà đạn không nổ. Tên thanh niên từ phía sau ôm ghì chặt ni cô, bọn bảo an xô lại giằng súng trói tay. Chúng sờ nắn khắp người lôi ra một túi tài liệu. Khi lật khăn trùm đầu làm tung ra mớ tóc ngắn ngang vai thì chúng rú lên như bắt được vàng:

- Có súng, giả nhà sư. Đúng thượng cấp Việt Minh đây rồi. Kéo nó về đình rồi đi Cầu Bùi báo cụ P. ngay. Chuyến này Ba Th. vớ to.

Một thằng lên tiếng :

- Thưa ông Lý, hay là ta áp giải  nó lên đồn ngay có hay không ? 

Kẻ có tên là Ba Th. vênh váo vì thành tích của mình:

- Chúng mày ngu thế! Dẫn nó đi đêm bọn nó đánh tháo cho nhau để tao công toi à?

Được tin cấp báo, Bang P. đích thân dẫn một lũ Tây ở bốt Cầu Bùi về tra hỏi ni cô tại đình ngay đêm ấy:

 - Tên mày là gì? Ở đâu? Làm cấp bậc gì ? Tại sao phải đóng giả  nhà sư ? Về đây liên lạc với ai? …

Trước sau cô chỉ trả lời :

- Tao là Việt Minh, tao về đây để tổ chức đánh thực dân Pháp xâm lược và tiêu diệt bọn Việt gian bán nước …

Dụ đỗ mua chuộc không được chúng đánh đập tra tấn, cho bọn Tây đen và mấy tên tề nguỵ làm mọi trò đểu cáng. Cô không ngớt lời chửi bới, dùng răng cắn vào mũi một tên Tây khiến tên này thét lên hoảng hốt, máu chảy đầy mặt.

Gần nửa đêm, giặc đánh đập tra tấn cô đã mỏi tay, chúng để cô ngồi tựa vào tường đình, lũ chỉ huy nghỉ ngơi uống rượu bàn mưu tính kế cùng Bang P. việc tiếp tục hành hạ khai thác.  Cô đảo mắt nhìn quanh, hít thở dài lấy sức rồi bất thình lình vùng dậy dồn hết lực tàn  lao mạnh đầu vào tường gạch cùng tiếng hô đứt đoạn: “Tiêu diệt giặc Pháp, Bác Hồ muôn  năm !”.

Bọn giặc rú lên kinh hoàng. Gần sáng thì cô tắt thở, bọn giặc ngầm sai tay chân lôi xác cô ra đồng vùi vội. Đồng thời chúng ra lệnh cấm cả bọn tiết lộ tin này ra ngoài nhân dân.

Qua điều tra biết đượch sự tình, Bí thư Chi bộ Ngưu Giang cấp tốc về huyện báo cáo. Nghe xong chuyện, đồng chí Mễ, Bí thư Huyện uỷ kêu to:

- Trời ơi ! Đồng chí Ngạn là cán bộ quân khu Tả ngạn phái về bắt liên lạc với huyện ta. Khổ thân đồng chí về đúng lúc địch đang toả ra chiếm đóng, tổ chức các làng hoang mang tan vỡ, bọn tề nguỵ ác ôn trở mặt trả thù, lại hỏi thăm đường đúng vào em tên Lý trưởng đại ác làng Đông… Các đồng chí Ngưu Giang phải tìm mọi cách chuyển nơi chôn cất cho  đồng chí và cố gắng điều tra xem tài liệu bị mất có gì quan trọng không ?

Hoà bình lập lại (1954), Uỷ Ban nhân dân xã Long Hưng chuyển hài cốt cô vào nghĩa trang liệt sĩ. Trên bia mộ hiện nay chỉ ghi vẻn vẹn: “Liệt sĩ  Phạm Thị Ngạn- Hải Phòng” (Hải Phòng là địa chỉ của Quân khu Tả ngạn lúc đó) .

Không ai biết tuổi tác, quê quán và cơ quan chính xác của cô bởi những người biết cô cũng đã hy sinh hoặc đi nơi khác. Hơn 50 năm qua, tuy xã thông báo nhiều lần nhưng không thấy một cơ quan, một thân nhân nào đến hỏi han thăm  viếng. Chỉ còn ít người  của xã Long Hưng hoạt động cùng thời biết rõ cô đã chết như thế nào.

Ngay hồi ấy cứ tối đến khi cổng ngõ đã đóng khoá cẩn thận, một số gia đình đã thắp hương cúng cô và truyền tụng nhau lời khấn nguyện không biết xuất xứ  từ đâu:

“Quỷ sứ Đông thôn bắt con nhà Phật

Trói  đánh  hành hung làm quà nộp giặc.

Ni cô trọn tiết, chung thuỷ vì dân

Về cõi Niết Bàn, còn ôm hờn căm.

Hận  nặng, thù sâu nhắn gửi người sau

Không đội trời chung cùng quân cướp nước

Xin đừng dung tha những phường bán nước !”

Giang Long

 Theo Hưng Yên hằng tháng, số 45 (3/2002)

 

Tin liên quan