KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 18/02/2015 - Lượt xem: 142
Nơi mùa xuân bắt đầu

Và, vẫn từ nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc, đại đức Như Đạo đọc lại cho tôi nghe câu thơ cổ, như một lời chúc: Hải nhật sinh tàn dạ/Giang xuân nhập cựu niên (mặt trời mọc lên trên biển là đêm sẽ tàn lụi, dòng sông xuân ùa vào làm mới mẻ cả ngày tháng cũ). Theo những cánh hải âu rập rờn trên sóng, theo những cánh hoa bàng vuông, theo những mầm non kiêu hãnh vươn lên, mùa xuân đã bắt đầu.

Trường Sa, Hoàng Sa là địa danh thiêng liêng của Tổ quốc, nơi mà tôi hằng ao ước được đặt chân đến. Một lần, khi ở đảo Lý Sơn, quỳ lạy dưới bài vị các vị tiền hiền hậu hiền trong mái đình làng An Hải, tôi đã cầu nguyện được theo dấu chân đội hùng binh triều Nguyễn, là con dân An Hải, An Vĩnh- đi đến nơi các vị đã lấy thân mình làm cột mốc giữa biển khơi. Buổi ấy, bên kè đá trước cửa đình, con sóng tự ngàn xưa cứ dập dềnh như mời gọi và con gió trên rặng phi lao thì như vi vút ngân lên khúc tráng ca. Cũng trong buổi ấy, trong ríu rít cười nói của những thôn nữ thoảng ngang qua trước đình, tôi chợt nhận ra, mắt của những người con gái Lý Sơn thật đẹp, vừa tha thiết, xa xăm mòn mỏi, như đăm đắm dõi nhìn vào biển khơi, như ngân ngấn đợi chờ một sự nhiệm màu của xa xanh cao vút, như là từ xa xưa lịch sử đang quan chiêm chính tôi…

Các bô lão thôn An Hải (huyện đảo Lý Sơn) bàn việc chuẩn bị cho Lễ khao lề  thế lính Hoàng Sa

Không biết là linh nghiệm hay do may mắn, tôi đã được đến nơi mình hằng ao ước. Trường Sa đầy hấp dẫn và bí ẩn dường như vẫn là của ngày nào đội binh phu triều Nguyễn mang theo tờ lệnh vua ban đến trấn ngự và khai thác hải sản. Những buổi tôi đến nơi này, dường như sự cuồng nộ của biển khơi qua ngàn năm đã ẩn sâu trong trong xanh và dịu dàng như mời như đón của những con sóng lăn tăn chỉ đủ để lay động đám rong biển và làm nền cho đàn cá nhỏ tung tăng đùa giỡn. Đảo chìm đảo nổi ngàn năm còn đó như những pháo đài canh giữ biển trời trong sóng nước mênh mang.
Nhưng đó chỉ là cảm giác mơ mộng của sự phấn khích lúc còn ở trên con tàu HQ561. Khi bước lên mỗi đảo, chúng tôi mới thấy hết sự hiện hữu của những hung hiểm đại dương và khắc nghiệt của thời tiết nhiệt đới gió mùa. Sự hiện hữu ấy, không chỉ thể hiện ở những vết sóng hằn trên bờ đá, những dấu vết đổ vỡ của hiện vật, mà nó còn làm những gương mặt cương nghị và rắn rỏi của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thêm chai sạn. Đại úy Dương Văn Bình, quê ở huyện Mỹ Hào, hiện đang làm trợ lý thông tin ở đảo An Bang. Gặp được đồng hương, vồn vã hàn huyên một lúc, anh Bình dẫn tôi lên ngọn hải đăng để có thể quan sát toàn đảo. Ở chóp trên cùng của ngọn đèn biển, nhìn hòn đảo như viên ngọc màu xanh lục biêng biếc giữa trùng khơi thăm thẳm thì ít ai nghĩ rằng, những tán bàng vuông mướt mát kia được mọc từ trên cát trắng mặn mòi và cằn cỗi đá san hô. Anh Bình kể, những trận bão lớn, sóng trùm lên trên tán lá, gió dập vùi cành cội làm cho bao công sức vun trồng chăm sóc của bộ đội, của dân về lại điểm xuất phát. Nhưng chỉ ít ngày sau, dưới sự chăm bẵm “yêu mầm non như mẹ yêu con” của những con người nơi đây, mà đảo nhỏ trở lại màu xanh trù phú như chưa hề có bão tố phong ba.
Một buổi chiều, tôi ngồi nói chuyện với anh Lê Văn Khánh- hiện là Trạm trưởng Trạm hải đăng đảo Trường Sa Lớn, người có thâm niên 20 năm liền công tác ở đảo.  Trong 20 năm ấy, anh Khánh đã đi hầu hết các  đảo trong quần đảo Trường  Sa. Anh kể, ở đảo nổi cuộc sống đã vất vả, ở các đảo chìm, cuộc sống của bộ đội và các lực lượng dân sự còn vất vả  hơn nhiều. Khi đã thực mục sở thị, tôi mới thấu hiểu hơn sự nghiệt ngã của thời tiết mà hằng ngày, hằng giờ chiến sĩ và nhân dân ở đây phải vượt qua. Lên đảo, chạm vào những bức tường, ngoài cảm giác ram ráp thường thấy ở bề mặt bê tông thì tay tôi như sờ vào một lớp bột mịn mà lại dấp dính là lạ. Lớp bột ấy dưới nắng lấp lánh li ti như vụn thủy tinh. “Muối đấy”, ai đó bảo. Không phải là muối của những con sóng ngày bão giông, mà là hơi thở của biển ngày đêm phả vào, sự mặn mòi kết tinh thành muối. Ấy thế nhưng, trên tất cả những nơi tôi đi qua, màu xanh lá dường như là một thứ không bao giờ thiếu. Trên những bê tông, sắt thép, những vườn rau của bộ đội vẫn xanh non, mỡ màng. Ở đây, những thứ sa xỉ cao sang, hào nhoáng dường như không có đất dung dưỡng, tô điểm cho mỗi hòn đảo chỉ đơn giản là rau và cây xanh. Rau và cây xanh cũng chính là vật phẩm mà người lính làm ra để tặng chính mình. Mỗi một khu vườn được che chắn kín đáo, mỗi một chậu, một bồn với những cải, mùng tơi, rền, ớt… như là một niềm hi vọng, một niềm vui bật lên từ mặt biển. Niềm vui ấy, niềm hi vọng ấy, được lính đảo dành hết thời gian sau ca trực chiến chăm sóc, cứ mơn mởn như là sức sống bất diệt của hòn đảo, của quần đảo thiêng liêng. Và, tiếng là những “vườn rau” chứ thực ra, đó là tập hợp độ hai chục chiếc khay, chậu nhựa được cung cấp hay do lính tự chế, đất trồng được công phu mang từ đất liền ra. Vào những ngày gió đông bắc mang hơi nước mặn thổi vào, anh em phải lấy vải, bao bố quây quanh từng chậu, gió mạnh quá phải bê từng chậu vào trong nhà. Nước tưới rau cũng được tận dụng một cách kỳ khu. Nước thải của tắm, giặt, nấu nướng được tích trong các xô chậu để dành và được tưới theo phương pháp tiết kiệm nhất. Vì thế, ở nhiều đảo, khu vực tắm, rửa mặt của bộ đội được làm dốc, lối thoát nước được chảy về một hố để làm nước tưới. Tâm huyết, sáng tạo và kỳ công như thế, nên những đảo chìm đảo nổi trước đây khô khốc đá san hô và cát trắng phơi mình trong nắng gió, qua bàn tay bộ đội và nhân dân, đã xanh mướt mát như nhung như gấm kiêu hãnh khẳng định chủ quyền của Tổ quốc thân yêu.
Có một loài cây được nhiều người từ đất liền đến với quần đảo này muốn tìm hiểu và chiêm ngưỡng là bàng vuông. Ai đó đã ví von rằng bàng vuông là loài cây mang tính biểu tượng của Trường Sa cũng chẳng có gì là quá đáng. Ở đảo, bàng vuông là cây thân gỗ điển hình, che chở cho tầng thực vật phía dưới. Những tán bàng vuông như những cây đa làng, là bóng mát, là người bạn gần gũi khi ở trên đảo và là điểm tựa của nỗi nhớ mỗi khi xa đảo. Đôi khi sự lam lũ phong trần lại là mảnh đất dung dưỡng những gì mãnh liệt, hùng tráng. Người ta bảo rằng, quả bàng vuông hái từ trên cây để ươm rất hiếm khi nảy mầm, nhưng những trái rớt xuống biển, trôi dập dềnh ba chìm bảy nổi, ngày kia bị đánh dạt vào đâu đó, một khe đá san hô hay bãi cát trắng mặn, thì lại vô tư nảy mầm, lừng lững lớn và tỏa bóng. Nhưng, chính loài cây ấy, lại không thể thích nghi được với sự chăm bẵm nâng niu, với lầu son gác tía. Năm trước, thủ trưởng tôi đi Trường Sa, quyến luyến tha thiết với vùng đảo phên dậu này, cố công lắm mới mang về mấy cây bàng vuông, khá công phu chăm bẵm tưới trồng, ấy vậy mà chúng cứ bỏ thủ trưởng tôi mà đi mãi mãi.
Loài cây ấy có thứ hoa đẹp đến mê đắm lòng người.

*

Xuân đang về, hoa bàng vuông trên các đảo Trường Sa lại nở, kiều mị, rực rỡ trong tán lá…
Điện thoại cho tôi, Đại đức Thích Như Đạo, trụ trì chùa Sơn Ca, khoe như thế. Trong tai nghe, tôi thấy dường như văng vẳng tiếng sóng biển. Mùa này biển động, nhất là khi gió mùa đông bắc tràn về. Thứ gió ấy ở đất liền thì hanh hao mà ở giữa trùng trùng sóng biển thì lại đằm đẵm hơi muối mặn. Ở quê tôi, khi gió mùa đông bắc thổi mạnh, cây cối đều bị táp lá người ta gọi là “gió cào”.  Những cơn gió cào này sẽ khiến nhiều chiến sĩ phải mất ăn mất ngủ để gìn giữ những mầm xanh- công việc cũng quan trọng chẳng kém gì sự cơ cảnh trước những rình rập nhòm ngó của kẻ lạ với vùng đảo vùng biển phên dậu chủ quyền phía trùng khơi này.
Và, vẫn từ nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc, đại đức Như Đạo đọc lại cho tôi nghe câu thơ cổ, như một lời chúc: Hải nhật sinh tàn dạ/Giang xuân nhập cựu niên (mặt trời mọc lên trên biển là đêm sẽ tàn lụi, dòng sông xuân ùa vào làm mới mẻ cả ngày tháng cũ). Theo những cánh hải âu rập rờn trên sóng, theo những cánh hoa bàng vuông, theo những mầm non kiêu hãnh vươn lên, mùa xuân đã bắt đầu.

Phạm Minh Hoàng

Tin liên quan