KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 04/05/2021 - Lượt xem: 280
NÓI THÊM VỀ HAI BẢO VẬT QUỐC GIA Ở CHÙA HƯƠNG LÃNG

Chùa Hương Lãng, còn gọi là chùa Lạng, có tên chữ là Viên Giác tự hay Thạch Quang tự, tọa lạc tại xóm Chùa, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm. Theo truyền ngôn, chùa Hương Lãng do Thái hậu Ỷ Lan xây dựng. Truyện kể rằng, sau khi lên ngôi Thái Hậu, để khuyến khích nhân dân làm việc thiện và cầu siêu cho 72 cung nữ của Hoàng hậu Thượng Dương bị chết oan, Ỷ Lan đã cho xây 72 ngôi chùa trên đất Kinh Bắc.

Dù hiện tại chùa Hương Lãng đã cơ bản khác xưa, nhưng dựa vào các hiện vật và nền móng cũ còn sót lại, có thể hình dung được quy mô và mặt bằng kiến trúc chùa khi được xây dựng. Qua khảo sát, có thể khu vực nội tự của chùa rộng gần 40.000m2, chiều dọc (hướng Bắc – Nam) có độ dài 345m, chiều ngang (hướng Đông – Tây) có độ dài 115m. “Nội tự” bao gồm cả ruộng, gò bãi, hồ ao và trung tâm là khu vực chùa chính. Phía trước chùa, sát tam quan có sông Lạng, rất thuận tiện cho du khách thăm chùa lễ Phật. Khu tam quan có bề rộng 15m và sâu vào 7,5m, có nền cao, bậc tam cấp có 6 con sấu đá tạo thành 3 cặp thành bậc cửa. Qua khu tam quan có thành bậc đi xuống ao chùa với hai gò đất xưa là nền của kiến trúc, cao từ 5m đến 7m và rộng chừng 400m2. Từ tam quan, đi sâu vào phía trong khoảng 84m nữa sẽ tới sát nền thượng điện có tượng sư tử đá đội tòa sen. Khu thượng điện gần vuông (mặt trước hơn 23m và mặt bên hơn 20m), trong đó lại thu vào cũng gần vuông (mỗi chiều khoảng 18m). Khu trong cao hơn khu ngoài, bốn mặt đều có cửa mở về bốn hướng. Với cấu trúc này, dễ dàng để Phật tử đi xung quanh lễ Phật ngự trên tòa sen do sư tử đội giữa thượng điện. Tuy nhiên, cùng cần nói luôn rằng mặt bằng trên đây, chỉ là giả định của riêng tác giả bài viết này.

Nền thượng điện xưa với bệ tượng sư tử đá và các lối lên có thành bậc sấu đá (ảnh Internet)

Qua hàng nghìn năm, qua các cuộc chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, các hiện vật tại chùa Hương Lãng đã bị mai một nhiều, nhưng với các giá trị lịch sử- văn hóa độc đáo, từ lâu, chùa vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà nghiên cứu và du khách. Mới đây, hai hiện vật của chùa Hương Lãng đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia, đó là Tượng sư tử đá (được công nhân theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và Hệ thống thành bậc đá (được công nhân theo Quyết định số 2883/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

1. Sư tử đá.

Trong văn hóa viễn cổ Trung Hoa, sư tử xuất hiện khoảng thế kỷ I, lần đầu tiên được ghi trong sách Hậu Hán thư. Sư tử là con vật có nguồn gốc từ Tây Vực (các nước phía tây Trung Quốc). Dấu vết ngôn ngữ danh xưng "sư tử" trong tiếng Bengali và Nepali là "sinha", tiếng Hindi gọi là "sera", tiếng Ba Tư gọi "urdu", tiếng Hán hiện đại gọi là "shizi", hoặc giản lược là "shi", tức chữ "sư" trong âm Hán Việt. Âm "zi" là chữ "tử". Sư tử được coi là vua trong vương quốc động vật. Châu Á và Việt Nam, không là nơi sinh sống của sư tử, tuy nhiên hình tượng về con vật này được phổ biến rộng rãi với biểu trưng là sức mạnh và hùng tâm. Trong văn hóa Trung Hoa, Sư tử có địa vị quan trọng: Biểu trưng cho điều tốt đẹp, đại diện pháp lực, giữ vị trí hộ pháp cho Phật giáo. Người Hán tiếp nhận sư tử một biểu tượng văn hóa ngoại lai mang giá trị totem giáo. Đạo giáo Trung Hoa biến sư tử thành bùa trấn trạch, cho sư tử xuất hiện cặp đôi trước cổng linh điện: một đực, một cái mang ý nghĩa tôn ty (nam tôn nữ ty): nam tay trái, nữ tay phải.

Trong đạo Phật, sư tử là hiện thân của bát nhã, tức là trí tuệ minh triết thiêng liêng, trong sáng, đẹp đẽ, đầy chất huyền linh. Nó cũng là hiện thân của sức mạnh tầng trên, là sự hội tụ của dòng siêu lực tiềm ẩn, là hiện thân của sự vận động và tĩnh tịch. Tiếng hống của sư tử được nhắc đến rất nhiều trong kinh tạng, tượng trưng cho “Âm vang đạo pháp”. Kinh Phật dùng hình tượng này để chỉ âm thanh thuyết pháp của Đức Phật. Như tiếng gầm của sư tử chúa, không sợ hãi bất cứ loài thú nào và còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ mà nhiếp phục, khi đức Phật thuyết pháp, hàng Bồ tát, Thanh văn đều phát tâm cầu đạo Bồ đề, còn ngoại đạo và ác ma thì kính phục, sợ hãi.

Cùng với đạo Phật, hình tượng sư tử vào Việt Nam qua hai con đường chính: từ phía bắc và từ Ấn Độ sang. Tuy vậy, dấu vết sư tử xuất hiện trong các tác phẩm trong mỹ thuật ở nước ta chỉ thấy sớm nhất từ thời Lý. Đó là các bộ tượng sư tử đá ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Thầy, chùa Hoàng Xá, chùa Chèo, chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa Hương Lãng (Hưng Yên)…

Đôi sư tử đá chùa Bà Tấm (ảnh: tác giả)

Được coi là công trình điêu khắc tiêu biểu mang đặc trưng phong cách của điêu khắc thời Lý, sư tử đá chùa bà Tấm (đền thờ Ỷ Lan, Gia Lâm, Hà Nội) và sư tử đá chùa Hương Lãng có sự tương đồng khá lớn, cả về bố cục, nội dung và kỹ thuật thể hiện. Ở chùa Bà Tấm là một đôi sư tử, chỉ chạm phần đầu nhưng cũng cho thấy sự đồ sộ khi đôi sư tử này ở tư thế phủ phục nhưng vẫn cao hơn 100cm. Đường nét chạm uyển chuyển, mềm mại, tạo hình đôi sử tử đang ngậm ngọc báu.

Sấu đá chùa Bà Tấm (ảnh: tác giả)

Sư tử đá chùa Hương Lãng được đặt trên gò cao là nền của Thượng điện xưa. Tượng cao 175 cm, dài 420cm, rộng 350cm, được chạm kỹ phần đầu và phần đuôi, còn khoảng thân ở giữa để trơn. Từ khối đá to cứng, bằng những nét chạm vững vàng, người nghệ sĩ xưa đã tạo ra một hình nghệ thuật bề thế, oai hùng, mang rõ dấu vết của tính dũng cảm và sức mạnh. Ở tư thế đội tòa sen, sư tử nằm phủ phục áp sát đất, hai bàn chân trước đặt lên hai quả cầu nhỏ, miệng mở vừa phải (hiện nay tượng đã bị sứt mất môi dưới và cằm), mũi chun lại, cặp mắt linh lợi khá lớn ẩn dưới hàng lông mày rậm, giữa trán nổi lên bông hoa tròn nhiều cánh như hoa cúc, biểu trưng của mặt trời, tiếp theo phía trên còn nhô lên một biển nhỏ chữ VƯƠNG như khẳng định con vật này là chúa tể rừng xanh. Bộ lông phía chi trước sư tử được cách điệu bằng hoa văn dấu hỏi đan xen nhau (mà theo GS Từ Chi trong “Hoa văn cạp váy Mường” thì văn hình dấu hỏi thường được quy cho là hình tượng mặt trời hay tinh tú). Phần bụng tượng không có chạm trổ, được chuốt rất trơn, phẳng. Phần cuối được tạc cầu kỳ, cẩn thận: Hai chân sư tử gấp lại bám đất, đuôi dựng lên áp sát mông thành hình dấu hỏi xoắn tròn (hình số ô- mê- ga) chặt chẽ với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà. Trên lưng sư tử có tấm đệm phủ xuống như hình cái khánh, mép đệm được treo xen kẽ quả lục - lạc (nhạc) và gù tua. Ở phía cuối tượng, cũng có hoa văn vặn thừng từ hai bên mông võng xuống dưới đuôi, treo lục lạc và gù tua “chứa đựng ở đấy nguồn sinh lực vô biên của trời đất”[1]. Ở cả hai phần đầu và mông sư tử đều được chạm cẩn thận, ngoài những túm lông cuộn móc ken dầy ở vai, hai bên má và mông còn điểm nhiều bông hoa nhiều cánh khá to, lông đuôi được chải rất mượt, những gù tua tỉa tót từng sợi. Bằng tài hoa của mình, nghệ sĩ thời Lý đã tạo được một khối tượng căng tròn và rất linh động, cách điệu bằng các đường lượn nhấn mạnh, sâu. Đường nét đặc biệt mềm mại và uyển chuyển, các chi tiết được diễn tả rất sắc sảo và nhuần nhị, toàn thể sinh động như một con vật sống thực. Các cấu trúc trang trí đã biến hình tượng từ tả thực sang phía tượng trưng một cách triệt để.

Sư tử đá chùa Hương Lãng (đồ họa: vr3d.vn)

Sư tử đá chùa Hương Lãng (đồ họa: vr3d.vn)

Tượng sư tử chùa Hương Lãng, cũng như các tượng sư tử thời Lý khác, còn có những cách gọi khác nhau. Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, Giáo sư Trần Lâm Biền gọi các con vật này là con lân bởi sự cách điệu cao của nó. “Trong bất kỳ trường hợp nào, lân cũng vượt ra ngoài ý nghĩa của một con vật bình thường, được cường điệu hóa và người ta thường gắn cho nó những ý nghĩa “vũ trụ” để chở tâm tưởng của thời đại bay theo ước vọng”[2]. Cùng quan điểm với Giáo sư Trần Lâm Biền, Phó giáo sư Đinh Hồng Hải cũng mặc định những con sư tử này trong “bộ” lân, với các hình thức như lân, nghê, ly: “Mặc dù có vị trí chính thức trong bộ tứ linh nhưng với danh phận và “thân phận” không được rõ ràng, biểu tượng con lân trở lên hết sức mơ hồ. Chính sự mơ hồ này đã khiến biểu tượng con lân trở nên hết sức đa dạng ở cách biểu hiện”[3]. Còn với dân gian, hình tượng sư tử được gọi với một cái tên khá dung dị: Ông Sấm. Có thể, trong tâm thức dân gian, do chưa bao giờ được thực mục sở thị con sư tử, chỉ nghe qua mô tả của những người biết chữ đọc lại, tiếng gầm của sư tử rất to, như tiếng sấm, nên đã đặt cho sư tử cái tên tượng thanh như vậy. Mặt khác, trong niềm tin dân gian, “Ông Sấm” có thể thu hết tinh túy của vũ trụ, gầm vang như sấm động, mắt sáng ánh chớp, vừa biểu thị sự cầu mong mưa thuận gió hòa cho sự phát triển của nền kinh tế nước, vừa biểu thị sức mạnh của Đức Phật ngồi trên tòa sen.

2. Thành bậc đá

Cùng với bệ tượng sư tử, hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng cũng được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là hệ thống bao gồm 6 thành bậc chạm khắc hình sấu đá quay đầu ra phía trước tạo thành 3 lối vào chùa, mỗi lối vào có 1 cặp thành bậc 2 bên (khi trùng tu lại như hiện nay, tòa Tiền đường xây ngay sát sau hệ thống thành bậc đá này đã làm khác đi các lối vào chùa ban đầu). Tuy vậy, nếu như bệ tượng chạm hình sư tử có nhiều phiên bản để đối sánh như ở chùa Bà Tấm, chùa Phật Tích, chùa Thầy, chùa Hoàng Xá, chùa Chèo (dù bệ tượng hình sư tử ở chùa Thầy, chùa Chèo và chùa Hoàng Xá có chiều cao nhỏ hơn, chỉ khoảng 40cm), thì hệ thống thành bậc đá thời Lý giống như ở chùa Hương Lãng hiếm hoi hơn. Hiện nay, chỉ có thể tìm thấy ba hệ thống như thế, đó là ở chùa Hương Lãng, chùa bà Tấm và trong công viên Bách Thảo (đã được đưa về Viện bảo tàng lịch sử).

Có thể nói, bệ tượng đá chùa Hương Lãng là tổ hợp các đồ án điêu khắc, trang trí tiêu biểu của mỹ thuật thời Lý. Nó bao gồm phần tượng tròn (con sấu) và phần phù điêu (chim phượng và hoa văn sóng nước).  

Con sấu trên thành bậc cửa chùa Hương Lãng được chạm nổi, bò theo hướng từ trên xuống. Cũng như ở thành bậc cửa chùa Bà Tấm, qua biến thiên của lịch sử, con sấu này đã bị vỡ mất phần đầu và mờ mất những nét chạm tinh xảo nhất. Thật may, khiếm khuyết vô cùng đáng tiếc ấy được bù lại bằng con sấu có hình dạng và kích thước đồng nhất được tìm thấy tại Công viên Bách Thảo (Hà Nội). Nhờ bị vùi trong lòng đất mà đường nét chạm khắc trên con sấu (và cả bậc thềm) vẫn còn như nguyên vẹn. Con vật rất sinh động từng chi tiết như đều rung lên nhịp nhàng. Chiêm ngưỡng nó, ta như cảm nhận được sức sống của da thịt, của sự linh động về cơ bắp trên pho tượng đá. Cũng từ con sấu này, ta có thể hình dung trọn vẹn con sấu ở chùa Hương Lãng: Đó là một dạng thức khác của hình tượng sư tử với đầu và mình sư tử, đuôi dài và bông như đuôi sóc. Cho đến nay, hầu như các nhà khoa học thống nhất với nhau rằng, trong hệ thống hoa văn, điêu khắc, biểu tượng Việt, kỳ lân (nghê, ly, sấu) là một hiện tượng du nhập. Dẫn lại K. Ball, theo tác giả Nguyễn Du Chi ở Hoa Văn Việt Nam thì “trong sách cổ Trung Hoa mô tả kỳ lân có dạng đầu của rồng, mình và chân của hươu, bờm và đuôi của sư tử. Kỳ lân có một hoặc hai sừng nhưng mềm như thịt chứ không cứng như các loài vật có móng khác. Thân kỳ lân có vẩy và có nhiều tia lửa bay ra từ vai và khuỷu chân. Một số nơi trên thân có những đám lông thay vẩy”[4]. Là một biến thể của con lân huyền thoại và mang cái tên khá thuần Việt và dân dã chứ không ra vẻ “cành vàng lá ngọc” như “lân, ly…”, con Sấu gợi nhớ cho ta đến một sinh vật có thật khác cũng không có ở các nước phương Bắc: con cá sấu. Theo một khái niệm được dẫn giải từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945,  Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức, con Sấu được hiểu là: “Con vật người ta tưởng tượng ra mà đắp ở trên cột trụ hoặc trước cửa đình, cửa đền”. Về mặt ngôn ngữ, ra vẻ rằng cái tên “sấu” là từ “cá sấu” mà ra có vẻ ổn. Nhưng lại có một cách giải thích ổn hơn. Đó là cách gọi của dân gian về con sử tử: “sấm”. khi đọc trại đi, nó thành “sấu”. 

 

Một thành bậc cửa chùa Hương Lãng (ảnh dantri.com.vn)

Phần điêu khắc chạm nổi (phù điêu) của thành bậc cửa chùa Hương Lãng cũng khá độc đáo. Phần chính của bức phù điêu là con chim chạm nổi ở mặt ngoài. Đó là loại chim chân mảnh và cao, mỏ quắp, đuôi dài, có người gọi là chim phượng. Chim có mỏ to, dài, quặp, phía trên và dưới mỏ có mào hình lá đề thiêng. Ở đầu, cổ, khuỷu chân chim có bờm tóc hình đao lửa như ở hình tượng rồng cùng thời. Chim đang co chân phải lên, chân trái đậu trên một bông hoa sen nở rộ, hai cánh xòe rộng như đang nhịp nhàng quạt gió. Bộ lông được nghệ sỹ xưa khá chau chuốt, chạy rất mượt, đuôi uốn sóng mịn màng và óng chuốt, lượn thoăn thoắt như kiểu uốn lượn của con rồng cùng thời. Chính giữa dải đuôi, là hệ thống hoa văn vạch chéo và hoa văn hình dấu hỏi. Để làm nền và tôn lên hình mẫu chính là con chim, xung quanh được khắc họa những viên ngọc tròn, nổi khối và cá hình hoa văn chữ S. Các dạng hoa văn vân xoắn, đao lửa, hoa văn chữ S và hoa văn dấu hỏi đều mang ý nghĩa biểu trưng cao độ của điêu khắc thời Lý. Trong khi vân xoắn và đao lửa là biểu tượng của sấm và ánh sáng, thì văn hình dấu hỏi hình tượng mặt trời hay tinh tú. Có thể thấy tổng thể của đồ án trang trí này là con chim thiêng đứng giữa không gian vũ trụ mà ở đó có các vì tinh tú, có mặt trời và có mây, mưa, sấm chớp…

Bao quanh đồ án điêu khắc hình chim với các hình điêu khắc mang nhiều biểu tượng làm khung hình bao quanh với một số đồ án trang trí cũng khá phổ biến lúc đương thời. Đó là hình tượng hoa cúc dây theo dạng chữ S, tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, tính kiên trinh và bền bỉ lâu tàn trước thời gian, thời tiết… Phía dưới chân chim, là dải hình tượng sóng nước được cách điệu cao. Người nghệ sỹ xưa với kỹ thuật rất khéo léo, điêu luyện, đã tạo ra các đường nét điêu khắc vừa chắc khỏe vừa thanh thoát, thoải mái và bay bướm. Dù là chạm khắc trên đá, nhưng các đồ án trang trí trên thành bậc cửa vẫn tạo ra cảm giác phóng túng, phiêu diêu như những nét vẽ bằng bút lông trên nền giấy xuyến chỉ.

*

Với hai hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, chùa Hương Lãng đã trở thành một địa điểm điển hình cho việc nghiên cứu, chiêm bái các công trình mỹ thuật thời Lý. Từ đó, góp phần tham chiếu các tri thức về một thời hoàng kim của văn hóa Đại Việt. Hy vọng rằng, khi có điều kiện, chúng ta sẽ tiếp tục khai quật, tìm kiếm trong khuôn viên chùa và khu vực lân cận để tìm thêm các di vật khác, nhằm làm phong phú thêm bức tranh toàn cảnh về một ngôi chùa lớn được xây dựng từ thế kỷ XI và tái hiện lại nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Phật giáo huy hoàng của dân tộc.

Phạm Minh Hoàng

[1] Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, H.2011, tr.161.

[2] Trần Lâm Biền, Sđ d, tr.157

[3] Đinh Hồng Hải, Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Trí thức, H.2012, tr.22.

[4] Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, H.2010, tr 144

 

Tin liên quan