Dư luận xã hội là tập hợp ý kiến của các cá nhân, biểu thị trạng thái ý thức xã hội của cộng đồng người nào đó, là sự phán xét đánh giá của cộng đồng người ấy đối với các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ trong một thời điểm nhất định.
Tin đồn là những thông tin được lan truyền từ người này qua người khác chủ yếu bằng truyền miệng. Ngoài cách truyền tin bằng miệng là chủ yếu, tin đồn còn lan truyền bằng thư, fax, tin nhắn… tin đồn là sản phẩm tâm lý xã hội, nó phụ thuộc nhiều vào trạng thái tâm lý của cá nhân người tiếp nhận và đưa tin. Tin đồn thường xuất hiện ở những nơi công tác thông tin kém. Do không có thông tin đầy đủ, do tính tò mò, người ta thường hay nghe tin đồn. Khi tin đồn lan truyền thì thông tin chính thức sẽ kém hiệu lực.
Giữa dư luận xã hội và tin đồn có sự giống nhau tương đối như sau: Đều là những kết cấu tinh thần, tâm lý đặc trưng cho những nhóm xã hội nhất định. Trong cấu trúc của chúng đều có cả thành phần trí tuệ lẫn cảm xúc và ý chí; có vẻ chung nguồn gốc. Từ một sự việc, sự kiện ban đầu có liên quan đến lợi ích, cảm xúc của một số người được tổ chức lại theo những quy luật tâm lý – xã hội nhất định. Các yếu tố như nhu cầu, lợi ích của cá nhân, nhóm xã hội, giai cấp chi phối rất mạnh mẽ quá trình hình thành dư luận xã hội và tin đồn; đều lan truyền nhanh và dễ biến dạng. Trên thực tế, có một số tin đồn được chuyển thành dư luận xã hội.
Dư luận xã hội và tin đồn có những khác nhau căn bản dựa theo các tiêu chí: về nguồn gốc, về cơ chế hình thành, về phương thức lan truyền, về bản chất.
Về nguồn gốc: Tin đồn xuất phát từ sự kiện có thật bị làm méo mó đi, thật một phần hoặc hoàn toàn do chủ thể truyền tin bịa đặt, tưởng tượng ra, mức độ sự thật rất ít. Dư luận xã hội xuất phát từ sự kiện có thật, mức độ sự thật nhiều hơn.
Về cơ chế hình thành: Tin đồn bị nhào lặn hoặc bị bóp méo bởi khuynh hướng cá nhân người truyền tin, mang nặng màu sắc chủ quan của chủ thể truyền tin. Dư luận xã hội được hình thành thông qua giao tiếp, trao đổi, tranh luận giữa các cá nhân trong cộng đồng. Quan điểm cá nhân chỉ là một ý kiến trong ý kiến chung.
Về phương thức lan truyền: Tin đồn truyền đi bằng miệng là chính, theo con đường không chính thức, bí mật, ngầm ẩn. Dư luân xã hội lan truyền bằng lời nói và chữ viết, chính thức và không chính thức, công khai và bí mật.
Về bản chất: Tin đồn chỉ là thông tin đơn thuần về sự việc, hiện tượng theo lối mô tả, kể lại, chứa đựng nhiều thiên kiến. Dư luận xã hội là sự phán xét đánh giá biểu thị thái độ đồng tình hay phản đối của cộng đồng đối với sự kiện, hiện tượng./.
Trần Năng