Thực tế các vụ việc, “đại án” vừa qua cho thấy, bên cạnh những cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và uy tín thì cũng còn một số cán bộ thiếu gương mẫu, uy tín thấp, có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thậm chí có hành vi tham nhũng, lãng phí, bị xử lý kỷ luật gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng. Do vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần làm tốt công tác nhân sự cấp chiến lược cho Đại hội XIV của Đảng.
Thực trạng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, giữ vững bản lĩnh chính trị của cán bộ cấp chiến lược để củng cố niềm tin của nhân dân, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng trong thời gian qua
Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ(1). Theo đánh giá của Văn kiện Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” thì những kết quả đạt được và ưu điểm là: Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín. Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện(2).
Các đồng chí là cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV khảo sát thực tế tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam)_Ảnh: petrovietnam.petrotimes.vn
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc xử lý kỷ luật nghiêm đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác”(3).
Tuy nhiên, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, nói không đi đôi với làm, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể; đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, tham nhũng, tiêu cực; có quan hệ kinh tế với các doanh nghiệp, sa vào “lợi ích nhóm”.
Tham nhũng là vấn nạn nhức nhối hiện nay, xuất hiện với nhiều hình thức mới, như tham nhũng chính sách, tham nhũng đất đai, tham nhũng trong công tác cán bộ.., thường gắn với người có chức, có quyền, trong đó có cả một số cán bộ cấp chiến lược. Tham nhũng làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây ra những nguy cơ tiềm ẩn, xung đột, làm mất ổn định kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, phương hại tới sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng nói chung và trong đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng đang là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay, đồng thời cũng là một nhiệm vụ rất khó khăn, đầy cam go, phức tạp.
Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp chiến lược, suy thoái về tư tưởng chính trị, vướng vào tham nhũng, tiêu cực có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách để trục lợi. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. “Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự”(4).
Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn, nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Một số cán bộ còn tư tưởng “hữu danh”, thậm chí sẵn sàng đánh mất cả danh dự, liêm sỉ nhằm đạt được danh vị, chức tước bằng mọi giá trong khi năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức hạn chế, gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực.
Mặt trái của kinh tế thị trường, sự cấu kết của lãnh đạo doanh nghiệp với một số cán bộ cấp chiến lược nhằm “hướng lái” chính sách để trục lợi qua một số vụ việc, “đại án” nổi cộm thời gian qua cho thấy thực trạng đáng suy ngẫm trong công tác cán bộ nói chung. Đây là một thực tế không thể xem thường, gây dư luận tiêu cực và tác động không nhỏ tới tâm lý, tư tưởng của đảng viên và nhân dân, cần có cơ chế, biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Những sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ cấp chiến lược chính là “mảnh đất màu mỡ”, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị được đà thổi phồng, khoét sâu để hạ thấp uy tín, thanh danh của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, gây chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự nói chung, công tác quy hoạch cán bộ Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV sắp tới nói riêng.
Một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện để phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ cấp chiến lược, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng trong thời gian tới
Thứ nhất, phát huy vai trò của hệ thống chính trị và nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm tốt công tác nhân sự cấp chiến lược cho Đại hội XIV, để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thực tế cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là một trong những nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm, sai lầm, vi phạm pháp luật, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các tổ chức, lực lượng và cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều biện pháp quyết liệt đồng bộ, theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung thực hiện hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.
Đặc biệt, cần chú trọng làm tốt công tác nhân sự cấp chiến lược cho Đại hội XIV của Đảng; ở đây, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có một trong các khuyết điểm sau: 1- Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; 2- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; 3- Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị; 4- Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút; 5- Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; 6- Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”(5).
Để thực hiện hiệu quả yêu cầu này thì phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc. Ở đây, cần quán triệt yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”(6).
Thứ hai, đưa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào chiều sâu - Một trong những biện pháp quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Chú trọng tăng cường các biện pháp quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đề cao tinh thần đấu tranh với hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tự phê bình và phê bình; chấp hành nghiêm quy định của công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, báo chí và toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đối với cán bộ cấp chiến lược.
Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, tập trung vào lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng quán triệt quy định của Đảng, Nhà nước và nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”(7) của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đến cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, phải có ý thức chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Phải quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của bất kỳ ai”(8).
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trò chuyện với công dân tại buổi tiếp công dân thường kỳ_Ảnh: Tư liệu
Thứ ba, thực hành đạo đức cách mạng, giữ vững tính tiên phong, gương mẫu của mỗi tổ chức đảng và đảng viên; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, đi ngược lại các giá trị đạo đức cách mạng, như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ... trong đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “chủ nghĩa cá nhân” là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, vì nó đẻ ra hàng trăm thứ “bệnh” nguy hiểm, như đặc quyền, đặc lợi, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, hẹp hòi, cục bộ... Người luôn yêu cầu cán bộ cách mạng có đức và tài, trong đó “đạo đức là gốc”. Do vậy, hơn ai hết, cán bộ cấp chiến lược càng phải luôn coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị để mỗi người biết liêm sỉ, trọng danh dự, hình thành phương thức làm chủ bản thân; cảnh giác và kiểm soát ham muốn vật chất và tham vọng quyền lực, không một phút lơi là trước mọi cám dỗ; phòng ngừa nguy cơ buông thả, không đủ ý chí vượt qua trước “ma lực” của tiền tài, quyền lực, danh vọng.
Cán bộ cấp chiến lược phải thường xuyên rèn luyện, nêu gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chấp hành nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm” và phải là người có ý thức cao trong thực hành đạo đức cách mạng, đặc biệt là quán triệt sâu sắc nội dung trong Quy định số 144-QĐ/TW, do Bộ Chính trị mới ban hành ngày 9-5-2024, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, bao gồm 5 nhóm chuẩn mực chính yếu: 1- Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; 2- Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; 3- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; 4- Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; 5- Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Theo đó, với tư cách, vị thế là “tinh hoa của Đảng” thì hơn ai hết, cán bộ cấp chiến lược lại càng phải có sự tự nhận thức rất cao về trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân, đi đầu nêu gương trong hành động, thực thi các chuẩn mực này. Trong mọi hành động, cán bộ cấp chiến lược phải luôn quán triệt và là tấm gương mẫu mực về thực thi những chuẩn mực đạo đức cốt lõi, đó là: 1- Luôn luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân; 2- Có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Đi đầu thực hiện dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân; 3- Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng; 4- Là trung tâm đoàn kết, sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ; 5- Khiêm tốn, cầu thị, giản dị; đi đầu thực hiện tinh thần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác.
Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ là kẻ thù phá hoại Đảng từ bên trong, đi ngược lại các quan niệm đúng đắn và chân chính về hạnh phúc của những người cộng sản. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ cấp chiến lược trước hết là nhận diện rõ mức độ nguy hiểm và tác động đa chiều, sâu rộng của các tư tưởng này trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh một cách hiệu quả thông qua các phương thức, công cụ đa dạng; kiên quyết đấu tranh trên cả địa hạt tư tưởng - lý luận và trong thực tiễn đời sống hằng ngày, đặc biệt là vạch trần bản chất, làm rõ nguồn gốc lý luận, cơ sở kinh tế - xã hội, tâm lý - văn hóa của các quan điểm, tư tưởng này để đấu tranh hiệu quả.
Thứ tư, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, kiên quyết giữ nghiêm kỷ luật đảng, xử lý cán bộ cấp chiến lược khi có sai phạm, theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Rõ ràng là, nếu chỉ dựa vào sự tự tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng của từng đảng viên thôi thì mới chỉ là đúng, nhưng chưa đủ, mà Đảng cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm minh kỷ luật đảng, loại trừ thẳng tay những “con sâu làm rầu nồi canh”, giữ vững kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thì mới có đủ sức thuyết phục, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và mới có được sự ủng hộ rộng rãi, nhiệt thành của các tầng lớp nhân dân, mới giữ được uy tín, thanh danh của mình. Đảng viên mắc “bệnh” quan liêu, mệnh lệnh, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, tiêu cực, hống hách, xa rời nhân dân thì sẽ chỉ làm Đảng bị suy yếu và có thể gây ra tổn thất không lường được đối với vận mệnh, sự phát triển của dân tộc và đất nước. Vì vậy, Đảng cần tăng cường kiểm soát quyền lực, tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại bỏ tất cả đảng viên biến chất ấy ra khỏi đội ngũ để làm trong sạch Đảng; thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm”(9). Cán bộ cấp chiến lược, dù có giữ trọng trách, cương vị cao đến đâu, nhưng một khi đã vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, làm tổn thương tới niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng thì phải bị xử lý thật nghiêm khắc và nghiêm minh, không thể có “vùng cấm” và cũng không thể có bất kỳ một “ngoại lệ” nào.
Thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, tăng cường tính nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, tính thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước. Cần quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Đảng, nhất là Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Quy định số 114-QĐ/TW đề cập đến ba nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, đó là nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền và nhóm các hành vi tiêu cực khác; đồng thời, nhấn mạnh đến việc cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành cụ thể(10).
Thứ năm, xây dựng, hoàn thiện văn hóa từ chức trong Đảng, để cán bộ cấp chiến lược khi tự nhận thấy mình không còn đủ uy tín, năng lực thì gương mẫu thực hiện văn hóa từ chức để giữ gìn danh dự của bản thân và bảo vệ uy tín, thanh danh của Đảng.
Văn hóa từ chức là một phương diện của văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử dựa trên lương tâm và trách nhiệm. Văn hóa từ chức cho thấy sự hiểu biết về bổn phận và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ; là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực nhất thể hiện một nhà lãnh đạo liêm chính, trọng danh dự và dám chịu trách nhiệm. Khi cán bộ cảm thấy mình không đủ uy tín, năng lực để đảm nhận nhiệm vụ, mà xin từ chức thì chính là phản ánh một nền chính trị vì dân dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo thực sự tâm huyết và đầy bản lĩnh.
Đặc biệt, vấn đề này được đề cập trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nghị quyết số 26-NQ/TW nhấn mạnh vấn đề xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ(11). Điểm mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là, thực hiện chủ trương của Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cấp cao, khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách; trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, trong đó có cán bộ cấp chiến lược. Khi cán bộ cấp chiến lược tự thấy mình không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin tưởng giao phó và thực hiện văn hóa từ chức thì cũng chính là để gìn giữ danh dự bản thân và đồng thời, góp phần bảo vệ uy tín, thanh danh của Đảng trước nhân dân.
***
Là đội ngũ cán bộ “rường cột” của quốc gia nên việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, có liên quan trực tiếp tới vận mệnh của đất nước, sự sống còn của Đảng và chế độ. Chính vì vậy, cả lý luận và thực tiễn đều đang đặt ra nhiệm vụ cấp thiết, yêu cầu rất cao đối với công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Công tác này đòi hỏi được tiến hành một cách thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả, hướng tới mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(12) trong bối cảnh phát triển mới. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ cấp chiến lược phải thường xuyên nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng và nhân dân, trước Tổ quốc và dân tộc; trong mọi suy nghĩ và hành động đều phải “tự phản tư” về nghĩa vụ, bổn phận trong thực hiện nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, đặt lợi ích của tối cao của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết. Được như vậy thì sẽ góp phần to lớn củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng và danh dự của bản thân. Khi đó, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sẽ có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đất nước phát triển nhanh, bền vững, dân tộc ta trường tồn, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để vững bước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”./.
Nguồn:https://www.tapchicongsan.org.vn
------------------
(1) Như: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, của Bộ Chính trị, về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27-12-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác quy hoạch cán bộ”; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”; Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27-10-2023, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”...
(2) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr. 45
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 174 - 175
(4) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 1.034 (3-2024), tr. 5
(5), (6) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, Tlđd, tr. 8, 10
(7) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023
(8) Nguyễn Phú Trọng: “Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc trọng trách, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tạp chí Cộng sản, số 1.017 (7-2023), tr. 12
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 417
(10) Các ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
(11) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr. 65 - 66
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 187