MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 22/02/2025 - Lượt xem: 10
Phát triển internet an toàn, bền vững

Sau 27 năm kết nối toàn cầu, internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Với chiến lược, chương trình hành động thiết thực và hiệu quả, Việt Nam luôn đi đầu trong chuyển đổi internet sang thế hệ IPv6 (hiện đạt tỷ lệ 65,5%), nằm trong Top 7 quốc gia cao nhất toàn cầu, vượt hai bậc so với năm 2023.

Kỹ thuật viên VNPT lắp đặt mạng internet cho khách hàng hộ gia đình.

Năm 2024 ghi nhận dấu mốc 30 năm tên miền quốc gia “.vn” hiện diện chính thức, thể hiện chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đến nay, số lượng tên miền “.vn” đã đạt khoảng 630 nghìn, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 10 châu Á-Thái Bình Dương và thứ 40 toàn cầu.

Rộng lớn hơn, an toàn hơn

Từ thời điểm chính thức kết nối internet toàn cầu năm 1997, internet Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, tốc độ, bảo mật và khả năng đáp ứng nhu cầu người sử dụng, trở thành yếu tố thiết yếu, tích hợp vào mọi mặt đời sống xã hội. Internet cũng là hạ tầng quan trọng của chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho biết: Số lượng người dùng internet tại Việt Nam được dự báo sẽ liên tục tăng trong giai đoạn 2024-2029, ước tính sẽ đạt hơn 100 triệu người dùng vào năm 2029. Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google-Temasek công bố gần đây, ước tính quy mô nền kinh tế internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, tăng 16% so với năm 2023.

Thống kê từ hệ thống i-Speed do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) xây dựng cho thấy, tốc độ internet Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Năm 2024, mạng băng rộng cố định Việt Nam đạt tốc độ tải xuống trung bình hơn 93 Mbps, mạng băng rộng di động đạt gần 63 Mbps. Từ tháng 7/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu công bố tốc độ truy cập internet theo từng địa phương, theo từng nhà mạng đến từng quận/huyện, xã/phường trên hệ thống đo tốc độ internet i-Speed.

Hoạt động này nhằm mục đích nâng cao tính công khai, minh bạch, lợi ích công cộng trong việc cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn dịch vụ, nhà mạng theo nhu cầu, điều kiện thực tế. Việc công bố số liệu cũng hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chia sẻ cho các cơ quan quản lý thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây), các địa phương chủ động theo dõi, đánh giá.

Đối với các doanh nghiệp viễn thông, số liệu công bố tới cấp xã/phường tạo thêm sự cạnh tranh, giúp doanh nghiệp có kế hoạch tối ưu để nâng cao chất lượng dịch vụ. Địa chỉ IP là địa chỉ mạng của thiết bị, máy chủ, bao gồm thế hệ địa chỉ IPv4 và IPv6. Hiện Việt Nam đã có khoảng 16,4 triệu địa chỉ IPv4, đứng thứ hai trong ASEAN, thứ tám châu Á và 27 toàn cầu; có gần 33 nghìn địa chỉ IPv6 với tỷ lệ tăng trưởng 13,5%/năm.

Khi bắt đầu kết nối internet thế giới, Việt Nam chỉ có một mạng thì đến nay đã tăng trưởng lên tới 1.148 mạng có IP và ASN độc lập kết nối với nhau. Việc đăng ký sử dụng địa chỉ IP, ASN độc lập giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng kết nối đa hướng, không phụ thuộc, chủ động kết nối với nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, kết nối tới Trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX), góp phần phát triển internet Việt Nam “lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn”.

Hoạt động của tài nguyên internet, mạng internet Việt Nam cũng được bảo đảm an toàn, tin cậy thông qua thúc đẩy sử dụng các công nghệ xác thực (RKPI, DNSSEC). Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia đi đầu thế giới về triển khai thế hệ địa chỉ IPv6, ứng dụng công nghệ xác thực định tuyến, bảo đảm an toàn từ gốc hoạt động mạng, dịch vụ internet.

Xây dựng sự hiện diện trực tuyến

Ngày 14/4/1994, tên miền “.vn” chính thức được sử dụng, đánh dấu thương hiệu và chủ quyền quốc gia Việt Nam trên bản đồ internet thế giới. Sau 30 năm phát triển, tên miền quốc gia “.vn” không chỉ đại diện cho bản sắc quốc gia trên không gian mạng, mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa chính phủ và người dân,… qua đó mở rộng cơ hội, tăng cường sự tương tác trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hiện tại chúng ta đã có khoảng 630 nghìn tên miền “.vn”.

Sự phát triển kinh tế số, xã hội số không thể tách rời khỏi hiện diện trực tuyến. Theo đó, để hiện diện trên internet, các cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp cần một website và tên miền. Ở các nước phát triển, phần lớn doanh nghiệp, thậm chí cả các doanh nghiệp siêu nhỏ đều có sự hiện diện trên internet với website sử dụng tên miền quốc gia (trung bình châu Âu đạt 75%, riêng ở Đức đạt tới 95%). Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có website sử dụng tên miền quốc gia còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 25%.

Theo các chuyên gia, tên miền quốc gia “.vn” gắn với website là phương tiện, yếu tố then chốt để các doanh nghiệp xây dựng sự hiện diện trực tuyến với chi phí hợp lý, nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước. Tên miền “.vn” mang lại sự tin cậy cho người dùng, nhất là đối với các giao dịch thương mại điện tử, được quản lý và bảo hộ bởi pháp luật Việt Nam. Các thông tin trực tuyến sẽ trở nên tin cậy, an toàn hơn khi sử dụng các dịch vụ số gắn liền với tên miền quốc gia “.vn”, được xác định danh tính chủ thể đăng ký rõ ràng, minh bạch. Việc sử dụng tên miền “.vn” còn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia trên thị trường toàn cầu.

Kỷ nguyên thông minh với sự phát triển, ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới (IPv6, 5G/6G, AI, cloud, Block chain,…) đã dẫn đến bùng nổ thiết bị kết nối, truyền tải dữ liệu tốc độ cao mọi lúc, mọi nơi trong các hoạt động sản xuất, đời sống, làm việc, giải trí. Đặc trưng của các công nghệ này là quy mô lớn, kết nối linh hoạt, tốc độ cao, độ trễ thấp, tối ưu hóa dữ liệu, bảo mật và minh bạch, mở ra giai đoạn phát triển tiếp theo trở thành internet vạn vật IoT.

Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng cho rằng, tài nguyên internet, hạ tầng và các hệ thống lõi quan trọng của internet Việt Nam cần phát triển, thay đổi phù hợp, làm nền tảng gốc đáp ứng sự bùng nổ mạnh mẽ của các công nghệ, dịch vụ internet mới. Để sẵn sàng cho tương lai an toàn, bền vững của internet Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt công nghệ mới của tương lai, khai phá thị trường dịch vụ mới còn rất “màu mỡ”.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan