KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 30/01/2015 - Lượt xem: 146
Phía sau cổng trời

Ở quán rượu của người đàn bà Mông cuối phố Đồng Văn, giữa thâm u của núi rừng nơi cực bắc của Tổ quốc, cái rét tê người của trời đêm và cái thất thường, đỏng đảnh của thời tiết ở độ cao 1.600mét so với mặt nước biển, tôi đã gặp cậu bé Vàng Chí Tuyển. Tuyển là người dân tộc Lô Lô ở bản Tả Giao Khâu địa đầu Tổ quốc, đang học lớp 8 trường phổ thông nội trú huyện. Tuy Tuyển chưa nói thật sõi tiếng phổ thông, nhưng trong câu chuyện của em, chúng tôi đã hiểu thêm được về mảnh đất và con người nơi đây, mà trong đó, có nhiều điều khác hẳn những tưởng tượng của tôi khi đọc cuốn sách viết về Hà Giang thủ trong người lúc bắt đầu cuộc ngược bắc...

Đồng chí Tạ Hồng Quảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng 185 Hà Giang

Sự tiếp đón nồng hậu và trọng thị của Hội VHNT Hà Giang đã tiếp thêm sức mạnh cho đoàn chúng tôi, quá nửa là những người vượt qua lứa tuổi “tri thiên mệnh”, khiến cho những hao tổn về sức khoẻ sau chặng đường hơn bốn trăm cây số tan biến. Dù được cảnh báo về một lộ trình với nguy nan rình rập nhưng chúng tôi vẫn hăm hở lên xe, đi tiếp để đến với cao nguyên đá hùng vĩ. Thì đây, ra khỏi thị xã Hà Giang là bắt gặp ngay biểu trưng về vùng sơn cước, như trong văn, trong thơ, như mô tả của người từng trải gót sơn khê: nào là cọn nước ngày đêm mịêt mài những vòng quay chậm rãi, nào là những cô gái Mán với chiếc quẩy tấu trên lưng vắt vẻo lưng chừng dốc, những đôi vợ chồng dìu nhau trong chếnh choáng men rượu ngô, những cô bé, cậu bé ngơ ngác bên cửa sổ, đau đáu thả hồn viễn du theo từng chuyến xe qua... Chỉ khi xe qua cổng trời Quản Bạ, thì những mơ mộng của tôi mới giật mình trở về thực tại. Câu hát còn vọng bên tai “chiều nay mây bay dưới chân đèo như đưa ta về trời” bỗng nghe rờn rợn. Bởi vì, ngay chân chúng tôi lúc ấy là mây bay vi vút, bên kia là vực thẳm còn bên này là ta-luy sừng sững. Thăm thẳm con dốc phía trước làm nhiều người trong đoàn nhắm nghiền mắt. Còn ngay nương đá bên cạnh, cô sơn nữ bé nhỏ vẫn dang miệt mài gom từng nhúm đất cho vào quẩy tấu, gùi về bỏ vào hốc đá tai mèo; những chàng trai cần mẫn lách chiếc cày ngắn tũn gập ghềnh luồn qua khe đá. Trời mùa xuân, những cơn mưa bụi lay phay không làm ướt áo ai nhưng lại mang theo cái giá lạnh ghê người, ấy vậy mà trên lưng áo chàm, tôi vẫn tthấy khoảng đẫm mồ hôi. ở rẻo đá tai bèo kia, ngày mai sẽ là nương ngô với bắp ngô vàng óng ả được lớn lên bằng khí trời hanh hao và những giọt mồ hôi mặn đắng. Thiếu vắng những con người đang lầm lũi làm việc kia, không hiểu có còn ai nghĩ đến một cao nguyên đá hùng vĩ và bí ẩn, nên thơ và huyền thoại này không...

Thể theo yêu cầu của đoàn chúng tôi là được đi nhiều nơi nhất, với quỹ thời gian ngắn nhất, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Ninh- Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang đã dẫn chúng tôi đi theo một cung đường vòng thúng, từ Quản Bạ qua Yên Minh, đến Mèo Vạc rồi về Đồng Văn. Đoạn cuối cung quốc lộ 4C, chúng tôi được dừng lại ở con dốc Mã Pì Lèng “thiên hạ đệ nhất hùng quan” của đất nước. Con dốc có tên bản địa được hiểu theo nghĩa phổ thông là “mũi sống ngựa” hay còn được gọi khác đi là dốc “Phì Phò” này có độ cao 1.800mét so với mặt nước biển với những khúc cua tay áo khiến nhiều người trong xe rợn tóc gáy. Mây rập rờn dưới bánh xe của anh chàng tài xế với nhịp lắc điệu đàng của vòng vô- lăng, mây rậm rịt dưới thung lũng mà sâu thẳm ở đó, ẩn hiện dòng Nho Quế ngày đêm miệt mài lặng lẽ về hướng xuôi. Quả thật, có qua Mã Pì Lèng mới thấy được sự kỳ vĩ của tạo hoá và cảm phục sự lớn lao của ý chí, sự đoàn kết của con người. Con đường “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” mang tên “Đường Hạnh Phúc” này được tạo bởi sức lực của hơn 3.000 thanh niên các tỉnh Cao- Bắc- Lạng- Hà Tuyên- Thái và nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ suốt từ tháng 9 năm 1959 đến tận tháng 3 năm 1965. Còn riêng con đèo qua đỉnh Mã Pì Lèng thanh niên đã phải treo mình đục đá suốt 11 tháng ròng. Trong sự hùng vĩ của núi rừng và thâm u của mây trắng, tôi nghe đâu đây như vẳng lên tiếng vọng của anh linh người làm đường xưa rơi xuống vực, nhắc nhở chúng ta về sự hy sinh cho non sông cẩm tú hôm nay .

Vượt qua Tây Côn Lĩnh, vượt qua cả nỗi lo sợ mơ hồ không ai dám nói, chúng tôi đến Đồng Văn và rời Đồng Văn. Con phố cổ, thực ra là một xóm núi với nền văn hoá bản địa pha chút tín ngưỡng Trung Hoa, nhỏ và thâm u, chỉ còn đọng lại trong tôi thấp thoáng kỷ niệm. Một buổi tối trong sự đỏng đảnh của thời tiết với cơn mưa đá chợt đến chợt đi, một quán rượu cay nồng khói bếp của người đàn bà Mông nhỏ bé, một chợ phiên buổi sớm với nụ cười tinh khôi sơn cước nở trên khuôn mặt thiếu nữ vốn ngàn năm khắc khổ và nhẫn nhịn. “Kìa em xiêm áo tự bao giờ!”- tôi lẩm nhẩm mãi câu thơ khi ngắm nhìn sặc sỡ xống áo “Kinh dọc, Tày ngang, Cao Lan bắt chéo” như thuyết minh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Ninh vui tính. Đích đến của húng tôi là điểm chóp của Tổ quốc, giờ đây chỉ còn cách đó có 25 cây số đường núi. Nói là hăm nhăm cây cho ra vẻ gần, chứ với “con xe” 15 chỗ ngồi của chúng tôi, mất đến gần hai tiếng đồng hồ. Qua hun hút cơn mưa rừng, mịt mù sương núi và gập ghềnh chặng đường đang sửa, cuối cùng, Lũng Cú đã ở ngay trước mặt chúng tôi. Thì đây, địa đầu Tổ quốc, cái điểm nhỏ xíu trên tấm bản đồ Việt Nam mà suốt thời đi học, tôi đã được nhìn, được học và thậm chí là cặm cụi vẽ trong giờ địa lý. Đứng ở mỏm núi này, khoả chân sang bên kia cột mốc chủ quyền của đất nước, tôi chợt cảm thấy cái thiêng liêng biên thổ quốc gia, cái lằn ranh giới mỏng manh đến mơ hồ mà lại bền vững muôn đời. Biên giới đâu phải là những con sông con suối, đâu phải là dãy núi, cột mốc, nó là ở tấm lòng của mỗi con người hướng về đất mẹ của mình. Cái bản nhỏ xíu Tả Giao Khâu dưới kia sẽ chẳng phải là bản của đất Việt nếu những con người dưới đó không một lòng hướng về Tổ quốc. Miền phên dậu của Tổ quốc, theo nghĩa đen của nó, với những dãy núi điệp trùng, dẫu có cao đến đâu sẽ chẳng là gì cả. Miền đất này chỉ là cương vực phên dậu của đất nước khi có những con người mà tổ tiên xa xưa của họ, trên đường thiên di, đã chọn đất này là nơi dựng nghiệp, hoà vào chung một dòng huyết thống con Lạc cháu Hồng trong 54 dân tộc anh em.

*

Có lẽ, chuyến tham quan thực tế mang nhiều vẻ phiêu du vào miền đất hùng vĩ với những người con của núi chân chất mà khoáng đạt đã làm tâm trí của nhiều người trong chúng tôi thêm hào sảng. Khi đến thăm nhà Vương- nhà của dòng họ trước đây được gọi là “vua Mèo”, chúng tôi tạt qua chợ Sà Phìn. Thoáng một chút ngạc nhiên khi thấy quán chợ thông thênh với hai dãy bàn cáu đen đầy người ngất ngư bên bát rượu ngô, rồi chúng tôi cũng sà xuống. Cũng rượu ngô sóng sánh uống bằng bát, cũng thắng cố nghi ngút, chúng tôi làm “Việt ba lô” ở xứ sở của vua Mèo Vương Chí Sìn. Dường như uy quyền của “Vương” vẫn đang còn hiển hiện trong quần thể kiến trúc mang phong cách Mãn Thanh sau đám sa mộc kia thì phải, dường như con đường buôn thuốc phiện xuyên á vẫn còn đó trên vách núi tai mèo kia thì phải... Trong nghìn năm mây trăngd phiêu du trên đầu, trong nhộn nhạo cuộc sống trần gian, thật khó có giây phút nào hào sảng như thế...
Hình ảnh cành lê khẳng khiu với những bô hoa trắng tinh khôi bên mái nhà lợp ngói âm dương ngả màu thời gian xám xịt và khoảng tường trình đất âm thầm bên sườn núi đã ngấm sâu vào tâm trí nhiều người khi qua nơi này. Cành lê ấy, mái nhà ấy, trong vài khoảnh khắc nắng vàng qua khe núi quyện với hư ảo của sương khói đẹp đến huyền hoặc. Buổi tối trước khi rời Đồng Văn, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Ninh nói chuyện rằng, hàng năm Hội VHNT Hà Giang phải tiếp đến hàng chục đoàn khách từ các tỉnh khác đến tham quan vùng đất này. Tôi nói đùa “Cũng tại các nhà văn của Hà Giang yêu quê của mình quá mà khuyếch trương vẻ đẹp của núi rừng lên đấy thôi!”. Thực ra thì bản thân miền cao nguyên đá biên ải này đã là cả một bức tranh sơn thuỷ hùng vĩ mà uyển nhã. Thiên nhiên kỳ thú hoang sơ và lệ tục cổ của người bản địa trong các chợ phiên, trong hội xuân đang là sức hút lớn đối với du khách.

*

Trước khi rời miền đá, tôi đã ngồi hàng giờ bên cạnh cột mốc dựng bằng đá hoa cương, khắc bằng ba thứ tiếng: Anh, Trung và Việt dòng chữ “Hà Giang 0km” và ngắm núi Cấm sừng sững giữa thị xã. Cách cốt chuẩn quốc gia 104,499 mét so với mặt nước biển ấy vài bước chân là dòng Lô giang huyền thoại, một trong những nguồn cội của sông Hồng. Chiều đó, chúng tôi thả bộ theo mép nước, dưới chân lạo xạo đá sỏi, cát vàng. Bất chợt anh bạn tôi vục mặt xuống dòng sông nếm vị của đầu nguồn, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Còn tôi chợt bừng lên mơ mộng của thời hái hoa bắt bướm, bừng lên mơ mộng học trò, bứt một nhành hoa dại thả vào dòng chảy và thầm mong ước, nó trôi về xuôi, nơi có người vợ bé nhỏ của tôi đang ngóng tôi trở về.

 Con đường Hạnh Phúc đoạn đi qua thị trấn Đồng Văn hôm nay

Đêm nay, trong xóm nhỏ nồng nàn hương hoa nhãn, vẳng nghe xa tít ngoài kia, sóng sông Hồng rì rầm vỗ bờ, tôi lại cồn cào nhớ về miền biên viễn, nhớ về cao nguyên đá phía sau cổng trời, nhớ về tiếng kèn lá da diết một đêm trăng.
Không biết giờ này dòng Lô đã khoả lấp dấu chân tôi trên cát hay chưa?

          A MA MINH

 

Tin liên quan